ĐTC Phanxicô kêu gọi hòa bình tại Sri Lanka và hỗ trợ những người đau khổ

Những người biểu tình đứng trên một chiếc xe tải chở nước của cảnh sát bị phá hỏng và hô to khẩu hiệu ở lối vào dinh thự chính thức của Tổng thống ở Colombo, Sri Lanka, thứ Bảy, ngày 9 tháng 7 năm 2022 (Ảnh: AP / Eranga Jayawardena)

Những người biểu tình đứng trên một chiếc xe tải chở nước của cảnh sát bị phá hỏng và hô to khẩu hiệu ở lối vào dinh thự chính thức của Tổng thống ở Colombo, Sri Lanka, thứ Bảy, ngày 9 tháng 7 năm 2022 (Ảnh: AP / Eranga Jayawardena)

Hôm Chúa nhật ngày 10 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự gần gũi của mình với “sự đau khổ của người dân Sri Lanka”, khi đất nước 22 triệu dân này tiếp tục chịu đựng sự bất ổn chính trị và cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.

Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã đến thăm đảo quốc này vào tháng 1 năm 2015, đã cùng với các Giám mục Công giáo Sri Lanakan “kêu gọi hòa bình” và đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị của đất nước “đừng bỏ qua tiếng kêu của người nghèo và nhu cầu của người dân”.

BBC đưa tin rằng đảo quốc ngoài khơi miền nam Ấn Độ đang phải hứng chịu “tình trạng lạm phát lan tràn” và “đang phải vật lộn để nhập khẩu lương thực, nhiên liệu và thuốc men trong bối cảnh đất nước đang phải đối diện cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 70 năm qua. Quốc gia này hiện đã hết ngoại tệ để chi trả tiền xăng, dầu diesel và phải ra lệnh cấm bán xăng và dầu diesel cho các phương tiện cá nhân, dẫn đến tình trạng xếp hàng mua xăng dầu kéo dài nhiều ngày”. Các trường học đã đóng cửa và mọi người được yêu cầu làm việc tại nhà.

BBC đưa tin: “Chính phủ đổ lỗi cho đại dịch Covid, vốn đã ảnh hưởng đến nghành thương mại du lịch của Sri Lanka — một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của nước này”. Khách du lịch cũng “hết sức kinh hoàng trước một loạt các vụ đánh bom đẫm máu nhắm vào các nhà thờ vào năm 2019”. BBC cũng cho biết rằng chính phủ đã “gánh những khoản nợ khổng lồ với các quốc gia bao gồm cả Trung Quốc, để tài trợ cho những thứ mà các nhà phê bình gọi là các dự án cơ sở hạ tầng không cần thiết”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự bận tâm của mình với những người hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô sau khi hàng trăm nghìn người biểu tình, sau nhiều tháng xảy ra các cuộc biểu tình ôn hòa ở thủ đô Colombo và trên khắp đất nước, đã xâm nhập dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Gia đình Tổng thống đã cai trị đất nước trong 20 năm qua và không muốn từ bỏ quyền lực. Những người biểu tình cũng đốt phá tư dinh của Thủ tướng sáu nhiệm kỳ của đất nước, Ranil Wickremesinghe. Cả hai nhà lãnh đạo chính trị đều không ở trong các tòa nhà vào thời điểm đó.

Tổng thống Sri Lanka, người từng là Bộ trưởng Quốc phòng khi anh trai Mahinda của ông giữ chức vụ Thủ tướng, đã đè bẹp phong trào ly khai ‘Những con hổ Tamil’ vào năm 2009, đã quyết định rời bỏ dinh thự vào buổi tối trước khi những người biểu tình tràn vào và được biết rằng ông sẽ từ chức vào ngày 13 tháng 7. Thủ tướng nước này cũng đã đồng ý từ chức. Tin tức về việc các nhà lãnh đạo từ chức đã dẫn đến các cuộc ăn mừng rộng rãi.

Việc từ chức của các nhà lãnh đạo này theo sau những yêu cầu kiên quyết từ những người biểu tình cũng như từ các nhà lãnh đạo tôn giáo của đất nước đa số theo Phật giáo này – 65% dân số 22 triệu người là Phật tử, 18% theo Hindu giáo, 11% theo Hồi giáo và 8% theo Kitô giáo, trong số đó có 1,5 triệu người Công giáo.

Vào ngày 6 tháng 7, Đức Hồng y Malcolm Ranjith, Tổng giám mục Địa phận Colombo, đã tổ chức một cuộc họp báo, trong đó ngài cho biết uy tín của gia đình Rajapaksa đã giảm xuống mức thấp đến mức mọi nỗ lực của họ nhằm đạt được những thay đổi về tài chính, chính trị hoặc hiến pháp đều bị công luận bác bỏ, Asianews đưa tin.

“Gia đình này coi quyền lực chính trị của họ quan trọng hơn phúc lợi của người dân”, Đức Hồng y Ranjith nói. Ngài kêu gọi ông Rajapaksa và các thành viên của gia đình Rajapaksa đang nắm giữ các vị trí quyền lực từ chức để giúp đất nước đối phó với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

“Thay mặt cho những người dân đau khổ, điều mà tôi tha thiết yêu cầu từ ngài Tổng thống và chính phủ Sri Lanka đó là phải thừa nhận trách nhiệm của họ đối với tình hình đáng buồn và từ chức vì họ không có quyền đạo đức để tiếp tục tại vị nữa trong những trường hợp này”, Đức Hồng y Ranjith nói.

Đức Hồng y Ranjith kêu gọi thành lập một chính phủ ân cần vốn sẽ giải quyết các vấn đề tức thời nhất với sự hỗ trợ của các chuyên viên có năng lực để đất nước có thể tổ chức bầu cử sớm nhất có thể. Ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo đối lập “nỗ lực làm việc với tinh thần liên đới và sự minh bạch, từ bỏ những mặt hạn chế nhỏ nhặt về chính trị và tư tưởng của họ”.

Theo Asianews, Đức Giám mục Asiri Perera, cựu chủ tịch của Giáo hội Giám lý Sri Lanka, cũng đưa ra yêu cầu tương tự đối với việc từ chức của các nhà lãnh đạo. Ngài nói: “Mọi người không yêu cầu một chính phủ mới hoặc một nhà cầm quyền mới; họ đang yêu cầu gas để nấu ăn, nhiên liệu cho xe cộ, nguồn điện không bị gián đoạn, chi phí sinh hoạt thấp hơn”.

Vị Giám chức kêu gọi các chính trị gia, “Đừng tham gia vào một cuộc tranh giành quyền lực”.

Cùng ngày, Asianews đưa tin, Tỳ kheo Maha Sangha Sabha, một hiệp hội bao gồm các nhà sư Phật giáo, đã gửi thư tới Tổng thống mời ông ngay lập tức làm việc để thành lập một chính phủ toàn đảng.

BBC đưa tin rằng “các nhà lãnh đạo chính trị” dự kiến sẽ tổ chức các cuộc họp “để thảo luận về quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ” và quân đội Sri Lanka “đã kêu gọi người dân hợp tác với các lực lượng an ninh để duy trì sự bình ổn” trong nước.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube