Đại sứ về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ: ‘Không có dấu hiệu thay đổi’ tại Trung Quốc kể từ sau thỏa thuận của Vatican

Trong chuyến thăm Đài Loan và Hồng Kông, Đại sứ Brownback đã chỉ trích thỏa thuận của Vatican vào hồi năm ngoái với Trung Quốc, thoả thuận được báo cáo là cho phép chính phủ Trung Quốc có tiếng nói trong việc bổ nhiệm các giám mục tại Trung Quốc.
AP-690x450

Đại sứ Lưu động về Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ tin rằng Hoa Kỳ và Vatican nên trở thành các đối tác trong việc theo đuổi vấn đề tự do tôn giáo, bao gồm cả ở Trung Quốc.

“Chúng tôi muốn sát cánh cùng họ [Vatican], đặc biệt là về vấn đề tự do tôn giáo”, Đại sứ Sam Brownback phát biểu với Crux.

Tháng trước, trong chuyến công du Đài Loan và Hồng Kông kéo dài một tuần, Đại sứ Brownback cho biết rằng Trung Quốc “hiện đang trong cuộc chiến với đức tin”, đồng thời lưu ý xu hướng gia tăng việc phân biệt đối xử đối với các tín đồ Hồi giáo, Công giáo và Phật giáo của nước này.

Đại sứ Brownback đã nhắc lại vấn đề đó với Crux, đồng thời cho biết rằng “quý vị sở hữu dân số quốc gia lớn nhất thế giới trong một cuộc chiến với đức tin”.

“Nhưng đó là một cuộc chiến mà họ sẽ không giành chiến thắng”, Đại sứ Brownback cho biết thêm.

Những lời lẽ mạnh mẽ của Đại sứ Brownback đã thu hút nhiều sự chú ý của công chúng, nhưng ông cho biết rằng nó được Bộ Ngoại giao ủy quyền và ông bảo vệ nó như một nghĩa vụ mà Hoa Kỳ cần phải đảm bảo để tự do tôn giáo được bảo vệ một cách tích cực.

Ông đã phục vụ trong vai trò Đại sứ lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế kể từ tháng 2 năm 2018. Trước đây, ông từng là thượng nghị sĩ đến từ Kansas kể từ năm 1996 đến năm 2011 và sau đó giữ vai trò thống đốc tiểu bang giai đoạn từ năm 2011-2018. Ông Brownback đã trở lại đạo Công giáo vào năm 2011.

“Kẻ được ban cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều”, ông Brownback nói khi trích dẫn Dụ ngôn Những yến bạc từ Tân Ước, mà Chúa Giêsu đã sử dụng để đưa ra một bài học về sự cần thiết cần phải quản lý những món quà mà người ta đã được ban tặng.

“Chúng ta đã được ban cho nhiều”, ông Brownback phát biểu với Crux, đồng thời lưu ý rằng Hoa Kỳ là quốc gia hùng mạnh nhất trên trái đất và sở hữu “một di sản về tự do tôn giáo”.

“Đó chính là vai trò của chúng ta để ủng hộ cho điều đó và chúng ta phải chịu trách nhiệm với những gì chúng ta đã đưa ra”, ông Brownback nói.

Vì lý do đó, Đại sứ Brownback rằng, “Chúng ta [Hoa Kỳ] cần phải gây sức ép buộc Trung Quốc phải cởi mở” khi nói về vấn đề tự do tôn giáo.

Trong chuyến thăm của mình, Đại sứ Brownback đã chỉ trích thỏa thuận của Vatican vào hồi năm ngoái với Trung Quốc, theo báo cáo cho phép chính phủ Trung Quốc có tiếng nói trong việc bổ nhiệm các giám mục của đất nước.

“Kể từ khi thỏa thuận tạm thời này được công bố vào năm ngoái, sự lạm dụng của chính phủ Trung Quốc đối với các thành viên của cộng đồng Công giáo vẫn tiếp tục gia tăng. Chúng tôi nhận thấy không có dấu hiệu thay đổi trong tương lai gần”, Đại sứ Brown Brownback cho biết khi còn ở Hồng Kông.

Đại sứ Brownback phát biểu với Crux rằng những lời chỉ trích của ông nhằm phản ứng lại những lo ngại của các Phật tử Tây Tạng, những người lo sợ rằng thỏa thuận này có thể “đặt ra một tiền lệ” để nhà nước thực hiện quyền kiểm soát khi lựa chọn các nhà lãnh đạo tôn giáo.

“Các tổ chức tôn giáo phải có thể tự do lựa chọn các nhà lãnh đạo của mình”, ông Brownback nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm rằng các chế độ độc đoán luôn cố gắng duy trì sự kiểm soát đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo.

Trong khi Đại sứ Brownback thừa nhận rằng “không ai biết được điều gì có trong thỏa thuận ngoại trừ Vatican và chính phủ Trung Quốc” – điều mà ông bảo vệ như là đặc quyền của mỗi chủ thể có chủ quyền – ông cho biết rằng điều quan trọng đó chính là việc ngăn chặn sự ép buộc đối với những người có đức tin.

“Những điều này không được thực hiện xa rời mọi việc”, ông nói.

Đáp lại những chỉ trích của Đại sứ Brownback về thỏa thuận của Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cho biết vào hồi đầu tháng này rằng sẽ cần có sự kiên nhẫn và sự thay đổi đó sẽ không xảy ra một sớm một chiều.

“Hy vọng của chúng ta đó chính là thỏa thuận này sẽ giúp đỡ, chứ không hạn chế, vấn đề tự do tôn giáo”, ĐHY Parolin phát biểu với các phóng viên trong một sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp chống Kitô giáo vào ngày 3 tháng Tư.

Đại sứ Brownback phát biểu với Crux rằng ông tôn trọng những nỗ lực lâu dài của Giáo hội nhằm thúc đẩy vấn đề tự do tôn giáo, và đặc biệt, ông đã đề cập đến Nicaragua và Venezuela, nơi mà ông cho biết rằng Giáo hội đã liên tục dẫn đầu về vấn đề này.

Bất chấp sự khác biệt về chiến thuật, Đại sứ Brownback nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và Vatican cả hai đều là những lực lượng có ảnh hưởng khi nói đến vấn đề tự do tôn giáo.

“Giáo hội Công giáo đã trở thành ngọn hải đăng của vấn đề tự do tôn giáo”, Đại sứ Brownback kết luận, “và chúng tôi muốn sát cánh cùng với họ”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube