Vatican nói về việc sửa đổi liên quan đến vấn đề phá thai của Pháp: Không thể có ‘quyền’ tước đoạt sự sống con người

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Giáo hoàng Học viện về Sự sống vào ngày 12 tháng 2 năm 2024 tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Giáo hoàng Học viện về Sự sống vào ngày 12 tháng 2 năm 2024 tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hôm thứ Hai, Pháp đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa quyền phá thai vào luật cơ bản của mình, một động thái đã bị các Giám mục Pháp và Vatican phản đối kịch liệt.

“Giáo hoàng Học viện về Sự sống đã nhắc lại rằng chính trong thời đại nhân quyền phổ quát, không thể có ‘quyền’ tước đoạt sự sống con người”, Giáo hoàng Học viện viết trong một tuyên bố vào ngày 4 tháng 3 do Hội đồng Giám mục Pháp đưa ra sau cuộc bỏ phiếu lịch sử.

Giáo hoàng Học viện về Sự sống (PAV) tiếp tục kêu gọi “tất cả các chính phủ và tất cả các truyền thống tôn giáo hãy nỗ lực hết sức để trong giai đoạn lịch sử này, việc bảo vệ sự sống trở thành ưu tiên tuyệt đối, với những bước đi cụ thể ủng hộ hòa bình và công bằng xã hội, với những biện pháp hiệu quả cho việc tiếp cận phổ quát các nguồn tài nguyên, giáo dục và y tế”.

Trong khi lưu ý rằng “việc bảo vệ sự sống con người là mục tiêu đầu tiên của nhân loại”, Giáo hoàng Học viện của Vatican thừa nhận vô số khó khăn về kinh tế xã hội và cá nhân mà một số gia đình và phụ nữ phải đối mặt. Những “hoàn cảnh cuộc sống và bối cảnh khó khăn và bi thảm của thời đại chúng ta” này phải được các chính phủ và xã hội dân sự giải quyết nhưng theo cách thức “phục vụ con người và tình huynh đệ” và bảo vệ “những người yếu đuối nhất và dễ bị tổn thương nhất”, uyên bố của PAV tiếp tục.

Trước cuộc bỏ phiếu hôm thứ Hai, Đức Giám mục Địa phận Versailles, Đức Cha Luc Crepy, đã cùng với Hội đồng Giám mục Pháp bày tỏ “sự buồn bã” và “phản đối kịch liệt đối với diễn biến này”.

Vị Giám chức người Pháp đã lặp lại lời kêu gọi tôn trọng sự sống “từ khi thụ thai cho đến khi nó chết đi một cách tự nhiên”, mà ngài cho biết thêm, “nên được công nhận là một phần của nền tảng chung mà xã hội chúng ta được xây dựng dựa trên đó”.

“Tôi muốn khuyến khích các nghị sĩ tập trung tại Versailles… phản đối chống lại bất kỳ áp lực truyền thông hay chính trị nào, bỏ phiếu một cách có lương tâm và nghiêm túc, và thể hiện lòng can đảm như một số người – những người mà tôi cảm kích – đã làm”, vị Giám chức tiếp tục trong tuyên bố vào ngày 2 tháng 3 của mình.

Pháp có cơ quan lập pháp lưỡng viện bao gồm Hạ viện là Quốc hội và Thượng viện là Thượng nghị viện. Vào tháng 1, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua việc sửa đổi hiến pháp về “quyền tự do của phụ nữ được phá thai, vốn là điều được đảm bảo”. Thượng viện đã bỏ phiếu cho một biện pháp tương tự vào ngày 1 tháng 3.

Vào thứ Hai, ngày 4 tháng 3, một phiên họp chung của Quốc hội đã thông qua dự luật với tỉ lệ biểu quyết 780-72, sau đó là sự hoan nghênh nhiệt liệt kéo dài.

Tối hôm đó, Tháp Eiffel đã được chiếu sáng với dòng chữ “cơ thể của tôi, sự lựa chọn của tôi” khi những người chứng kiến hân hoan ăn mừng, một cảnh tượng được lặp lại trên khắp đất nước.

Việc sửa đổi đã được Tổng thống Emmanuel Macron ủng hộ vào năm 2023 và phản ánh sự đồng thuận rộng rãi hơn trong công chúng Pháp.

Theo một cuộc thăm dò do YouGov thực hiện vào cuối tháng 2, 66% người dân Pháp ủng hộ sửa đổi hiến pháp để bảo vệ việc phá thai, với nhóm ủng hộ lớn nhất đến từ những người trong độ tuổi 18-34 (76%) và phụ nữ (71%).

Trong khi một số người cho rằng sự ủng hộ của ông Macron đối với sửa đổi được thúc đẩy bởi lý do chính trị, thì những người khác bày tỏ rằng cuộc bỏ phiếu được thông qua là do phụ nữ Pháp có chung cảm giác “hoảng loạn”, trích dẫn phán quyết bãi bỏ án lệ Roe v. Wade của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 2022 như một ví dụ.

“Chúng ta đã du nhập một cuộc tranh luận không phải của Pháp vì Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên loại bỏ cuộc tranh luận đó khỏi luật với việc bãi bỏ án lệ Roe v. Wade… Đã có tác động hoảng loạn từ các phong trào nữ quyền muốn ghi khắc điều này lên đá cẩm thạch của hiến pháp”, Pascale Moriniere, Chủ tịch Hiệp hội các Gia đình Công giáo, cho biết.

Mathilde Panot, người đứng đầu đảng chính trị cánh tả France Unbowed và là lực lượng chính đứng sau dự luật, đã chia sẻ quan điểm này trong một tuyên bố với tờ Politico.

“Không thể biết được liệu quyền phá thai có bị đặt vấn đề trong tương lai ở Pháp hay không”, bà Panot nói. “Điều quan trọng là tận dụng lợi thế khi chúng tôi có công chúng đứng về phía mình”.

Pháp đã hợp pháp hóa việc phá thai vào năm 1975 và vào năm 2022, giới hạn giai đoạn thai kỳ được phép phá thai được kéo dài đến 14 tuần của thai kỳ.

Đức Thánh Cha Phanxicô từ lâu đã lên tiếng phản đối việc phá thai, đồng thời gọi đó là “hành vi giết người” và nói rằng nó tương đương với việc “thuê một tay sát thủ”. Trong lá thư vào ngày 4 tháng 3 của PAV, cơ quan này đã trích dẫn những lời của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung ngày 25 tháng 3 năm 2020, trong đó lưu ý: “Việc bảo vệ sự sống không phải là một ý thức hệ; đó là một thực tại, một thực tại con người liên quan đến tất cả các Kitô hữu, chính vì họ là Kitô hữu và vì họ là con người”.

Trong khi nước Pháp từ lâu đã có danh hiệu “trưởng nữ của Giáo hội”, đức tin đã suy giảm nghiêm trọng trong những thập kỷ qua.

Theo một cuộc thăm dò của Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp, chỉ có 29% người Pháp trong độ tuổi 18-59 được xác định là người Công giáo, trong khi trong số các Kitô hữu ước tính chỉ có khoảng 8% tham dự Thánh lễ thường xuyên.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube