Yếu kém trong đánh giá tác động môi trường: lỗi hệ thống

Việc đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư đòi hỏi một tiến trình khoa học và chính trị minh bạch, chất lượng và có trách nhiệm.

20160723 Formosa

Chính quyền, dù ở bất cứ cấp độ nào, đều đáng trách nếu yếu kém trong việc đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư, sơ sài trong việc phê duyệt các dự án đó và cẩu thả trong việc giám sát. Sẽ là đáng bị lên án nếu chính quyền để cho tình trạng tham nhũng hoành hành và trực tiếp tác động gây nên những sự yếu kém, sơ sài và cẩu thả ấy.

Vụ Formosa đã góp phần lột trần hàng loạt vấn đề, cho thấy những lỗ hổng và sai sót chết người trong quy trình đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư hiện nay, đòi hỏi nhà cầm quyền phải nghiêm túc rà soát và điều chỉnh.

Từ trong quan niệm

Nguyên chỉ nói về việc đánh giá tác động môi trường, ngay từ trong quan niệm của các nhà chức trách đã có những lỗ hổng khó có thể tha thứ. Trong thực tế, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã chỉ được coi như là một thủ tục làm cho có để hợp thức hóa dự án đầu tư. Thậm chí nhiều quan chức còn chẳng ngại cho rằng ĐTM chính là một lực cản trong việc phát triển hoạt động đầu tư.

Khi cái quan niệm sai trái như thế thịnh hành trong quan trường đầy tham nhũng như hiện nay, thì chắc chắn những tác động thực sự của một dự án đến môi trường sẽ bị phớt lờ, thậm chí là bị che giấu, tạo ra những thỏa thuận gian lận, sai lệch thông tin và không cho phép thảo luận đầy đủ.

Nền văn hóa tiêu thụ, vốn ưu tiên cho khoản thu ngắn hạn và cho tư lợi, có thể thúc đẩy các nhà cầm quyền phê chuẩn hoặc bung bít thông tin” (Laudato Si, 184). Đó là một nhận định đáng chú ý của Đức Giáo hoàng Phanxicô khi ngài nói về việc đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư.

Quy định không minh bạch

Trong những ngày này, nhiều nhà chuyên môn lên tiếng than phiền về quy trình đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư trong thời gian qua và ngay cả hiện nay. Trong đó, có một chi tiết rất đáng quan ngại: luật pháp hiện hành cho phép chủ đầu tư tự làm ĐTM. Như thế là gây ra một sự mâu thuẫn lợi ích tai hại, nhất là trong điều kiện khoa học yếu kém của các cơ quan chuyên môn của nhà nước, và trong điều kiện không chấp nhận tiến trình chính trị minh bạch khi lấy quyết định.

Ông Nguyễn Khắc Kinh, người đặt bút ký phê duyệt ĐTM của Formosa, đã “than thở” trên Tiền Phong online ngày 20/7/2016: “Quy định là chủ dự án phải đi điều tra, đánh giá môi trường. Nhưng nói thật là chủ dự án có đi làm cũng không tin được, trong khi số liệu của cơ quan nhà nước thì không có hoặc què quặt, không đồng bộ, không sử dụng được.”

Thiếu năng lực chuyên môn và sự tự do thảo luận

Sự thiếu năng lực chuyên môn của các cơ quan nhà nước trong việc đánh giá TĐM là một thực tế không thể phủ nhận. Thực tế này càng đòi hỏi các nhà thiết kế chính sách và quy định phải làm thế nào để trong quy trình đánh giá và phê duyệt ĐTM, thực sự có sự tự do thảo luận và trao đổi quan điểm.

Giáo hội Công giáo đề nghị: “Việc đánh giá tác động môi trường của các doanh nghiệp và các dự án đòi hỏi những tiến trình chính trị minh bạch và có sự tự do trao đổi quan điểm” (Laudato Si, 182). “Cần sự chân thành và sự thật trong các cuộc thảo luận khoa học và chính trị, không để bị giới hạn vào trong những vấn đề mà pháp luật cho phép hay không” (Laudato Si, 183).

Có những vấn đề môi trường” – Đức Thánh Cha Phanxicô viết – “không đễ đạt được sự đồng thuận rộng rãi. Một lần nữa tôi nhắc lại rằng Hội Thánh Công giáo không đòi xác định các vấn đề khoa học hay chiếm chỗ việc đề ra các chính sách, nhưng chúng tôi quan tâm kêu gọi những cuộc thảo luận trung thực và rộng rãi, để những nhu cầu riêng biệt hay ý thức hệ cụ thể sẽ không gây ảnh hưởng bất lợi cho thiện ích chung” (Laudato Si, 188).

Bỏ tham vấn cộng đồng

Tình hình càng bi đát hơn nữa khi thiếu hoặc thậm chí là không có sự tham vấn cộng đồng.

Theo quan điểm Công giáo, và quan điểm này hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận khoa học và thực tiễn, trong tiến trình đánh giá tác động môi trường của bất cứ dự án đầu tư nào, “Dân cư địa phương phải có chỗ đặc biệt trong bàn thảo luận; họ quan tâm về tương lai của chính họ và của con em họ, và có thể xem xét các mục tiêu vượt ra khỏi lợi ích kinh tế tức thời. (…) Việc tham gia của cư dân địa phương đưa tới những thông tin đầy đủ về những dự án như thế, các rủi ro và cơ may của những dự án đó. Việc tham dự này bao gồm cả giai đoạn lấy quyết định ban đầu lẫn các hoạt động sau đó, cùng với sự giám sát liên tục” (Laudato Si, 183).

Chịu áp lực chính trị

Một điểm chết người trong lỗi hệ thống của “quy trình” đánh giá tác động môi trường, là quy định bất thành văn: “không được trái ý cấp trên gây ảnh hưởng đến thu hút đầu tư”! Thậm chí, trong một số trường hợp, điều tai hại này còn được phát biểu công khai bởi người đứng đầu Chính phủ như thể là câu trả lời chính thức phủ nhận đòi hỏi những cuộc thảo luận khoa học và nghiêm túc. Trường hợp dự án bô xít Tây Nguyên phải được tiến hành bất chấp các ý kiến phản đối của cộng đồng khoa học và dân cư, chỉ vì đó là “chủ trương lớn của Đảng”, là một trong những thí dụ điển hình cho cách hành xử đáng bị kết án này.

Lập trường của Giáo hội Công giáo về vấn đề này rất rõ ràng. Đức Giáo hoàng Phanxicô viết: Việc đánh giá tác động môi trường “phải được thực hiện liên ngành, minh bạch và độc lập khỏi mọi áp lực kinh tế hay chính trị” (Laudato Si, 183).

Khi “cấp trên” thiếu năng lực, kém cỏi và nhất là tham nhũng, thì việc “không được làm trái ý cấp trên” trong thực chất là chấp thuận để cho môi trường có nguy cơ bị tàn phá nghiêm trọng. Tiếc rằng đây hình như vẫn đang còn là chuyện không hiếm.

Cần một cuộc hoán cải

Có lẽ đã đến lúc nhà nước cần nghiêm túc thực hiện một cuộc “hoán cải môi sinh” (kiểu nói của Đức Phanxicô trong Laudato Si): can đảm thừa nhận sai lầm và thiếu sót của mình và thực sự quyết tâm làm một cuộc thay đổi hữu hiệu theo hướng thiện hảo.

Tân Thanh

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube