Cuộc Đại Tỉnh thức mới ở Trung Quốc

Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị một bài viết rất hay (tuy không ngắn) của Ian Johnson về tình hình tôn giáo tại Trung Quốc, đăng trên tạp chí Foreign Affairs, số tháng 3-4/2017.

Ian Johnson đã sống tại Trung Quốc và viết về Trung Quốc cho The New York Times, The New YorkerThe New York Review of Book, cùng với một số cơ quan truyền thông khác. Bài viết này phỏng theo cuốn sách sắp xuất bản của ông, “Những Tâm hồn Trung Quốc: Sự trở lại với Tôn giáo sau thời Mao” (The Souls of China: The Return of Religion after Mao” (Pantheon, 2017).

Cuộc Đại Tỉnh thức mới ở Trung Quốc

Ian Johnson

Nhiều thập kỉ nay, những người bên ngoài thường nghĩ rằng ở Trung Quốc, tôn giáo và đức tin chỉ có vai trò bên lề xã hội. Họ chỉ biết đến hình ảnh những người Trung Quốc ào ạt tham gia vào các tiến trình kinh tế và chính trị: những thành phố lớn mọc lên khắp nơi, những công nhân chăm chỉ làm việc tại các nhà máy lớn, tầng lớp mới giàu lên phô trương tài sản của mình, những người nông dân canh tác trên những cánh đồng ô nhiễm, những người vô danh mòn mỏi trong các nhà tù. Người ta chỉ biết đến đời sống đức tin tại Trung Quốc qua những tin tức về các nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo, như là những Kitô hữu Trung Quốc buộc phải sống đức tin “hầm trú” hay những nhóm như Pháp Luân Công (Falun Gong) bị chính quyền đàn áp.

Những hình ảnh đó không thể diễn tả đầy đủ về thực trạng Trung Quốc hiện nay, nơi hàng trăm triệu người đang có những nghi ngờ về chính xã hội mình đang sống và đến với tôn giáo hay đức tin để tìm những câu trả lời mà họ không thể tìm thấy trong một xã hội hoàn toàn thế tục. Họ tự hỏi không biết điều gì làm nên một cuộc đời tốt đẹp và phải chăng họ không chỉ cần đến những của cải vật chất mà còn cần đến điều gì khác nữa. Gần đây, một linh mục 42 tuổi tại Thành Đô (Chengdu) nói với tôi rằng: “Chúng tôi từng nghĩ rằng mình không có được niềm vui bởi vì sự nghèo đói. Nhưng giờ đây khi nhiều người trong chúng tôi không còn nghèo đói nữa, chúng tôi vẫn không có được niềm vui. Vì thế chúng tôi nhận ra rằng mình còn thiếu điều gì đó, điều còn thiếu đó chính là đời sống thiêng liêng”.

Khắp nơi tại Trung Quốc, mỗi năm, có hàng trăm nơi thờ phượng được thành lập, thu hút hàng triệu tín hữu mới. Người ta vẫn còn tranh luận về các chỉ số chính xác, tuy nhiên, ngay cả một du khách thông thường đến thăm Trung Quốc cũng không thể không thấy điều đó: những nhà thờ mới xuất hiện ở các vùng thôn quê, các ngôi đền được tái thiết hoặc mở rộng mạnh mẽ cũng như các chính sách của chính phủ nhằm khuyến khích những giá trị truyền thống. Đức tin và các giá trị bắt đầu chiếm lấy vị trí trung tâm trong các cuộc thảo luận về cách thức tổ chức đời sống của người Trung Quốc.

Các dân tộc thiểu số Trung Quốc – đặc biệt là những người Phật giáo Tây Tạng (Tibetan) và Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (Uighur) – có những tôn giáo lâu đời và thường được coi như một dạng phản kháng lại sự đàn áp từ phía chính quyền trung ương. Tuy nhiên, một xu hướng tâm linh tương tự hoặc thậm chí mạnh mẽ hơn thế cũng đang lớn mạnh trong cộng đồng người Hán, dân tộc chiếm 91% dân số của nước này. Giờ đây, việc tìm kiếm một ý nghĩa sâu xa hơn cho cuộc đời không còn bị coi là một sự an ủi chỉ dành cho những người Trung Quốc bị đẩy ra lề xã hội. Trái lại, chính những người đã được hưởng lợi nhiều nhất từ sự cất cánh về kinh tế của Trung Quốc cũng đang đi tìm kiếm một sự an ủi như thế.

Không phải là cường điệu khi nói rằng tại Trung Quốc đang diễn ra một sự hồi sinh về đời sống thiêng liêng giống như cuộc Đại Tỉnh thức (Great Awakening) ở Mỹ vào thế kỷ XIX. Khi đó cũng như hiện nay, đó là câu chuyện về một quốc gia đang trên đà tiến lên này và gặp phải những bất ổn do những thay đổi to lớn về kinh tế và xã hội. Mọi người đổ xô về các thành phố đông đúc, họ không có bạn bè, chẳng ai hỗ trợ họ. Tôn giáo và đức tin trả lời cho họ những câu hỏi có vẻ đã quá xưa cũ nhưng ai cũng gặp phải: Tại sao tôi lại có mặt ở đây? Điều gì làm tôi thực sự hạnh phúc? Làm thế nào để chúng ta có thể đạt được sự hài lòng, ở cấp độ cá nhân, cộng đồng và quốc gia?

Sự bùng nổ của các hoạt động tâm linh và tôn giáo là những mối nguy đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ tiến trình này, nên họ còn khuyến khích và đẩy mạnh điều đó theo những cách khác nhau. Cho đến nay, ĐCSTQ đã tìm những cách khéo léo để cân bằng lợi ích của mình, theo đó, họ khoan dung với những tiến trình không đi quá đà và có thể gây ra những sự chống đối nguy hiểm. Tuy nhiên, mặc dù Trung Quốc cũng đang theo đuổi những phương châm mới và cứng rắn hơn đối với các thay đổi về chính trị, kinh tế và xã hội, một phương án cân bằng lợi ích như thế đối với lĩnh vực tôn giáo khó có thể được duy trì lâu.

TÌNH HÌNH TÔN GIÁO TRONG QUÁ KHỨ

Để hiểu về sự hồi sinh đời sống tâm linh trong xã hội Trung Quốc đương đại cần đi ngược lại quá khứ – nguyên nhân gây ra sự cằn cỗi: đó là những cuộc vận động chống tôn giáo lớn nhất trong lịch sử. Trái ngược với những gì người ta thường hiểu, không phải các cuộc vận động này khởi đầu từ thời điểm cộng sản nắm quyền tại Trung Quốc năm 1949. Thay vào đó, chúng bắt đầu từ trước đó một thế kỉ, khi nền văn minh truyền thống của Trung Quốc bắt đầu sụp đổ.

Sự suy yếu của Trung Quốc vào thế kỷ XIX đã gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin. Trong hầu hết lịch sử của mình, Trung Quốc luôn thống trị các nước láng giềng. Nhiều lần, xuất hiện những nước có sức mạnh quân sự mạnh mẽ hơn, đặc biệt là những người du mục ở phương bắc như người Mông Cổ (Mongol) hay Mãn Châu (Manchu) nhưng khi những tộc người này mạnh lên và đánh bại Trung Quốc, hiếm khi xuất hiện nơi người Trung Quốc những nghi ngờ đối với vị trí ưu việt về văn hóa của mình. Họ vẫn là những người thường xuyên tự nhìn nhận về chính mình, nhưng họ vẫn tin rằng lối sống của họ sẽ chiếm ưu thế.

Cuộc gặp gỡ với phương Tây đã làm chao đảo niềm tin đó. Trung Quốc đã phải chịu một chuỗi những thất bại về quân sự kể từ cuộc Chiến tranh Thuốc phiện lần thứ nhất năm 1839-42, trong đó các lực lượng quân đội Anh quốc đánh bại triều đình nhà Thanh. Sau đó, nhiều người Trung Quốc nhìn ra thế giới xung quanh và nhìn thấy cách thức mà người phương Tây đã xâu xé châu Phi và châu Mỹ cũng như khuất phục Ấn Độ. Cuối thế kỷ XIX, ngày càng nhiều người Trung Quốc tin rằng đất nước của họ cần thay đổi mới có thể tồn tại được. Trung Quốc yếu kém về khoa học, kỹ thuật, giáo dục, y tế và cả phương thức canh tác hiện đại. Tất cả những thành tựu trong cách lĩnh vực đó ở những nước phương Tây xuất phát từ cách thức tổ chức đời sống rất khác biệt của họ, một lối sống chủ yếu dựa trên khoa học hơn là dựa vào tôn giáo và truyền thống.

Khi cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc trở nên sâu sắc hơn, những tư tưởng cấp tiến cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Trung Quốc khi đó không chỉ cần những chính sách mới, hay thậm chí là một triều đại mới. Những nhà cải cách muốn vứt bỏ toàn bộ hệ thống chính trị phong kiến tập quyền, có nghĩa là phá hủy cả hệ thống tôn giáo chống lưng cho hệ thống chính trị đó. Để có thể hiểu lý do của vấn đề này, người ta cần phải hiểu về cách tổ chức xã hội truyền thống của Trung Quốc. Theo đó, tôn giáo không chỉ là một cơ chế tách biệt hoàn toàn với nhà nước thế tục, việc thực hành tôn giáo không chỉ là việc người Trung Quốc thực hiện nghi lễ nào đó một hoặc hai lần một tuần, tại một nơi cố định, dưới sự hướng dẫn của một cuốn sách nghi thức linh thiêng nào đó. Tôn giáo Trung Quốc có rất ít nội dung thần học và gần như không có tầng lớp giáo sĩ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tôn giáo ở Trung Quốc yếu ớt. Ngược lại, nó có tác động đến mọi mặt của đời sống – chất keo kết nối cả xã hội lại với nhau. Vào cuối thế kỉ XIX, ước tính có khoảng 1 triệu đền thờ khắp đất nước, nhiều làng trong nước có đến cả sáu, bảy địa điểm thờ phượng khác nhau.

Sự thống trị của lãnh vực đức tin tại Trung Quốc từ lâu đã bị che đậy [trong mắt người bên ngoài] bởi sự phức tạp về các tôn giáo khác nhau tại đây. Ngày nay người ta có xu hướng nhận định về tình hình tôn giáo theo danh xưng: người này là người Công giáo, người kia là người Do thái giáo, người khác là người Hồi giáo. Câu hỏi “Bạn theo đạo nào” dường như là một điều dễ dàng cho những ai hiểu về tôn giáo theo những nhóm này nhóm kia. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, về mặt lịch sử, tôn giáo mang ý nghĩa cộng đồng hơn là danh xưng. Mỗi làng có ít nhất một ngôi đền để người dân tôn vinh một vị thần nào đó vào những ngày linh thiêng. Trong hầu hết lịch sử của mình, Trung Quốc có ba giáo lý chính, hay là ba đạo (jiao): Phật giáo (fujiao), Khổng giáo (rujiao) và Đạo giáo (daojiao) – nhưng mỗi đạo đều không hình thành những cơ chế với những tín đồ riêng của mình. Thay vào đó, người dân tin vào cả ba đạo lý này, và sự hỗn hợp đó được diễn tả đơn giản là “tôn giáo Trung Quốc”.

Quan trọng hơn danh xưng tôn giáo là những nghi thức, những nghi thức này giúp tổ chức xã hội Trung Quốc. Thời phong kiến, chính quyền trung ương tương đối nhỏ gọn và hầu hết mỗi quan chức được Bắc Kinh phân bổ về các tỉnh phải coi sóc hàng trăm ngôi làng với hàng chục ngàn người. Do đó cuộc sống tại địa phương được tổ chức bởi những hội đồng bô lão và các hội đồng coi sóc đền thờ nắm giữ vai trò quan trọng nhất. Những cơ quan này thường điều hành cả những công việc khác, như xây dựng hệ thống thủy lợi hay tuyển quân chống giặc ngoại xâm. Các đền thờ cũng là nơi hội họp của chính quyền: đó thường là nơi các bô lão hội họp, tuyên bố và trừng phạt. Theo lời nhà sử học Prasenjit Duara, các đền thờ chính là các “tổ chức quyền lực” trong xã hội Trung Quốc.

Tuy nhiên, vai trò của tôn giáo không chỉ nằm ở chỗ giúp vận hành hệ thống phong kiến Trung Quốc nhưng còn là huyết mạch của hệ thống chính trị Trung Quốc. Các đế vương được gọi là “Thiên Tử” – (Con của Trời) và chủ trì các nghi thức tế tự cho thấy bản tính thần linh của mình. Đó là lí do vì sao vào cuối thế kỉ XIX, khi các nhà cải cách và cách mạng yêu cầu xây dựng lại Trung Quốc, họ nhắm đến tôn giáo đầu tiên. Theo họ, để xây dựng một hệ thống văn hóa và chính trị mới, đầu tiên cần phải phá hủy hệ thống cũ.

TÁI SINH

Cùng lúc các nhà cải cách bắt đầu tấn công vào tôn giáo Trung Quốc, thì một tôn giáo đến từ nước ngoài – Kitô giáo – bắt đầu có sức thu hút giành được một sự ảnh hưởng tuy tế nhị nhưng mạnh mẽ. Cuối thế kỉ XVI, Kitô giáo đã có một chỗ đứng vững chắc tại Trung Quốc, nhưng vẫn chỉ là một hiện tượng nhỏ trong xã hội cho đến tận thế kỉ XIX, khi các nhà thừa sai đến quốc gia này sau khi Trung Quốc thất bại trong các cuộc chiến tranh thuốc phiện. Không giống như Hồi giáo đã có mặt tại Trung Quốc một thiên niên kỷ trước đó nhưng vẫn chỉ tồn tại ở vùng ngoại biên của xã hội, Kitô giáo bắt đầu lan tràn đến trung tâm kinh tế của Trung Quốc, đến các tầng lớp có nhiều ảnh hưởng trong xã hội. Điều này gây ra một sự lo ngại rất lớn: một câu nói nổi tiếng khi đó là “càng theo Kitô giáo, càng ít bản sắc Trung Quốc”.

Tuy nhiên, Kitô giáo đã tạo nên một sức đẩy mạnh mẽ cho các nhà cải cách theo hướng hiện đại hóa, là những người thường lấy cảm hứng từ phương Tây và bị ấn tượng mạnh mẽ với sự tương tác giữa tôn giáo này và các nhà nước hiện đại phương Tây. Thậm chí, một số nhà cải cách, bao gồm Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek), lãnh đạo của Quốc dân đảng, còn cải đạo sang Kitô giáo. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc hầu hết các nhà cải cách Trung Quốc lựa chọn theo đạo Tin Lành mà theo họ là một lối sống phân biệt rõ ràng giữa tôn giáo và mê tín. Họ đi đến kết luận rằng chỉ có cách thực hành tôn giáo trong Kitô giáo mới là “thực tế” và có thể để cho tồn tại; còn các lối thực hành khác đều hoàn toàn là mê tín và cần phải loại bỏ.

Công cuộc làm sạch tôn giáo diễn ra sau đó được thực hiện một cách bừa bãi, thường là do các cá nhân thực hiện. Chẳng hạn, có thể kể đến Tôn Trung Sơn (Sun Yat-sen), người đã góp phần vào việc lật đổ nhà Thanh và thành lập nước Cộng hòa Trung Hoa vào năm 1912. Một trong những hành động đầu tiên của ông thời kỳ khởi nghĩa là tấn công vào các đền thờ tại quê hương ông là huyện Hương Sơn (Xiangshan) và phá hủy các tượng thần ở đây. Khi Quốc dân đảng của ông giành được quyền lực, tốc độ thay đổi được tăng lên, và Tưởng, người kế nhiệm Tôn vào năm 1926, đã tiến hành Cuộc vận động Đời sống mới nhằm xóa sạch các lối sống cũ khỏi Trung Quốc. Cùng với việc xóa bỏ việc lạm dụng thuốc phiện, cờ bạc, mãi dâm và mù chữ, Quốc dân đảng tiến hành “một chiến dịch phá bỏ mê tín”. Trong giai đoạn từ khi nhà nước phong kiến sụp đổ cho đến khi Đảng cộng sản nắm quyền sau cuộc nội chiến vào năm 1949, nửa triệu đền thờ trên cả nước đã bị phá hủy, đóng cửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.

KHÔNG CÒN ĐỨC TIN NỮA

Sau khi lên nắm quyền, ĐCSTQ xử lý vấn đề tôn giáo theo cách họ làm với các lực lượng không phải cộng sản trong xã hội bấy giờ, thông qua hình thức kết nạp. Đảng cộng sản thiết lập các hiệp hội cho năm tôn giáo còn tồn tại sau sự đổ vỡ của chế độ cũ: Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, Công giáo và Tin lành. Năm nhóm này được phép duy trì các nơi thờ phượng của mình. Tất cả đều bị Đảng cộng sản chỉ đạo sát sao nhưng không bị cấm hoạt động.

Hệ thống này chỉ tồn tại một vài năm. Cuối những năm 1950, Mao Trạch Đông (Mao Zedong) bắt đầu đàn áp hầu hết các hoạt động tôn giáo, và vào thời điểm ông tiến hành cuộc Cách mạng Văn hóa vào năm 1966, ĐCSTQ khởi đầu một trong những cuộc tấn công khủng khiếp nhất đối với tôn giáo trong lịch sử thế giới. Trên thực tế, mọi nơi thờ phượng đều bị đóng cửa, hầu hết giáo sĩ bị xua đuổi. Tại một thủ phủ của Công giáo tại huyện Thái Nguyên (Taiyuan), tỉnh Sơn Tây (Shanxi), nhà thờ chính tòa trung tâm bị biến thành một “bảo tàng sống” để cho mọi người thấy được những sự lạc hậu của tôn giáo: các linh mục và nữ tu bị nhốt trong cũi và người dân địa phương buộc phải đi qua và nhìn vào họ. Trên khắp cả nước, các giáo sĩ Phật giáo, Đạo giáo và Công giáo đã có lời thề sống độc thân bị buộc phải kết hôn. Các miếu thờ tại gia bị phá bỏ. Các đền thờ bị thiêu hủy, đập phá hoặc bị các xí nghiệp, cơ quan chính phủ chiếm dụng; những thành phần cốt cán trong lực lượng nhiệt thành với chủ nghĩa Mao ném các tượng thánh vào lửa hoặc lén lút mang sang Hong Kong để bán cho giới buôn đồ cổ. (Đó là một trong những lý do tại sao nhiều đền thờ tại Trung Quốc ngày nay không có những công trình nghệ thuật lớn vốn là đặc điểm của những nơi thờ phượng khác trên thế giới).

Đứng trước sự đàn áp như vậy, các tôn giáo đi vào con đường “hầm trú”. Các tín hữu thực hành việc thờ phượng một cách bí mật, những người theo Phật giáo và Đạo giáo cố gắng gìn giữ các bản văn và hướng dẫn nghi thức bằng cách chôn giấu hoặc lưu giữ trong trí nhớ. Nhà cầm quyền ngăn cấm việc thực hành công khai các hoạt động liên quan đến đời sống tâm linh, như là thiền định hay võ thuật. Tại nơi công cộng, hình thức thờ phượng duy nhất được đảng cộng sản cho phép phát triển là sự thờ bái Mao. Mọi người đeo những phù hiệu của Mao, tay giữ chặt cuốn sách ghi những lời nói của ông như một cuốn sách thánh, và đi về làng Thiểu Sơn (Shaoshan) – quê hương của Mao như là một chuyến hành hương. Thậm chí có một số người còn cầu nguyện với Mao như một vị thần, cầu xin sự chỉ dẫn của ông vào buổi sáng và trình bày về ngày sống của mình vào buổi tối. Tất cả sự nhiệt thành đó đều là do ép buộc; nếu không sẽ bị đi tù hoặc giết chết. Tuy nhiên, đặc biệt là trong giới trẻ, đó không chỉ là một sự ép buộc, đó thực sự là một lối thực hành họ lựa chọn – một sự phấn kích , một tôn giáo thay thế cho một đất nước đã từng hủy bỏ tôn giáo của mình.

THẦN LINH THẤT BẠI

Là một vị “thánh sống”, Mao gặp phải một vấn đề: ông ta phải chết. Khi điều đó xảy ra vào năm 1976, đất nước này chịu một cơn chấn động. Một số người vui sướng – cuối cùng, tên bạo chúa đã ra đi – nhưng nhiều người đau buồn. Nước mắt tuôn rơi, vào cả đất nước than khóc. Tôn giáo truyền thống đã bị tiêu diệt và Mao đã chết, mọi người không biết chắc chắn làm cách nào để giải thoát được những hi vọng cũng như những sợ hãi của mình.

Đảng cộng sản xử lý vấn đề này bằng cách quay ngược thời gian về những năm 1950. Năm 1982, ĐCSTQ, có một phần trách nhiệm trong việc gây ra những sự tàn phá của cuộc Cách mạng Văn hóa, đã đưa ra một tài liệu 20 trang với tên “Quan điểm và Chính sách Căn bản về các Vấn đề Tôn giáo trong Thời kỳ Xã hội chủ nghĩa của Đất nước Ta”. Thường được biết đến với tên Tài liệu 19, văn bản này làm cho mọi người ngạc nhiên khi thẳng thắn phân tích cuộc khủng hoảng tôn giáo tại Trung Quốc – và mang lại một nền tảng pháp lý cho cuộc hồi sinh tôn giáo đang diễn ra hiện nay. Tài liệu tuyên bố rằng trong 19 năm trong số 27 năm Mao cầm quyền, “những sai lầm thiên tả” đã xảy ra – một sự thừa nhận bất ngờ về việc đảng cộng sản đã lóng ngóng xử lý không tốt chính sách tôn giáo trong ba thập kỷ đầu tiên nắm quyền. Nó thừa nhận rằng sự cấp tiến của Mao đã “nghiêm cấm các hoạt động tôn giáo bình thường”, “gây ra một loạt những sai lầm và bất công đối với các giáo sĩ”, và “sử dụng các biện pháp bạo lực chống lại tôn giáo khiến các tôn giáo phải đi xuống hầm trú”. Tài liệu tiếp tục nói về tôn giáo với một ngôn ngữ cảm thông, mặc dù vẫn tiếp tục lập luận mạnh mẽ rằng tôn giáo phải bị xóa bỏ – nhưng nó cho rằng quá trình phá bỏ tôn giáo cần được thực hiện tiệm tiến. Trong thời gian đó, chính sách của đảng cần “tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo”. Các nơi thờ phượng có thể được mở cửa trở lại và một thế hệ các giáo sĩ sẽ được đào tạo.

Cách tiếp cận được Tài liệu 19 nói đến ít nhiều đã chỉ dẫn đảng cộng sản từ đó cho đến nay. Kết quả là Trung Quốc không còn là một pháo đài của chủ nghĩa vô thần cộng sản như nhiều người nước ngoài vẫn nghĩ. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là tôn giáo không còn là một mối căng thẳng nghiêm trọng trong xã hội Trung Quốc. Các tín hữu vẫn rất giận dữ trước sự kiểm soát của chính phủ đối với hầu hết các nơi thờ phượng, và nhiều người đã lựa chọn con đường thờ phượng hầm trú. Trong lãnh vực công cộng, tôn giáo vẫn bị hạn chế phần nào đó. Nó vẫn bị cấm tham gia vào lãnh vực truyền thông; chẳng hạn, các nhà lãnh đạo tôn giáo không bao giờ bình luận về các vấn đề quan trọng trong cuộc sống hay thậm chí là giữ liên lạc với nhau. Không hề có đối thoại liên tôn.

Sự rối loạn của một thế kỷ rưỡi đã qua khiến nhiều người cảm thấy lo ngại khi diễn tả niềm tin của mình. Trên thực tế, hầu hết mọi người tránh dùng từ “tôn giáo” (zongjiao), vốn vẫn được xem là một từ nhạy cảm. Điều này gây ra một sự nhầm lẫn rất lớn khi người bên ngoài cố gắng đánh giá về đời sống tôn giáo hay tâm linh tại Trung Quốc. Chẳng hạn, năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu Pew đã đưa ra một nghiên cứu quan trọng về tôn giáo trên thế giới, trong đó, họ báo cáo rằng tại Trung Quốc, chỉ có 14% người tham gia khảo sát tin rằng đạo đức có liên quan đến niềm tin tôn giáo. Năm 2015, một cuộc khảo sát quốc tế của Win/Gallup cho thấy 61% người Trung Quốc là vô thần, trong khi tỉ lệ trung bình thế giới là 11%.

Những nghiên cứu này gặp phải sai lầm bởi vì họ đã hỏi mọi người rằng họ có tin vào một tôn giáo nào không. (Các vấn đề dịch thuật khác đã khiến Pew phải công bố lại bản nghiên cứu trong đó không còn nhắc đến thông tin về Trung Quốc nữa). Sẽ tốt hơn nếu hỏi người Trung Quốc về cách họ hành động hay liệu họ có tin vào những ý tưởng cụ thể nào đó. Trong một cuộc khảo sát 3000 người Trung Quốc được các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Anh thực hiện năm 2007, 77% người tham gia nói rằng họ tin vào những nguyên nhân nhân quả, hay báo ứng (baoying), một trụ cột trong hệ thống niềm tin truyền thống của Trung Quốc. Đó là ý tưởng cho rằng bạn sẽ gặt hái những gì bạn đã gieo vãi – điều bạn làm ở kiếp này sẽ có hậu quả ở kiếp sau. 44% đồng ý với khẳng định “Sống và chết là do ý trời”, và 25% nói rằng họ cảm nhận được một sự can thiệp của Đức Phật (fo) trong đời sống của mình trong 12 tháng trở lại, có nghĩa là có một vị thần hay một thế lực thiêng liêng có ảnh hưởng lên đời sống của họ.

Các khảo sát khác cũng cố gắng đưa ra bức tranh về mức độ phát triển của tôn giáo. Một khảo sát do Đại học Đông Hoa tại Thượng Hải thực hiện năm 2005 cho thấy 31% dân số nước này, tức là khoảng 300 triệu người, có tôn giáo. Khoảng 200 triệu người theo Phật giáo hay Đạo giáo hay các thực hành bình dân như là thờ phượng tổ tiên và các nhân vật lịch sử đã được phong thần như các vị tướng hay y sĩ nổi tiếng. Khảo sát này cũng cho thấy khoảng 60% người Trung Quốc hoặc hơn thế là các Kitô hữu. Lí do khiến các khảo sát này cho thấy tỉ lệ người có tôn giáo cao hơn các nghiên cứu nói trên là vì các nhà nghiên cứu đã sử dụng từ “niềm tin” (xinyang) thay vì từ “tôn giáo”. Một nghiên cứu khác, do học giả Fenggang Yang của Đại học Purdue thực hiện năm 2007, cũng cho thấy kết quả tương tự: 185 triệu người Trung Quốc tự nhận mình là người theo Phật giáo và 17.3 triệu người khác có mối liên hệ chính thức với một đền thờ (có nghĩa là những Phật tử tại gia). Có 12 triệu người nhận mình theo Đạo giáo và khoảng 173 triệu người khác thực hành Khổng giáo.

Dấu hiệu rõ nhất cho thấy sự hồi sinh về tôn giáo của Trung Quốc là số lượng ngày càng nhiều các nơi thờ phượng và sự gia tăng số lượng giáo sĩ. Một cuộc khảo sát của chính phủ vào năm 2014 cho thất có nửa triệu tăng ni Phật giáo tại hơn 33.000 ngôi chùa cũng như 48.000 nam nữ tu sĩ Đạo giáo với 9.000 đền thờ – gấp đôi số liệu vào những năm 1990. Không thể coi đó là một sự tăng trưởng nhanh chóng nhưng kết quả đó phù hợp với những gì tôi đã quan sát được tại hàng chục thành phố Trung Quốc. Ngay cả tại Bắc Kinh (Beijing), một thành phố vô thần điển hình tại Trung Quốc, số lượng đền thờ Đạo giáo đã tăng từ con số 2 vào năm 1985 lên hơn 20 trong hiện tại. Vẫn có một số cơ sở đã tồn tại từ trước, nhưng sự tăng trưởng ở đây có thể hiểu là tốc độ thay đổi.

Đối với Kitô giáo, tình hình vẫn đang có những sự chia rẽ. Vì một loạt lí do, Công giáo vẫn có một ảnh hưởng yếu nhất trong số năm tôn giáo chính thức tại Trung Quốc. Ngay cả nếu chấp nhận con số ước tính hơi quá thực tế là 12 triệu tín hữu Công giáo, con số đó vẫn chưa chiếm đến 1% dân số. Trái lại, Tin lành phát triển sau năm 1949 và thường được mô tả là tôn giáo có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Trung Quốc. Các chỉ số chính thức cho thấy có 20 triệu tín hữu Tin lành thuộc về các nhà thờ do chính phủ quản lý, một con số rất lớn so với 1 triệu tín hữu vào năm 1949. Hầu hết các ước tính độc lập đều gợi ý rằng số lượng tín hữu Tin lành trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là vì có những người thuộc giáo hội hầm trú, không do nhà nước quản lý. Năm 2008, nhà xã hội học Trung Quốc Yu Jianrong ước tính có 45 đến 60 triệu tín hữu Tin lành; năm 2011, Diễn đàn Pew về Tôn giáo và Đời sống Công cộng đưa ra con số 58 triệu. Dù con số chính xác là bao nhiêu, thực tế thì Tin lành đã trở thành một nhân tố năng động trong bức tranh tổng thể về tôn giáo tại Trung Quốc, đặc biệt là nơi những thành phố lớn, trong giới có trình độ giáo dục cao.

MẤT TRỌNG TÂM

ĐCSTQ đã theo dõi sát sao sự bùng nổ cảm tình và thực hành tôn giáo và tìm cách để đảm bảo không ai có thể hiểu nhầm rằng sự giải phóng hạn chế này có nghĩa là một sự tự do tôn giáo hoàn toàn. Các hoạt động hầm trú có thể được khoan dung nhưng vẫn là bất hợp pháp. Cũng thế, các mối liên hệ với các tổ chức tôn giáo nước ngoài cũng là bất hợp pháp và là một điều cấm kị, thường dẫn tới sự trừng phạt.

Một ví dụ đáng kể nhất cho sự đàn áp của phía chính quyền là vào năm 1999, khi chính quyền ngăn cấm phong trào tâm linh Pháp luân công, mà nhà cầm quyền coi là một thách thức đối với họ. Khi Pháp luân công từ chối giải thể, một cuộc đàn áp thẳng tay đã diễn ta. Các nhóm bảo vệ nhân quyền ước tính có khoảng 100 người thực hành môn phái này chết trong các đồn cảnh sát, và hàng ngàn người đã bị giam giữ mà không có bản án, rất nhiều người bị đưa vào các trại lao động cưỡng bức.

Tuy nhiên, chính sự đàn áp Pháp luân công lại tạo khoảng trống cho các tổ chức tôn giáo khác. Kể từ sự đàn áp đó, chính phủ đã nới lỏng chính sách của mình đối với năm tôn giáo đã được công nhận, có lẽ nó cho rằng tốt hơn là để cho cảm tình tôn giáo được giải thoát vào những nhóm tôn giáo được kiểm soát hơn là nhìn chúng rơi vào tay các phong trào độc lập. Chính phủ đã đặc biệt ưu ái đối với Đạo giáo, các lối thực hành bình dân và hầu hết các phái Phật giáo.

Các nhóm có mối liên hệ với nước người thì bị đối xử tệ hơn, bao gồm Phật giáo Tây tạng, nhóm nhấn mạnh đến mối liên hệ với Đức Đạt lai Lạt ma đang lưu vong, những người Hồi giáo đi theo các phong trào Hồi giáo quốc tế, hay các Kitô tìm kiếm sự chỉ dẫn và lãnh đạo từ bên ngoài – và cụ thể là một chiến dịch gần đây dỡ bỏ các thánh giá khỏi các tháp nhà thờ đã được tiến hành tại một khu vực đông Kitô hữu ở đất nước này. Tuy nhiên các tổ chức tôn giáo được lãnh đạo và hỗ trợ bởi chính Trung Quốc thì được hoạt động dễ dàng hơn.

Nhà cầm quyền còn lo sợ rằng niềm tin sẽ trở thành một lực lượng không thể kiểm soát được – một hệ tư tưởng thay thế cho định hướng của chính phủ về cách điều hành xã hội. Trong quá khứ, nhà nước và tôn giáo thống nhất mới nhau, tạo nên một sức mạnh tâm linh cho Trung Quốc. Hệ thống cũ đó đã qua đi, và hiện nay chưa có một hệ thống mới nào. Tình hình trở nên phức tạp bởi cuộc tranh luận nảy lửa trong nội bộ đảng cộng sản về cách tốt nhất để điều hành đất nước. Không có một động lực rõ ràng, Trung Quốc thấm nhập các ý tưởng và các vị cứu tinh nhưng không có một hệ thống để kết nối tất cả lại với nhau. Như nhà sử học Vincent Goossaert và nhà xã hội học David Palmer đã miêu tả, Trung Quốc ngày hôm nay là “một quốc gia trung tâm đã mất trọng tâm”.

GIÁO HỘI VÀ NHÀ NƯỚC

Sự hồi sinh về tôn giáo tại Trung Quốc đã trở thành một hiện tượng dẫn tới những thay đổi lớn hơn trong xã hội Trung Quốc. Khi Mao chết và nhóm ôn hòa lên nắm quyền vào những năm 1970, họ cố gắng xây dựng lại hình ảnh và lòng tin vào chế độ nơi người dân bằng cách nới lỏng sự kiểm soát. Mục tiêu của họ là thúc đẩy phát triển kinh tế và để cho người dân làm những gì họ muốn chừng nào họ chưa thách thức quyền lực của đảng cộng sản. Trong thời kì cải cách này, kéo dài ít nhất 30 năm, cho đến khoảng năm 2010, các nhà quan sát tin tưởng, hoặc ít nhất là hi vọng rằng, tiến trình nới lỏng này sẽ mãi tiếp tục và dẫn đến một xã hội tự do hơn. Đó cũng là thời kì thế giới tràn đầy lạc quan, Chiến tranh Lạnh kết thúc, các xã hội dường như chắc chắn sẽ tiến tới tự do và dân chủ. Trong hầu hết thời gian này, xã hội Trung Quốc ngày càng trở nên tự do hơn. Chính phủ dẫn dắt tiến trình này sau sự sụp đổ của Liên Xô, và ĐCSTQ kết luận rằng các cuộc cải cách và sự cởi mở có thể thực sự làm tăng cường quyền lực của họ bằng việc thúc đẩy tăng trưởng và nhờ đó giảm bớt sự đối lập.

Trong lãnh vực tôn giáo và niềm tin, chính phủ đã cố gắng để tiếp nhận các nhóm tôn giáo thay vì đè bẹp họ. Điều này đã hằn sâu vào các câu nói và các ý tưởng về một nhà nước tôn giáo – chính trị truyền thống đã điều hành đất nước này hơn hai thiên niên kỷ nay. Những xu hướng kiểm soát như thế vẫn sẽ tiếp tục tồn tại: nhà nước sẽ không bao giờ từ bỏ quyền kiểm soát của mình đối với đời sống đạo đức của đất nước.

Bên thắng cuộc chắc chắn sẽ là những tôn giáo truyền thống của Trung Quốc: Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng bình dân. Cho rằng những tôn giáo này dễ kiểm soát hơn, nhà nước cho họ nhiều “đất sống” hơn trong khi vẫn đảm bảo rằng họ sẽ đi theo các chính sách của chính phủ. Điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ trở nên giống như Nga, nhà nước gắn bó chặt chẽ với giáo hội Chính thống giáo. Trung Quốc cũng không đi theo mô hình của Đảng Nhân dân Ấn độ (Bharatiya Janata Party) đi theo một lý tưởng mang tính tôn giáo dân tộc. ĐCSTQ có mức độ ủng hộ lớn hơn nên không cần phải dùng đến công cụ tôn giáo. Thay vào đó, giống như các triều đại phong kiến trước kia, nó sẽ tiếp tục thúc đẩy những hình thức niềm tin phù hợp để tăng cường vị thế của mình như là một người nắm quyền đối với các giá trị tâm linh và đạo đức của quốc gia.

HƯỚNG VỀ TRỜI

Nếu muốn tóm tắt những niềm cảm hứng chung của người Trung Quốc trong một từ, đó sẽ là từ “trời” (tian), một khái niệm trung tâm về cách tổ chức xã hội một cách chặt chẽ của người Trung Quốc. Trời ngụ ý một hình thức của công lý và sự tôn trọng và gợi ý về một thẩm quyền cao hơn bất kì chính phủ nào.

Nhưng việc tin tưởng vào trời luôn dẫn đến những tác động ngược về chính trị. Trong suốt những thập kỉ cộng sản nắm quyền, có những nhà bất đồng chính kiến, bao gồm cả những nhân vật có tầm ảnh hưởng như Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobao) với giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên, trên bình diện rộng lớn, những nhà hoạt động cũng như những người theo đuổi các quyền phổ quát lại không nhận được sự ủng hộ nhiều từ người dân. Hầu hết người dân Trung Quốc coi các hoạt động chính trị là những điều có ý nghĩa nhưng xa rời thực tế. Khi theo đòi hỏi các thay đổi chính trị, mục tiêu của họ thường thiển cận: nông dân biểu tình phản đối chính sách thuế bất công hay cư dân thành phố chống lại việc phá hủy nhà cửa của mình. Động lực của họ mang tính cá nhân và hiếm khi xuất phát từ một lý tưởng lớn hay đi đến đòi hỏi thay đổi chính quyền.

Khao khát mới hướng đến việc thay đổi đời sống tâm linh này là khao khát sâu sắc và gốc rễ hơn là những cách bày tỏ sự bất mãn nói trên. Các phong trào tâm linh và tôn giáo đều có những mục tiêu tự thân, nhưng chúng cũng giúp người ta có những đánh giá có hệ thống về tình hình xã hội hiện tại. Đúng là niềm tin có thể là một sự trốn thoát khỏi chính trị, một cuộc chạy trốn mang vẻ ngoài đạo đức khỏi những biến động xã hội: “Hầu hết mọi người đều không đáng tin, nhưng ít nhất thì nhà thờ/đền thờ/cộng đồng tôn giáo của tôi toàn những người tốt”. Do đó niềm tin lại có thể thúc đẩy hành động. Không phải là ngẫu nhiên khi trong giới luật sư nhân quyền Trung Quốc – một nhóm người đang chịu sự đàn áp mạnh mẽ từ chính quyền, có một tỉ lệ lớn là các Kitô hữu, hay các nhà hoạt động khác cũng được gợi hứng bởi Phật giáo và Đạo giáo.

Vào những năm 1980 và 1990, học giả Richard Madsen trình bày trong cuốn sách “Định mệnh của Dân chủ” (Democracy’s Dharma) rằng các tổ chức từ thiện Phật giáo và Đạo giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc dân chủ hóa Đài Loan (Taiwan). Điều tượng tự dường như sẽ không xảy ra tại Trung Quốc đại lục. Đảng cộng sản đã nói rõ không cho phép các tổ chức phi chính phủ hoạt động – dù là tổ chức tôn giáo hay xã hội. Các nhóm tôn giáo vẫn bị hạn chế hoạt động, chẳng hạn trong lĩnh vực cứu trợ thảm họa và bị ngăn cản theo đuổi những mục tiêu rộng lớn hơn, như cố gắng cải cách xã hội. Tuy nhiên, nhìn từ một khía cạnh sử học rộng hơn, các tổ chức tôn giáo đang góp phần xây dựng nền tảng cho một sự thay đổi lớn hơn.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang ngày càng trở nên hơn cả là một siêu cường với đặc điểm siêu trọng thương và dễ tổn thương. Đây là một quốc gia đang tham gia vào cuộc đối thoại toàn cầu về cách thức khôi phục sự liên đới và các giá trị trong các xã hội mà trước nay luôn lấy kinh tế làm cơ sở cho các quyết định của mình. Có lẽ bởi vì các truyền thống tôn giáo Trung Quốc đã bị tấn công dã man trong những thập kỷ trước và được thay thế bởi một hình thức trần truồng của chủ nghĩa tư bản, Trung Quốc thực ra sẽ trở thành người dẫn đầu thế giới trong cuộc đi tìm kiếm các giá trị. Đó là những cảm hứng phổ quát, và giống như mọi người ở những nơi khác trên thế giới, rất nhiều người Trung Quốc tin rằng niềm hy vọng của họ được ủng hộ bởi một điều gì đó hơn cả một chính phủ hay một luật pháp cụ thể. Họ tin rằng họ được hỗ trợ bởi trời.

P.B. chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube