Cuộc gặp gỡ giữa ĐTC Phanxicô và Tổng thống Hoa Kỳ: sẽ êm ả hay đầy kịch tính?

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể dự đoán hàng loạt những sự kiện xung quanh cuộc gặp gỡ sắp diễn ra của vị tổng thống Hoa Kỳ và vị Giáo Hoàng của Giáo hội Công giáo.

20160323T1042-2291-CNS-POPE-AUDIENCE-TRIDUUM crop_0

Trước hết, sẽ có những cuộc thảo luận trước cuộc gặp gỡ trên báo chí. Những dự đoán sẽ được đưa ra về những mâu thuẫn giữa hai nhà lãnh đạo bởi vì những bất đồng của họ. Điều này chính xác trong hầu hết các cuộc gặp gỡ giữa một vị tổng thống và một vị Giáo Hoàng bởi vì luôn có những điểm bất đồng.

Với những vị tổng thống thuộc đảng Dân chủ, những bất đồng thường là về vấn đề kiểm soát sinh sản, phá thai và hôn nhân đồng tính Với những vị tổng thống thuộc đảng Cộng hòa, những bất đồng về quan điểm thường xảy ra liên quan đến những vấn đề về chiến tranh và hoà bình cũng như trách nhiệm của chính trị trong việc giúp đỡ người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội.

Thí dụ, trước khi Đức Gioan Phaolô II gặp Tổng thống Bill Clinton, người ta dự đoán rằng Ngài sẽ lên tiếng chỉ trích tổng thống về vấn đề phá thai. Thế nhưng, điều này đã không xảy ra. Tương tự như vậy, khi Đức Giáo Hoàng Benedict XVI gặp gỡ Tổng thống Barack Obama, một số người mong đợi Đức Giáo Hoàng sẽ nói chuyện với Tổng thống về vấn đề phá thai và nghị trình tự do tôn giáo của các Giám mục Hoa Kỳ. Thế nhưng, điều này đã không xảy ra.

Có thể nói các dự đoán về những bài diễn văn luôn luôn đi theo một hướng: sẽ luôn luôn là Giáo Hoàng diễn thuyết cho tổng thống. Không một tổng thống Hoa Kỳ nào từng dám lên tiếng quở trách Giáo Hoàng. Ít nhất là chưa.

Không có gì ngạc nhiên khi các dự đoán luôn luôn tồn tại xung quanh cuộc “đối đầu chính”, khi Tổng thống Donald Trump gặp gỡ ĐTC Phanxicô. Hai vị lãnh đạo có những quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về vấn đề môi trường, những người tị nạn, những người nhập cư, về vấn đề ngoại giao và vấn đề sử dụng lực lượng quân đội vốn có thể dễ dàng dự đoán được một cuộc tranh cãi trước mắt. Về kinh tế, cả hai nhà lãnh đạo đều đồng ý rằng toàn cầu hóa đã có những ảnh hưởng tiêu cực, nhưng Tổng thống Trump chỉ tập trung vào đất nước Hoa Kỳ, trong khi ĐTC Phanxicô tập trung vào các nước đang phát triển.

Những tính cách của cả hai nhà lãnh đạo cũng được biết đến như là điều không thể đoán trước được. ĐTC Phanxicô đã liên tục gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát, và Tổng thống Trump rất dễ thay đổi đến nỗi thật khó có thể đoán được ông ta sẽ có thể làm gì.

Bên cạnh cuộc gặp gỡ giữa một vị Giáo Hoàng và Tổng thống, còn có các cuộc gặp gỡ khác giữa các nhân viên của Tổng thống và các Văn phòng của Vatican.

Hiếm khi có những màn trình diễn pháo hoa đi kèm với các cuộc gặp gỡ này. Vatican không muốn gây bối rối cho một nhà lãnh đạo quan trọng như tổng thống Hoa Kỳ. Cũng không hề có những ý định chẳng hạn như là việc thiêu hủy những cầu nối.

Vatican đã có nhiều thế kỷ kinh nghiệm trong việc đối phó với các nhà lãnh đạo chính trị – kể cả tốt lẫn xấu, kể cả hợp tình hợp lý lẫn điên rồ, kể cả bằng hữu lẫn kẻ thù. Vatican muốn có một mối quan hệ được diễn tiến trôi chảy với siêu cường thế giới.

Các cuộc gặp gỡ thực tế giữa các tổng thống và các vị Giáo Hoàng mang tính riêng tư và chỉ có một phiên dịch viên. Rất ít chi tiết bị lọt ra bên ngoài về những điều mà hai nhà lãnh đạo đã trao đổi. Nhưng thường thì tinh thần chung của cuộc gặp gỡ sẽ được tiết lộ. Chẳng hạn như, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Đức Giáo Hoàng đã chia sẻ với mọi người về ấn tượng của Ngài đối với Tổng thống, phần lớn là về sự thất vọng đối với những người bảo thủ Mỹ.

Việc thiếu thông tin khiến các phóng viên Tòa thánh phải cố gắng thực hiện những việc vô ích, ví dụ như theo dõi xem cuộc gặp gỡ có tiến hành trong thời gian được ấn định hay không, điều này có thể cho thấy hai nhà lãnh đạo đang có những quan điểm hòa hợp hoặc có cuộc đối thoại căng thẳng.

Người dân Hoa Kỳ có khuynh hướng tin rằng các cuộc đối thoại giữa các vị Giáo Hoàng và các tổng thống cũng như giữa các nhân viên của tổng thống và các Văn phòng Tòa thánh Vatican tập trung vào những vấn đề nội bộ của Hoa Kỳ như việc kiểm soát sinh sản, vấn đề phá thai, và tự do tôn giáo, trong khi các quan sát viên cho biết 90% các cuộc thảo luận là về các chính sách đối ngoại, đặc biệt là về vấn đề Trung Đông.

Vatican quan tâm đến việc tìm hiểu về những kế hoạch của Hoa Kỳ là gì để mang lại hòa bình tại Trung Đông, những gì đã được nói riêng về  Israel, và việc Vatican và Hoa Kỳ có thể cùng nhau cộng tác thế nào để có thể mang lại hòa bình và sự phát triển. Vấn đề về những người tị nạn cũng sẽ được bàn luận.

Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ quan tâm đến những đánh giá của Vatican đối với các nhà lãnh đạo thế giới khác, và họ muốn biết Vatican có thể nói gì về các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại, chẳng hạn như vấn đề Trung Đông, việc thay đổi khí hậu và thậm chí các sinh vật biến đổi gen. Đôi khi người dân Hoa Kỳ muốn có sự giúp đỡ của Vatican dành cho một nhà lãnh đạo hoặc một quốc gia đặc biệt. Các cuộc gặp gỡ của các nhân viên cũng đều mang tính chuyên nghiệp đối với cả hai bên.

Sau khi các cuộc gặp gỡ đã được hoàn thành, Vatican đưa ra một tuyên bố ngắn (bao gồm một vài đoạn văn) liệt kê những chủ đề đã được đề cập. Không phải tất cả những điều này đều hữu ích bởi vì tuyên bố không chỉ ra cuộc gặp gỡ đã dành bao nhiêu thời gian cho mỗi chủ đề, nhưng chỉ đề cập những điều đã được bàn đến. Vì cả hai bên đã có những tuyên bố công khai về các vấn đề, cho nên không khó để có thể dự đoán. Một số quan chức của Vatican, thậm chí cả những người không tham gia, sẽ cố thêu dệt câu chuyện theo cách nặc danh vì các mục đích riêng của họ, điều này có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau đối với các cuộc gặp gỡ.

Sự mơ hồ của các thông cáo báo chí của Vatican có thể dẫn đến những cách hiểu sai về các cuộc gặp gỡ. Chẳng hạn như sau một cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và các quan chức Vatican vào tháng 1 năm 2015, có một dòng đề cập đến vấn đề chăm sóc sức khoẻ trong thông cáo báo chí. Điều này đã trở thành tiêu đề trong hầu hết các câu chuyện truyền thông, vì cuộc xung đột giữa các Giám mục Hoa Kỳ và chính quyền của Obama đối với sắc lệnh về ngừa thai đã được biết đến. Trên thực tế, các đại biểu nói rằng Vatican đưa ra đề tài này theo yêu cầu của các Giám mục Hoa Kỳ và chỉ dành khoảng năm phút cho nó. Hầu hết thời gian đều được dành cho chính sách đối ngoại.

Các quan chức Hoa Kỳ cũng đóng vai trò tích cực khi nói chuyện với báo chí sau cuộc gặp gỡ. Không một chính quyền nào chứng kiến bất kỳ lợi ích nào khi được miêu tả như là có những mâu thuẫn với Đức Giáo Hoàng. Đôi khi, họ bị cám dỗ để trở nên thái quá trong việc nhấn mạnh thỏa thuận vốn chẳng có gì, có thể dẫn đến việc phải làm rõ từ văn phòng báo chí Tòa Thánh.

Do đó, thông thường cuộc gặp gỡ giữa một vị Giáo Hoàng và một vị Tổng thống Hoa Kỳ sẽ không có những màn trình diễn pháo hoa. Cả hai bên đều giảm nhẹ những mâu thuẫn và nhấn mạnh chất lượng chuyên môn của các cuộc thảo luận.

Nhưng vị tổng thống này không phải là “tổng thống Obama không có vấn đề”. Và vị Giáo Hoàng hiện tại cũng không phải là vị Giáo Hoàng hàn lâm Benedict XVI.

Với Tổng thống Trump, chúng ta không biết chúng ta sẽ nhận được gì, mặc dù những cuộc gặp của ông với các nhà lãnh đạo nước ngoài đã diễn ra khá tốt cho đến nay. Nhưng ông có thể sẽ công khai cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng và ngay lập tức đăng tải dòng tweet trên trang xã hội của mình, “Đức Giáo Hoàng là một con người tuyệt vời, Ngài và tôi ĐỒNG Ý về TẤT CẢ MỌI THỨ! THẬT TUYỆT VỜI! Chúng tôi sẽ cứu thế giới!”.

Hoặc tệ hơn nữa: “Giáo Hoàng Phanxicô … không phải là người ủng hộ các bức tường. Ngài muốn tôi cầu nguyện cho Ngài. Tôi rất bận rộn .. Tôi cảm thấy BUỒN”.

Chúng ta cũng không chắc ĐTC Phanxicô sẽ đề cập đến vấn đề gì. Ngài chưa từng gặp phải bất kỳ cuộc chạm trán nào với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Ngài tôn trọng lời khuyên mà Ngài nhận được từ các nhà ngoại giao Vatican. Ngài không trực tiếp đối đầu.

Mặt khác, Ngài là một người thoải mái với những bài phát biểu ngẫu hứng ngoài những diễn văn đã được chuẩn bị. Ngài cũng được biết đến như là một người Mỹ Latinh điển hình với những ngờ vực đối với chính phủ và vai trò của Hoa Kỳ. Những bất đồng của Ngài với Tổng thống Trump đã quá rõ ràng.

Có nhiều khả năng sẽ có nhiều điều kịch tính dẫn dắt cuộc gặp gỡ tại buổi gặp mặt, nhưng với Tổng thống Trump và ĐTC Phanxicô, chúng ta không bao giờ biết trước được điều gì.

H.B.C (theo NCR)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube