Đức Phanxicô: “Kitô hữu phải nhìn thế giới qua đôi mắt của người nghèo”

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trong một sự kiện đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập Caritas Ý, tại Vatican ngày 26 tháng 6 năm 2021 (Ảnh: Remo Casilli / Reuters qua CNS)

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trong một sự kiện đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập Tổ chức Caritas Ý, tại Vatican ngày 26 tháng 6 năm 2021 (Ảnh: Remo Casilli / Reuters qua CNS)

ROME – Các tổ chức từ thiện Công giáo tại các Giáo xứ, Giáo phận và quốc gia giúp Giáo hội Công giáo sống Tin Mừng bằng cách trở thành một “Giáo hội của sự dịu dàng âu yếm và gần gũi, nơi người nghèo được chúc phúc, nơi truyền giáo được đặt ở trung tâm điểm và nơi niềm vui được sinh ra từ việc phục vụ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Tin Mừng chỉ dạy một lối sống Kitô giáo: “Đó là phong cách của tình yêu khiêm hạ, cụ thể nhưng không phô trương, đề xuất nhưng không áp đặt. Đó là phong cách của tình yêu nhưng không, không tìm kiếm phần thưởng. Đó là phong cách của tinh thần sẵn sàng và hy sinh phục vụ, noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã tự biến mình thành người tôi trung của chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ hôm 26 tháng 6 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Tổ chức Caritas Italiana.

Các nhà lãnh đạo của tổ chức từ thiện Công giáo quốc gia và hơn 200 chi nhánh Giáo phận đã tập trung tại khán phòng Vatican để đánh dấu dịp kỷ niệm này.

“Tôi muốn ngỏ lời cảm ơn, lời cảm ơn chân thành; cảm ơn các nhân viên, các Linh mục và các tình nguyện viên! Cũng xin chân thành cảm ơn vì trong thời gian đại dịch, mạng lưới Caritas đã tăng cường sự hiện diện của mình và làm giảm bớt nỗi cô đơn, sự đau khổ và nhu cầu của rất nhiều người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Có hàng chục nghìn tình nguyện viên, trong số đó có rất nhiều thanh thiếu niên, bao gồm cả những người làm công tác dân sự, những người trong thời gian này đã lắng nghe và đưa ra những phản ứng cụ thể cho những người lâm cảnh hoạn nạn”.

Trong việc tuyển dụng các tình nguyện viên và tổ chức phục vụ bất cứ ai có nhu cầu, các tổ chức từ thiện Công giáo phải chú ý đến những người trẻ tuổi, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Họ là những nạn nhân mong manh nhất của thời đại của sự thay đổi này, nhưng cũng là những kiến trúc sư tiềm năng” của việc thay đổi cách thức xã hội đang diễn ra.

“Không bao giờ là lãng phí nếu dành thời gian cho họ, để cùng nhau dệt nên tình bằng hữu, sự nhiệt tình và kiên nhẫn, những mối quan hệ vượt qua những nền văn hóa của sự thờ ơ và chuộng vẻ bề ngoài”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Việc đạt được “những lượt Like” trên mạng xã hội là không đủ đối với họ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Họ cần sự đồng hành và niềm vui đích thực.

Caritas có thể trở thành sân tập, “một phòng tập của cuộc sống để giúp nhiều người trẻ khám phá ý nghĩa của món quà, để họ tận hưởng hương vị tốt đẹp của việc tìm lại chính mình bằng cách dành thời gian của họ cho người khác”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Bằng cách đó, bản thân Caritas sẽ tiếp tục duy trì sự trẻ trung và sáng tạo, sẽ tiếp tục duy trì một cái nhìn đơn giản và trực diện, không sợ hãi hướng mình lên cao và hướng về tha nhân”.

Noi gương Chúa Kitô, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, con đường của Giáo hội luôn luôn phải là con đường hướng tới những người mà thế giới coi là những kẻ thấp kém nhất.

“Chính từ họ mà chúng ta bắt đầu, từ những con người mỏng manh yếu đuối và không thể phòng thủ nhất. Từ chính những người này. Nếu anh chị em không bắt đầu với họ, anh chị em chẳng hiểu gì cả”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Bác ái chính là lòng thương xót tìm kiếm những người yếu đuối nhất, đi đến những vùng ngoại biên khó khăn nhất để giải thoát mọi người khỏi chế độ nô lệ đang áp bức họ và biến họ trở thành những nhân vật chính trong cuộc sống của họ”.

Các Kitô hữu cần nhìn vào đôi mắt của người nghèo và học cách nhìn thế giới qua đôi mắt của họ. “Đó chính là nơi anh chị em học được mọi thứ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Nếu chúng ta không thể nhìn vào đôi mắt của người nghèo, nhìn vào mắt họ, chạm vào họ với một cái ôm, một cái bắt tay, thì chúng ta sẽ chẳng làm được gì cả”.

Nhìn thế giới qua đôi mắt của người nghèo, “chúng ta sẽ nhìn thực tế theo một cách thức khác với não trạng của chúng ta. Lịch sử không được nhìn từ quan điểm của những kẻ chiến thắng, những người làm cho nó xuất hiện đẹp đẽ và hoàn hảo, nhưng từ quan điểm của những người nghèo, bởi vì đó chính là quan điểm của Chúa Giêsu”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh. “Chính những người nghèo đã đặt ngón tay của họ vào vết thương của những mâu thuẫn của chúng ta và làm xáo trộn lương tâm của chúng ta một cách lành mạnh, mời gọi chúng ta biến đổi”.

Nếu quả tim và lương tâm của một người không trở nên bồn chồn khi nhìn thế giới từ góc độ của người nghèo, thì “chúng ta nên dừng lại vì có điều gì đó không hoạt động, không có tác dụng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube