Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích lý do tại sao phụ nữ lại không thể được truyền chức Linh mục

Đức Thánh Cha Phanxicô được các Nữ tu chào đón trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô năm 2019 (Ảnh: Alberto Pizzoli)

Đức Thánh Cha Phanxicô được các Nữ tu chào đón trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô năm 2019 (Ảnh: Alberto Pizzoli)

Trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên tạp chí America hôm 28 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố dứt khoát rằng phụ nữ không thể được truyền chức Linh mục nhưng đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của họ trong đời sống của Giáo hội.

“Nhiều phụ nữ cảm thấy đau đớn vì không được truyền chức linh mục. Đức Thánh Cha sẽ nói gì với một phụ nữ đã phục vụ trong đời sống của Giáo hội nhưng vẫn cảm thấy được mời gọi trở thành Linh mục?”, theo Kerry Webber, Giám đốc điều hành biên tập viên của tạp chí hàng tháng được xuất bản bởi các Tu sĩ Dòng Tên của Hoa Kỳ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố rõ ràng về vấn đề truyền chức Linh mục cho phụ nữ:

“Và tại sao một phụ nữ không thể tham gia thánh chức? Đó là bởi vì nguyên lý Phêrô không có chỗ cho điều đó”, Đức Thánh Cha nói.

“Chiều kích thừa tác vụ, chúng ta có thể nói, là chiều kích về Giáo hội Phêrô. Tôi đang sử dụng phạm trù của các nhà thần học. Nguyên lý Phêrô là nguyên lý thừa tác vụ”, Đức Thánh Cha nói.

Một nền thần học về ‘nguyên lý Maria’

Đức Thánh Cha giải thích rằng có một phương pháp “thần học” khác trong đó phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống Giáo hội.

Phẩm giá của phụ nữ phản ánh bản chất hiền thê của Giáo hội, điều mà ngài gọi là “nguyên lý Maria”.

“Đường hướng không chỉ là thừa tác vụ thánh chức. Giáo hội là một người nữ. Giáo Hội là một vị hiền thê. Chúng ta đã không triển khai một nền thần học về phụ nữ phản ánh điều này”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

 “Nguyên lý Phêrô là nguyên lý về thừa tác vụ. Nhưng có một nguyên lý khác còn quan trọng hơn, mà chúng ta không nói đến, đó là nguyên lý Maria, vốn là nguyên lý về nữ tính (femineidad) trong Giáo hội, về người phụ nữ trong Giáo hội, nơi Giáo hội nhìn thấy sự phản chiếu của chính mình bởi vì Giáo hội là một người nữ và một hiền thê”.

 “Một Giáo hội chỉ có nguyên lý Phêrô sẽ là một Giáo hội mà người ta sẽ nghĩ rằng nó bị thu hẹp vào chiều kích thừa tác vụ, và không có gì hơn nữa. Nhưng Giáo hội không chỉ là một thừa tác vụ. Đó là toàn thể Dân Chúa. Giáo hội là một người nữ. Giáo Hội là hiền thê. Do đó, phẩm giá của phụ nữ được phản ánh theo cách này”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng nền thần học về nguyên lý Maria cần được phát triển hơn nữa.

“Đây là một lời giải thích ngắn gọn, nhưng tôi muốn làm nổi bật hai nguyên tắc thần học: nguyên lý Phêrô và nguyên lý Maria vốn hình thành nên Giáo hội. Vì vậy, việc người phụ nữ không bước vào đời sống thánh chức không phải là một sự tước đoạt. Không phải vậy. Vị thế của người phụ nữ là điều quan trọng hơn nhiều và là điều mà chúng ta chưa triển khai, đó là Giáo lý về phụ nữ theo nguyên lý Maria”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Cách thức thứ ba: cách thức quản trị

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng ngoài các nguyên lý Phêrô và nguyên lý Maria, còn có một chức năng khác trong Nhiệm thể Chúa Kitô đặc biệt phù hợp với phụ nữ: “cách thức quản trị”.

“Có một cách thức thứ ba: ‘cách thức quản trị’. Cách thức thừa tác vụ, cách thức Giáo hội, chúng ta có thể nói có đặc tính Maria, và cách thức hành chính, không phải là cách thức mang tính thần học, đó là một điều gì đó về công việc quản lý thông thường. Và, về khía cạnh này, tôi tin rằng chúng ta phải dành nhiều không gian hơn cho phụ nữ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Kế đến, Đức Thánh Cha đã đề cập đến những người phụ nữ mà ngài đã bổ nhiệm, đồng thời lưu ý rằng phụ nữ thường làm công việc quản lý mọi thứ “tốt hơn”.

“Ở đây, tại Vatican, những vị trí mà chúng tôi bổ nhiệm phụ nữ đang hoạt động tốt hơn. Ví dụ, trong Hội đồng Kinh tế, trong đó có 6 Hồng y và 6 giáo dân. Cách đây 2 năm, tôi đã bổ nhiệm 5 phụ nữ trong số 6 giáo dân, và đó là một cuộc cách mạng. Tổng Thư ký Phủ Thống đốc thành Vatican là một phụ nữ. Khi một người phụ nữ tham gia chính trị hoặc quản lý mọi thứ, nhìn chung họ sẽ làm tốt hơn. Nhiều nhà kinh tế là phụ nữ đang đổi mới nền kinh tế theo hướng kiến tạo”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ hai giai thoại về cái mà ngài gọi là “chiếc mũi” (khứu giác) của người phụ nữ, những người đã thể hiện mình là những nhà đánh giá sắc sảo về tính cách trong việc đánh giá các ứng viên cho thiên chức Linh mục.

“Phụ nữ là một người mẹ và nhìn thấy mầu nhiệm Giáo hội rõ ràng hơn đàn ông chúng ta. Vì lý do này, lời khuyên của một người phụ nữ là vô cùng quan trọng, và quyết định của một người phụ nữ sẽ tốt hơn”, Đức Thánh Cha nói.

Vấn đề truyền chức cho phụ nữ và Thượng Hội đồng về Hiệp hành

Trước thềm Thượng Hội đồng về Hiệp hành vào năm tới, các tham dự viên tham gia Con đường Công nghị của Giáo hội Công giáo Đức đã bỏ phiếu phê chuẩn văn bản kêu gọi truyền chức Linh mục cho phụ nữ.

Tài liệu, có tiêu đề “Phụ nữ trong các thừa tác vụ và các chức vụ trong Giáo hội”, cho biết: “Không phải sự tham gia của phụ nữ trong tất cả các thừa tác vụ và chức vụ của Giáo hội là điều cần được biện minh, mà là việc loại trừ phụ nữ khỏi tác vụ Bí tích”.

Sau đó vào tháng 9, một tài liệu về vấn đề tính dục đã bị phản đối sát nút sau khi không nhận được sự ủng hộ của 2/3 Giám mục Đức. Tài liệu đó kêu gọi thay đổi Giáo huấn của Giáo hội về vấn đề đồng tính luyến ái, song tính luyến ái, bản dạng giới và thủ dâm.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần công khai bày tỏ sự bận tâm của ngài về Con đường Công nghị của Đức, và tuyên bố rõ ràng của ngài về lập trường của Giáo hội đối với việc truyền chức cho phụ nữ sau cuộc họp Ad limina vào ngày 17 tháng 11 với các Giám mục Đức về tiến trình công nghị gây tranh cãi của họ.

Sau cuộc họp đó, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Đức Giám mục Georg Bätzing, đã phát biểu với các nhà báo rằng họ không có ý định rời bỏ Giáo hội Công giáo. Thay vào đó, Đức Cha Bätzing nói, những người ủng hộ Con đường Công nghị muốn tiếp tục là người Công giáo, “nhưng chúng tôi muốn là những người Công giáo theo một cách thức khác”.

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Năm tuần trước, Vatican đã công bố những quan ngại do hai vị Hồng y hàng đầu nêu ra khi gặp gỡ các Giám mục Đức.

Sự bận tâm chính yếu là sự quan tâm về sự hiệp nhất với Giáo hội, Đức Hồng y Marc Ouellet, Tổng Trưởng Bộ Giám mục, giải thích.

“Một số nhà phê bình có thẩm quyền về định hướng hiện tại của Con đường Công nghị ở Đức nói một cách cởi mở về một sự ly giáo tiềm ẩn mà đề xuất về các văn bản của quý vị có nguy cơ bám chặt vào hình thức hiện tại của nó”, Đức Hồng y Ouellet viết.

Con đường Công nghị – vốn không phải là một Thượng Hội đồng – có nguy cơ không đạt được những đổi mới mục vụ mà là nỗ lực “thay đổi Giáo hội”, Đức Hồng y Ouellet cảnh báo trong tuyên bố của mình, được xuất bản bằng tiếng Đức bởi CNA Deutsch.

Đức Hồng y Ouellet cho biết những gợi ý của Con đường Công nghị “làm tổn thương sự hiệp thông của Giáo hội”, gieo rắc “sự nghi ngờ và sự hỗn loạn trong dân Chúa”.

Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã nêu lên 5 mối quan ngại đối với các Giám mục Đức, bao gồm cách tiếp cận của Con đường Công nghị đối với vấn đề tính dục, thẩm quyền và cơ cấu trong Giáo hội, và việc truyền chức Linh mục cho phụ nữ.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube