Đức Phanxicô: ‘Ông tôi đã dạy tôi biết ghê tởm chiến tranh’

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư ngày 23 tháng 3 năm 2022 tại Hội trường Phaolô VI tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư ngày 23 tháng 3 năm 2022 tại Hội trường Phaolô VI tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư việc người ông cựu chiến binh của ngài đã dạy ngài kinh tởm chiến tranh như thế nào.

Phát biểu tại Hội trường Phaolô VI tại Vatican vào ngày 23 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một “lời chứng cá nhân” về sức mạnh của việc lắng nghe một người cao tuổi kể về câu chuyện cuộc đời của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng ngài đã nghe trực tiếp về sự khủng khiếp của Chiến tranh thế giới thứ nhất từ ông của mình, ông Giovanni Bergoglio, một nhân viên vô tuyến điện bị cuốn vào cuộc giao tranh tại sông Piave, miền bắc nước Ý.

“Tôi đã học được lòng căm thù và sự phẫn nộ đối với chiến tranh từ người ông của tôi, người đã chiến đấu tại Piave vào năm 1914, và ông đã truyền lại cho tôi oán ghét đối với chiến tranh này, bởi vì ông đã kể cho tôi nghe về sự đau khổ của chiến tranh”, Đức Thánh Cha nói.

cq5dam.web.800.800

cq5dam.web.800.800 (7)

“Và điều này không được học từ sách vở hay theo những cách khác… nó được học theo cách này, được truyền từ thế hệ ông bà sang con cháu. Và điều này không thể thay thế được”.

“Ngày nay, thật không may, điều này không xảy ra, và chúng ta cho rằng ông bà là đồ bỏ đi: Không! Họ chính là ký ức sống động của một dân tộc, và những người trẻ tuổi và trẻ em phải lắng nghe ông bà của họ”.

Trước đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về ấn tượng sâu sắc do những câu chuyện về chiến tranh của ông của mình để lại.

Trong chuyến thăm đến Học Viện Giáo dục Thánh Augustinô ở Rôma vào năm 2018, Đức Thánh Cha lưu ý rằng những người trẻ thời nay không có kinh nghiệm về hai cuộc chiến tranh thế giới.

“Tôi học được từ ông của tôi, người đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh thế giới đầu tiên, tại Piave”, Đức Thánh Cha nói. “Tôi đã học được nhiều điều từ câu chuyện của ông… Chiến tranh để lại hậu quả gì? Hàng triệu người chết, trong cuộc tàn sát quy mô lớn”.

cq5dam.web.800.800 (4) cq5dam.web.800.800 (5)

Vị Giáo hoàng 85 tuổi đã đưa ra những nhận xét ứng khẩu về người ông của mình trong buổi chia sẻ Giáo lý được phát trực tiếp lần thứ tư về tuổi cao niên, một phần trong loạt bài chia sẻ mà ngài đã khởi động vào tháng Hai.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào câu chuyện Kinh Thánh về cái chết của ông Mô-sê, trước đó là “Bài ca của Môi-se” (Đnl 32), trong đó vị Tiên tri đưa ra lời tuyên xưng đức tin của mình.

Đức Thánh Cha nói: “Khi ông Mô-sê tuyên bố lời tuyên xưng đức tin này, ông đang ở ngưỡng cửa của đất hứa, và cũng là lúc ông từ giã cõi đời. Ông Mô-sê lúc ấy đã 120 tuổi, Sách Đệ Nhị Luật ghi lại, ‘nhưng mắt ông vẫn không mờ đi’ (Đnl 34: 7)”.

“Đó là khả năng quan sát, quan sát một cách thực sự, cũng có thể nhìn một cách tượng trưng, như những người cao tuổi, những người biết cách nhìn nhận mọi vật, ý nghĩa gốc rễ nhất của sự vật”.

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lo ngại rằng “cách kể chuyện trực tiếp, giữa cá nhân với cá nhân” giữa các thế hệ đang chết dần vì người già bị coi như “đồ phế thải”.

cq5dam.web.800.800 (1) cq5dam.web.800.800 (3)

“Một người lớn tuổi, người đã sống lâu năm và nhận được món quà là một bằng chứng rõ ràng và say mê về lịch sử của mình, là một phúc lành không gì thay thế được”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Liệu chúng ta có đủ khả năng để công nhận và tôn vinh món quà này của người cao tuổi? Liệu việc truyền lại đức tin – và ý nghĩa cuộc sống – ngày nay có đi theo đường hướng này, của việc lắng nghe những người lớn tuổi?”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng nền văn hóa ngày nay, “vốn rất ‘đúng đắn về mặt chính trị’”, đã đặt ra những trở ngại cho việc truyền lại sự khôn ngoan giữa các thế hệ.

Đức Thánh Cha cho biết điều này cũng ảnh hưởng đến cộng đồng Kitô giáo, vốn đôi khi cố gắng truyền lại đức tin nhưng lại không có “sự say mê về ‘một lịch sử sống động’”.

“Đức tin được truyền lại như thế nào? ‘À, đây là một cuốn sách, hãy nghiên cứu’. Không. Đức tin không thể được truyền lại như vậy”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét.

“Đức tin được truyền lại bằng phương ngữ, nghĩa là, trong cách nói quen thuộc, giữa ông bà và cháu chắt, giữa cha mẹ và con cái của họ”.

Đức Thánh Cha tiếp tục: “Đôi khi tôi ngẫm nghĩ về sự bất thường kỳ lạ này. Ngày nay, sách Giáo lý khai tâm Kitô sử dụng Lời Chúa và truyền đạt những thông tin chính xác về các tín điều, luân lý của đức tin, và các Bí tích”.

cq5dam.web.800.800 (6) cq5dam.web.800.800 (8)

“Tuy nhiên, điều thường thiếu là sự hiểu biết về Giáo hội có được từ việc lắng nghe và chứng kiến lịch sử đức tin và đời sống thực sự của cộng đồng Giáo hội, từ thuở sơ khai cho đến ngày nay”.

Đức Thánh Cha cho biết thêm: “Sẽ là một điều tốt nếu ngay từ ban đầu, việc giảng dạy Giáo lý phải bao gồm thói quen lắng nghe kinh nghiệm sống động của những người cao tuổi; cho đến sự thú nhận thẳng thắn về những phúc lành đã được lãnh nhận từ Thiên Chúa, điều mà chúng ta phải trân trọng; và bằng chứng chân thật về những thất bại của lòng trung thành của chính chúng ta, điều mà chúng ta phải chỉnh đốn và sửa chữa”.

Sau bài chia sẻ Giáo lý, Đức Thánh Cha đã mời gọi những người hành hương cùng nhau đọc Kinh Kính Mừng để cầu nguyện cho các nạn nhân của chiến tranh.

Đề cập đến cuộc xung đột ở Ukraine, Đức Thánh Cha nói: “Tin tức về những người phải di tản, những người phải chạy trốn, những người đã thiệt mạng, những người bị thương, về rất nhiều những binh lính đã ngã xuống ở cả hai bên, là những tin tức về cái chết chóc”.

“Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa của sự sống giải thoát chúng ta khỏi sự chết chóc của cuộc chiến tranh này: với chiến tranh, tất cả mọi thứ đều mất mát, tất cả mọi thứ. Không có chiến thắng trong một cuộc chiến tranh: tất cả mọi thứ đều bị đánh bại”.

“Nguyện xin Thiên Chúa ban Thánh Linh của Ngài đến để chúng ta hiểu rằng chiến tranh là một sự thất bại của nhân loại, điều mà chúng ta cần phải đánh bại, tất cả chúng ta; và đồng thời nhận thức rằng việc tiến hành chiến tranh là điều tiêu diệt chúng ta, và giải thoát chúng ta khỏi sự tự hủy diệt này”.

“Chúng ta cũng cầu nguyện để các nhà lãnh đạo hiểu rằng việc mua vũ khí và chế tạo vũ khí không phải là giải pháp cho vấn đề. Giải pháp đó là hợp tác với nhau vì hòa bình, và như Kinh Thánh nói, biến vũ khí thành những công cụ phục vụ hòa bình”.

Bản tóm tắt bài chia sẻ Giáo lý của Đức Thánh Cha đã được đọc bằng bảy thứ tiếng và ngài chào các thành viên của mỗi nhóm ngôn ngữ.

 Phát biểu trước những người Công giáo nói tiếng Anh, Đức Thánh Cha nói: “Tôi chào mừng những người hành hương nói tiếng Anh và du khách tham dự buổi tiếp kiến chung ngày hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.

 “Chớ gì cuộc hành trình Mùa Chay của chúng ta đưa chúng ta đến với việc cử hành lễ Phục sinh với tâm hồn được thanh tẩy và được đổi mới bởi ơn Chúa Thánh Thần. Tôi cầu chúc anh chị em và gia đình anh chị em được tràn đầy niềm vui và sự bình an trong Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta”.

Phát biểu trước những người hành hương người Ba Lan, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Ba Lan đi đầu trong việc chào đón những người tị nạn đến từ Ukraine. Đức Thánh Cha cũng đề cập đến việc thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Trinh Nữ Maria, mà ngài sẽ chủ sự vào ngày 25 tháng Ba.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Năm nay, trong cuộc hành trình thống hối Mùa Chay, chúng ta cùng nhau ăn chay và cầu xin Thiên Chúa ban hòa bình, vốn đang bị tan nát bởi cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Ở Ba Lan, anh chị em chính là nhân chứng cho điều này bằng cách chào đón những người tị nạn và lắng nghe những câu chuyện của họ”.

“Khi chúng ta chuẩn bị hướng đến ngày cầu nguyện đặc biệt vào dịp Lễ Truyền Tin, chúng ta cầu xin Thánh Mẫu của Thiên Chúa nâng đỡ tâm hồn của những anh chị em chúng ta đang đau khổ vì sự tàn khốc của chiến tranh. Chớ gì việc thánh hiến các dân tộc cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ sẽ mang lại hòa bình cho toàn thể thế giới”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube