Đức Hồng y đầu tiên người Myanmar: Dân chủ và tự do tôn giáo đang trên đà thăng tiến

Giáo hội Công giáo đang góp phần xây dựng lại Myanmar thông qua những nỗ lực xây dựng nền hòa bình và giáo dục kể từ khi đất nước này thống nhất sau 6 thập kỉ bị cô lập và sống dưới chế độ độc tài quân sự, Đức Hồng y Charles Bo của Giáo phận Yangon đã phát biểu như vậy trong một cuộc phỏng vấn gần đây, nhân dịp triển khai các kế hoạch giúp tạo lập mối quan hệ ngoại giao giữa Myanmar và Tòa Thánh.

Đức Hồng Y Bo trò chuyện cùng Sơ Magaret Maung- người đứng đầu tổ chức AMOR XVII tại Myanmar

Đức Hồng Y Bo trò chuyện cùng Sơ Magaret Maung- người đứng đầu tổ chức AMOR XVII tại Myanmar

Vấn đề quan trọng nhất mà đất nước này đang đối mặt “là phải nhìn thấy được sự chấm dứt của cuộc nội chiến giữa Quân đội Độc lập Kachin và chính quyền quân sự,” Hồng y Bo nói. “Chúng tôi mong muốn được nhìn thấy hòa bình ở bang Kachin và hòa bình cho người Rohingyas,” ngài nói. Dư luận quốc tế, trong đó bao gồm cả Đức Thánh Cha, gần đây đang hướng đến người Rohingya, cộng đồng người Hồi giáo thiểu số này đã được tổ chức Liên Hợp Quốc tuyên bố là nhóm người bị bách hại tàn khốc nhất trên thế giới.

Vào ngày 26 đến 27 tháng 4 tới, Giáo hội Công giáo, các cộng đồng Kitô hữu cùng những người từ các tôn giáo khác như Hồi giáo, Ấn giáo và Phật giáo sẽ tổ chức một hội nghị liên tôn vì hòa bình với kế hoạch sẽ mời các thành viên thuộc quân đội, các nhóm vũ trang và xã hội dân sự cùng tham gia. Giáo hội Công giáo ở Myanmar đang tổ chức các Thánh lễ vào Thứ sáu đầu tháng cũng với các buổi chay tịnh đăc biệt và chầu Thánh Thể “vì hòa bình trên đất nước. Đó là mối quan tâm chính yếu”, Đức Hồng y Bo – vị Hồng Y đầu tiên của Myanmar cho biết.

Những cuộc xung đột sắc tộc kéo dài đã gây nên thất bại cho nền dân chủ còn non trẻ ở Myanmar. Chính nền dân chủ này vào tháng 3 năm 2016 đã chứng kiến lễ nhậm chức của Tổng thống U Htin Kyaw, một cột mốc quan trọng trong việc chuyển đổi thể chế sang chính quyền dân chủ. Ông là đồng minh thân cận của bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo không chính thức của đất nước này dưới vai trò cố vấn quốc gia, một vị trí trên cả Tổng thống cho phép bà điều hành công việc của đất nước. Được biết đến cách trìu mến, thậm chí là được tôn kính, Aung San Suu Kyi được ví như “Người Mẹ hiền” của Myanmar. Bà đã lãnh đạo phe đối lập chống chính quyền quân sự, được trao giải Nobel Hoà bình vào năm 1991 và bị quản thúc tại gia hơn 15 năm, trước khi được trả tự do năm 2010, mở ra chiến thắng liên tiếp của Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar.

Tại văn phòng của mình trong khuôn viên nhà thờ St. Mary, một công trình kiến trúc hơn 150 tuổi với đôi tháp chuông, nằm lép vế trước những ngôi chùa khổng lồ ở đất nước Phật giáo này, Đức Hồng Y Bo đã nói về những sự thay đổi trong nước, về mối quan hệ bằng hữu giữa ngài và San Suu Kyi cùng những thử thách mà đất nước và Giáo hội Myanmar vẫn còn phải đối mặt ở phía trước.

“Nếu so sánh thời điểm cách đây 5 hay 6 năm với bây giờ, đã có một sự thay đổi mạnh mẽ ở đất nước này,” Đức Hồng Y Bo nói. “Chỉ trong vòng 2 đến 3 năm trở lại đây, mọi chuyện đã bắt đầu cởi mở hơn và chúng tôi đã có thể bày tỏ tiếng nói của mình một cách tự do.” Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ đang cố gắng tập trung các ưu tiên hàng đầu của quốc gia vào lĩnh vực giáo dục và y tế, trong khi trước đây ngân sách chủ yếu được sử dụng cho quân đội. “Mặc dù còn nhiều mối quan ngại và nhiều vấn đề cần được giải quyết nhưng tôi nghĩ người dân đã cảm thấy bớt căng thẳng và tự do hơn khi được tự do bày tỏ, tự do bàn luận về các tình huống và những gì mà chính phủ đang thực hiện.”

Sự chuyển mình của quốc gia này có thể nhìn thấy rõ ràng nhất ở Yangon, nơi mà các cần trục đang xây dựng những tòa nhà mới cao chót vót, xen kẽ với những quán ăn bên đường bán các loại thức ăn chiên và trái cây tươi. Đàn ông ở đây mặc pasos truyền thống dài sẫm màu, thay thế cho quần tây dài, tạo cảm giác mát mẻ hơn trong khi hậu nóng và ẩm. Còn lứa thanh niên và người trẻ lại thường mặc jeans và quần soọc. Phụ nữ thì diện những bộ váy dài sặc sỡ gọi là longyi và trên mặt vẽ các họa tiết bằng thanaka, là loại kem có màu trắng hoặc vàng được chiết xuất từ một loại cây địa phương giúp bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời. Các hòa thượng, tu sinh và ni sư Phật giáo khất thực len lỏi qua các lề đường và khu chợ đông đúc với các bình bát trong tay.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những cảnh báo mạnh mẽ về các căng thẳng sắc tộc và tôn giáo ở đất nước 54,6 triệu dân này. Vụ ám sát một luật sư nổi tiếng tên U Ko Ni xảy ra vào ngày 29 tháng 1 đầu năm 2017 đã gây một cú sốc lớn cho cả nước Myanmar. Ông là cố vấn Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, cũng là người Hồi giáo đã thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Ông đã góp phần soạn thảo những thay đổi trong hiến pháp nhằm kiểm soát quyền lực của quân đội, thứ quyền lực vẫn đóng vai trò đáng kể ở đất nước này. Quân đội đã không công nhận có bất cứ sự dính líu nào đến vụ ám sát.

Ko Ni là một nhà đấu tranh đáng tin cậy cho các quyền của người Hồi giáo – một cộng đồng thiểu số trong một đất nước mà Phật giáo chiếm ưu thế. Ông đã bị ám sát sau khi trở về từ chuyến đi công tác, với tư cách người đại diện của chính phủ Myanmar đến Indonesia, để bàn về các vấn đề tôn giáo. Ông cũng đã lên tiếng phê bình cách bị đối xử và tình trạng của người Rohinya – những người bị tước đi quyền công dân ở Myanmar.

Mối quan tâm đối với hoàn cảnh của người Rohingya được nâng cao do bạo lực leo thang kể từ mùa thu năm ngoái khi quân nổi dậy tấn công các đồn biên phòng giáp Bangladesh và giết chết 9 cảnh sát. (Vụ việc này đã dẫn đến những biện pháp trả đũa dã man nhắm vào sắc dân Rohingya của quân đội Myanmar nhằm tìm tác giả các vụ tấn công). Sự im lặng của bà Suu Kyi đối với tình trạng bạo lực chống lại người Rohingya đã gây nên những chỉ trích, như việc một lá thư báo cáo về tình trạng trên gửi đến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được kí bởi 24 nhà hoạt động, mà một nửa trong số đó từng đoạt giải Nobel Hòa Bình.

Các báo cáo về những ngôi làng bị đốt, phụ nữ bị hãm hiếp, trẻ em cùng người già bị đánh đập và giết chết đã thúc đẩy Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào ngày 3 tháng 2 lên án “tội ác khủng khiếp” này và kêu gọi chính phủ Myanmar chấm dứt tình trạng vi phạm nhân quyền.

Vài ngày sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô, trong cuộc tiếp kiến chung hàng tuần, đã đặc biệt lên tiếng phê bình cách đối xử của người Myanmar đối với sắc dân Rohingya.

“Họ đã phải gánh chịu đau khổ, bị tra tấn và bị giết, đơn giản vì họ đã bày tỏ đức tin Hồi giáo của mình,” Đức Thánh Cha nói. Ngài cũng đề nghị những người hiện diện trong buổi tiếp kiến cùng với Ngài cầu nguyện “cho các anh chị em người Rohingya của chúng ta, những người đang bị săn đuổi ở Myanmar và sống trong cảnh nay đây mai đó vì không ai muốn giúp họ.”

Vào giữa tháng 2, chính phủ Myanmar thông báo rằng cuộc đàn áp của quân đội đã chấm dứt, đồng thời phủ nhận việc xảy ra các vụ lạm dụng và hứa sẽ điều tra về các báo cáo.

Đức Hồng Y Bo cho biết rằng ngài cùng với các Giám mục khác, trước nay đã luôn giữ những mối liên hệ với Vatican về vấn đề sắc dân Rohingya dù những phát biểu của Đức Thánh Cha vào tháng hai được thúc đẩy bởi bài báo cáo của Liên Hợp Quốc. Cùng ngày 8 tháng 2 khi Đức Thánh Cha đưa ra những bình luận, Hồng Y Bo nói rằng ngài và Sứ thần Tòa Thánh đã có cuộc gặp mặt với bà Suu Kyi về vấn đề thắt chặt đổi mới quan hệ ngoại giao giữa Vatican với Myanmar.

 “Đã có những dấu hiệu tích cực và sẽ sớm được thực hiện,” Ngài cho biết.

Trong cuộc gặp, ngài đã nhắc đến những lo lắng của cộng đồng quốc tế về sự im lặng của bà đối với vụ việc xảy ra với người Rohinya. Bà đã phản hồi rằng “cộng đồng quốc tế đang thực sự phóng đại quá mức và chỉ tập trung vào vấn đề này. Dĩ nhiên chúng tôi cũng thừa nhận là có vài trường hợp bạo lực đang diễn ra. Nhưng cũng có nhiều người phóng đại vấn đề quá mức”. Hồng Y Bo cũng cho biết thêm rằng “Những sự việc như vậy đang xảy ra nhưng bà dường như không chấp nhận rằng đang có nạn diệt chủng và xóa sổ người Rohingya. Vẫn giữ lập trường như vậy, bà nói, bà đang cố gắng điều tra thêm tình hình thực tế của các vụ việc.”

Một trong những tội ác nghiêm trọng nhất ở Myanmar dưới chế độ độc tài quân sự đã nhắm đến bà Suu Kyi, tuy nhiên Hồng Y Bo đã luôn cố gắng duy trì mối quan hệ bằng hữu với bà và gia đình bà (chồng bà bà Michael Aris đã mất năm 1999).  Ngài đã đến thăm văn phòng của bà ở nhà riêng và giữ liên lạc với bà qua bưu thiếp và thư từ.

 “Việc giữ liên lạc như vậy rất nguy hiểm nhưng phía quân đội trong những năm đó chưa từng chất vấn tôi vấn đề này – họ chưa bao giờ hỏi hay điều tra tôi.” Đức Hồng Y nói về việc đã tiếp tục giữ liên lạc với bà Suu Kyi.

Một lí do khiến ngài không lo sợ “chính là vì tôi không bao giờ nói chuyện với bà ấy về chủ đề chính trị – chỉ nói về những việc cá nhân và tôi đã luôn cầu nguyện cho bà,” Đức Hồng Y chia sẻ. Khi tình thế bắt đầu có lợi cho nền dân chủ và các cuộc bầu cử thì “toàn thể Giáo hội đã hướng về bà,” ngài nói thêm. Các giám mục đã tổ chức các buổi hội nghị hoặc cho phép các bài diễn văn công khai ủng hộ Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ trong khuôn viên của các nhà thờ. Người Công giáo chiếm khoảng 5% dân số và trải khắp 16 giáo phận.

Ngoài việc thúc đẩy hòa bình thì công cuộc khôi phục lại nền giáo dục của đất nước là ưu tiên hàng đầu, Đức Hồng Y Bo nói. Giáo hội trong vài tháng tới sẽ đề nghị chính phủ trả lại hơn 80 trường học bị tịch thu vào năm 1965. Sau khi quốc hữu hóa, chất lượng hệ thống giáo dục của Myanmar “sụt giảm trầm trọng, vì vậy chúng tôi sẽ góp phần xây dựng lại nền giáo dục thông qua các trường học,” ngài nói. “Trước năm 1965, các trường học của chúng tôi rất tốt và nằm trong tốp đầu Châu Á. Chúng tôi muốn giúp không chỉ dựa các nguồn lực địa phương, mà còn có các nguồn nhân lực từ các cộng đoàn tôn giáo. Và với sự hỗ trợ từ tất cả những nguồn lực này, chúng tôi sẽ có thể đạt được kết quả mong muốn.”

Ngài cũng nói thêm rằng Giáo hội sẽ không đợi đến khi được trả lại các tài sản rồi mới bắt đầu các nỗ lực cho công cuộc giáo dục. Bốn trường tiểu học Công giáo sẽ được mở ở các giáo phận khác nhau, cùng với 2 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đã đi vào hoạt động. Những trường này sẽ phục vụ tất cả các đối tượng học sinh dù có khác biệt về đức tin hay không.

Giáo hội cũng đang bắt đầu mở các trường huấn luyện giáo viên và Học viện Lãnh đạo Myanmar liên kết với đại học Georgetown, Hoa Kỳ.

Các sự kiện như Hội nghị các nước Châu Á- Châu Đại Dương về Tôn giáo vừa kết thúc gần đây là rất cần thiết cho Giáo hội và đất nước, nhằm giúp xây dựng tinh thần lãnh đạo và phá vỡ sự cô lập của thế lực quân đội. “Chính phủ, quân đội cũng như người dân cần nhiều hơn nữa các mối liên hệ và tiếp xúc với thế giới bên ngoài để thấy được thực tế,” Đức Hồng Y nói.

Không giống như Trung Quốc, Việt nam hay Campuchia, người Công giáo ở Myanmar đã không phải trực tiếp đối mặt với những sự bách hại trong giai đoạn độc tài quân sự. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế trong việc xậy dựng các nhà thờ, các mối liên hệ của hàng giáo sĩ và tu sĩ với Rôma và một số quốc gia khác bị ngờ. “Ngay cả những bài giảng và giáo huấn của chúng tôi cũng đã bị kiểm duyệt bởi tình báo quân đội. Chúng tôi đã lo sợ khi đưa ra bất cứ đề cập nào liên quan đến tình hình chính trị. Còn ở thời điểm hiện tại, tất nhiên chúng tôi cảm thấy tự do hơn. Và noi gương Đức Thánh Cha, chúng tôi đang cố gắng lên tiếng về các vấn đề nhân quyền, về hòa bình và công lý.”

Các tu sĩ nam nữ người nước ngoài không thể đến phục vụ ở Myanmar với thị thực nhập cảnh diện hoạt động tôn giáo mà dưới diện kinh doanh hay hoạt động xã hội và họ không được phép mặc tu phục. Đức Hồng Y Bo nói rằng ngài hy vọng những hạn chế này sẽ được thay đổi trong tương lai gần, dù quân đội vẫn còn kiểm soát các lĩnh vực quốc phòng, đối nội và biên giới ở Myanmar.

Các kế hoạch đang được triển khai nhằm thiết lập mối quan hệ với Vatican – một trong những quốc gia nhỏ bé hơn mà Myanmar đang cố gắng thắt chặt mối quan hệ. Điều này sẽ tạo nên một sự thay đổi, mà trong đó Vatican sẽ có thể đối thoại trực tiếp với quốc gia này và Myanmar cũng sẽ cố gắng nói lên tiếng nói của mình về bất cứ vấn đề gì – đây là một mối liên kết và thông tin trực tiếp với nhau qua các đại sư quán.”

Các quán nhỏ ven đường vào buổi sáng sớm ở Yangon. (ảnh NCR/Gail DeGeorge)

Các quán nhỏ ven đường vào buổi sáng sớm ở Yangon. (ảnh NCR/Gail DeGeorge)

Một lưu ý đối với cộng đồng quốc tế là phải hiểu được tính mới mẻ của những thay đổi trong nước, Đức Hồng Y nói.

“Có những người trong nước cũng ở cộng đồng quốc tế đôi khi đã kì vọng quá nhiều vào các nhà lãnh đạo của một chính phủ mới. Chúng ta không thể xây dựng nền dân chủ chỉ sau một đêm. Có rất nhiều vấn đề ở đây và tôi nghĩ chúng ta phải đi từng bước một, dù vấn đề có là về người Rohingya, về cuộc nội chiến hay các lĩnh vực giáo dục và y tế. Việc nhìn thấy sự phát triển của cơ sở hạ tầng không có nghĩa là quốc gia đã thực sự phát triển,” ngài nói.

Lấy nền giáo dục làm ví dụ, Hồng Y Bo cho biết khoảng 40% trẻ em ở một số khu vực trong nước bỏ học ở cấp tiểu học.

Ngài nói “sự cộng tác của tất cả mọi người là điều quan trọng đối với việc xây dựng đất nước và quan trọng hơn nữa là mọi công dân và lãnh đạo tôn giáo phải biết góp phần vào công cuộc này.”

Gail DeGeorge, biên tập viên của Global Sisters Report

Huỳnh Phi chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube