ĐTC Phanxicô lặp lại lời kêu gọi chấm dứt án tử hình

02773B80-0F3C-4EFA-B691-22A62B3A0BBE

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp lại lời kêu gọi chấm dứt án tử hình, đồng thời lập luận rằng “ngay cả một kẻ sát nhân cũng không đánh mất phẩm giá cá biệt của mình – chính Thiên Chúa đảm bảo điều đó”.

“Nhận ra phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi con người”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi hôm 30/11 trên Twitter trước sự kiện “Cities for Life 2020” (Các thành phố Sự sống 2020) do Cộng đồng Sant’Egidio tổ chức.

“Chúng ta hãy ghi nhớ rằng ngay cả một kẻ sát nhân cũng không đánh mất phẩm giá cá biệt của mình – chính Thiên Chúa đảm bảo điều đó (x. Thông điệp Evangelium vitae, số 9). Việc kiên quyết bác bỏ án tử hình cho thấy có thể nhận ra phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi con người ở mức độ nào. #FratelliTutti #NoDeathPenalty”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết trên Twitter.

C7207194-56AD-4D12-94BB-918B27AD6786

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô được trích dẫn từ Thông điệp vào ngày 3 tháng 10 của Ngài về Tinh thần huynh đệ và tình bạn xã hội, Fratelli Tutti, trong đó Đức Thánh Cha viết rằng: “Có hai tình huống cực đoan có thể được người ta xem là những giải pháp cho các trường hợp đặc biệt, mà không nhận ra rằng chúng là những giải pháp sai lầm, không giải quyết được những vấn đề chúng muốn giải quyết, và cuối cùng chẳng khác gì đưa thêm những yếu tố hủy diệt vào khung cảnh xã hội toàn cầu và quốc gia. Đó là chiến tranh và án tử hình” (Fratelli Tutti, số 255).

Trong Thông điệp của mình, Đức Phanxicô nhắc lại rằng: “Thánh Gioan Phaolô II đã tuyên bố rõ ràng và mạnh mẽ rằng án tử hình là điều không thích đáng xét theo quan điểm luân lý, và không còn cần thiết xét theo quan điểm tư pháp hình sự” (Fratelli Tutti, 263-70).

“Không thể lùi bước khỏi quan điểm này”, Đức Phanxicô tiếp tục, đồng thời nhắc lại sự thay đổi vào năm 2018 của Ngài trong sách Giáo lý GHCG bởi vì “án tử hình là không thể chấp nhận được” nên Giáo hội “nỗ lực với quyết tâm xóa bỏ bản án này trên toàn thế giới”.

Mặc dù chắc chắn rằng các nhà chức trách có quyền trừng phạt những kẻ phạm tội, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo rằng “sự sợ hãi và phẫn nộ có thể dễ dàng dẫn đến việc xem hình phạt theo cách thức thù hằn và thậm chí tàn nhẫn, hơn là một phần của quá trình chữa lành và tái hòa nhập xã hội”.

Không chỉ vậy, ngay cả những tội phạm nghiêm trọng nhất cũng có “một vị trí trong vũ trụ này”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời nhấn mạnh rằng lời kêu gọi của Chúa Giêsu chống lại bạo lực trong Vườn Gethsemane (“Kẻ nào dùng gươm sẽ bị chết vì gươm”, Mt 26:52) “thu hẹp khoảng cách của nhiều thế kỷ và vươn tới hiện tại như một lời kêu gọi trường tồn”.

Các tòa nhà tại 2.300 thành phố được tháp sáng trong chiến dịch Sant’Egidio nhằm ngăn chặn hình phạt tử hình “vô nhân đạo và vô dụng” vốn “biến các quốc gia thành những kẻ thủ phạm của sự bất công”

Về phần mình, Cộng đồng Sant’Egidio giải thích rằng sự kiện buổi canh thức “Cities for Life 2020” và hội thảo trực tuyến #Stand4Humanity từ 5:30 chiều đến 7 giờ tối GMT + 1 tối hôm 30/11 diễn ra vào dịp kỷ niệm 234 năm lệnh cấm đầu tiên đối với án tử hình có hiệu lực tại bất cứ nơi nào trên thế giới, tại Đại công quốc Tuscany ở Ý vào ngày 30 tháng 11 năm 1786.

Kể từ lệnh cấm vào thế kỷ 18 đó ở Tuscany, “rất nhiều tiến bộ đã đạt được trên con đường xóa bỏ hình phạt tử hình trên thế giới”, Cộng đồng Sant’Egidio khẳng định.

“Nhưng rất nhiều công việc cần phải được thực hiện để chống lại công cụ vô dụng và vô nhân đạo này, bởi vì nó không hoạt động như một biện pháp ngăn chặn và biến các quốc gia trở thành những kẻ thủ phạm của sự bất công”, Cộng đồng Sant’Egidio nhấn mạnh.

Cộng đồng Sant’Egidio cho biết sau cuộc hội thảo trực tuyến #NoDeathPenalty, Đấu trường La Mã ở Rome sẽ được thắp sáng cùng với các tòa nhà ở khoảng 2.300 thành phố trên toàn thế giới để biến chúng trở thành “những biểu tượng sống động” về “cam kết của mọi người vì một thế giới không có án tử hình”.

Cuộc biểu tình tối hôm 30/11 chống lại các vụ hành quyết do nhà nước thực thi “là một cuộc vận động hoành tráng của thế giới để mọi người đừng quên rằng một số quốc gia vẫn tiếp tục hình phạt tàn bạo và vô nhân đạo này”, Cộng đồng Sant’Egidio giải thích, đồng thời cũng cho biết thêm rằng các tham dự viên đang hướng tới mục tiêu “cho thấy rằng có một nền công lý cao hơn và văn minh hơn có khả năng bãi bỏ hình phạt tử hình hoàn toàn”.

Minh Tuệ (theo Novena)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube