Ý cầu nguyện tháng 7 của ĐTC Phanxicô: Cầu nguyện cho việc xây dựng Công ích và Tình bằng hữu xã hội

pope-francis

Trong Thông điệp video về ý cầu nguyện cho tháng 7 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục rằng “trong các tình huống xung đột về xã hội, kinh tế và chính trị, chúng ta có thể trở thành những người kiến tạo cuộc đối thoại và tình bạn đầy can đảm và nhiệt huyết”, chống lại sự phân cực và chủ nghĩa dân túy.

Trong thông điệp video bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào đối thoại như là “con đường để nhìn thực tế theo một cách thức mới, để chúng ta có thể trải nghiệm những thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong việc xây dựng công ích với tinh thần nhiệt huyết”. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chấm dứt tình trạng phân cực gây chia rẽ chúng ta, và đồng thời kêu gọi cầu nguyện để không có chỗ nào dành cho “sự thù hằn hay chiến tranh”.

“Video của Đức Giáo hoàng” vừa được phát hành với ý cầu nguyện mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang trao phó cho toàn thể Giáo hội Công giáo thông qua Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Giáo hoàng”.

Trong tháng Bảy, Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả mọi người trở thành “những người kiến tạo cuộc đối thoại và tình bằng hữu” để giải quyết những mâu thuẫn và nguyên nhân của sự chia rẽ đang tồn tại trong xã hội và giữa các cá nhân với nhau. Chỉ thông qua đối thoại, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, người ta mới có thể tránh được tình trạng phân cực liên tục và sự thù địch xã hội vốn đã phá hủy quá nhiều mối tương quan.

Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta cầu nguyện cho việc xây dựng lợi ích chung cho tất cả mọi người bất kể nam nữ đang chung tay giúp đỡ nhau, và đặc biệt là luôn sát cánh bên cạnh những người “nghèo khổ và dễ bị tổn thương nhất, những người sống ở các khu vực ngoại vi”.

Đối thoại chống lại sự phân cực

Trong các bình luận về ý cầu nguyện trong tháng 7, một thông cáo báo chí từ “Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo hoàng” lưu ý rằng mặc dù số người chết vì chiến tranh đã giảm xuống kể từ năm 1946 trên phạm vi toàn cầu, nhưng xung đột và bạo lực ở cấp độ xã hội vẫn xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết. Mặc dù đôi khi nó không tự biểu hiện về mặt thể lý, nhưng chúng ta có thể quan sát thấy sự phân cực ngày càng gia tăng khiến nhiều mối quan hệ bị tổn hại.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo về điều này vào năm 2016. Ngài nói, “Chẳng hạn, chúng ta thấy nhiều người trong chúng ta với thân phận là những người lạ, những người nhập cư hoặc những người tị nạn, trở thành mối đe dọa, trở thành kẻ thù”. Kể từ đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét một cách lo ngại về việc sự phân cực và thái độ thù địch cũng là một “loại vi rút” đang xâm nhập vào cách suy nghĩ, cảm xúc và hành động của chúng ta.

Trong thông điệp video của mình, Đức Thánh Cha chỉ ra rằng ngày nay, “một phần trong lĩnh vực chính trị, xã hội và phương tiện truyền thông của chúng ta đang được dành cho việc tạo ra kẻ thù để đánh bại chúng trong trò chơi quyền lực”. Đây chính là lý do tại sao chúng ta cần “xây dựng tình bằng hữu xã hội, vốn cũng rất cần thiết cho việc cùng nhau chung sống một cách tốt đẹp”, một tình bạn có thể đóng vai trò như một cầu nối để tiếp tục tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ, vốn sẽ đưa chúng ta đến gần hơn, trước hết, với những người sống ở các khu vực ngoại vi, những người nghèo khổ nhất và dễ bị tổn thương nhất.

Xây dựng công ích

Trong Thông điệp xã hội của mình, “Fratelli Tutti (2020), Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành Chương VI cho đề tài “Đối thoại và tình bạn trong xã hội”.

“Việc đối thoại xã hội đích thực giả thiết khả năng tôn trọng quan điểm của người khác, chấp nhận rằng quan điểm ấy chứa đựng những xác tín hoặc mối quan tâm chính đáng” (Fratelli Tutti, số 203). Trong ý cầu nguyện trong tháng Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã củng cố ý tưởng này, đồng thời tái khẳng định rằng đối thoại là một cơ hội tuyệt vời nhằm xem xét “thực tế theo một cách thức mới, để chúng ta có thể trải nghiệm những thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong việc xây dựng công ích với tinh thần nhiệt huyết”.

Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Giáo hoàng” chỉ ra rằng ưu tiên đối thoại có nghĩa là từ bỏ logic của sự phân cực và thay thế nó bằng thái độ tôn trọng, mà không muốn tiêu diệt người khác. Có thể có sự phong phú về sự khác biệt, nhưng nếu không có đối thoại, chúng ta có thể để chúng dẫn đến sự thù địch, các mối đe dọa và bạo lực.

Cách đây vài năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đến từ những vùng đất xa xôi; chúng ta có các truyền thống, màu da, ngôn ngữ và nền tảng xã hội khác nhau; chúng ta suy nghĩ khác nhau và chúng ta của hành đức tin của mình theo nhiều nghi thức khác nhau. Không điều nào trong số này khiến chúng ta trở thành kẻ thù của nhau; thay vào đó, đó là một trong những sự phong phú tuyệt hảo nhất của chúng ta”.

Dưới đây là nội dung Ý cầu nguyện tháng 7 của Đức Thánh Cha Phanxicô:

Kinh Thánh nói rằng ai gặp được một người bạn trung thành là gặp được kho tàng.

Tôi muốn mời gọi tất cả mọi người vượt ra khỏi nhóm bạn của họ và xây dựng tình bằng hữu xã hội, điều này rất cần thiết cho việc chung sống với nhau một cách tốt đẹp.

Chúng ta đặc biệt cần có một cuộc gặp gỡ mới với những người nghèo khổ và dễ bị tổn thương nhất, những người sống ở các khu vực ngoại vi. Và chúng ta cần phải tránh xa chủ nghĩa dân túy lợi dụng nỗi thống khổ của người dân mà không đưa ra giải pháp, đề xuất những thứ hư ảo không giải quyết được điều gì.

Chúng ta phải thoát khỏi thái độ thù địch xã hội vốn chỉ phá hủy, và để lại “sự phân cực”.

Và điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là ngày nay khi một phần trong lĩnh vực chính trị, xã hội và phương tiện truyền thông của chúng ta đang hướng tới việc tạo ra kẻ thù để đánh bại chúng trong trò chơi quyền lực.

Đối thoại là con đường để nhìn nhận thực tế theo một cách thức mới, để chúng ta có thể trải nghiệm những thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong việc xây dựng công ích với tinh thần nhiệt huyết.

Chúng ta hãy cầu nguyện, trong các tình huống xung đột về xã hội, kinh tế và chính trị, để chúng ta có thể trở thành những người kiến tạo cuộc đối thoại và tình bạn đầy can đảm và nhiệt huyết, trở thành những người nam và nữ luôn chung tay giúp đỡ lẫn nhau, và không còn khoảng trống nào dành cho sự thù hận và chiến tranh.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube