Chạnh lòng thương

Hội thánh phải trút bỏ những mặt nạ nhân danh sự chạnh thương của Chúa nhưng lại xa rời những thân phận khổ đau, khốn cùng của đồng loại, và cả nỗi hãi sợ và lẩn trốn sứ vụ khi thấy mình “lọt thỏm” trong cõi nhân sinh ngập tràn đau khổ này, để công bố lời Chúa: “Hãy trỗi dậy”, đễ những người tưởng như đã chết ấy “sẽ ngồi lên và bắt đầu nói”.

Khi Đức Giêsu nhìn thấy bà góa thánh Nain khóc thương đứa con một, Người chạnh lòng thương và bảo bà: “Bà đừng khóc nữa” (Lc 7, 11-17).

Đức Giêsu cho thấy Người có một trái tim tinh tế, nhạy cảm, luôn mở rộng và dạt dào cảm xúc trước con người và cuộc sống con người trong từng sự kiện, biến cố, dù lớn hay nhỏ. Người biết những gì đang diễn ra và người ta đang cần những gì. Vì thế, những tiếng khóc than của bà góa kia như một chấn động xoáy vào tâm hồn Đức Giêsu. Người cảm nhận một cách sâu rộng nỗi đau khổ khốn cùng trong tiếng nức nở hắt ra từ trái tim héo hon của bà góa khóc than đứa con một đã chết, đang đem đi chôn, như bóp nghẹt con tim tràn đầy yêu thương của Người.

Lòng trắc ẩn liên đới của Đức Giêsu giúp Người biết nhìn để thấy, thấy được những góc cạnh ẩn khuất của đời sống và tâm hồn người ta. Người hiểu và cảm nhận được những nỗi đau, đau đến quặn thắt con tim của Người, trước  những hoàn cảnh cụ thể của con người. Người đau cái đau của tha nhân, biết khổ cái khổ của người khác, biết thiếu thốn cái thiếu thốn của con người và biết cả lo sợ trước những nỗi lo sợ của con người.

Nhiều lần Tin mừng dùng từ “chạnh lòng thương” để diễn tả cảm xúc trong tâm hồn Đức Giêsu khi gặp những hoàn cảnh khốn khổ của con người, như khi thấy đám đông đói khát theo Người (Mt 14,14; 15,32); khi gặp hai người mù thành Giêrikhô (Mt 20,34); khi thấy đám đông không người chăn dắt (Mt 9,36); khi gặp người phong hủi (Mc 1,41), như ám chỉ rằng, toàn bộ sứ vụ của Đức Giêsu luôn được thực hiện với lòng trắc ẩn.

“Đức Giêsu đã không sợ hãi trước những rủi ro trong việc đón nhận nỗi đau khổ của người khác vào chính bản thân Ngài, nhưng Ngài trả giá cho họ đến cùng (xc. Is 53,4)” (ĐGH Phanxicô, Bài giảng lễ tấn phong hồng y, 15.2.2015). Chính động lực này, được thúc đẩy bởi con tim biết “chạnh lòng thương”, sẽ mở ra cho sứ vụ của Hội thánh đến tận vùng “ngoại biên”, thuộc mọi lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế… mà trong đó, Hội thánh phải trải qua kinh nghiệm đầy khó khăn, đau khổ và khốn cùng.

Chính vì những tôi tớ của Chúa biết “chạnh lòng thương”, mà họ mới dám lên tiếng trước những sự bất công, gian dối, trước những thế lực bạo tàn của những chính quyền độc tài, và dám làm chứng cho sự thật, dù phải hy sinh mạng sống như chân phước Oscar Romero.

Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Giáo hoàng “chạnh lòng thương” đã thể hiện rõ nét nhất, cho đến bây giờ, trong sứ vụ và đường lối hoạt động của Ngài, cho thấy Ngài đã từng có những trải nghiệm là người được Chúa thương xót. Thế nên, Ngài luôn thúc đẩy Hội thánh phải làm chứng tá qua việc phụng thờ, vì “Chúa chạnh lòng thương kẻ kính tôn” (Tv 102), luôn cổ vũ tinh thần trẻ thơ, tín thác cho những ai trông cậy vào Người, nhất là những người đang là nạn nhân của những áp bức, bóc lột trong xã hội, vì “Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chốn tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo” (Tv 70,12).

Hội thánh như thế, không có cách thể hiện nào khác ngoài việc phải thể hiện mình là những “tôi tớ chạnh lòng thương” của Chúa trong những hoàn cảnh của xã hội, trong hiện tình của đất nước, trong những tiếng kêu khóc của “bà mẹ Việt Nam góa bụa” than khóc đứa con trai duy nhất của mình đã chết!

Một Hội thánh can đảm vượt qua những thói quen “thiêng liêng” che đậy sự vô cảm, cho rằng mình không có khả năng can thiệp, không phải lãnh vực của mình… sẽ “lại gần, sờ vào quan tài” (Lc 7,14).

Phải trút bỏ những mặt nạ nhân danh sự chạnh thương của Chúa nhưng lại xa rời những thân phận khổ đau, khốn cùng của đồng loại, và cả nỗi hãi sợ khi thấy mình “lọt thỏm” trong cõi nhân sinh ngập tràn đau khổ này và lẩn trốn sứ vụ, để công bố lời Chúa: “Hãy trỗi dậy”, đễ những người tưởng như đã chết ấy “sẽ ngồi lên và bắt đầu nói”.

Nếu Hội thánh đã có một Mẹ Têrêxa Calcutta, người được mệnh danh là “Mẹ của lòng xót thương”, thì đó không phải là người duy nhất, nhưng là người tiêu biểu, là đại diện chính thức đã thể hiện rõ nét nhất cho thế giới biết thế nào là “lòng chạnh thương” của Đức Giêsu và Hội thánh Chúa, đối với những người nghèo khốn khổ hôm nay.

Đức Giêsu và Hội thánh cần những người có lòng chạnh thương, những người có khả năng biết mình và biết Chúa để sẵn sàng cộng tác với ân sủng Chúa, để trao lại cho thế giới những con người được lành lặn, được sống lại để sống, để “trái tim luôn quặn thắt” của Chúa được xoa dịu, được chữa lành trong những vết thương của con người.

Khi lòng thương cảm và trắc ẩn được nuôi dưỡng và có môi trường hoạt động, người ta sẽ chữa trị được tính ích kỷ, thờ ơ và thói tỵ hiềm ganh ghét, loại trừ. Nếu xã hội ngày càng có thêm những người biết chạnh lòng trước những nỗi khổ đau của người khác, xã hội ấy đang mô tả dung nhan của lòng thương xót của Chúa, là động lực và sự khởi hứng cho việc xây dựng một xã hội có tính người hơn, ổn định hơn, nhân văn hơn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dạy, “Tình Yêu không thể chung chung, thờ ơ lãnh đạm, hâm hâm dở dở hay chẳng nghiêng về bên nào! Tình Yêu thiêu đốt, gây phấn chấn, mạo hiểm và bao gồm! Vì Tình Yêu đích thực luôn luôn là nhưng không, vô điều kiện và tự do đáp lại (xc. 1Cor 13). Tình Yêu sẽ sáng tạo khi nó dẫn tới chuyện tìm ra ngôn ngữ thích hợp, để đón nhận mối tương quan với tất cả những người bị coi là không thể chữa lành và không thể đụng chạm tới” (bài giảng 15.2.2015).

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube