Chuyên cần Cầu Nguyện

Chuyện kể về những cuộc đàm đạo giữa hai thầy trò, đúng hơn là những lời giáo huấn của thầy với trò về sự cầu nguyện. Hôm nay vẫn là về đề tài CẦU NGUYỆN. Xin mời…

20160726 cau nguyen

 

Dicdok.

Dạo này Sư phụ thấy có nhiều người đến xin con cầu nguyện cho họ…

Đừng có mà vênh mặt lên với Sư phụ. Dicdok!

Chẳng phải vì con được ơn hay làm phép lạ như chư Thánh, càng không phải vì con thánh thiện mà sở hữu được ơn thánh, nhưng dẫu sao, theo đức tin chân chất, người ta nghĩ sự chuyển cầu của con có hiệu lực, và quả là thế, vì con “được Chúa gọi, tách khỏi thế gian, được thánh hiến để thuộc về Chúa”; hoặc vì con là “người của Chúa, đồ đệ của Chúa, luôn gần gũi Chúa” nên lời cầu nguyện của con có thế giá trước Chúa.

Dù đôi lúc con nghĩ việc đó có vẻ cầu cạnh, lợi dụng và “vật chất hóa” sự thiêng thánh, hoặc vì con tiếc rẻ vì phải xao lãng hoặc mất đi một giờ cầu nguyện riêng “thuần khiết, vô vị lợi” với Chúa(!).

Con ơi, cần biết rằng, lời cầu nguyện của con, nếu chỉ là riêng tư của “tiếng lòng thầm thĩ dâng lên Chúa” với bao tâm tình, ước nguyện, khắc khoải của riêng con, thì cũng đã được bao hàm trong lời cầu nguyện của Hội thánh. Vì con là Kitô hữu sống trong lòng mẹ Hội thánh, nên lời cầu nguyện “riêng tư” của con cũng liên đới với Hội thánh có đặc tính là Công Giáo, là phổ quát, như lời Đức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng, Cha đã sai Con” (Ga 17, 21).

Bởi vậy, đừng nên có ý nghĩ “nhị nguyên” khi phân biệt cái riêng con và cái chung, điều đó không đứng đâu. Con nghĩ lại xem, khi con cầu nguyện cho toàn “Hội thánh”, Hội thánh đó là ai?, là những khuôn mặt nào?, đang sống trong những hoàn cảnh nào?, cần lời cầu bầu cụ thể nào?… Đấy, con thấy chưa? Tất cả lời cầu nguyện của con và của toàn Hội thánh được gói ghém trong chính lời cầu nguyện của Đức Giêsu. Và khi Chúa Cha nghe lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, thì trong đó, bao gồm tất cả mọi lời cầu nguyện của Hội thánh, vì Hội thánh là Thân Thể mầu nhiệm của Đức Giêsu; rồi khi Chúa Cha nghe lời con cầu, là bởi lời cầu nguyện của con được dâng lên nhân danh Đức Giêsu là Đầu của Thân Thể. Thế nên, một giờ con cầu nguyện tha thiết dành cho những người xin con cầu nguyện, cũng là một giờ của Chúa và Chúa muốn con chu toàn giờ đó cho chính Chúa.

Đàng khác, Dicdok, qua sự chuyên chăm cầu nguyện, con có nghiệm ra rằng Chúa chỉ muốn giữ con ở bên Chúa không? Đừng có vênh mặt lên. Con biết rằng, không phải vì Chúa cần con cho bằng Chúa yêu con. Khi yêu, người ta chỉ muốn ở bên cạnh người yêu của mình mãi; khi yêu người ta chỉ muốn người yêu của mình ở bên mình mãi. Chúa muốn cho con biết là Chúa yêu con vô cùng và bên con, lòng kề lòng, Chúa muốn lắng nghe con, để dạy dỗ con, tâm sự với con như những người bạn chân thành… (x.Ga 15,15).

Nhiều khi Sư phụ thấy con quên Chúa trong Thánh Thể là Đấng đang sống, đang hiện diện, đang nóng lòng chờ đợi con, đang có rất nhiều điều muốn ngỏ lời với con, thế mà con lại đến với Chúa trong những giờ viếng Thánh Thể qua “bộ dạng thê thảm” của kẻ “tôi tớ ngái ngủ”, phải “trình báo” như một phận vụ!

Sự trung tín trong những giờ cầu nguyện không phải vì con cố chu toàn thời khóa biểu của đời sống tu trì, nhưng là thực thi những gì con cam kết trung tín với một Đấng Tối Cao chí Thánh đang sống, Đấng đó là Đức Giêsu, Đấng luôn hiện diện trong Thánh Thể. Người ở đó không vì những gì con có thể đem đến cho Người, nhưng vì những gì Người có thể ban cho con.

Dicdok.

Tu viện chúng ta đang sống có tường rào bao quanh và một tấm biển ghi chữ: “Nội cấm”. Vì mọi tu sỹ đã hứa sống “tách biệt” với thế giới bên ngoài. Nhưng đó chỉ là sự nhắc nhở con thôi. Nó không phải là yếu tố cần cho sự cầu nguyện và làm nên sự chiêm niệm. Điều cần cho sự cầu nguyện và làm nên sự chiêm niệm là “sự tự nguyện khép kín” trong tâm hồn con. Ngay cả khi con không phải là một đan sỹ sống suốt đời trong bốn bức tường tu viện, hay là tu sỹ “bán chiêm niệm”, hoặc ngay cả việc “sống giữa đời”, con vẫn phải có một tinh thần chiêm niệm đúng nghĩa, một giờ sống với Chúa, Đấng Chí Tôn luôn hiện diện bên con. Do đó, con phải trở nên là một tu sỹ vào giờ khắc nhất định, có thể đóng tâm hồn lại đừng để bất cứ thứ gì lọt vào, đó là “nội vi”, là khoảng không gian thánh, chỉ dành cho một mình Chúa.

Cầu nguyện như thế là món quà đặc biệt của Chúa, Đấng giúp con nâng tâm hồn lên đến với Người. Phần con, con hãy hướng nhìn về Chúa. Như đôi mắt các Thánh luôn hướng về trời cao, và nếu các Ngài có thể “nhấc bổng thân mình”, phá vỡ mọi quy luật vật lý, đó là do sức mạnh khôn tả từ Chúa cuốn hút các Ngài đến với Chúa mà các Ngài không sao cưỡng lại được. Để cộng tác với ơn sủng này, con phải ưu tiên, ngay cả khi phải biết hy sinh mọi thứ, biết bứt mình ra khỏi những mãnh lực lôi cuốn của đời sống và thói chây lười, tầm thường hoá giờ thánh, để đến với Chúa và cầu nguyện. Chúa sẽ ban ơn, thêm sức cho con, sẽ biến đổi con và con sẽ nếm được sự dịu ngọt ngây ngất của sự cầu nguyện, đến nỗi con sẽ tiếc “hùi hụi” nếu ngày nào đó con không thể dành nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện.

Dicdok…Dicdok… Con ngủ gục đó hả?…

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube