“Con Người là ai?”

Không ai có thể biết Con Người là ai, không sự khôn ngoan nào có thể hiểu thấu về bản chất nội tại có nguồn gốc thần linh của Người, nếu Người, hoặc Thiên Chúa không mặc khải cho.

Trong đời sống và sứ mạng, trong mọi hoạt động, trước và sau mỗi biến cố, Đức Giêsu hay cầu nguyện. Các tác giả sách tin mừng nhấn mạnh đến điều này, đặc biệt là Luca. Thánh Ambrosiô cắt nghĩa việc Chúa Giêsu thích cầu nguyện một mình nơi hoang vắng, là vì trí khôn loài người khó có thể hiểu thấu được đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa. Trước đó, Triết gia Hy lạp thời cổ đại Aristoteles (384-322 TCN) đã nói một câu rất sâu sắc: “hiểu rõ bản thân ta chính là khởi đầu của mọi sự khôn ngoan”.

Hiểu rõ bản thân chính là nền tảng cốt lõi cho mọi khởi đầu, bất kể ta đang ở đâu, đang có những gì, mong muốn điều gì, sẽ làm gì và làm những gì cho con người.

Vì thế, hôm ấy Đức Giêsu đang cầu nguyện một mình, có các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông: “Dân chúng nói Thầy là ai?”. Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”.

Điều Đức Giêsu quan tâm không phải là sự nổi tiếng qua những lời giảng, qua những phép lạ hay tìm kiếm địa vị, dù khi ấy Đức Giêsu đã thật sự nổi tiếng và dân chúng đã kháo nhau: “Một ngôn sứ vĩ đại xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7,16), hoặc muốn tôn Người làm vua, sau phép lạ bánh hóa nhiều (Ga 6,14-15), nhưng Đức Giêsu chỉ muốn biết người ta nghĩ gì về bản thân Người.

Tất cả những gì người ta nghĩ về Đức Giêsu, là Gioan Tẩy giả, ngôn sứ Êlia hay là một trong số các ngôn sứ thời xưa sống lại, cũng bó hẹp trong sự “phỏng đoán, đồn đại”, dù Đức Giêsu có “vĩ đại” đến đâu, Người cũng “chỉ” như các ngôn sứ trong Cựu Ước được Thiên Chúa sai đến; dù những nhận xét ấy có khác nhau, tất cả đều coi Đức Giêsu xuất phát từ một lịch sử, một truyền thống văn hóa và tôn giáo của dân tộc Do thái, nhưng không ai có thể biết Người là ai, không sự khôn ngoan nào có thể hiểu thấu về bản chất nội tại có nguồn gốc thần linh của Người, nếu Người, hoặc Thiên Chúa không mặc khải cho. Vì không hiểu đúng về Người, nên họ cũng không thể hiểu đúng về sứ mạng của Người.
Hướng về các môn đệ, là những người đã sống gắn bó và gần gũi, đã trực tiếp nghe giáo huấn và chứng kiến tất cả những phép lạ Người làm, Đức Giêsu hỏi để biết suy nghĩ của họ về Người, có hơn những gì người ta đã nói về Người: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ”. Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”

Đức Giêsu nghiêm giọng cấm các ông không được nói điều ấy với ai, gián tiếp Người xác nhận lời Phêrô là đúng, những chưa chính xác, vì liền sau đó, Đức Giêsu còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”.

Đức Giêsu biết mình là ai, là Tôi Trung đau khổ của Thiên Chúa, là biểu tượng của các ngôn sứ mọi thời đại. Người đến thế gian và hoàn tất trọn vẹn thân phận của Người Tôi Tớ ấy, theo thánh ý Chúa Cha, trong bản thân, cuộc sống và sự nghiệp của Người. Đó là điều ngay cả các môn đệ cũng khó chấp nhận và sẽ mãi không chấp nhận nếu họ không hiểu Đức Giêsu là ai, là ai đối với họ, làm gì cho nhân loại, và vì sao Người lại bị loại bỏ, bị đau khổ, bị giết chết và sẽ trỗi dậy. Như trong trình thuật rửa chân, Đức Giêsu nói với Phê rô: “Điều Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu” (Ga 13,7).

Dùng từ ngữ “Con Người”, Đức Giêsu muốn ám chỉ nguồn gốc thần linh siệu việt của Người mà ngôn sứ Danien (7,13) đã tiên báo và, chính xác hơn, là hình ảnh mà Đức Giêsu muốn nhấn về mầu nhiệm bản thân Người khi ra trước Thượng Hội Đồng Do thái: “Từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”. Chính lời này khiến cho vị Thượng tế và toàn hội đồng kết án tử Đức Giêsu (Mt 26,64-65). Vì họ không biết Người là ai, do đó họ không thể biết sứ mạng Kitô của Người là gì, thế nên đã kết án Người. Bởi vậy chúng ta hiểu vì sao trên cây thập giá, Đức Giêsu lại xin Chúa Cha tha cho họ, “vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Nếu điều Đức Giêsu làm bây giờ các môn đệ chưa hiểu, thì một khi được ơn hiểu biết, họ sẽ biết được mình là ai, là ai đối với Chúa và Chúa là ai đối với mình, phải trở nên thế nào trong mọi hoàn cảnh, và đó chính là số phận nhưng cũng là vinh quang của người là môn đệ Chúa Kitô, là được trở nên giống Người, đồng hình đồng dạng với Người trong sự thương khó và trong sự vinh hiển. Nói theo thánh Phaolô đó là: “ Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người (Pl 3,7-9).

Lời Chúa nhắc nhớ, lay tỉnh những ai còn say sưa đi tìm kiếm nhiều thứ trên đời mà đánh mất chính mình, hoặc đi theo Chúa vì những gì người ta nói về Chúa, vì những gì “buộc” phải tuyên xưng trong sự vô tri, vì những ảo tưởng về Chúa. Đức Giêsu không hứa hẹn thỏa mãn những khát vọng trần tục của người ta, nhưng Người “phơi trần” những gì xảy đến cho Người và những gì sẽ xảy đến cho ai muốn làm môn đệ Người, nếu họ muốn “cứu mạng sống mình”.

Theo Đức Giêsu, tôi là ai, tôi phải làm gì?. Đó là câu hỏi xoáy vào tâm trí mỗi người, mỗi ngày. Cuộc tìm kiếm này lâu dài và liên lỉ. Nó đòi hỏi chúng ta phải trung thực đối diện với chính mình và chấp nhận để ánh sáng chân lý chiếu soi vào những góc khuất trong cuộc sống mình. Và lời giải thì luôn có sẵn: “Vì chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh; chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Kinh Hoà bình của Thánh Phanxicô).

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.

Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời.
Amen. (Thánh Âu-Tinh)

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube