Đức tin chân chính

Chuyện kể về những cuộc đàm đạo giữa hai thầy trò, đúng hơn là những lời giáo huấn của thầy với trò về sự cầu nguyện. Xin mời…

160313anhsang

Dicdok hát rống lên:

Nếu tôi gặp Người chiều năm xưa trên đồi ấy, chết trên thập hình vì yêu thương nhân loại tội lỗi. Như tên trộm cưới chẳng ai thương nhìn tới, nếu tôi gặp Người thì xin hỏi tôi còn tin nữa không?. Tôi vẫn cứ tin luôn, tin rằng Người luôn thương tôi. Tôi vẫn cứ tin luôn, cho dù gặp bao gian nguyyyyyyyyyyyyyyyyyy”.

Thầy mỉm cười bảo:

Này Dicdok! Có gì phấn khởi mà con hát ong ỏng vậy? Bây giờ sư phụ hiểu vì sao khi người Do thái hỏi ông Gioan Tẩy giả: “Ông là ai”, ông trả lời: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa”… Hát hỏng kiểu con thiên hạ trốn hết, thế giới này sẽ như hoang địa thôi. Mà con có hiểu những lời bài hát này không? Bây giờ nhìn lên thập giá, con đâu thấy đó như là cái chết của “tên trộm cướp”, nhưng là Con Thiên Chúa chết để chuộc tội con, ban cho con sự sống và muôn ơn lành khác. Con tin, vì Người đã “dọn sẵn mọi sự” cho con, nhưng lời bài hát đặt con vào hoàn cảnh, nếu Người “như đã chết” nghĩa là, chẳng đáp ứng cho những khát khao, ước nguyện của con, đang khi con lâm vào hoàn cảnh tang thương cần Người cứu độ, thì “xin hỏi con còn tin nữa khôngggggggggggg?”. Khà! Khà! Giọng ta vẫn còn tốt chứ hả?

Này Dicdok! Con tin vào Chúa vì điều đó “có lợi” cho con. Điều này đúng, chẳng lẽ ta tin vào một Đấng chả đem lại lợi ích gì cho ta? Nhưng con đừng quá thực dụng và ích kỷ, quy mọi sự về mình và đòi hỏi Chúa phải luôn đáp ứng cho những yêu sách của con như một điều kiện để tin. Vì nếu vậy, chỉ cần một lần Chúa không đáp ứng cho những nhu cầu, dù thoạt nhìn những nhu cầu ấy có vẻ chính đáng, thì con sẽ sẵn sàng không tin vào Chúa nữa. Thứ đức tin ấy chỉ là một hợp đồng, một sự sự trục lợi, một thứ đức tin có điều kiện, không phải là đức tin chân chính.

Đức tin chân chính là sự tin nhận Chúa cao cả đáng tôn thờ, còn ta phải vâng phục tuyệt đối trước ý định, kế hoạch, và lịnh truyền của Chúa. Điều này rất khó chấp nhận, vì theo quán tính bản năng, ít khi nào ta dám phiêu lưu “cứ đi rồi sẽ biết”, nhưng “đòi biết rồi mới đi”. Thứ bản năng sinh tồn và tự vệ ấy có ích cho đời sống, nhưng lại là một cản trở cho đức tin. Nghe ta trích đọc cho con đoạn thư Do thái: “Nhờ đức tin, ông Ápbraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu”. Nhờ đức tin, cả bà Xara vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dõi vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Ápbraham đã hiến tế Isaac, dù đã nhận được lời hứa (dòng dõi ngươi đông như sao trên trời, như cát ngoài biển), ông vẫn hiến tế người con một. Tất cả các ngài đã chết lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng những điều Chúa hứa, nhưng từ xa các ngài đã thấy và đã đón chào các điều ấy” (11, 8-17).

Này Dicdok! Con để ý suy gẫm những điều này. Đó là thái độ của đức tin chân chính, là cắt đứt với quá khứ quen thuộc, với những tiêu chuẩn, lối nghĩ, quan niệm, những cách đánh giá, những nếp sống, tập tục, thói quen, những người thân, những kỷ niệm, những ưa thích, những tương quan, tài sản và ngay cả với niềm tin xưa cũ nữa… nghĩa là cắt đứt những khuynh hướng tạo nên sự ổn định, êm đềm, tiện nghi, những gì ta nắm được trong tay, ta luôn có những giải pháp, ta làm chủ tình hình… để mạnh dạn lên đường bước vào một tương lai bất định: “Không biết mình đi đâu và sẽ đến đâu”, chỉ dựa vào lời hứa của Chúa và tin Chúa là Đấng trung tín. Đức tin đúng nghĩa thật là một cuộc phiêu lưu đầy can đảm.

“Cứ đi đến nơi chỉ có Chúa biết và sẽ chỉ cho sau”. Đó là thử thách đặc thù, là cốt lõi của đức tin. Đức tin không cho biết đích điểm của cuộc hành trình, nó che khuất những gì xảy ra cho đến phút cuối. Hoạt động đức tin dựa trên sự tín thác. Nó bắt người ta phải đợi trông, như thư Dt 11,1: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”. Việc của ta là phải “ra khỏi và lên đường”. Đừng thắc mắc hỏi han, đừng lý luận mong có lời giải thích hoặc tìm một bảo đảm nào khác, đừng quan tâm khi nào đạt đích. Từng chặng, từng chặng, Chúa sẽ dẫn ta trên những lối mà ta không thể đoán định được.

Quyết định của đức tin khi ấy là một điều khó hiểu đối với tâm trí con người và liều lĩnh trước những cảnh báo của tính tự nhiên. Bản năng sinh tồn muốn có những bảo đảm vững chắc, những hoạch định minh bạch, những mối lợi rõ ràng, có lộ trình chi tiết với những tiên liệu, thời gian di chuyển, đích đến rõ ràng… để suy xét, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định. Ápbraham lại khác, ông cảm thấy vững tâm trước hành trình kỳ lạ này, đã vượt qua những nghi vấn, cứ ra đi, cứ tiến hành, cứ vâng phục tín thác, vì thế ông được gọi là cha những kẻ tin (Dt 11, 8).

Dường như Thiên Chúa thích lối hành xử này với con người, chứ không riêng gì với Ápbraham. Người yêu cầu các tôi tớ Người thi hành những sứ mạng quan trọng với những chỉ dẫn rất sơ sài, như ngôn sứ Samuel trước khi xức dầu cho Davit, đã phải dùng hết tâm trí để đoán định ý Chúa qua những tiêu chuẩn của con người, nhưng bảy lần tiên đoán ông đều sai, cho đến khi được Chúa chỉ cho biết kẻ được chọn; như Gioan Tẩy giả có sứ mạng tiền hô cho Đấng Mêsia sẽ đến. Ông thú nhận đã không biết người là ai cho đến khi được tỏ cho biết dấu chỉ “chim bồ câu và tiếng tự trời” (Ga 1, 31); như Phaolô bị quật ngã trên đường Đamát đã nhận chỉ thị từ Đức Giêsu một cách mơ hồ: “Cứ vào thành, sẽ có người đến nói” (Cv 9, 6).

Con thấy đấy Dicdok! Thái độ của đức tin là sẵn sàng, là cứ đi, sẽ được chỉ cho biết thêm, đừng thắc mắc hỏi han. Thử thách đức tin, cốt lõi đức tin và định nghĩa của đức tin là cứ xây dựng một đời sống chỉ dựa vào lời Chúa, tiến vào miền đất lạ, phó liều tương lai mà không đòi một sự chắc chắc, bảo đảm, rõ ràng nào. Tự thâm tâm, ta nhận được lệnh truyền của Chúa và chỉ biết một sức mạnh từ Chúa giúpta cương quyết bỏ lại thế giới cũ để lên đường.

Hành vi đức tin như thế là sự công nhận Thiên Chúa là Chúa tể tuyệt đối của cuộc sống và lịch sử. Con hãy tin Chúa thành tín và phó thác cho Người quyền muốn biết mình sẽ đi về đâu, sống thế nào, tương lai ra sao hay những đặc quyền khác, khi đó con tìm gặp trong sức mạnh của Lời Chúa hơn mọi chương trình, kế hoạch của con. Trong đức tin phải có sự đồng thuận, tín thác và giao phó. Nếu công trạng của đức tin là việc tiến bước vào chốn vô định, thì phần thưởng của nó là lời hứa của Chúa. Đó là sức mạnh, là mục đích để tiến bước bất chấp mọi gian nguy.

Này Dicdok! Khi con ra đời, con không được lựa chọn và hỏi ý kiến, nhưng con được mời gọi tiến bước theo lời Chúa với ý thức và tự do; với tâm hồn vui tươi tin tưởng một khi con biết đời sống sẽ đi về đâu và do ai hướng dẫn. Hàng năm những tu sỹ như con tuyên lại lời khấn. Đó là việc làm tăng thêm ý thức về những cam kết với Chúa mà họ đã kinh nghiệm rằng, sự trung tín của họ được ân sủng và lòng thành tín của Chúa bảo bọc, giúp họ tiến sâu vào mầu nhiệm đức tin, chỉ nắm chắc lời hứa của Chúa và nhất tâm vâng theo tiếng Chúa gọi.

Lời mời gọi đức tin không phải một lần là vĩnh viễn, nhưng luôn nhắc nhớ và mỗi ngày một đòi hỏi hơn. Từ lời gọi chung chung trở nên cụ thể hơn trong mỗi biến cố hàng ngày của đời sống, trong những lựa chọn, nhưng quyết định quan trọng đưa con ngày càng gần đích hơn. Như đức tin Ápraham bị thử thách nhiều lần cho đến khi vững mạnh: ông phải tin sẽ có con với Sara, dù lòng dạ bà đã khô héo; tin Chúa sẽ cho dòng dõi ông đông như sao, như cát dù bây giờ phải hiến tế đứa con một Chúa ban. Những tiếng gọi của đức tin dù lớn hay nhỏ đều là những cơ hội quyết định cho cuộc đời ngang qua những thăng trầm của đời sống. Nhưng thật ra chúng là những chuỗi ơn thánh. Mỗi ngày là một lời mời gọi đức tin, một ngạc nhiên thú vị hay một thách đố, để sống kinh nghiệm tín thác vào Chúa, để nhớ lại lịnh truyền và các lời hứa của Chúa, để mau chóng ra đi và lên đường…

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube