Chính trị có thật là vấn đề “nhạy cảm” không?

Trong bài ‘Đừng bảo chúng tôi phải tránh xa chính trị’ đăng trên trang tinhdongchuacuuthe.com, ngày Chúa Nhật 15-05-2016 vừa qua, có trích lời Tổng Giám mục Socrates Villegas của Lingayen-Dagupan, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân nói rằng một phần trong ơn gọi của mình là lên tiếng về các vấn đề chính trị.

Đức Tổng Giám mục nói: “Lời hứa lớn nhất mà Giáo hội có thể có với bất kỳ chính quyền nào, là một sự cộng tác trong cẩn trọng, và chúng tôi đang làm như thế. Chúng tôi sẽ thúc giục người dân của mình làm việc với chính quyền vì lợi ích cho tất cả mọi người, và chúng tôi sẽ tiếp tục cẩn trọng để nói lên những huấn giáo và lời ngôn sứ, để khuyên răn và sửa lỗi, đây là ơn gọi của chúng tôi.”

Có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này, nhưng đây cũng là dịp để chúng ta, những người Công giáo hiểu biết thêm về Giáo huấn xã hội của Hội thánh Công giáo, đặc biệt về vấn đề “nhạy cảm” này.

Trong tài liệu “Hướng dẫn học hỏi Giáo huấn xã hội của Hội thánh Công giáo” của Lm Giuse Phan Tấn Thành, OP đã trình bày rất rõ và súc tích về vấn đề tham gia chính trị. Ở đây chúng tôi mạn phép trích nêu những điều chính yếu.

A. Tiền đề: Luân lý và chính trị

1/Định nghĩa chính trị là gì?

a) Theo nghĩa hẹp, chính trị bao gồm những hoạt động nhằm thi hành quyền bính trong cộng đồng dân sự (từ cấp làng xã cho đến cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế). Hiểu theo nghĩa này, chính trị gắn với gắn liền với quyền hành: làm chính trị có nghĩa tìm cách nào để nắm giữ quyền hành để giải quyết những vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội.

b) Theo nghĩa rộng hơn, chính trị có nghĩa là hoạt động nhắm đạt tới ích chung; nó bao trùm tất cả những hoạt động hướng tới việc bảo đảm cho những mối tương quan xã hội được tiến hành trong sự thuận hòa, tôn trọng quyền tự do và bình đẳng của hết mọi người dân. Hiểu theo nghĩa này, tất cả các công dân đều “làm chính trị” bằng cách này hay cách khác. Thí dụ: trong một cuộc tuyển cử, một người công dân đi bỏ phiếu và một người tẩy chay không đi bỏ phiếu đều là “hành vi chính trị”; hoặc đứng trước cuộc cấm vận, người bênh hay chống nó cũng đều “làm chính trị”, và người lén lút nhập cảnh khí giới cũng như người tìm cách nhập cảnh thuốc men, thóc lúa cũng đều là hành vi chính trị.

Khi phát biểu học thuyết xã hội về các vấn đề chính trị, Giáo hội không làm chính trị theo nghĩa hẹp bởi vì Giáo hội không có tham vọng tranh chấp để tranh dành quyền hành; Giáo hội can thiệp vào lãnh vực chính trị hiểu theo nghĩa rộng, với mục tiêu là để nhắc nhở những nguyên tắc luân lý mà những người cầm quyền cũng những công dân cần phải lưu ý (GLCG số 2244-2246). Đối lại với những thành kiến cho rằng một khi đã tham gia chính trị thì phải gian dối, thủ đoạn, học thuyết xã hội đòi người làm chính trị phải tuân theo những quy tắc luân lý, và thậm chí có thể nên thánh nữa. Lịch sử của Giáo hội không thiếu những nhà vua hay chính khách thánh thiện. Nhân dịp năm thánh 2000, đức Gioan Phaolô II đã đặt thánh Thomas More làm quan thầy các nhà lãnh đạo và chính trị (Tự sắc ngày 31/10/2000).

2/ Luân lý và chính trị.

Giáo hội khẳng định rằng nhà chính trị cũng phải tuân hành những nguyên tắc luân lý (GLCG số 1902-1903). Vì chính trị (cũng như kinh tế) là hoạt động của con người, nhằm phục vụ con người xét như cá nhân cũng như cộng đồng (GLCG số 2237). Một thứ CT phản luân lý sẽ làm thiệt hại cho chính mình (TLHT số 396).

B. Một thoáng nhìn các văn kiện Giáo huấn xã hội về Chính trị

Sau khi trình bày những văn kiện của các Đức Giáo Hoàng trong lịch sử, nhất là Công đồng Vatican II, Hiến chế Vui mừng và hy vọng và Tuyên ngôn về Tự do tín ngưỡng, tài liệu cho thấy ý nghĩa của việc Giáo hội can thiệp vào lãnh vực chính trị.

“Làm chính trị không có nghĩa sử dụng thủ đoạn để chiếm giữ quyền bính.
Việc chiếm giữ và duy trì quyền bính phải phù hợp với nguyên tắc hợp pháp.
Hoạt động chính trị chỉ là công cụ để bảo đảm trật tự xã hội.

Trật tự xã hội cần được dựa trên bốn cột trụ là: chân lý, công bằng, tình yêu và tự do.

(a) Chân lý (sự thật) có nghĩa là tránh những gì gian dối, úp mở. Áp dụng vào lãnh vực chính trị, chân lý đòi hỏi phải hành động thẳng thắn sáng sủa, dưới ánh sáng mặt trời, chứ không phải lén lút, âm mưu xảo quyệt. Chân lý cũng đòi hỏi quyền của người dân được thông tin trung thực (TLHT số 414).

(b) Công bằng có nghĩa là trao trả cho mỗi người cái gì thuộc về họ.

Công bằng xã hội không những chỉ ngăn cấm sự trộm cắp nhưng còn đòi hỏi phải quan tâm đến hạng người thấp cổ bé họng, đã bị tước lột tất cả những quyền lợi căn bản của họ. Công bằng cũng bao hàm quyền của các công dân được tham gia vào việc điều hành quốc gia.

(c) Tình thương. Lịch sử cho thấy rằng tình thương (hay bác ái) đã dọn đường cho công bằng. Một vài trợ cấp trước đây được coi như là do lòng nhân đạo nhưng dần dần đã trở thành quyền lợi xã hội (thí dụ quyền bảo đảm sức khoẻ, quyền bình dân giáo dục). Dù vậy, không bao giờ nên tách rời công bằng khỏi bác ái: một xã hội chỉ biết có công bằng mà không đếm xỉa tới bác ái thì sẽ biến những tương quan xã hội thành chế độ bàn giấy, thành những tranh chấp quyền hành hay đấu tranh quyền lợi.

(d) Tự do. Cần phải cho các công dân được hưởng tự do đến mức tối đa; chỉ được phép hạn chế sự tự do trong tầm mức mà công ích đòi hỏi. Sau khi bức tường Bá linh sụp đổ, đức Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp Centesimus Annus số 25b như sau: Tự do là một yêu sách của phẩm giá con người; những chế độ hạn chế quyền tự do nhân danh một thứ trật tự mà chính họ áp đặt thì sớm muộn gì không những sẽ sụp đổ mà còn lôi theo sự băng hoại của xã hội nữa. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bỏ qua sự kiện lịch sử là chủ nghĩa cộng sản đã bành trướng trong quá khứ, khi mà tại các nước mệnh danh là tự do đã làm biến dạng ý nghĩa của từ ngữ này: hoặc là tự do chỉ nằm trong tay một thiểu số còn đa số thì làm nô lệ; hoặc là tự do đồng nghĩa với phóng túng lăng loàn không còn đếm xỉa gì đến chân lý, công bằng và yêu thương.

C. Quyền bính chính trị

Ngay từ thời đầu giáo hội, các tín hữu chỉ vâng phục quyền bính, khi những luật lệ của chính quyền không trái ngược với lương tâm và luật Chúa.

1. Nguồn gốc của quyền bính chính trị

Mọi quyền bính bắt nguồn từ Thiên Chúa (xc. Rm 13,1) quyền bính là một đòi hỏi tất yếu của xã hội loài người (GLCG số 1897-1899; 1918-1920; TLHT số 393).

Một xã hội không thể không có chính quyền, vì nó sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Con người cần đến xã hội để phát triển; và mục tiêu của xã hội nhằm phụng sự con người, phối kết các phần tử để lo cho điều tốt của cộng đồng. Nhiều khi cá thể phải hy sinh cái tiện nghi cá nhân để lo cái tốt của tập thể. Cái tốt của cộng đồng được gọi là công ích, nghĩa là ích chung

GHXH quan niệm công ích như là “toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép con người, tập thể hay cá nhân, đạt tới sự phát triển cách đầy đủ và dễ dàng hơn” (TLHT số 164). Theo Sách GLCG (số 1905-1912), công ích bao gồm ba yếu tố chính sau đây:
(a) tôn trọng và cổ võ các quyền căn bản của con người;
(b) phát triển những nhu cầu tinh thần và vật chất của xã hội;
(c) hòa bình và an ninh của xã hội và của các phần tử. Công ích là mục đích của chính quyền.

2.Giới hạn của chính quyền

Dưới khía cạnh luân lý, ta có thể nói tới hai giới hạn của chính quyền:

1/ chính quyền phải tôn trọng luân lý, được phát biểu qua phạm trù “công ích” vừa nói;
2/ chính quyền phải tôn trọng nguyên tắc hỗ trợ, dựa theo sự phân biệt giữa “xã hội dân sự và xã hội chính trị” đã nói trên đây (TLHT số 168-169; 185; 417).

Thực vậy, chính quyền (Nhà Nước) chỉ là một guồng máy phục vụ quốc gia chứ không đồng hóa với quốc gia. Ngoài ra, trong quốc gia có nhiều tổ chức, cộng đồng khác nữa, và những cộng đồng này cũng cần thiết để đạt được công ích.

Không thể hoàn toàn đồng hóa quốc gia với xã hội. Quốc gia là một cấp của xã hội, quen gọi là xã hội chính trị. Bên cạnh “xã hội chính trị” còn có những “xã hội dân sự” khác nữa, thí dụ gia đình, hiệp hội, tôn giáo.

Sự phân biệt giữa quốc gia với nhà nước cũng đã được các pháp chế dân chủ nhìn nhận : nhà nước ám chỉ bộ máy pháp lý quyền hành của quốc gia; bộ máy ấy có thể thay ngôi đổi chủ hay biến dạng, còn quốc gia dân tộc là cái gì bền vững trường tồn.

Dù sao đi nữa, Giáo hội chống lại tất cả mọi chủ nghĩa toàn chế (totalitarisme) lấy nhà nước làm tiêu chuẩn pháp lý tối thượng, không đếm xỉa gì tới Thiên Chúa, luật tự nhiên, lương tâm con người, cũng như muốn định đoạt tất cả các sinh hoạt, không chừa chỗ hoạt động cho những xã hội khác (gia đình, hiệp hội).

Vai trò của Nhà Nước là tôn trọng và phối hợp hoạt cộng của các tổ chức ấy, chứ không lấn át hoặc thay thế chúng, dựa theo nguyên tắc hỗ trợ. Nguyên tắc này được đề ra để chi phối tương quan giữa các cộng đồng ở cấp dưới với cộng đồng ở cấp cao. Hiểu theo nghĩa tích cực, hỗ trợ có nghĩa là Nhà Nước cần trợ giúp đỡ về kinh tế, cơ chế hay pháp lý cho các đơn vị xã hội nhỏ hơn; nhưng hiểu theo nghĩa tiêu cực, Nhà Nước không được phép làm điều gì hạn chế sinh hoạt các đơn vị nhỏ bé, theo như sách GLCG phát biểu ở số 1883:

“Nhà Nước và xã hội ở cấp bậc cao không được xen vào nội bộ của một xã hội ở cấp dưới bằng việc thay thế sáng kiến và trách nhiệm của nó; nhưng là hỗ trợ nó trong trường hợp cần thiết và giúp đỡ nó để phối hợp hoạt động của mình với các thành phần khác trong xã hội nhằm đạt tới ích chung”.

3. Bổn phận của công dân đối với chính quyền: tùng phục và đề kháng

Sách GLCG cũng như sách TLHT phân biệt nhiều cấp độ hành động:

– Trước tiên là sử dụng những phương tiện hợp pháp để lên tiếng phê phán những gì được coi là trái luân lý (GLCG số 2238).

– Sử dụng quyền “phản đối theo lương tâm”, ngày nay được nhiều quốc gia nhìn nhận (TLHT số 399), chẳng hạn như một bác sĩ khước từ thực hiện một cuộc phá thai, một quân nhân khước từ cầm khí giới để đàn áp một đoàn biểu tình.

– Chống đối bằng vũ trang, nghĩa là “tổ chức kháng chiến”. Sách TLHT trưng dẫn ý kiến của thánh Tôma Aquinô để bênh vực cho quyền này (số 400), tuy nhiên cũng đặt ra nhiều điều kiện luân lý cho việc thực thi quyền này (số 401) dựa trên GLCG số 2243.

– Đề kháng thụ động, dựa theo một văn kiện của Bộ Giáo lý đức tin bàn về Thần học giải phóng ở châu Mỹ Latinh năm 1987.

***

Trên đây là vài nét chính trả lời cho vấn đề “nhạy cảm” này và còn nhiều vấn đề khác nữa như về gia đình, lao động, kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo vệ hòa bình… Thiết tưởng mỗi Kitô hữu nhân dịp thuận tiện này cùng nhau học hỏi, trao đổi, đào sâu về Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo, để chúng ta biết mình là ai, đang ở đâu, cần làm gì và làm đúng với lời dạy bảo của Giáo hội.

Linh mục Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube