Đức Hồng y Parolin: Châu Âu phải khôi phục "Tinh thần Helsinki"

Một chiếc xe tăng ở Kiev (Ảnh: ANSA)

Một chiếc xe tăng ở Kiev (Ảnh: ANSA)

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, đã phát biểu tại một Hội nghị do Đại sứ quán Ý tại Tòa Thánh tổ chức ở Rôma về sự cần thiết phải tìm ra những cách thức ngoại giao mới nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine bằng cách lấy cảm hứng từ “Hội nghị Helsinki” mang tính lịch sử vào những năm 1970 trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Trước “sự man rợ đang diễn ra ở Ukraine” và mối đe dọa hạt nhân đang rình rập thế giới, Châu Âu phải khôi phục “Tinh thần Helsinki” và theo đuổi “những con đường hòa bình mới”.

Hội nghị tại Rôma

Quốc Vụ Khanh Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin, đã đưa ra lời kêu gọi này hôm thứ Ba khi ngài phát biểu tại một hội nghị về cuộc chiến đang diễn ra ở Đông Âu do Đại sứ quán Ý tại Tòa Thánh ở Rôma tổ chức, và được tổ chức với sự cộng tác của Truyền thông Vatican và Tạp chí địa chính trị Ý ‘Limes’.

Mục đích của sự kiện, mang tên “Châu Âu và Chiến tranh: Từ Tinh thần Helsinki đến triển vọng hòa bình”, đó là thảo luận về các giải pháp ngoại giao cụ thể cho một cuộc chiến dường như đang đi vào bế tắc và không có triển vọng đàm phán hòa bình sớm nào cả.

Các cuộc thảo luận tập trung vào “Tuyên bố Helsinki”, hiệp ước mang tính bước ngoặt được các cường quốc phương Tây và Liên Xô ký kết vào năm 1975 tại lễ bế mạc Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (CSCE) với mục đích cải thiện quan hệ Đông-Tây.

Đừng bao giờ trở nên quen thuộc với nỗi kinh hoàng của chiến tranh

Đức Hồng Y Parolin bắt đầu bài phát biểu quan trọng của mình bằng cách một lần nữa cảnh báo về nguy cơ trở nên quen thuộc với chiến tranh ở Đông Âu.

“Suốt chín tháng, kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược do quân đội Liên bang Nga gây ra, chúng ta đã chứng kiến những ‘sai lầm’ và ‘sự kinh hoàng'” của cuộc xung đột này.

Kết quả, Đức Hồng Y Parolin nói, là giờ đây “chúng ta hầu như không chú ý đến tin tức về những tên lửa hủy diệt đang tấn công đất nước, về nhiều thường dân pải bỏ mạng, về những đứa trẻ bị bỏ lại dưới đống đổ nát, về những binh lính bị tàn sát, về người dân phải di tản và sự tàn phá của một quốc gia”.

Theo Đức Hồng Y Parolin, những giọt nước mắt của Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 8 tháng 12, trong hành động theo truyền thống của ngài tôn kính Đức Mẹ ở Rôma nhân dịp Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, là liều thuốc giải độc mạnh mẽ chống lại nguy cơ của “thói quen và sự thờ ơ” đang xâm nhập.

Do đó, Đức Hồng Y Parolin nói, cần phải nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha kêu gọi sử dụng mọi nỗ lực ngoại giao để đạt được “một lệnh ngừng bắn và một nền hòa bình công bằng”.

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân

Bất chấp một số “tia sáng” hy vọng về hòa bình đã xuất hiện trong những tuần qua, Quốc Vụ Khanh Vatican than phiền rằng sự leo thang vẫn tiếp tục và cùng với đó là mối đe dọa của một cuộc chiến tranh hạt nhân.

“Thật đáng sợ khi người ta nói về khả năng sử dụng các thiết bị hạt nhân và xảy ra chiến tranh nguyên tử. Cuộc chạy đua vũ trang tăng tốc thật đáng lo ngại, với những khoản đầu tư khổng lồ được sử dụng cho chiến tranh thay vì chống đói kém, tạo công ăn việc làm, đảm bảo chăm sóc y tế đầy đủ cho những người chưa bao giờ có được điều đó”.

Khôi phục “Tinh thần Helsinki”

Về vấn đề này, Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh sự cần thiết phải “tự hỏi liệu chúng ta có đang làm mọi thứ có thể để chấm dứt thảm kịch này hay không”.

Về vấn đề này, Đức Hồng Y Parolin lưu ý rằng, mặc dù kinh nghiệm của Tiến trình Helsinki và các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí trong Chiến tranh Lạnh không thể được lặp lại trong hoàn cảnh hiện tại, nhưng vẫn có những điều kiện để làm sống lại tinh thần “làm việc một cách sáng tạo” đó.

“Chúng ta cần giải quyết cuộc chiến này và nhiều cuộc chiến đã bị lãng quên, bằng những công cụ mới”, Đức Hồng Y Parolin nói.

“Chúng ta không thể hình dung hiện tại và tương lai trên cơ sở của những tư duy cũ: chúng ta cần hình dung và xây dựng một dự án mới về hòa bình và liên đới quốc tế, đồng thời tự nhắc nhở mình rằng nhiều quốc gia yêu cầu được lắng nghe và được đại diện. Chúng ta cần những quy tắc mới cho các hiệp ước quốc tế, sự dũng cảm để đặt cược vào hòa bình chứ không phải vào khả năng không thể tránh khỏi  của chiến tranh. Chúng ta cần một cuộc ‘giảm leo thang’ quân sự bằng ngôn từ”.

Một hội nghị hòa bình châu Âu mới

Do đó, châu Âu nên nỗ lực làm việc vì một hội nghị hòa bình châu Âu mới. Bằng cách đó, Đức Hồng Y Parolin cho biết rằng châu Âu “một lần nữa có thể trở thành ngọn hải đăng của một nền văn minh được thiết lập dựa trên hòa bình, luật pháp và công lý quốc tế”.

Về phần mình, Đức Hồng Y Parolin cho biết thêm, Tòa Thánh “sẵn sàng làm mọi thứ có thể để khuyến khích tiến trình này”.

Đức Hồng Y Parolin kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách trích dẫn những lời của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI trong lời kêu gọi mang tính lịch sử của ngài trước Liên Hiệp Quốc vào năm 1965:

“Đừng bao giờ gây chiến tranh nữa! Hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh của các dân tộc cũng như của toàn thể nhân loại!”.

Các diễn giả khác tại Hội nghị

Trong số các diễn giả khác tại sự kiện này có Tổng thống Ý Sergio Mattarella, Andrea Tornielli, Giám đốc Biên tập của Vatican Media, và Andrea Riccardi, người sáng lập Cộng đồng Sant’Egidio.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube