Đức Phanxicô: ‘Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thì quan trọng hơn tất cả mọi giới răn’

Đức Thánh Cha Phanxicô mỉm cười khi đến dự buổi tiếp kiến chung của mình trong hội trường Paul VI của Vatican vào ngày 11 tháng 8 năm 2021. (Ảnh CNS / Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô mỉm cười khi ngài bước ra để chuẩn bị buổi tiếp kiến chung của mình trong Hội trường Phaolô VI tại Vatican vào ngày 11 tháng 8 năm 2021 (Ảnh: CNS / Truyền thông Vatican)

Dưới đây là nội dung bài chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung Thứ Tư hàng tuần của Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 11 tháng 8 năm 2021.

Mến chào toàn thể anh chị em!

‘Vậy Lề luật để làm gì?’ (Gl 3:19). Đây là câu hỏi mà chúng ta muốn đào sâu hôm nay, tiếp tục với Thánh Phaolô, hầu nhận ra sự mới mẻ của đời sống Kitô hữu được Chúa Thánh Thần làm cho sinh động. Nhưng nếu Chúa Thánh Thần hiện hữu, nếu Chúa Giêsu tồn tại, Đấng đã cứu chuộc chúng ta, vậy lề luật để làm gì? Và đây là điều chúng ta phải suy ngẫm về thời đại ngày hôm nay. Thánh Phaolô Tông đồ viết: ‘Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa’ (Gl 5,18). Thay vào đó, những người gièm pha phỉ báng Phaolô cho rằng dân Ga-lát phải tuân theo Lề luật để được cứu độ. Họ đã đi thụt lùi. Họ hoài niệm về quãng thời gian đã qua, về những thời trước Chúa Giêsu Kitô. Thánh Phaolô Tông Đồ không đồng tình chút nào. Đây không phải là những điều khoản mà Thánh Phaolô đã đồng tình với các Tông đồ khác ở Giê-ru-sa-lem. Thánh Phaolô nhớ rất rõ những lời của Thánh Phêrô khi nói rằng: ‘Vậy bây giờ, sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi ?’ (Cv 15:10). Các khuynh hướng đã xuất hiện trong ‘công đồng đầu tiên’ đó – công đồng đại kết đầu tiên là công đồng diễn ra tại Giê-ru-sa-lem – và các khuynh hướng nổi lên rất rõ ràng. Họ nói: ‘Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này : là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm’ (Cv 15: 28-29). Một số vấn đề đề cập đến việc thờ phượng Thiên Chúa, việc thờ ngẫu tượng, và một số vấn đề liên quan đến cách nhận thức cuộc sống vào thời đó.

Khi Phaolô nói về Lề luật, ông thường đề cập đến Luật Mô-sê, luật do Mô-sê đưa ra, Mười Điều Răn. Nó liên quan đến, nó đang được tiến hành, nó là một sự chuẩn bị, nó liên quan đến Giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với dân của Người. Theo nhiều văn bản Cựu Ước khác nhau, Torah (Ngũ Thư) – nghĩa là, thuật ngữ tiếng Do Thái dùng để chỉ Lề luật – là tập hợp của tất cả những quy định và chuẩn mực mà dân Israel phải tuân giữ theo Giao ước với Đức Chúa. Một bản tổng hợp hiệu quả về những gì Torah có thể được tìm thấy trong bản văn này của Sách Đệ Nhị Luật, trong đó nói rằng: ‘Thật vậy, ĐỨC CHÚA sẽ lấy làm vui vì hạnh phúc của anh em, cũng như Người đã lấy làm vui vì hạnh phúc của cha ông anh em, miễn là anh em nghe tiếng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ’ (Đnl 30:9-10). Vì vậy, việc tuân giữ Lề luật bảo đảm cho dân chúng những lợi ích của Giao ước và bảo đảm một sự ràng buộc cụ thể với Thiên Chúa. Dân tộc này, những con người này, họ được kết nối với Thiên Chúa và họ làm cho điều đó được tỏ lộ, sự kết hiệp này với Thiên Chúa, trong sự kiện toàn, trong việc tuân giữ Lề luật. Khi thiết lập Giao ước với dân Israel, Thiên Chúa đã ban cho họ Torah, Lề luật, để họ có thể hiểu được Thánh ý của Người và sống trong công lý. Chúng ta phải nghĩ rằng vào thời điểm đó, một Lề luật như thế này là vô cùng cần thiết, đó là một món quà vô cùng to lớn mà Thiên Chúa đã ban tặng cho dân của Người. Tại sao? Bởi vì thời bấy giờ ngoại giáo tràn ngập khắp nơi, đâu đâu cũng có việc thờ ngẫu tượng và hành vi của con người là kết quả của việc thờ ngẫu tượng. Vì thế, món quà tuyệt vời mà Thiên Chúa ban tặng cho dân của Người là Lề luật, để họ có thể kiên trì. Nhiều lần, đặc biệt là trong các sách Tiên tri, các Tiên tri đã lưu ý rằng việc không tuân giữ các giới luật trong Lề luật đã cấu thành một sự phản bội thực sự đối với Giao ước, gây ra cơn thịnh nộ của Thiên Chúa như một hậu quả. Mối liên hệ giữa Giao ước và Lề luật chặt chẽ đến nỗi hai thực tại không thể tách rời. Lề luật là cách một người, một dân tộc bày tỏ rằng họ đang ở trong giao ước với Thiên Chúa.

Vì vậy, dựa trên tất cả những điều này, thật dễ hiểu việc các nhà truyền giáo, những người đã thâm nhập vào các tín hữu Ga-lát đã tìm ra mưu đồ hợp lý bằng cách chấp nhận rằng việc tuân giữ Giao ước cũng bao gồm việc tuân giữ Luật Mô-sê như đã được thực hiện vào thời điểm đó. Tuy nhiên, chính xác về điểm này, chúng ta có thể khám phá sự khôn ngoan thiêng liêng của Thánh Phaolô và những hiểu biết sâu sắc mà Ngài đã bày tỏ, được duy trì nhờ ân sủng mà Ngài đã lãnh nhận cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng của mình.

Thánh Phaolô Tông Đồ giải thích cho các tín hữu Ga-lát rằng, trên thực tế, Giao ước và Lề luật không được liên kết một cách tách rời – Giao ước với Thiên Chúa và Luật Mô-sê. Yếu tố đầu tiên mà ông dựa vào là Giao ước do Đức Chúa thiết lập với Áp-ra-ham dựa trên xác tín vào việc kiện toàn lời hứa chứ không phải dựa trên việc tuân giữ Lề luật vốn dĩ chưa tồn tại. Áp-ra-ham đã bắt đầu cuộc hành trình của mình nhiều thế kỷ trước Lề luật. Thánh Phaolô Tông Đồ viết: “Tôi muốn nói là : một chúc thư xưa kia đã được Thiên Chúa lập đúng thể thức, thì Lề Luật, mãi bốn trăm ba mươi năm sau [với Mô-sê] mới có, không phế bỏ chúc thư đó [với Áp-ra-ham khi Ngài gọi ông] được, và như vậy làm cho lời hứa ra vô hiệu” (Gl 3, 17). Lời này rất quan trọng. Dân Chúa, những người Kitô hữu chúng ta, chúng ta thực hiện cuộc hành trình suốt cuộc đời để hướng tới một lời hứa. Lời hứa là điều cuốn hút chúng ta; nó lôi cuốn chúng ta tiến tới cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. “Thật thế, nếu nhờ Lề Luật mà người ta được hưởng gia tài, thì không còn phải là nhờ lời hứa nữa. Thế nhưng Thiên Chúa đã dùng một lời hứa mà ban ân huệ cho ông Áp-ra-ham” (Gl 3, 17-18), rồi thì Lề luật ra đời bốn trăm ba mươi năm sau đó. Với lý luận này, Thánh Phaolô đã đạt được mục tiêu đầu tiên của mình: Lề luật không phải là nền tảng của Giao ước vì nó ra đời muộn hơn. Nó là cần thiết và chính đáng, nhưng trước đó đã có lời hứa, Giao ước.

Lập luận như vậy gạt bỏ tất cả những người ủng hộ rằng Luật Mô-sê là một phần cấu thành của Giao ước. Không, Giao ước có trước, và sau đó mới là lời kêu gọi Áp-ra-ham. Trên thực tế, Torah, Lề luật, không có trong lời hứa với Áp-ra-ham. Tuy nhiên, khi nói điều này, người ta không nên nghĩ rằng Thánh Phao-lô chống lại Luật Mô-sê. Không phải vậy, Thánh Phao-lô vẫn tuân giữ luật này. Một vài lần trong các Thư của mình, Thánh Phao-lô đã bảo vệ nguồn gốc thiêng liêng của luật này và nói rằng nó có một vai trò được xác định rõ ràng trong lịch sử cứu độ. Tuy nhiên, Lề luật không mang lại sự sống; nó không mang lại sự kiện toàn lời hứa bởi vì nó không có khả năng thực hiện điều đó. Lề luật là một cuộc hành trình, một cuộc hành trình dẫn đến một cuộc gặp gỡ. Thánh Phaolô sử dụng một từ, tôi không biết nó có trong bản văn hay không, một từ rất quan trọng: Lề luật là người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Kitô, người quản giáo dẫn chúng ta đến với đức tin nơi Đức Kitô, tức là người thầy cầm tay dẫn chúng ta tới một cuộc gặp gỡ (Gl 3,24). Những ai tìm kiếm sự sống cần phải nhìn vào lời hứa và việc kiện toàn lời hứa trong Đức Kitô.

Anh chị em thân mến, lời giảng giải đầu tiên này của Thánh Phaolô Tông đồ với các tín hữu Ga-lát trình bày sự mới mẻ triệt để của đời sống Kitô hữu: Tất cả những ai có đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô đều được mời gọi sống trong Chúa Thánh Thần, Đấng giải thoát khỏi Lề luật và đồng thời đưa nó đến sự kiện toàn theo lệnh truyền của tình yêu. Điều này rất quan trọng. Lề luật dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Nhưng một người trong anh chị em có thể nói với tôi: “Nhưng, thưa Cha, chỉ một điều: điều này có nghĩa là nếu con đọc Kinh Tin Kính, con không cần phải tuân giữ các giới răn?”. Không phải vậy, các điều răn có giá trị theo nghĩa rằng chúng là “những người quản giáo” [người thầy dạy] dẫn chúng ta đến cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Nhưng nếu bạn bỏ qua cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và muốn quay lại việc coi trọng các giới răn hơn, thì đây chính là vấn đề của các nhà truyền giáo theo chủ nghĩa chính thống đã thâm nhập vào các tín hữu Ga-lát để khiến họ bối rối.

Nguyện xin Thiên Chúa giúp chúng ta đi trên con đường của các điều răn nhưng hướng về tình yêu của Chúa Kitô, với cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, nhận thức được rằng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu quan trọng hơn tất cả mọi giới răn.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube