Đức Bênêđictô và Đức Phanxicô, cuộc phỏng vấn Đức Hồng y Müller

Đức Thánh Cha Bênêđictô và Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong lịch sử của Giáo Hội chưa bao giờ có sự hiện diện của hai vị giáo hoàng cùng một lúc, một vị cai trị và một vị hưu trí. Và đây là một sự phong phú cho Giáo Hội và thế giới. Đường nét chung là việc phục vụ Giáo Hội, với chung một gốc rễ Kitô học.

Đức Hồng y Gerhard Ludwig Müller, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, đã giải thích cách tuyệt vời điều đó trong một cuốn sách do Ares xuất bản, suy tư sâu sắc về vấn đề này.

Bài trả lời phỏng vấn sau đây của Đức Hồng y sẽ cho chúng ta hiểu điều đó.

Thưa Đức Hồng y, cuốn sách “Đức Phanxicô và Đức Bênêđictô, các Đấng kế vị Thánh Phêrô phục vụ Giáo hội” tập hợp bốn tiểu luận minh họa Huấn quyền của hai triều đại giáo hoàng từ một điểm chung không thể phủ nhận: Kitô học.

Nền tảng của ưu vị của Giáo hội Rôma, mà đứng đầu là Đức Giáo hoàng kế vị Thánh Phêrô, là lời tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu ban ưu vị cho Simon, Phêrô đã nói: Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống. Và câu trả lời của Chúa Giêsu là giao chìa khoá Nước Trời. Và đây cũng là trung tâm của Giáo hội, thiên tính của Chúa Giêsu Kitô, cuộc nhập thể thực sự, hiện hữu của Chúa Giêsu kết hợp bản tính Thiên Chúa và bản tính con người: Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất và phổ quát của thế giới. Giáo hội với Phêrô, nền tảng thường tồn của sự hiệp nhất, có sứ mạng rao giảng ơn cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô. Do đó tất cả các vị giáo hoàng đều hiệp nhất trong lời tuyên xưng căn bản của đức tin vào Chúa Giêsu Kitô.

Đối với Đức Giáo hoàng Bênêđictô, thật dễ dàng tìm thấy chủ đề “Kitô học”. Nhưng làm sao điều đó có thể tìm thấy được trong Huấn quyền của Đức Giáo hoàng Phanxicô? Có lẽ phải tìm trong câu nói được lặp đi lặp lại là anh em phải nhìn thấy Chúa Giêsu trong khuôn mặt của người nghèo? Đó là một đặc điểm điển hình của thần học Mỹ Latinh?

Cần phân biệt Kitô học, như một phần của thần học hàn lâm, và lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô.

Rõ ràng, đối với tất cả các vị Giáo hoàng, Đức Kitô là trung tâm. Đức Thánh Cha Phanxicô luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ cá nhân với Chúa Kitô và lời cầu nguyện với Chúa Cha, cùng với Chúa Kitô. Ngài thường nói về việc nhập thể và “xác thịt của Chúa Kitô”. Giáo hội là “thân thể của Đức Kitô”: điều này có cùng ý nghĩa với khái niệm “xác thịt của Chúa Kitô”. Giáo hội không phải là một tập hợp các ý tưởng đạo đức, nhưng là một thực thể sống động thật sự. Đức Giáo hoàng thường nói về mầu nhiệm này, và cũng thường nói về bí tích giải tội: sự tha thứ tội lỗi không chỉ là một mối tương quan bên trong với Thiên Chúa trong lương tâm, nhưng nó được thực hiện trong Giáo hội. Đức Thánh Cha cũng mời gọi tìm thấy Đức Giêsu Kitô nơi khuôn mặt của người nghèo, và chính Tin Mừng dạy chúng ta điều đó: chỉ cần đọc Mt 25 về án xử chung thẩm. Chúng ta không được cứu chỉ nhờ đức tin, mà còn nhờ các công trình tốt lành được thực hiện trong đức tin.

Nhưng ai thực sự là người nghèo? Làm thế nào để tránh nhầm lẫn với sự bần cùng?

Người ta có thể nói về “nghèo” ở các cấp độ khác nhau.

Về cơ bản, như những thụ tạo, tất cả chúng ta đều là người nghèo, với hai bàn tay trắng trước mặt Thiên Chúa. Rồi mỗi người có nhu cầu vật chất, trí tuệ, đào tạo, văn hóa, chính trị, trách nhiệm công cộng, và cũng mang trong mình những khao khát rất lớn về Chúa Thánh Thần, về ân sủng của Thiên Chúa, về sự sống đời đời.

Còn nữa: có sự khó nghèo vật chất cùng cực, ở nhiều nước Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á, và đó là sự nghèo khổ phản lại phẩm giá con người.

Con người không thể sống nếu thiếu thốn tất cả mọi thứ, thực phẩm, nước, giáo dục. Bởi vì sự tham gia vào văn hóa và đời sống công cộng của mỗi người là điều rất quan trọng. Không được để xảy ra tình trạng một nhóm nhỏ chiếm giữ và xác định tất cả mọi thứ, và sở hữu tất cả tài sản của cả một quốc gia, trong khi phần lớn dân chúng phải đau khổ và các bà mẹ không biết làm thế nào để nuôi con cái của họ. Tất cả đều nhận được  từ Thiên Chúa quyền được hưởng lợi từ những thiện hảo của trái đất. Thế giới này dành cho tất cả mọi người. Và vì thế, có một tiếng kêu xin của những người nghèo về bánh ăn: xin ban cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày.

Chúa Giêsu Kitô đã không đến để phát biểu vài bài diễn văn tốt đẹp: Thiên Chúa quan tâm đến những thụ tạo của Ngài trong tất cả mọi chiều kích. Đức Thánh Cha Phanxicô đã rất rõ ràng và với những người nói rằng họ chỉ phải cung cấp vật chất cho người nghèo, mà không xây dựng các nhà thờ hoặc không quan tâm đến phụng vụ hay giáo lý, ngài trả lời rằng một thái độ như vậy sẽ gần như là một sự gian lận đối với người nghèo. Họ cần, như mọi người, không chỉ bánh mì, mà còn cần Nước Thiên Chúa, cần được nghe Phúc Âm và tham gia vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta biết rằng sự sống không kết thúc, nhưng siêu vượt thời gian ngắn ngủi của sự tồn tại của chúng ta để vươn đến thế giới bên kia. Giáo hội có một sứ vụ toàn diện. Sứ vụ đầu tiên là sứ vụ về Tin Mừng, về các bí tích, về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, về cuộc đối thoại với Thiên Chúa, về sự hiệp thông với Thiên Chúa. Nhưng điều này không thể không bao gồm các cam kết đối với phẩm giá con người. Điểm quy chiếu cho chúng ta là học thuyết xã hội của Giáo Hội và ngày nay là cả thông  điệp Laudato si’của Đức Giáo hoàng Phanxicô nữa. Mọi người đều nói, với sự nhận thức nhiều hay ít, về sinh thái, nhưng Đức Giáo hoàng là người đầu tiên đã đưa ra một nền tảng thần học về trách nhiệm của chúng ta đối với ngôi nhà chung mà Thiên Chúa đã ban cho tất cả nhân loại.

Giáo hội Công giáo đã thúc đẩy học thuyết xã hội sau cuộc cách mạng công nghiệp và sự chuyển đổi của xã hội. Giáo hội đã cố gắng cung cấp câu trả lời cho những thách thức mới, trong khi vẫn trung thành với đạo lý lành mạnh có nền tảng trong đức tin vào Chúa Giêsu Kitô.

Giải phóng và tự do, mối tương quan của Kitô hữu với chính trị và xã hội. Sự khác biệt giữa hai vị Giáo hoàng này, một vị người châu Âu và một vị người Mỹ Latinh, là gì?

Châu Âu đã phát triển nền dân chủ tốt hơn. Ở Mỹ Latinh, ngày trước, một tổng thống được coi gần như là một vị thần có thể giải quyết tất cả các vấn đề.Cần phải cung cấp một nền giáo dục cho xã hội. Cần có những người biết quan tâm đến thiện ích chung, chứ không phải chỉ tư lợi riêng của họ. Ngay cả ở phương Tây, mặt khác, đôi khi chủ nghĩa bảo trợ đã ngăn cản sự phát triển tốt đẹp của xã hội và các mối quan hệ đúng đắn với nhà nước. Điều quan trọng cần nhắc lại rằng nhà nước không thể được đồng hóa với xã hội. Nếu điều đó xảy ra, thì có nghĩa là chúng ta đang phát triển một chế độ độc tài mới.

Thật cần thiết đối với Giáo hội tại Châu Mỹ La tinh việc cung cấp một chứng từ ngôn sứ cho một sự phát triển tôn trọng các cấu trúc của xã hội và nhà nước. Tại thời điểm này của lịch sử, các nhà nước và xã hội ở châu Mỹ Latinh, cũng giống như ở châu Âu và Bắc Mỹ, đang phải chịu áp lực của một chế độ toàn trị mới về tư tưởng muốn áp đặt trên tất cả các nước, đặt ra các điều kiện cho các sự giúp đỡ để phát triển là phải chấp nhận các ý thức hệ, chẳng hạn như ý thức hệ về giới tính hoặc đòi buộc phải cho tự do phá thai, tức là giết người, nhưng được trình bày như là một quyền. Đó là những mối đe dọa làm suy yếu các nền móng của các nhà nước hiện đại. Nhiệm vụ chống lại các điều đó thuộc về các giám mục và nhất là Đức Giáo hoàng, người có sứ vụ đặc biệt chăm lo cho sự hiệp nhất và sự bảo tồn đức tin, đồng thời là người giải thích tối cao luật luân lý tự nhiên. Và, tạ ơn Chúa, các Đức Thánh Cha từ 150 năm nay đều có một thẩm quyền luân lý rất lớn, vượt hẳn thẩm quyền của người đứng đầu nước Tòa Thánh.

Tân Thanh chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube