Dân tiếp tục khổ vì nhà bỗng dưng hóa thành "hang"

Hàng chục hộ dân sinh sống tại đường Kinh Dương Vương (thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM) đang “sống dở, chết dở” vì ngôi nhà bỗng dưng biến thành “hầm”, thành “hang”.

Nhà thấp hơn mặt đường từ 0,8m đến 2m.

Nhà thấp hơn mặt đường từ 0,8m đến 2m.

Cuộc sống người dân nơi đây đã hoàn toàn xáo trộn khi căn nhà bấy lâu nay của họ giờ đã thấp hơn mặt đường mới thi công hơn nửa thước, thậm chí có căn thấp hơn đến gần 2m. Một nghịch lý đến từ chủ trương nâng cấp đường của nhà nước với mục đích giúp dân thoát khỏi cảnh ngập nước vào mùa mưa. Thế nhưng, với việc nâng mặt đường lên quá cao đã khiến cho, nếu như trước kia người dân khổ sở vì đường lầy lội, ngập nước một, thì hiện nỗi khiếp sợ nhà thấp hơn mặt đường còn khủng khiếp hơn gấp mười.

Buôn bán ế ẩm, nguy hiểm rình rập

“Đường mà cao thế này, mưa xuống nước càng tràn ngược vào nhà, thì cái nhà tôi khác nào bể chứa nước”, một người dân nói trong bức xúc.

Để có thể ra vô được nhà, nhiều người phải bắt ghế để leo lên, khá bất tiện và nguy hiểm. Ông Nguyễn Văn Bé (71 tuổi) mở phòng khám Đông y tại đây bày tỏ: “Từ khi nâng cấp đường, cuộc sống của người dân liên tục bị xáo trộn. Buôn bán thì ế ẩm, không có khách. Trời thì nắng như đổ lửa, xe cộ cứ ra vô liên tục khiến bụi bặm bay hết vào nhà. Dù hàng ngày vẫn có xe bồn đi tưới nước nhưng chỉ đi được 1-2 lần, không hiệu quả. Đặc biệt, bụi như thế này rất nguy hiểm đến sức khỏe của người dân. Hít bụi nhiều dễ bị viêm đường hô hấp”.

Hiện con đường phía trước nhà các hộ dân đang trong quá trình trải đá chờ tráng nhựa nên bụi dày đặc. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, việc thi công gián đoạn, không liên tục đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Nhiều gia đình không chịu nổi đã đóng cửa về quê, chờ đường làm xong mới quay trở lại.

Theo bà Tư Thông (63 tuổi) – buôn bán gạo và quán ăn ở đây mấy chục năm, từ khi làm đường, bà buôn bán ế ẩm. Quán ăn của gia đình bà đành phải đóng cửa. Nhà bà còn bị lọt thỏm xuống hơn 1m từ khi nâng đường. “Việc đào cống để làm đường khiến vách nhà tôi bị rạn nứt, cửa sổ thì thành cửa ra vào, rất khó khăn khi di chuyển. Ngay cả xe gắn máy của nhà vì không để được cũng phải gởi nhờ hàng xóm. Khổ nhất là mấy đứa cháu, rất hay bị té khi muốn ra nhà. Trước cửa lúc nào cũng phải có một cái ghế để trèo ra ngoài đường”, bà cho biết thêm. Không chỉ bà Thông, nhiều hàng quán tại hẻm 574 hầu hết đều đóng cửa vì không có khách.

Một quán ăn thấp hơn mặt đường hơn nửa thước phải đóng cửa vì đường quá bụi bặm.

Một quán ăn thấp hơn mặt đường hơn nửa thước phải đóng cửa vì đường quá bụi bặm.

Tự bỏ tiền ra để… “thích nghi”

Để sống chung với những khó khăn từ việc nâng cấp đường chống ngập, nhiều hộ đã phải tự bỏ tiền túi ra để sửa chữa nhà cửa. Tuy nhiên, số hộ có điều kiện như thế này rất ít. Đa phần người dân sinh sống tại đường Kinh Dương Vương là người lao động, kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ. Tìm đâu ra hàng chục triệu đồng nâng nhà để có chỗ “chui ra, chui vào” không bị đụng đầu, không phải bắt ghế, chèo thang…?

“Mỗi lần xe cộ chạy qua bụi bay mù mịt, nhưng nếu đóng cửa thì trong nhà kín mít như cái hầm. Nóng không thể nào chịu được. Giờ nâng sửa đường rồi thì phải chịu, sống chung với khó khăn chớ tiền đâu mà sửa chữa”, ông V – một người dân – lắc đầu ngán ngẩm.

Đối với người dân sinh sống tại khu vực này, việc nhanh chóng hoàn thành con đường trở thành yêu cầu cấp thiết để người dân ổn định cuộc sống. Đồng thời, họ cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền để có thể trang trải, tu sửa nhà cửa để tiếp tục cuộc sống.

Châu Việt Vương

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube