Chúng ta có thể từ chối tham gia vào những điều dối trá

Chúng ta có thể giữ vững được mình, từ chối tham gia vào những điều dối trá, tức là không chấp nhận để mình bị tha hoá, vì sau lưng chúng ta luôn có sự trợ lực của Thiên Chúa.

lop-hoc

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổ trưởng tổ bộ môn thông báo: “Đợt này, theo chỉ tiêu, tổ chúng ta cần có ít nhất 3 người đăng ký ‘Giáo viên dạy giỏi’ nữa. Tôi đề nghị anh A, anh B, chị C đăng ký”. Hoặc: “Để không mất điểm thi đua, tổ chúng ta cần ít nhất 2 anh chị đăng ký ‘Thi đua dạy tốt’ trong đợt 20 tháng 11 này, đề nghị các anh chị ghi tên” .

Đây là một thông báo thường gặp vào một số buổi họp tổ bộ môn, nơi tôi làm việc, suốt hơn 30 năm qua.

Đặt ra một mốc tốt đẹp nào đó, để cùng nhau thi đua hướng tới, là việc không có gì sai. Nhưng thực tế, không ít giáo viên nhìn thấy cơ chế bất hợp lý đang diễn ra – làm việc tử tế nhưng lương giáo viên không đủ sống, trong khi quan chức vẫn ngang nhiên tham nhũng, bổng lộc ứ đầy, thì lời kêu gọi nỗ lực hơn nữa từ trên đưa xuống, thường phải đính kèm sự hăm doạ, ép buộc – nếu tổ nào không tham gia sẽ bị “xét thi đua”. Và như thế, đối phó lại, ở dưới làm ra vẻ chấp hành tốt lời kêu gọi, nhưng hầu hết ngầm đồng ý với nhau rằng: chỉ là đối phó vì bị ép buộc, chỉ là hình thức để yên thân.

Rồi tiêu chuẩn cơ bản để đạt danh hiệu: một hay vài tiết dạy được thầy trò chuẩn bị kỹ lưỡng, với sự giúp sức của cả tổ bộ môn, trước khi đưa ra cho ban giám hiệu hay cho các giáo viên trường bạn dự giờ đánh giá. Cơ chế đánh giá lại xoay vòng, nay tôi đánh giá các bạn, mai các bạn qua trường tôi đánh giá tôi. Vậy lịch sự, biết điều, cảm thông cho nhau, chúng ta cùng xếp loại cho nhau: Giỏi. Cầm bảng đánh giá trên tay, trước hết hãy tìm các mục buộc phải cho điểm cao nhất để đạt loại Giỏi, và ghi số điểm vào đó. Các mục khác cân đo cho có vẻ… thực sau.

1
Một sự giả mạo được cùng nhau bắt đầu. Giả mạo rằng có một sự thi đua, giả mạo rằng có những cách thức đúng đắn đã được thực hiện, để xác định giá trị, gọi là, “Giỏi”.

Sự giả mạo diễn ra trước sự chứng kiến của những mầm non, trong một môi trường ươm trồng người trẻ!

Với cái nhìn như vậy, không thoả hiệp được với chính mình, nên ở cùng môi trường, qua nhiều đời hiệu trưởng, chưa bao giờ tôi đồng ý tham gia “trò chơi chấp hành tốt” này, dù không ít lần bị áp lực. Lần nào từ chối tôi cũng giải thích rõ ràng những gì tôi nghĩ, với hiệu trưởng.

Nhưng làm sao trụ lại mà không bị trừng phạt, vì từ chối chấp hành chủ trương đường lối của cấp trên?

Là một Kitô hữu, chúng ta được rèn luyện lương tâm qua suốt bao năm tháng, để cảm nhận sâu sắc rằng: nghề nghiệp cũng là một ơn gọi được đặt để. Nhờ đó, từ chối tiếp tay với những quy trình dối trá, nhưng được thôi thúc tự lương tâm sâu xa rằng: cần thi hành công việc với trách nhiệm tối đa, tương ứng với những nén đã nhận được từ Chúa của mình thì những gì diễn ra thường có kết quả khó ai không công nhận.

Qua cách thức thực hiện công việc, qua kết quả công việc, cấp trên, đồng nghiệp phải công nhận chúng ta không phải người ích kỷ, chỉ chăm chăm thu vén quyền lợi cá nhân. Chúng ta có đóng góp thực chất vào công việc chung, họ cần thành tích, có những công việc chúng ta làm đem lại được cho họ thành tích (hệ quả tất yếu của công việc). Tuy nhiên, họ cũng biết rằng chúng ta là người sống với nguyên tắc lương thiện của mình và cương quyết bảo vệ nguyên tắc sống ấy. Hơn 30 năm sống trong nghề, qua mấy đời hiệu trưởng, ban đầu, ngày chưa hết hạn tập sự, có lúc tôi cũng bị hiểu lầm và từng bị trừng phạt, nhưng không lâu sau đó, họ đều phải công nhận và thực lòng tôn trọng nguyên tắc sống của tôi.

Chúng ta có thể giữ vững được mình, từ chối tham gia vào những điều dối trá, tức là không chấp nhận để mình bị tha hoá, vì sau lưng chúng ta luôn có sự trợ lực của Thiên Chúa. Thiên Chúa trong chúng ta và Thiên Chúa trong sâu thẳm lương tri của những người khác, dù họ chưa nhận biết Chúa. Tôi tin như vậy.

Can Đê

XEM THÊM:

Tự ứng cử vào Quốc hội và “văn hóa mắm tôm”

Thực phẩm bẩn và nỗi khổ của người nông dân

Vì sao người Công giáo có tỉ lệ ly hôn thấp?

Người vô gia cư xếp hàng ăn cơm từ thiện ở Nhà thờ Chợ Đũi

Nghị sĩ Martin Patzelt: Nếu không có gì phải giấu giếm, thì người ta sẽ minh bạch, công khai

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube