ĐỂ GẶP GỠ CHÍNH CHÚA (thứ Bảy, ngày 12-03-2016)

Tác giả Tin Mừng Gioan, trong đoạn Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Ga 7, 40-53), trình thuật về những tranh luận và chia rẽ trong dân chúng cũng như trong giới lãnh đạo Do Thái liên quan đến căn tính của Đức Giêsu. Ở đây, tác giả Tin Mừng cho thấy có hai nhóm người chính: một là nhóm những người lòng dạ ngay thật và tâm trí cởi mở để có thể nhận ra và gặp gỡ chính Đấng Cứu Thế; nhóm khác lại vì lại vì lòng dạ hẹp hòi và tâm trí đóng kín nên đã tìm cách loại trừ Ngài.

Bối cảnh của đoạn Tin Mừng hôm nay là vào cuối dịp Lễ Lều ở Giêsusalem và sau bài giảng của Đức Giêsu ở trong Đền thờ về “những dòng nước sự sống” xuất phát từ Ngài (x. 7, 37-39). Đoạn Tin Mừng này có thể đượcJesus-Christ-jesus-348459_530_600 chia làm ba phần: 1/ những tranh cãi và chia rẽ trong dân chúng liên quan đến căn tính Mêssia của Đức Giêsu (7, 40-44); 2/ phản ứng giận dữ của các người pharisêu và thượng tế với các vệ binh được sai đi bắt Đức Giêsu (7, 45-49); và lời can thiệp của Nicôđêmô trong Thượng Hội Đồng và phản ứng của giới lãnh đạo Do Thái (7, 50-52).

 

Trước hết, những tranh cãi và chia rẽ xẩy ra trong đám dân chúng vừa do bởi mỗi người trong họ đã gặp, lắng nghe và đón nhận lời và con người của Đức Giêsu một cách khác nhau, tuỳ vào thái độ cởi mở cho sự thật hay đóng kín với những định kiến của họ; mặt khác là do bởi những quan niệm khác nhau về nguồn gốc của Đấng Mêssia mà dân chúng đang trông đợi. Bởi thế, một số người, sau khi nghe những lời uy quyền của Đức Giêsu, cho rằng Ngài “thật là một tiên tri” (7, 40). Những người khác lại xác quyết “Ngài hẳn phải là Đấng Kitô” – Đấng Mêssia mà dân trông đợi (7, 41a). Nhưng những kẻ khác lại loại trừ cả hai cách nhìn nhận trên về Đức Giêsu, bởi vì liên quan đến gốc gác Galilê của Ngài (7, 41b-42). Ở đây, vị “Thủ Lãnh hoà bình” (x. Is 9, 5) lại nên “duyên cớ” cho sự chia rẽ (x. Mt 10, 34-36). Chia rẽ xẩy ra không do bởi ý định của Con Thiên Chúa nhập thể, mà là do bởi người ta đón nhận hay khước từ Ngài.

Tác giả Tin Mừng Gioan trình thuật tiếp, nói đến những vệ binh (hoi hypēretai – có lẽ là các vệ binh của Thượng Hội Đồng), được sai đi bắt Đức Giêsu nhưng lại trở về trình diện tay không với các người Pharisêu và thượng tế (7, 45). Câu trả lời của họ trước sự chất vấn của giới lãnh đạo Do Thái, “Chẳng có hề ai nói như người ấy” (7, 46b), cho thấy họ đã bị thu hút bởi những lời giảng dạy của Đức Giêsu, và lòng họ còn có lương tri, nên họ không nở ra tay bắt một người như thế, dù họ ý thức mình phải đối diện với sự căm phẫn của những kẻ sai họ đi. Nghe lời trình thuật chân thành của những vệ binh về Đức Giêsu, giới lãnh đạo Do Thái vẫn quyết đóng cửa lòng mình và chối từ sự thật; họ lại còn đưa mình lên như mẫu gương sáng cần noi theo, họ nói với các vệ binh: “Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái có ai tin nó đâu?” (7, 48). Và họ miệt thị những người tin vào Đức Giêsu như là những người thuộc giới cặn bã: “Chỉ có lũ khốn nạn đó không biết gì lễ luật” (7, 49). Sự đời là thế, những kẻ quyền uy độc tài và đầu óc khép kín lại luôn cứ tưởng mình là “đỉnh cao trí tuệ loài người” và muốn bắt người khác phải noi theo.

Nhưng không phải tất cả quan chức của Thượng Hội Đồng đều đồng loã trước những mưu toan gian ác. Nicôđêmô, một thành viên của Thượng Hội Đồng – người đã từng đến gặp Đức Giêsu vào ban đêm để hỏi về nguồn gốc các “dấu lạ” và đã được Ngài giải nghĩa về sự “sinh lại bởi nước và Thánh Thần” (x. 3, 1-15), đã lên tiếng nhắc nhở Thượng Hội Đồng về luật tố tụng: “Liệu luật chúng ta có kết án một ai trước khi nghe họ trình bày, hoặc tìm hiểu xem họ làm gì không?” (7, 51; x. Đnl 1, 16-17; 17, 2-5). Những người pharisêu, thượng tế và biệt phái lên án người khác là không biết luật pháp và đáng bị nguyền rủa; nhưng trớ trêu thay, chính họ lại là những người đang cố tình phạm luật. Mà không chỉ cố tình phạm luật, họ còn hàm hồ nữa; họ đã trả lời Nicôđêmô: “Hay ông cũng là người Galilê? Hãy nghiên cứu, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào xuất thân từ Galilê” (7, 52). Nhưng họ hẳn phải biết rằng ít là có ngôn sứ Giona, người thuộc xứ Galilê (x. 2 V 14, 25). Nhưng thái độ tự cho mình là đúng của họ nhắm đến mục đích là kết án bằng được Đức Giêsu.

Thái độ khép khín lòng mình trước Chân Lý, hay mở rộng tâm hồn cách đơn thành để gặp gỡ chính Chúa vẫn luôn xẩy ra trong suốt dòng lịch sử nhân loại. Thế giới, và nhất là ở Đất nước chúng ta với chế độ độc tài cộng sản, vẫn luôn có những người như các thượng tế, pharisêu và biệt phái, như trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, sẵn sàng chà đạp tiếng nói của sự thật để thực hiện bằng được mưu đồ đen tối của mình. Nhưng thế giới và dân tộc Việt nam chúng ta và vẫn luôn có những người như các vệ binh và Nicôđêmô, với tâm hồn rộng mở cho điều thiện và can đảm bênh vực lẽ phải. Những người thiện tâm, không ít thì nhiều, sẽ cảm thấy được sự đồng hành của Thiên Chúa, và của Đức Kitô – Đấng Cứu Thế trong hành trình đời sống mình. Những người thiện tâm với lòng khát khao chân lý sẽ kín múc được Dòng nước sự sống là Thánh Thần, tuôn trào từ Đức Kitô (x. Ga 7, 37-39). Đó cũng là niềm xác tín của vịnh gia trong Thánh vịnh đáp ca hôm nay, khi đối diện với sự ác vây bủa quanh mình: “Thuẫn che thân tôi là Thiên Chúa, Đấng cứu độ những kẻ lòng ngay” (Tv 7, 11).

Giuse Phạm Đình Trí, C.Ss.R

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube