Để thấy bên nào đang chiến thắng

“Ai bền chí đến cùng mới được cứu thoát” (Mt 24, 13)

jesus_satan

Dicdok. Ta thấy ngày nào báo chí cũng loan tin những chuyện xấu xa như cướp bóc, lừa đảo, kiện tụng, bạo hành, giết người, mà quả thật, xã hội ngày càng hỗn loạn. Hỗn loạn về mọi mặt như kinh tế, giao thông, các giá trị đạo đức, văn hóa, nhân bản…; hỗn loạn từ trong lòng người đến gia đình, xã hội và cả trong lãnh vực tôn giáo nữa… Liệu đức tin vào mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã có, đang phát triển và chung cuộc, Nước ấy sẽ chiến thắng vương quốc của tội lỗi, của sự chết ngày càng tệ hại và trầm trọng ở trong trần gian này không?.

Người kém lòng tin, một đức tin không dựa vào Lời Chúa chắc chắn sẽ thất vọng, bi quan trước sự dữ, sự xấu đang hoành hành, bao trùm lên nhân loại. Vậy, trong vấn đề này, đức tin nói gì, cho thấy điều gì?.

Bất chấp những đám mây mù tội lỗi của khủng bố, việc giết hại người vô tội mới đây như ở Munich, Đức, những người không có khả năng tự bảo vệ mình, như ở  viện nuôi dưỡng người tàn tật ở Nhật Bản, những người đang sống an lành bỗng trở thành nạn nhân ở Nice, hoặc một linh mục bị giết khi đang dâng lễ ở Rouen, Pháp quốc… Những kẻ độc ác cố tình gây ra những sự bất ổn, khiến tâm trí người ta ra hoang mang, tâm lý hoảng sợ.

Con thấy đó, gieo rắc nỗi đau cho những người vô tội, không phải phát xuất từ những người hạnh phúc, đang sống bình an, nhưng cho thấy trong lòng những kẻ bất hạnh ấy ngập đầy những đau khổ, ảo tưởng, tranh chấp, ngờ vực, đố kỵ, nên đâm ra hằn học, ích kỷ, cay đắng và tàn ác đối với những người may mắn hơn, hạnh phúc hơn. Vì họ bất hạnh, nên họ không muốn người khác có quyền được hạnh phúc. Thật kinh khủng khi có người nghĩ và làm như thế.

Đứng trước những thảm hoạ ấy, con sẽ hỏi, tại sao Thiên Chúa quyền năng lại để điều đó xảy ra mà không ngăn chặn những sự dữ ấy?.

Thánh Augstinô giải thích mầu nhiệm sự dữ như sau: “Trong vũ trụ, cả điều bị coi như sự dữ, khi nó được điều chỉnh và đặt đúng chỗ, càng làm chúng ta thêm thán phục điều thiện; vì chúng ta trân trọng sự thiện nhiều hơn khi so sánh nó với điều ác. Vì Thiên Chúa toàn năng, như chính người ngoại đạo cũng thừa nhận, có toàn quyền trên mọi sự, bởi chính Người là vô cùng tốt lành, sẽ không bao giờ cho phép điều xấu được hiện hữu giữa công trình của Người, nếu Người không quyền năng và tốt lành đến độ có thể lấy sự thiện từ chính điều ác.”(Thánh. Augustinô, Khảo luận Tin, Cậy, Mến, c. 11).

Trong những ngày này, người tín hữu trên thế giới cùng nhau cầu nguyện dâng nỗi khổ đau này lên Chúa Giêsu, Đấng đã từng sống trong thảm cảnh này, đã từng là nạn nhân của lòng độc ác của con người. Và, noi gương Đức Giêsu, người tín hữu đặt tất cả hy vọng vào Chúa Cha, Đấng có quyền năng biến những điều dữ thành điều lành, và với đức tin, “là sự bảo đảm cho những điều ta đang hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11, 1). “Không thấy mới phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong thì còn gì là trông mong nữa, ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi. Nhưng khi ta trông mong điều mình chưa thấy thì đó là ta đang bền chí đợi chờ” (Rm 8, 24t).

Con thấy khó hiểu hả?. Nghe đây. Dù bản năng phòng vệ, tìm kiếm an toàn của người ta thôi thúc họ chỉ tin và trông cậy vào những gì họ nắm chắc được, tiên liệu được, thì nhân đức tin và nhân đức cậy là bước nhảy liều lĩnh vào khoảng vô định. Khó khăn ở đó và giá trị cũng là đó. Ta lấy ví dụ. Con xem vì sao hai người thương nhau, họ sẵn sàng trao phó cuộc đời cho nhau, cùng nhau tiến bước vào tương lai vô định?. Ấy là vì người ta tin tưởng và yêu thương nhau. Như trò chơi người mù cõng anh què sáng mắt. Dù có qua nhiều gian khổ, khó khăn, chướng ngại, anh mù luôn dấn bước không hề sợ sệt, nghi ngờ, căng thẳng, thất bại, vì anh tín thác tuyệt đối vào anh sáng mắt. Còn như một người mù cõng người mù thì sao hả?. Thì như Chúa nói, cả hai sẽ lăn cù xuống hố (Mt 15, 14).

Sống đức tin là thế. Nếu con tín thác mọi sự cho Chúa, chịu để cho Chúa cầm tay dẫn con tiến bước, nếu con tin vào “việc Chúa ở cùng, côn trượng Người bảo vệ”, thì dù có ở “trong lũng tối âm u” con không sợ gì nguy khốn, dù những thông tin “tăm tối và đáng thất vọng” hàng ngày con nhận được có vẻ che khuất mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, khiến con tưởng rằng Nước Chúa bị đánh bại và đang lụi tàn, thì con vẫn vững dạ an tâm (Tv 22).

Con thấy đấy, Đức Giêsu đã có cái nhìn rất chính xác, thực tế và logic, khi Người cho thấy sự an tâm tin tưởng của người gieo giống ra đi gieo vãi những hạt giống; an tâm tin tưởng về sức sống nội tại mãnh liệt của hạt lúa sẽ lớn lên, phát triển và thu hoạch; an tâm tin tưởng vào nắm men sẽ làm dậy men cả khối bột (x. Mt 13,3-23.33); vào sự đầu tư thắng lợi của nhà buôn biết rõ giá trị của viên ngọc quý; về kho tàng được chôn dấu trong đám ruộng, chắc chắn đào lên sẽ có (x. Mt 13, 1-33). Và mọi sự dù còn nhập nhằng như cỏ lùng xen lẫn với lúa, con hãy vững tin, đến lúc  thu hoạch, sự phân tách sẽ rõ ràng, như lời Đức Giêsu: “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 16,27). Thánh Phaolô cũng cảnh  báo: “Anh em đừng có lầm tưởng, Thiên Chúa không để cho người ta nhạo báng đâu! Thật vậy, ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy” (Gl 6,7).

Phần con trong hiện tại, cứ trở nên muối cho đời, ánh sáng cho thế gian, rồi mọi sự sẽ rõ ràng trong phút chót (Mt 5, 13-16), như xác tín của thánh Phaolô: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn trong lúc gặp gian truân và kiên trì cầu nguyện” (Rm 12, 12).

Dicdok con ơi, thật ra hiện tại cũng không quá ảm đạm. Vẫn còn những người tín hữu quy tụ với nhau để sống , chia sẻ Lời Chúa và lãnh nhận Thánh Thể để dưỡng nuôi đức tin cho toàn Hội thánh và cầu xin cho các nạn nhân; vẫn còn có nhiều người lên đường theo tiếng gọi đức tin và dấn thân cho kế hoạch hoà bình, bình an, xoá bỏ hận thù của Chúa; vẫn con những người biết cách đọc các dấu chỉ thời đại trong cái nhìn đức tin để nhận ra Chúa vẫn hiện diện trong những vùng tối chập choạng, trong những sự chống đối, trong những khổ đau và ngay cả trong sự chết chóc nữa.

Xưa, Đức Giêsu đã từng sống và đã từng đối diện với những vấn đề như vậy, nhưng Người vẫn kiên vững đức tin và thực thi kế hoạch cứu độ của Chúa Cha cho đến cùng. Trên thập giá, Đức Giêsu nói: “Đã hoàn tất”. Đó là lời tuyên bố chiến thắng chung cuộc chứ không phải là lời bi thảm cùng cực của sự bế tắc. Vậy nếu có ai buồn sầu, hoang mang, chán nản vì thất bại, tuyệt vọng… về mọi sự đang diễn ra trong cuộc sống, thì họ đang chứng tỏ mình chưa được lãnh nhận ơn đức tin, nên không có niềm hy vọng.

Dicdok. Đừng nghĩ rằng Ta lạc quan tếu, xa rời thực tế và ảo tưởng. Vẫn biết tin vào sự hiện diện của Đức Giêsu trong Thánh Thể thì “dễ hơn” tin vào sự hiện diện của Chúa trong những người tin; tin vào lời Chúa thì dễ hơn tin vào những cam kết của các quốc gia khôi phục lại nền văn hóa sự sống và tình thương; tin vào sức mạnh chiến thắng quỷ ma của Chúa thì dễ hơn tin vào việc kẻ xấu trở nên thành người tốt; tin vào những kỳ công Chúa thực hiện trong Cựu ước dễ hơn tin rằng quân IS có ngày sẽ sám hối; tin rằng Chúa chữa lành mọi bịnh tật cho con người dễ hơn tin là Chúa cứ để bịnh tật này cho người ta “vác thánh giá theo chân Chúa”…

Nếu chỉ nhìn vào thực tại mầu nhiệm sự dữ đang hoành hành hiện nay rồi khủng hoảng và đánh mất đức tin, thì… Hội thánh đã mất đức tin từ lâu lắm rồi con ạ. Nếu trong con có sự giằng co về cách lý giải giữa những gì đang xảy ra trong thế giới với thực tại ân sủng của Chúa, điều đó gọi là hoài nghi, là kém lòng tin. Con quên bài học thánh Phêrô suýt chết chìm rồi sao? (x. Mt 14, 25-32).

Thánh Phaolô đã có trải nghiệm về đời sống tông đồ vô cùng gian nan (2Cr 4, 7-18), nếu chỉ dựa trên suy nghĩ của con người thì thật đáng thất vọng, nhưng điều ấy lại là vinh quang và hãnh diện của người đầy tràn đức tin và ân sủng (x. 2Cr 12, 9t). Rồi người rút ra một nguyên tắc cho đức tin: “Chúa làm cho mọi sự sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo ý định của Người, để họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để trở nên công chính và được phúc vinh quang” (Rm 8, 28-30).

Dicdok. Con hãy có góc nhìn đức tin đó để thấy “cái lợi” trong những bất lợi, thấy “chiến thắng”trong những thất bại, thấy “cái được” trong những mất mát. Con cần được “khai tuệ” để thấy bằng con mắt của Chúa (x. Mt 6, 22t) trong cái thế giới hỗn độn, tăm tối, xáo trộn bởi sự lộng hành của ma quỷ này, vẫn đang vận hành dưới bàn tay quan phòng của Chúa để đưa nó đến hoàn thành. Thánh Phaolô không ngần ngại khi nói Chúa đã cho phép sự xấu xảy ra, những biến cố bất lợi nhất… để biểu dương những kỳ công của Chúa. Chúa hay chọn những gì thế gian cho là hèn kém, ngu dốt để biểu lộ quyền năng và khôn ngoan của Người (x. 1Cr 2, 21-25).

Dicdok con ơi. Trước khi được “khai sáng”, chính ta cũng đã từng ngu dốt “đến tận móng” như con vậy. Dù biết Đức Giêsu vẫn ở với Hội thánh, nhưng lại không thấy Người; thấy từng biến cố lớn nhỏ của lịch sử, nhưng lại không thấy dấu vết của Người.

Từ kinh nghiệm đó, bây giờ ta nghiệm thấy những ai không biết cách đọc Lời Chúa để tìm ra lời giải đích thực cho mọi vấn đề và vì kém tin, người ấy chỉ thấy toàn những âm mưu tăm tối, những màn kịch dàn dựng của con người, những cạnh tranh, xảo trá, bạo quyền do ác tâm chủ ý của con người. Vì thế không lạ khi thấy họ, với “tính xác thịt con người” hay nhận định, phê phán một cách chủ quan về các sự kiện, hay tranh biện dài hơi, ăn thua, cay cú, trả đũa với con người, nổi loạn trước số phận. Có lẽ họ vẫn tin vào tính tuyệt đối của Lời Chúa, những không tin Chúa đang nói gì đó qua các biến cố. Nếu có, thì chỉ tin những gì cho thấy sức mạnh và quyền năng của Chúa đang dùng, để trấn áp mọi quyền lực khác.

Cũng vẫn là những cám dỗ xưa kia của các môn đệ, khi họ mong muốn Chúa “khôi phục Ítraen” (Cv 1, 6). Họ vẫn không chấp nhận bài học thập giá, cái ngu dại, cái thất bại của Chúa, mà mong muốn Chúa thực hiện một con đường, như xưa satan – hay tư tưởng loài người, đã “gợi ý” khiến Phêrô đã ngăn cản con đường cứu độ của Đức Giêsu (x. Mt 16, 23).

Phải chăng với bối cảnh tương tự mà tác giả thư Do thái đã phải xác quyết: “Đức Giêsu vẫn là một, hôm nay và cho đến muôn đời, đừng để đủ thứ học thuyết xa lạ mê hoặc anh em”? (Dt 13, 8). Phải chăng không còn sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng thường trực trong Hội thánh để dẫn dắt Hội thánh tới chân lý vẹn toàn?. Và khi Người đã nhắc lại những gì Đức Giêsu đã nói, đã dạy bảo thì liệu những đầu óc “khôn ngoan vốn có” của con người có thể nhận ra, ngang qua những biến cố trong lịch sử? (Ga 14, 26/ 16, 13).

Dikdok con ơi, phải tìm ra sợi chỉ đỏ xuyên suốt qua những biến cố lịch sử nhân loại là những lời giải của Chúa Thánh Thần cho những vấn nạn của con người, chứ không phải từ phía sự khôn ngoan tài trí của con người. Có lẽ tính hiệu quả và tương đối, sự đề cao thái quá những giải pháp của con người, cùng với thứ công bằng “ăn miếng trả miếng” muốn rút ngắn thời gian, làm người ta không còn “kiên tâm bền chí đợi chờ” tìm những giải pháp từ phía Chúa, mà như Gioan xưa, muốn “khiến lửa trời xuống đốt chúng” (x. Lc 9, 54).

Con hãy thử nghiệm xem những biến cố gần đây xảy ra trong xã hội và Hội thánh, những đường lối chọn lựa, trình bày, tranh luận, phản biện, hô hào… có đúng như ta vừa nói hay không?. Vì vậy, trong thời đại này, đức tin là điều cần thiết người tín hữu phải khiêm tốn nài xin Chúa ban cho. Khi các biến cố trầm trọng liên tiếp xảy ra khiến người tín hữu kinh hãi, như những đợt sóng dữ dội ập vào thuyền mà Chúa thì như đang ngủ, đang ở ngoài cuộc, bỏ mặc họ loay hoay chống trả trong tuyệt vọng. Chính lúc đó, phải hướng về Chúa mà liên lỷ kêu cầu, tin tưởng, rồi sẽ nhận được giải pháp từ nơi Chúa.

Như xưa, chỉ với một tiếng quát của Chúa, mọi sự trở về trật tự cũ. Khi chứng kiến “chuyện lạ” này, các môn đệ còn không tin vào mắt mình, không tin vào Đấng vẫn đang hiện diện với mình trong phong ba này, và dùng quyền năng khống chế chúng cách dễ dàng như vậy. Họ ngỡ ngàng hỏi nhau: “Người là ai?”. Câu hỏi này chứa đựng lời giải cho họ (Mc 4, 35-41). Ngày nay, như thể Đức Giêsu đang ngủ, đang khiếm diện trong những sự kiện kinh khủng vừa qua, còn có ai chạy đến kêu cầu Người không?. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân con ạ.

Nếu đức tin giúp cho Phêrô cam đảm đặt chân trên mặt biển đang cuồn cuộn những cơn sóng dữ, nhưng đức tin ấy chưa đủ để ông thắng được nỗi sợ trước phong ba (là cơ nguy). Đến khi nhận biết tình trạng hiểm nguy của mình, ông hướng về phía Chúa, tin tưởng và kêu cầu (đây là sức mạnh và giải pháp), không những ông được đưa lên bờ, mà sóng gió cũng tan biến, khiến mọi người phải tung hô Người là Con Thiên Chúa (x. Mt 14, 25-33).

Dicdok. Con hãy xác tín rằng trên thế gian này, không một mãnh lực nào mãnh liệt hơn quyền năng Chúa, không một sức phù trợ nào vững vàng hơn sức mạnh của đức tin. Con người ta trở nên vĩ đại hay tầm thường là ở đức tin của họ, và đức tin ấy tác động lên thành công hay thất bại, lên hạnh phúc hay bất hạnh. Đức tin chân chính giúp người ta ra khỏi niềm tin vào bản thân, khỏi những an toàn, những chắc chắn, để quăng mình phiêu lưu vào nơi vô định, vì tin tưởng Đấng nắm quyền làm chủ lịch sử sẽ gìn giữ, hướng dẫn, chi phối mọi sự mà vẫn để mọi sự như thể được phó mặc cho ngẫu nhiên, hoặc để con người ta mặc tình chi phối nó.

Nói chuyện với con… mỏi tay quá. Lấy cho ta ly nước. Dikdok.

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube