Đức Phanxicô: Người nghèo chịu thiệt hại nhiều nhất bởi các đợt nắng nóng và hạn hán

Đức Thánh Cha Phanxicô chào các tín hữu vào cuối buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại quản trường Thánh Phêrô, Vatican, ngày 27 tháng 5 năm 2015 (Ảnh: ALBERTO PIZZOLI / AFP / Getty Images)

Đức Thánh Cha Phanxicô chào các tín hữu vào cuối buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, ngày 27 tháng 5 năm 2015 (Ảnh: ALBERTO PIZZOLI / AFP / Getty Images)

Khi châu Âu phải đối mặt với tình trạng nhiệt độ cao kỷ lục và các vụ cháy rừng mùa hè, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra rằng người nghèo phải chịu đựng nhiều nhất từ các đợt nắng nóng, hạn hán và các hiện tượng môi trường khắc nghiệt khác.

Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Công trình Sáng tạo, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng “những người nghèo nhất trong chúng ta đang kêu gào”.

“Đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu, người nghèo thậm chí còn cảm thấy nặng nề hơn tác động của tình trạng hạn hán, lũ lụt, các trận bão và các đợt nắng nóng vốn đang ngày càng trở nên khốc liệt và thường xuyên hơn”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết trong Sứ điệp được công bố vào ngày 21 tháng 7.

“Lắng nghe những tiếng kêu đau khổ này, chúng ta phải ăn năn và sửa đổi lối sống và các hệ thống đã bị tàn phá của mình. … Tình trạng suy tàn hiện nay của ngôi nhà chung của chúng ta cũng đáng nhận được sự chú ý tương tự như những thách thức toàn cầu khác như các cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng và các cuộc chiến tranh”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký Sứ điệp kêu gọi chăm sóc công trình sáng tạo vào ngày 16 tháng 7, một ngày sau khi các kỷ lục về nhiệt độ mới được thiết lập ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Theo Tổng giám đốc y tế của đất nước, đã có 1.063 ca tử vong liên quan đến nắng nóng ở Bồ Đào Nha trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến ngày 18 tháng 7.

Kể từ đó, các đợt nắng nóng đã lan sang Pháp và Anh, phá kỷ lục quốc gia về nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận vào ngày 19/7.

Trong Sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng ngài đã ủy quyền cho Tòa Thánh thay mặt cho Thành quốc Vatican gia nhập Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Hiệp định Paris “với hy vọng rằng nhân loại trong thế kỷ 21 sẽ được ghi nhớ vì đã quảng đại gánh vác những trách nhiệm trọng đại của mình”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng để đạt được các mục tiêu khắt khe của thỏa thuận Paris về hạn chế nhiệt độ tăng lên 1,5°C và giảm lượng khí thải nhà kính ròng xuống mức 0 đòi hỏi sự hợp tác giữa tất cả các quốc gia.

“Điều này đồng nghĩa với ‘sự chuyển đổi’ các mô hình tiêu dùng và sản xuất, cũng như lối sống, theo cách thức tôn trọng hơn công trình sáng tạo và sự phát triển toàn diện của con người của tất cả các dân tộc, hiện tại và tương lai, một sự phát triển dựa trên tinh thần trách nhiệm, sự thận trọng/ đề phòng, liên đới, quan tâm đến người nghèo và các thế hệ tương lai”, Đức Thánh Cha cho biết thêm.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các quốc gia giàu có hơn về kinh tế, “những quốc gia đã gây ô nhiễm nhiều nhất trong hai thế kỷ qua” cung cấp sự hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuật cho các quốc gia nghèo hơn về kinh tế, những quốc gia “đã phải trải nghiệm nhiều nhất gánh nặng của vấn đề biến đổi khí hậu”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập ngày 1 tháng 9 là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Công trình Sáng tạo hàng năm sau khi công bố Thông điệp Laudato Si‘ vào năm 2015. Đức Thánh Cha cũng đã khuyến nghị rằng khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 9 đến ngày 4 tháng 10 – Lễ Thánh Phanxicô Assisi – sẽ được cử hành như là “Mùa Sáng Tạo”.

Chủ đề của “Mùa Sáng Tạo” năm nay sẽ là “lắng nghe tiếng nói của công trình tạo”. Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng dịp này sẽ là “thời điểm đặc biệt để tất cả mọi Kitô hữu cùng nhau cầu nguyện và nỗ lực làm việc để chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết: “Ban đầu được truyền cảm hứng từ Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople, “Mùa Sáng Tạo” này là cơ hội để nuôi dưỡng ‘cuộc hoán cải môi sinh’ của chúng ta, một sự hoán cải được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khuyến khích như một phản ứng đối với ‘thảm họa sinh thái’ mà Thánh Phaolô VI đã tiên đoán trước đây vào năm 1970”.

“Nếu chúng ta học cách lắng nghe, chúng ta có thể nghe thấy nơi tiếng nói của công trình sáng tạo một hình thức của sự bất hòa. Một mặt, chúng ta có thể lắng nghe một khúc ca ngọt ngào ngợi khen Đấng Tạo Hóa kính mến của chúng ta; mặt khác, chúng ta có thể nghe thấy một lời cầu xin đau khổ, than phiền về sự ngược đãi đối với chính ngôi nhà chung của chúng ta”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube