Về Amoris Laetitia – Chương IV: Tình yêu trong hôn nhân (VI)

Thiên Chúa yêu thích niềm hoan lạc của con cái Ngài.

Hội thánh vẫn coi niềm hoan lạc đem lại hạnh phúc là quà tặng của Tạo hóa, và là việc nếm trước hạnh phúc của Thiên Chúa[1]. Như Đức Benenedicto XVI khẳng định: Hội thánh, trong sự trung thành với Kinh thánh, vẫn không dẹp bỏ “eros đúng nghĩa, mà chỉ tuyên chiến với hình thức lệch lạc và phá hoại, những hình thức tước mất phẩm giá thần linh và làm mất tính người của nó”[2]

Việc huấn luyện trong các lãnh vực tình cảm và bản năng rất cần thiết để giúp con người tập trung vào các đam mê của mình cách lành mạnh và tốt đẹp, bằng cách không ngừng hướng chúng tới lòng vị tha và tới việc tự hoàn tất mình cách đầy đủ vì thái quá, thiếu kiểm soát hay ám ảnh với một hình thức khoái lạc độc nhất nào đó có thể đưa tới chỗ làm yếu đi và phá hỏng chính khoái lạc ấy[3] và phá vỡ cuộc sống gia đình[4].

Một số trào lưu linh đạo dạy rằng dẹp bỏ khát vọng là con đường giải thoát khỏi đau khổ. Nhưng Thiên Chúa tạo dựng ta và cung cấp mọi sự cho ta cách dồi dào để ta thưởng thức (1 Tim 6, 17). “Đừng tước mất của con một ngày hạnh phúc” (Hc 14, 11 – 14). Điều quan trọng là phải biết rằng khoái lạc có thể tìm được những cách diễn tả khác nhau vào những lúc khác nhau trong đời, theo nhu cầu của tình yêu. Như thế không có nghĩa là khước từ hay hủy diệt khát vọng mà là mở rộng và hoàn thiện khát vọng ấy[5].

Chiều kích tình dục của tình yêu

Chính Thiên Chúa tạo nên tình dục, một quà tặng tuyệt diệu cho các thụ tạo Ngài. Hội thánh không “phủ nhận giá trị của tình dục con người” hoặc khoan dung với tình dục chỉ “vì đó là điều cần thiết để sinh con”[6]. Vì là một thứ ngôn ngữ, nơi con người được tôn trọng trong phẩm giá thánh thiêng và bất khả xâm phạm của họ, tình dục không phải là một phương tiện để thỏa mãn hay tiêu khiển nhưng làm cho người ta có thể khám phá ra ý nghĩa của thân xác con người, và phẩm giá đích thật của việc cho đi[7]. Khát vọng tình dục lành mạnh, dẫu có liên hệ mật thiết với việc theo đuổi khoái lạc, vẫn luôn luôn kéo theo cảm thức về sự kỳ diệu và chính vì lý do đó khát vọng ấy có thể làm cho những xung lực có tính người hơn[8]. Tình dục mặc khải ra những điều kỳ diệu tâm hồn con người có thể có được[9].

Bạo động và thao túng

Tuy thế, quan hệ tình dục vẫn thường bị mất nhân tính và không lành mạnh, thành dịp và thành công cụ để tự khẳng định và thỏa mãn cách ích kỷ những khát vọng và bản năng của con người[10]. Trong nền văn hóa “dùng rồi bỏ” này, ta có chú ý tới những hình thức thống trị, kiêu hãnh, lạm dụng, trụy lạc về giới tính và bạo lực là sản phẩm của sự hiểu biết lệch lạc về giới tính chăng? Có coi việc “tìm kiếm mình” cách mơ hồ quan trọng hơn tình yêu của con người không?[11]

Ta cũng biết rằng, ngay trong phạm vi hôn nhân, quan hệ tình dục có thể trở thành cội nguồn của đau khổ và sai lệch. Vì thế, bất cứ hành vi vợ chồng nào áp đặt lên  bạn đời mình mà không tôn trọng điều kiện hay những ước muốn hợp lý của họ và không phải là hành vi yêu thương đều không xứng hợp với con người, đều chống lại trật tự luân lý[12]. Quan hệ tình dục phải kéo theo sự truyền thông giữa vợ chồng và có thể tạm hoãn các quan hệ tình dục trong một thời gian, nhưng phải có “sự đồng thuận” (1 Cr 7, 5)[13].

Khi việc thuộc về nhau trở thành một sự cai trị, thì “cấu trúc của sự hiệp thông trong các tương quan liên vị sẽ bị thay đổi cách căn bản”[14]. Họ trở thành người sử dụng quan hệ tình dục như một sự lẩn trốn và từ bỏ vẻ đẹp của việc kết hợp vợ chồng[15].Tình yêu bao giờ cũng loại trừ mọi thứ tùng phục khiến vợ thành đầy tớ hay nô lệ của chồng. Trong hôn nhân, sự “tùng phục” này được nhìn như việc tự do chọn thuộc về nhau được đánh dấu bằng sự chung thủy, tôn trọng và chăm sóc[16].

Việc dẹp bỏ những méo mó về tình dục và tính đa dâm không được đưa ta tới chỗ khinh miệt hay hờ hững đối với giới tính và tình dục. Tuy lý tưởng của hôn nhân là cho đi và tự hiến cách hào phóng, nhưng vẫn cần quan tâm tới sự thỏa mãn cá nhân. “Họ không thể lúc nào cũng cho, họ cũng phải nhận nữa. Ai trao hiến tình yêu thì cũng phải nhận lãnh tình yêu như một ân ban”[17].Tình yêu đích thật cũng cần được diễn tả cách thể lý qua sự âu yếm, ôm ấp, hôn hít và giao hợp với lòng biết ơn chân thành và vui vẻ. Nhưng ta cũng phải nhớ rằng sự quân bình của con người chúng ta rất mong manh[18].

Đaminh Nguyễn Đức Thông

Chú thích:

[1] Thông điệp Deus Caritas Est (25.12. 2005), 3: AAS 98 (2006), 219-220.

[2]Ibid., 4: AAS 98 (2006), 220; Amoris Laetitia, số 147

[3] Cf. Thomas aquinas, Summa Theologiae I-II, q. 32, art.7.

[4] Amoris Laetitia, số 148

[5] Amoris Laetitia, số 149

[6]Ibid., 3; Amoris Laetitia, số Amoris Laetitia, số Amoris Laetitia, số150

[7]Ibid., 1: 1132.

[8] Amoris Laetitia, số 151

[9] Amoris Laetitia, số 152

[10] Đức Gioan Phao lô II, Thông điệp Evangelium Vitae (25.3.1995), 23: AAS 87 (1995), 427.

[11] Amoris Laetitia, số 153

[12] Đức Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae (25.7.1968), 13: AAS 60 (1968), 489.

[13] Amoris Laetitia, số 154

[14] x. Giáo lý (30.7.1980), 1: Insegnamenti III/2 (1980), 311.

[15] Amoris Laetitia, số 155

[16] Amoris Laetitia, số 156

[17]Ibid., 7.

[18] Amoris Laetitia, số 157

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube