Chúng ta đặt niềm hy vọng vào mầu nhiệm Phục Sinh

Mỗi thứ 6, Joe đều đi đến tiệp tạp hóa ở góc đường mua một tờ vé số. Và mỗi tuần, khi người ta công bố các con số trúng, Joe lại dò tờ vé số của mình. Tuần nào anh ấy cũng hy vọng sẽ trúng số nhưng rồi lại thất vọng. Nhưng nỗi thất vọng đó không khiến Joe ngừng mua tờ vé số mới váo tuần kế tiếp. Anh ta luôn nuôi dưỡng niềm hy vọng một ngày nào đó anh ấy sẽ trúng, mặc cho sự thật luôn ngược lại.

maxresdefault

Chúng ta nuôi dưỡng nhiều niềm hy vọng khác nhau. Chúng ta hy vọng sống lâu và bền bỉ hơn. Chúng ta hy vọng con cháu mình lớn lên trở thành người tốt để xây dựng xã hội. Chúng ta hy vọng thế giới được hòa bình và thịnh vượng. Tất cả những điều này đều tốt nhưng chúng ta không thể chắc chắn rằng nó sẽ xảy ra hay không. Có thể là có nhưng cũng có thể là không.

Vậy thì chúng ta có thể đặt niềm hy vọng vào điều gì sẽ không khiến chúng ta thất vọng. Thánh Augustinô đã từng viết, “Chúa sống lại là niềm hy vọng của chúng ta” (Sermon:1). Đặt niềm hy vọng nơi Chúa Giêsu trỗi dậy từ trong kẻ chết là sự đặt cược chắc chắn. Thực sự đó là điều chúng ta có thể đánh cược bằng chính cuộc sống của mình. Bởi lẽ, niềm hy vọng mà Thánh Augustinô nói đến rất khác so với hy vọng trúng số của Joe. Trong khi Joe không biết là liệu anh ấy có trúng số không, chúng ta biết rằng bất cứ ai tin rằng Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết thì sẽ được cứu độ (Rm 10,9). Vì thế chúng ta không chỉ mong ước điều gì đó tốt đẹp sẽ đến, chúng ta tin tưởng chắc chắn là thế.

Trong mùa Phục Sinh này, chúng ta cùng tái khám phá niềm hy vọng của chúng ta vào Chúa Giêsu Phục Sinh – cả niềm hy vọng mang lại cho mỗi cá nhân chúng ta và niềm hy vọng cho thế giới. Chúng ta cũng muốn nhìn lại cách thức để chúng ta có thể lớn lên trong niềm hy vọng cũng như trở thành những chứng nhân hy vọng cho những người chung quanh chúng ta.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhìn lại những bằng chứng cho thấy Chúa Giêsu sống lại đã thực sự xảy ra, và chính điều này sẽ cho chúng ta thấy vì sao chúng ta có niềm hy vọng Phục Sinh.

Các nhân chứng.

Hai môn đệ trên đường Emmau đã cảm thấy như đất dưới chân đã sụp đổ. Họ đã đặt trọn niềm hy vọng cũng như giấc mơ của mình vào Ông Giêsu, một người lao động tuyệt vời ở Nazareth, nhưng ông ấy đã bị các giới chức La Mã giết chết một cách dã man. “Chúng tôi đã từng hy vọng chính người là Đấng sẽ cứu chuộc Ítraen”, một người trong họ đã nói với một người là đã đi cùng họ trong đoạn đường từ Giêrusalem về Emmau (Luca 24:21). Dĩ nhiên là họ không nhận ra người lạ đi cùng họ chính là Chúa Giêsu, Đấng Kitô đã sống lại.

Khi họ kể cho Người nghe những điều đang khiến họ nặng lòng, Chúa Giêsu đã chỉ ra tất cả những chỗ trong Kinh Thánh nói về Người. Và khi đã gần tới làng họ muốn đến, họ mời Chúa Giêsu ở lại với họ và khi Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ, họ liền nhận ra Người (Luca 24:31). Nhớ lại chuyện vừa xảy ra, họ thấy “lòng đã bừng cháy: khi Chúa giải thích Kinh Thánh cho họ (c. 24:32). Niềm hy vọng của họ đã được lấp đầy, hơn cả những mơ ước ngông cuồng nhất. Chúa Giêsu đã sống lại, Ngài đã chiến thắng sự chết, và họ chính là những chứng nhân về điều này.

Mặc dù chúng ta không được gặp Đức Kitô sống lại bằng xương thịt như hai môn đệ này, chúng ta có rất nhiều nhân chứng đã được thấy tận mắt trong số các môn đệ đầu tiên. Ngoài hai người này, còn có Bà Maria Mađalêna đã gặp Người ở huyệt mộ (Mt 28: 1-10; Mc 16:9-10; Lc 24:1-9; Ga 20:11-18). Sau đó Người đã hiện ra với mười một môn đệ khi họ đang phải trốn vì sợ, thậm chí Người còn ăn một khúc cá nướng trước mặt họ (Lc24:43). Tuần sau đó, Chúa Giêsu lại hiện ra (Ga 20:24-29). Sau hết, Người hiện ra với ông Phêrô và một số môn đệ ở biển hồ Galilê khi họ đang đi đánh cá và Người còn cho họ ăn bánh và cá nướng (Ga 21).

Thánh Tông đồ Phaolô cũng đã gặp Chúa Giêsu sống lại trên đường đi Đamát (Cv 9:3-9). Sau đó ông kể lại Chúa Giêsu cũng “đã hiện ra với hơn 500 anh em cùng một lúc” (1 Cr 15:6).

Vấn đề nằm ở chỗ niềm hy vọng của chúng ta vào sự Phục Sinh không phải là hy vọng hão huyền. Đây là một sự kiện có thật đã làm thay đổi cuộc sống của những con người thực sự. Và điều đac xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm vẫn còn đúng tới ngày nay: Chúa Giêsu vẫn sống và sống giữa chúng ta.

Lời rao giảng của các tông đồ.

Một lý do khác nữa để đặt niềm hy vọng của Chúa Phục Sinh, đó chính là căn cứ vào lời giảng dạy của các tông đồ. Nếu không có biến cố Phục Sinh, họ không có gì để công bố cả. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Ông Phêrô đã nói với đám đông, chính Thiên Chúa đã cho Chúa Giêsu trỗi dậy, “giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết, vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi” (Cv 2:24). Sau đó khi Thánh Phêrô và Gioan chữa lành một người ăn xin ở khu vực Đền thờ, Thánh Phêrô đã nói với đám đông quy tụ lại đó rằng, “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết” (Cv 3:15). Chính Chúa Giêsu, Đấng sống lại trong vinh quang đã chữa lành người này.

Thánh Phaolô cũng đặt những lời rao giảng của mình vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, ngài viết: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn sống trong tội lỗi của anh em” (1 Cr 15:17). Ông Phêrô đã làm rõ rằng chính sự Phục sinh của Chúa Giêsu đã chiến thắng tội lỗi của chúng ta. Vì Đức Kitô đã sống lại, chúng ta cũng có niềm hy vọng chắc chắn rằng sẽ được sống lại cùng với Người – khi chúng ta tin tưởng và đáp lại lời kêu gọi của Người trong cuộc sống của chúng ta.

Thánh Phêrô, Thánh Phaolô và tất cả các tông đồ đã tin tưởng vào Chúa Giêsu sống lại đến nỗi sẵn sàng chịu chết hơn là từ bỏ niềm tin vào Người. Thánh Phaolô thậm chí đã hỏi các tín hữu Côrintô rằng tại sao ngài và các tông đồ khác liều mình đương đầu với hiểm họa và cả cái chết nếu như không có sự sống lại. (x. 1 Cr 15:30)

Với tất cả những điều này, làm sao chúng ta lại không đặt tất cả niềm hy vọng vào Chúa Giêsu Phục Sinh?

Chúa Giêsu là Người đầu tiên nhưng không phải là cuối cùng.

“Trái cây đầu mùa” là phần thu hoach vụ mùa sớm nhất mà người dân Ítraen dâng lên Thiên Chúa để tạ ơn cho một mùa bội thu sắp tới. Thánh Phaolô gọi Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết như “trái cây đầu mùa”, “mở đường cho những người đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15:20). Mặc dù Người là người đầu tiên sống lại, Người không phải là người sau cùng. Và thêm một lý do thứ ba cho niềm hy vọng của chúng ta, Chúa Giêsu sống lại mới chỉ là khởi đầu.

Kế hoạch của Cha tôi là hủy diệt cái chết mãi mãi. Chúa Giêsu đã đi trước chúng ta, nhưng chúng ta, những người đã tin vào Ngài cũng sẽ được chia sẻ sự Phục sinh của Ngài trong ngày sau hết. Nếu không phải là như thế, thì Thiên Chúa đã cho Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết để làm gì? Vì thế chúng ta có thể đặt niềm hy vọng của chúng ta vào sự sống lại của chúng ta vì Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta thấy – qua chính thân xác của Ngài – những gì Thiên Chúa sẽ thực hiện cho chúng ta.

Và đây là lý do cuối cùng. Chúa Giêsu, Đấng nay đã sống lại vinh quang đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta như “bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta” (Ep 1:14). Ngài ban Thánh Thần để hướng dẫn và an ủi chúng ta, giúp chúng ta nhận ra tội lỗi của mình và trao quyền cho chúng ta để phục vụ dân của Ngài. Điều đó có nghĩa Đức Kitô sống lại và hoạt động trong chúng ta thông qua Chúa Thánh Thần. Và không chỉ cho chúng ta mà thôi, Nếu chúng ta để ý kỹ hơn nữa, chúng ta có thể thấy bằng chứng của Chúa Giêsu Phục Sinh trong cuộc sống của anh chị em chúng ta trong Đức Kitô.

Một lý do cho niềm hy vọng của chúng ta.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô thứ XVI đã từng nói: “Nếu chúng ta loại bỏ Đức Kitô và sự phục sinh của Người, con người chẳng còn lối thoát, và niềm hy vọng của mỗi người chúng ta cùng trở nên rỗng tuếch” (Sứ điệp Phục Sinh Urbri et Orbri 2009). Không có sự sống lại của Chúa Giêsu, cuộc sống của chúng ta không chỉ chấm dứt ở đây trên trái đất này mà còn thiếu đi mục đích và ý nghĩa vĩnh hằng. Chúng ta sẽ mang theo tội lỗi mình mà chết (Ga 8:24). Sự phục sinh của Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao vì chúng ta có thể sống cuộc sống sung mãn Người ban cho ngay bây giờ trên mặt đất này cùng với lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu cùng Đức Kitô trên Thiên Đàng.

Ngày nay rất nhiều người sống không có niềm hy vọng. Chúng ta cùng có lúc đã trải qua những thời gian vô vọng như thế. Nhưng vì chúng ta là Kitô hữu, chúng ta không bao giờ thực sự mất hy vọng. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và cứu chuộc chúng ta dù chúng ta cảm thấy thế nào đi chăng nữa. Ngài vẫn luôn có một kế hoạch cho cuộc sống của chúng ta, dù hoàn cảnh của chúng ta thế nào đi nữa. Và chính vì Thiên Chúa đã trỗi dậy từ cõi chết, chúng ta cũng sẽ trỗi dậy và sống mật thiết với Ngài.

Thánh Phêrô đã khuyên nhủ các Kitô hữu “hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3:15). Tất cả chúng ta đều có hy vọng và mơ ước muốn nhìn thấy nó thành hiện thực. Nhưng không có gì có thể sánh được với lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu Thiên Chúa dành cho chúng ta trong Đức Giêsu. Cho dù trong cuộc sống này chúng ta gặp phải những thách đố thế nào đi chăng nữa, đó vẫn là niềm hy vọng vững chắc của chúng ta. Vì thế, trong mùa Phục Sinh này, chúng ta hãy luôn sẵn sàng để nói với mọi người tại sao chúng ta lại đặt hy vọng của chúng ta vào sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ chúng ta.

Chuyển ngữ: Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam

Nguồn: wau.org (Placing Our Hope in the Resurrection)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube