Chủ đề hòa giải trong Tin mừng Luca

Trong Tin Mừng theo Thánh Luca, chúng ta không thấy đề cập trực tiếp đến thuật ngữ hòa giải. Nhưng thực tại hòa giải thì được khắc họa rõ nét.

20170206 hoa giai LucaKhi phạm tội, chúng ta tự cắt đứt mối tương quan giữa Thiên Chúa với chính mình, và để nối lại mối tương quan đó, thì chính Thiên Chúa đã sai Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến để hòa giải với nhân loại.

Đức Giêsu đến để hòa giải con người với Thiên Chúa bằng cách tha thứ tội lỗi và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, tà thần đang chế ngự tâm hồn và thân xác họ (5, 29-32; 7, 21-22). Vì tội đã truyền lan tới tất cả mọi người không trừ ai, đã lôi tất cả vào sự chết vĩnh viễn tách lìa với Thiên Chúa như những kẻ bị luận phạt phải chịu trong hoả ngục; nếu không có sự cứu chuộc, thì theo kiểu nói của thánh Augustinô dĩ nhiên phải được hiểu chính xác, tất cả sẽ tạo thành ‘một khối bị luận phạt’. Còn bệnh tật mà người đời gánh chịu như là hậu quả của tội lỗi, một dấu hiệu của quyền năng Xatan trên loài người (6, 19). Bệnh tật còn là biểu tượng cho trạng thái mà tội nhân đang phải mang lấy: cách thiêng liêng, họ ra mù, điếc, tê bại… Vì thế, việc chữa lành bệnh nhân cũng là một biểu tượng chỉ sự chữa bệnh thiêng liêng mà Chúa Giêsu thực hiện nơi con người. Người tha thứ tội lỗi của người tê bại và để chứng minh là mình có quyền ấy.

Đức Giêsu đến để kêu gọi “người tội lỗi hối cải” (5, 32) và Ngài đã thúc đẩy họ trở lại (19, 1-10) bằng cách mặc khải cho họ biết Thiên Chúa là người Cha chỉ biết mừng vui khi tha thứ, chứ không muốn ai phải hư mất, thất lạc bao giờ (15, 4-32). Đức Giêsu Kitô đã hoàn tất công cuộc cứu độ của mình, khi ban ơn tha thứ của Thiên Chúa Cha cho những tội nhân và Ngài còn cầu nguyện để xin Cha tha tội cho họ (23, 34).

Qua đó, ta nhận thức rằng mặc dầu không thấy tác giả Tin Mừng thứ ba dùng thuật ngữ hòa giải, nhưng những hành động chữa lành các bệnh tật, tha thứ tội lỗi… của Đức Giêsu là một sự hòa giải mà Ngài đã thực hiện để dẫn đưa con người trở về, lại sống trong ân sủng và bình an với Thiên Chúa. Như vậy, đọc Tin Mừng của Thánh Luca, chúng ta nhận thấy đó là Tin Mừng của sự hòa giải, vì trong hành trình loan báo Nước Thiên Chúa của Đức Giêsu, Ngài luôn luôn chữa lành những người ốm đau, bệnh tật (4, 1; 5, 17; 6, 18-19; 9, 2.11; 13, 32; 14, 4), kêu gọi họ tỏ lòng sám hối ăn năn để được thứ tha tội lỗi (1, 77; 3, 3; 5, 20-24; 7, 1.42; 17, 4; 23, 34; 24, 47).

Vì thế, ta có thể nói rằng Tin Mừng theo Thánh Luca là Tin Mừng của sự hòa giải mà Thiên Chúa đã thực hiện nhờ Con Một của Ngài là chính Đức Giê-su Ki-tô, đồng thời ta cũng thấy Ngài để lộ ra tấm lòng xót thương của Thiên Chúa đối với nhân loại này.

Đình Tộ, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube