Đức Phanxicô: ‘Thái độ giả hình trong Giáo hội là điều đặc biệt đáng ghê tởm’

Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hội trường Paul VI tại Vatican, ngày 25 tháng 8 năm 2021 (Ảnh: Daniel Ibáñez / CNA)

Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hội trường Phaolô VI tại Vatican, ngày 25 tháng 8 năm 2021 (Ảnh: Daniel Ibáñez / CNA)

Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng thái độ giả hình trong Giáo hội là điều “đặc biệt đáng ghê tởm”.

Phát biểu tại buổi tiếp kiến chung tại Hội trường Phaolô VI tại Vatican vào ngày 25 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng hành vi giả hình đã phá vỡ tinh thần hiệp nhất của Giáo hội.

“Thói giả hình trong Giáo hội là điều đặc biệt đáng ghê tởm, và tiếc là trong Giáo hội lại tồn tại hành vi giả hình này, và có rất nhiều Kitô hữu và kể cả các giáo sĩ đạo đức giả. Chúng ta đừng bao giờ quên Lời Chúa: “Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, trích dẫn Mt 5:37.

“Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta hãy cùng nhau suy tư về thói giả hình mà Thánh Phao-lô lên án, và Chúa Giêsu cũng đã lên án: thói giả hình. Và chúng ta đừng sợ nói về chân lý, nói lên sự thật, lắng nghe sự thật, và tuân theo sự thật, để chúng ta có thể yêu thương. Kẻ đạo đức giả không hề biết yêu thương”.

“Hành động trái ngược lại với điều này đồng nghĩa với việc gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất của Giáo hội, sự hiệp nhất mà chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện”.

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

Bài phát biểu chia sẻ được phát trực tiếp của Đức Thánh Cha, dành riêng về chủ đề “Những nguy cơ của Lề luật”, là bài phát biểu thứ sáu trong loạt bài chia sẻ Giáo lý của ngài về Thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi các tín hữu Galát.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về Galát 2: 11-14, trong đó Phaolô kể lại rằng ông đã khiển trách Phêrô vì đã không còn dùng bữa với dân ngoại vì sợ xung đột với các Kitô hữu Do Thái nghiêm khắc, những người nhấn mạnh rằng người Do Thái bị cấm không được ăn uống cùng với những người ngoài Do Thái theo luật Môsê.

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

 “Đầu tiên, Phêrô đã dùng bữa với các Kitô hữu có nguồn gốc ngoại giáo mà không gặp khó khăn gì; tuy nhiên, khi một số Kitô hữu đã cắt bì từ Giêrusalem đến thành phố, Phêrô không còn làm như vậy nữa, vì ông không muốn hứng chịu những lời chỉ trích của họ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Đó là điều sai lầm: Phêrô tập trung hơn vào những lời chỉ trích, vào việc tạo ấn tượng tốt. Và điều này hết sức hệ trọng trong mắt Phaolô, bởi vì các Tông đồ khác bắt chước Phêrô, đặc biệt là Banaba, người đã cùng với Phaolô truyền giáo cho các tín hữu Ga-át”.

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

 Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng, không hề có chủ ý, Phêrô đang tạo ra “một sự chia rẽ bất công” trong cộng đoàn.

Phát biểu trước những người hành hương đang ngồi trong hội trường và tất cả đều đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng, Phaolô, về bản chất, đã cáo buộc Phêrô về hành vi giả hình.

Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý rằng thói giả hình có thể được định nghĩa là “sự sợ hãi chân lý”.

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

“Trong một môi trường mà các mối quan hệ giữa các cá nhân được tồn tại dưới ngọn cờ của chủ nghĩa hình thức, vi rút của thói giả hình dễ dàng lây lan”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng thói giả hình thường bị lên án trong Kinh Thánh. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh ví dụ của Eleazar, một người đàn ông Do Thái lớn tuổi đã từ chối cứu mạng mình bằng cách ăn thịt đã được dâng cho các vị thần ngoại giáo.

Trích dẫn từ Sách Macabê II, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng Eleazar đã từ chối vì thế hệ trẻ sẽ kết luận rằng ông đã “đi theo một tôn giáo xa lạ” và bị lầm đường lạc lối.

“Thật là một tình tiết tuyệt vời để suy ngẫm về việc tránh xa thói đạo đức giả”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Các sách Phúc Âm cũng tường thuật một số tình huống trong đó Chúa Giêsu cực lực khiển trách những người chỉ chứng tỏ vẻ bề ngoài, nhưng bên trong lại chứa đầy sự giả dối và gian ác”.

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích những người hành hương đọc Chương 23 của Phúc Âm Thánh Mátthêu và ghi nhận bao nhiêu lần Chúa Giêsu ám chỉ “những kẻ giả hình”.

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết thêm rằng những kẻ giả hình là những kẻ “giả đò, xu nịnh và lừa dối” bởi vì họ thiếu can đảm để đối mặt với sự thật.

“Vì lý do này, họ không có khả năng yêu thương thực sự – một kẻ đạo đức giả không biết cách yêu thương – họ tự giới hạn mình để sống theo chủ nghĩa vị kỷ và không có đủ sức mạnh để thể hiện lòng mình một cách minh bạch”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Có rất nhiều tình huống mà thói giả hình đang diễn ra. Nó thường được che giấu ở nơi làm việc, nơi ai đó tỏ ra thân tình với đồng nghiệp của họ, trong khi đồng thời, đâm sau lưng họ do sự cạnh tranh lẫn nhau. Trong lĩnh vực chính trị, chẳng có gì lạ khi tìm thấy những kẻ đạo đức giả, những người sống theo cách này ở nơi công cộng nhưng ở nơi riêng tư thì lại sống khác”.

Sau bài chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô, phần tóm tắt bài chia sẻ Giáo lý của Đức Thánh Cha đã được đọc bằng bảy thứ tiếng.

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

Trong lời phát biểu trước những người hành hương nói tiếng Ba Lan, Đức Thánh Cha lưu ý rằng ngày 26 tháng 8 là ngày Lễ Đức Mẹ Częstochowa, Đấng được tôn kính tại Tu viện Jasna Góra ở miền nam Ba Lan.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng vào năm 2016, nhân dịp Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Kraków, ngài đã đến kính viếng bức linh ảnh còn được gọi là Đức Mẹ Đen Częstochowa.

“Cách đây 5 năm, tôi đã có dịp cùng đứng với những người trẻ tuổi trước gương mặt đen của Đức Mẹ Częstochowa và trao phó Giáo hội tại Ba Lan và thế giới cho Mẹ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Cầu xin Đức Mẹ Częstochowa chở che phù hộ anh chị em, gia đình anh chị em và tất cả mọi công dân Ba Lan là nguồn hòa bình và mọi điều tốt đẹp. Tôi ưu ái ban phép lành cho tất cả anh chị em”.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới các vận động viên tham gia Thế vận hội Paralympic tại Nhật Bản từ ngày 24 tháng 8 đến ngày 5 tháng 9.

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

“Hôm 24/8, Paralympics đã bắt đầu tại Tokyo. Tôi gửi lời chúc mừng đến các vận động viên và tôi cảm ơn họ vì họ đã mang đến cho mọi người một bằng chứng về niềm hy vọng và lòng dũng cảm. Trên thực tế, họ cho thấy nỗ lực thể thao giúp vượt qua những khó khăn dường như không thể vượt qua như thế nào”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha cũng chào đón những người Công giáo đến từ Montegallo, một thị trấn ở miền trung nước Ý đã hứng chịu trận động đất vào ngày 24 tháng 8 năm 2016.

Ảnh: Truyền thông Vatican

Ảnh: Truyền thông Vatican

“Anh chị em thân mến, sự hiện diện của anh chị em cho tôi cơ hội hướng mọi suy nghĩ của mình đến các nạn nhân và các cộng đồng ở miền trung nước Ý, bao gồm Accumoli và Amatrice, những nơi đã phải gánh chịu những hậu quả khắc nghiệt của sự kiện địa chấn đó”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Với sự giúp đỡ cụ thể của các tổ chức, cần phải đưa ra bằng chứng về sự ‘tái sinh’ mà không để sự ngờ vực cản trở. Tôi kêu gọi tất cả mọi người tiến về phía trước với hy vọng. Hãy can đảm lên!”.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

Sau khi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đứng lên chào thăm từng Giám mục và Linh mục, trước khi được hướng dẫn xuống các bậc thềm của khán phòng.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube