Chúa nhật Chúa Ba Ngôi: Tính Duy nhất và Ba Ngôi vị

“Chúa Ba Ngôi” - ẢNh của Họa sĩ Francesco Cairo (1607-1665)

“Chúa Ba Ngôi” – Ảnh của Họa sĩ Francesco Cairo (1607-1665)

Chúa nhật, ngày 30 tháng 5, là Lễ trọng kính Chúa Ba Ngôi hay còn gọi là “Chúa Nhật Ba Ngôi”.

Các Bài Đọc Trong Thánh Lễ: Đệ Nhị Luật 4: 32-34, 39-40; Thánh Vịnh 33: 4-22; Rô-ma 8: 14-17; Mát-thêu 28: 16-20.

Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi! Đây là một trong những dịp lễ trọng thể mà chúng ta nên cử hành theo cách thức long trọng hơn, nhưng lại thiếu các phong tục văn hóa để làm như vậy. Nguồn gốc của dịp lễ này nằm trong một phong tục trong các Tu viện thời trung cổ để cầu nguyện với những lời cầu nguyện đặc biệt nhằm tôn vinh Chúa Ba Ngôi vào Chúa nhật sau Lễ Ngũ Tuần, như một liều thuốc giải độc cho vấn đề dị giáo. Đức Giáo hoàng Gioan XXII đã thiết lập Lễ Chúa Ba Ngôi như một dịp lễ đối với toàn thể Giáo hội vào đầu những năm 1300, và vì vậy dịp lễ này vẫn tiếp tục được duy trì.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là trung tâm điểm đối với đức tin của chúng ta.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không chỉ là một xác tín mang  tính lý thuyết không liên quan. Nếu Thiên Chúa không có Ba Ngôi, thì Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần không nên được phụng thờ. Nếu Thiên Chúa không có Ba Ngôi, thì Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa, và theo sau đó là Thiên Chúa đã không đích thân xuống thế để cứu chúng ta. Mầu nhiệm Ba Ngôi khẳng định cả Tính Duy nhất và Ba Ngôi vị: một Thiên Chúa, nhưng lại có ba Ngôi.

Bài đọc đầu tiên (Đệ Nhị Luật 4: 32-34, 39-40) nhấn mạnh tính duy nhất của Thiên Chúa, một Giáo lý mà chúng ta chia sẻ với anh chị em Do Thái của mình. Ông Mô-sê nói với dân ở ngưỡng cửa Đất Hứa và nhắc nhở họ: “Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này : trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa” (Đnl 4, 39). Ở châu Phi, châu Á và các khu vực khác trên thế giới, tín ngưỡng đa thần (tín ngưỡng tin vào nhiều vị thần) vẫn phát triển mạnh mẽ. Chúng ta xác tín rằng: Chỉ có một Thiên Chúa đáng được tôn thờ, Đấng Tạo Hóa, Thiên Chúa của dân Israel, hiện thân nới Đức Giêsu.

Bài đọc thứ hai (Rô-ma 8: 14-17) là một đoạn trích hết sức tuyệt vời của Thánh Phao-lô làm sáng tỏ vai trò của Ba Ngôi trong đời sống thiêng liêng của người tín hữu: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ‘Áp-ba! Cha ơi!’. Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô” (câu 15-17). Nói một cách đơn giản, Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được trở nên thông phần vào mối quan hệ làm con của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, vì vậy chúng ta có thể kêu lên với từ ngữ thân mật mà chính Chúa Giêsu đã dùng, “Abba! Cha ơi!”.

“Abba” là từ chỉ “Cha” trong tiếng Aramaic, ngôn ngữ nói của người Do Thái vào thời Chúa Giêsu, và mặc dù nó không hoàn toàn có nghĩa là “Cha” (như đôi khi được tuyên bố) nhưng nó thân mật hơn từ “Father” (Cha) trong tiếng Anh. Chỉ có Tin Mừng Mác-cô trình thuật việc Chúa Giêsu thưa lên tiếng “Abba” và chỉ trong Vườn Gethsemane, khảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt nhất của Chúa Giêsu. Vì vậy, Chúa Thánh Thần lôi kéo chúng ta vào cùng sự sống mãnh liệt của Ba Ngôi Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã trải qua, sự sống của tình yêu tự hiến, vốn đòi hỏi khắt khe và thậm chí đau đớn đối với chúng ta với tư cách là những thụ tạo hữu hạn. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng “vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (câu 17).

Tin Mừng, Sứ mạng cao cả nhất ở cuối Trình thuật Tin Mừng Mát-thêu, nhấn mạnh đến Ba Ngôi vị: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”.

Sự đồng đẳng của các Ngôi vị được phản ánh bởi thực tế là Danh Thánh của mỗi Ngôi vị phải được kêu cầu để có được một Phép rửa hợp lệ. Do Thái giáo và thậm chí các tôn giáo khác thực hiện các “Phép rửa” hoặc nghi lễ tẩy rửa, nhưng không nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Nhưng việc nhận biết Thiên Chúa đích thực phải dẫn đến sự quy phục Ngài: “dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền”.

Sứ mạng của Giáo Hội không hoàn thành khi người ta đơn thuần chỉ được rửa tội, nhưng chỉ khi cả đời sống của họ vâng phục mọi điều Chúa Giêsu đã truyền dạy.

John Bergsma

** Tiến sĩ John Bergsma là Giáo sư Thần học tại Đại học Steubenville thuộc Dòng Phanxicô. Từng là Mục sư Tin lành, Tiến sĩ Bergsma gia nhập Giáo hội Công giáo năm 2001 khi đang lấy bằng Tiến sĩ Kinh Thánh từ Đại học Notre Dame. Là cộng tác viên thân cận của Tiến sĩ Scott Hahn, Tiến sĩ Bergsma thường xuyên có các cuộc trò chuyện trên đài phát thanh Công giáo và tại các hội nghị và các Giáo xứ trong nước và quốc tế. Tiến sĩ John Bergsma còn là tác giả của bảy cuốn sách về Kinh Thánh và Đức tin Công giáo, bao gồm: Những nền tảng Kinh Thánh dành cho người Công giáo (Nhà xuất bản Ave Maria), Ấn tượng mạnh mẽ bởi Kinh Thánh: Kinh Thánh đã khiến tôi trở thành người Công giáo như thế nào (Our Sunday Visitor) và Giới thiệu của GH Công giáo về Kinh Thánh: Cựu ước (với Brant Pitre; Ignatius Press). Các bài nói chuyện và nghiên cứu của Tiến sĩ Bergsma hiện có trên các đĩa CD và mp3 từ catholicproductions.com. o Tiến sĩ John Bergsma và vợ Dawn sống cùng với tám đứa con của họ ở Steubenville, Ohio.

Minh Tuệ (theo NCR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube