Thượng Hội đồng Lục địa Mỹ Latinh nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Nicaragua

Đức Giám mục Công giáo Nicaragua Rolando Alvarez cầu nguyện tại nhà thờ Santo Cristo de Esquipulas ở Managua, vào ngày 20 tháng 5 năm 2022 (Ảnh: AFP)

Đức Giám mục Công giáo Nicaragua Rolando Alvarez cầu nguyện tại nhà thờ Santo Cristo de Esquipulas ở Managua, vào ngày 20 tháng 5 năm 2022 (Ảnh: AFP)

Châu Mỹ Latinh đã khép lại tiến trình Thượng Hội đồng Lục địa của Giáo hội vào đầu tháng 3 sau gần một tháng họp quy tụ các đại diện đến từ khắp khu vực đa số Công giáo trên thế giới.

Không giống như các lục địa khác, mỗi lục địa chỉ tổ chức một hội nghị, Mỹ Latinh đã chia quá trình này thành bốn gia đoạn. Mexico và Trung Mỹ đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào giữa tháng Hai tại El Salvador. Các quốc gia Caribe theo sau, nhóm họp tại Cộng hòa Dominica; các quốc gia từ khu vực Andean đã tập trung tại Ecuador, và cuối cùng là các quốc gia ở Southern Cone, bao gồm Uruguay, Argentina và Chile, đã tổ chức cuộc họp sau cùng. Được tổ chức tại Brasilia, thủ đô Brazil, hội nghị đã bế mạc vào ngày 10 tháng 3.

“Chúng tôi thuộc giai đoạn thứ tư của hội nghị khu vực. Các kết luận của mỗi khu vực giờ đây sẽ được tổng hợp thành một tài liệu và gửi về Rôma như một công cụ cho Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10”, Cha Matias Taricco, phó Thư ký điều hành của Hội đồng Giám mục Argentina, phát biểu với OSV News.

Giai đoạn lục địa của Thượng Hội đồng đã đi khắp thế giới với các phiên họp ở Châu Âu, Châu Đại Dương, Bắc Mỹ, Châu Á, Châu Phi và Trung Đông vào tháng Hai và tháng Ba.

Trong khi mỗi tiểu vùng Mỹ Latinh tập trung vào chủ đề chung của giai đoạn Thượng Hội đồng Lục địa – “Hãy nới rộng lều ngươi đang ở” (Is 54:2) – họ đã xem xét các vấn đề riêng biệt vốn đang định hình Giáo hội tại Mỹ Latinh và Caribbean và đã được nêu ra trong giai đoạn lắng nghe của tiến trình Thượng Hội đồng.

Cuộc khủng hoảng ở Nicaragua là tâm điểm của hội nghị của Mexico và Trung Mỹ, khai mạc tại Nhà thờ Chính Tòa San Salvador, El Salvador. Đó là nơi chôn cất thi hài của Thánh Oscar Romero, Tổng Giám mục tử đạo của San Salvador.

Đức Tổng Giám mục Romero đã bị giết hại năm 1980 vì chỉ trích chính phủ quân sự của El Salvador. Những điểm tương đồng cũng đã được thu hút đối với Đức Giám mục Rolando Álvarez Địa phận Matagalpa, Nicaragua, một người chỉ trích chính phủ Nicaragua, người đã bị kết án 26 năm tù vào ngày 10 tháng Hai.

Đức Giám mục Álvarez đã từ chối rời Nicaragua trong một vụ trục xuất hàng loạt do chế độ của Tổng thống Daniel Ortega chỉ thị vào đầu tháng Hai trước khi ngài bị kết án. Vị Giám chức đã bị chuyển đến một nhà tù biệt giam và không được liên lạc với thế giới bên ngoài.

Vào ngày 13 tháng 3, chính phủ Nicaragua đã yêu cầu Tòa Thánh đóng cửa các cơ quan đại diện ngoại giao tương ứng của họ. “Đây không phải là sự cắt đứt quan hệ như các phương tiện truyền thông đã đưa tin”, Vatican News cho biết.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã được hỏi về tình hình ở Nicaragua khi trò chuyện với hãng truyền thông tiếng Tây Ban Nha Infoabe; cuộc phỏng vấn đã được công bố vào ngày 10 tháng 3. Trả lời các câu hỏi về đức Giám mục Álvarez, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta có một vị Giám mục đang bị cầm tù, một con người cực kỳ nghiêm nghị và có năng lực, người muốn đưa ra lời chứng của mình và không chấp nhận sống lưu vong. Đức Thánh Cha cho biết thêm: “Đó là một điều gì đó không phù hợp với thực tế; cứ như thể chúng ta đang quay trở lại chế độ độc tài cộng sản vào năm 1917 hoặc chế độ độc tài Hitler vào năm 1935”.

“Họ là một kiểu chế độ độc tài thô bỉ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời gọi Ortega là “kẻ lập dị”.

Đức Tổng Giám mục Miguel Cabrejos Địa phận Trujillo, Peru, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh (CELAM), đã công bố một bức thư ngỏ trước Thượng Hội đồng tiểu vùng ủng hộ Đức Giám mục Álvarez và những người khác bị giam giữ ở Nicaragua.

Viết thay mặt cho CELAM, Đức Tổng Giám mục Cabrejos cho biết vào ngày 11 tháng 2 rằng trong những thời điểm khó khăn như vậy, “Tôi xin bày tỏ tình liên đới, sự gần gũi và lời cầu nguyện của tôi với và cho dân Chúa cũng như các vị Mục tử của họ”.

Cuộc họp ở Caribbean trung vào dân số Caribbean gốc Phi và vai trò của phụ nữ và người trẻ trong Giáo hội, trong khi khu vực Andes — Bolivia, Colombia, Ecuador, Peru và Venezuela — chú trọng đến người dân bản địa và môi trường, hai chủ đề đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong suốt Triều đại Giáo hoàng của mình, đặc biệt là trong các chuyến viếng thăm các quốc gia này.

Cuộc họp cuối cùng ở Brazil, bao gồm Argentina, Brazil, Chile, Paraguay và Uruguay, đã xem xét các chủ đề về phụ nữ (cuộc họp trùng với Ngày Quốc tế Phụ nữ vào ngày 8 tháng 3) và việc Đức Thánh Cha Phanxicô đã thay đổi Giáo hội. Giáo hội đã kỷ niệm 10 năm Đức Phanxicô được bầu làm Giáo hoàng vào ngày 13 tháng 3.

Nữ tu người Uruguay Rosina Thevenet, Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, cho biết cuộc họp nhấn mạnh sự cần thiết phải lắng nghe lời kêu gọi của Đức Thánh Cha rằng Giáo hội không thể đứng yên.

“Chúng tôi đã thảo luận về việc ‘nới rộng lều’ nghĩa là gì. Đó là một sự thay đổi trong não trạng, trong sự đồng trách nhiệm và sự tham gia của dân Chúa. Nó có nghĩa là sự minh bạch trong Giáo hội, không chỉ về mặt kinh tế, mà cả Giáo hội, từ các hoạt động hàng ngày trong một Giáo xứ cho đến cấp trên”, Nữ tu Thevenet phát biểu với OSV News.

“Tôi có thể nói rằng chúng ta đang ở trong thời khắc thích hợp. Đây là thời điểm để lắng nghe, nhưng cũng để đối thoại và phân định”, Nữ tu Thevenet, một trong 19 người trong phái đoàn Uruguay tham dự hội nghị, cho biết.

Blanca Palacios, một nữ giáo dân đứng đầu Ủy ban mục vụ trực thuộc Hội đồng Giám mục Paraguay, cho biết điều chị rút ra được từ tiến trình Thượng Hội đồng là tác động của cuộc đối thoại thiêng liêng mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh. “Cuộc trò chuyện thiêng liêng đồng nghĩa với việc một Giáo hội có nhiều người tham gia hơn. Một Giáo hội đồng hành cùng nhau và đưa ra quyết định dựa trên thái độ lắng nghe tích cực”, chị Palacios nói.

Chị Palacios, một trong 14 đại diện đến từ Paraguay tham dự hội nghị, cho biết cuộc đối thoại thiêng liêng là một cách thức để giải quyết các chủ đề chung, bao gồm chủ nghĩa giáo sĩ trị trong Giáo hội.

“Thượng Hội đồng sẽ phải giải quyết chủ nghĩa giáo sĩ trị nếu chúng ta muốn một Giáo hội phản ảnh dân Chúa từ Công đồng Vatican II”, Chị Palacios nói.

Cha Taricco, một trong hơn 40 đại diện trong phái đoàn Argentina, cho biết đóng góp của đất nước của ngài là về khái niệm về một Giáo hội hiệp hành.

Cha Taricco cho biết rằng kể từ “giai đoạn lắng nghe” đầu tiên của Thượng Hội đồng, Argentina đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét lại việc quản lý thể chế của Giáo hội và cân nhắc lại việc quản trị. “Chúng tôi tin tưởng vào các hình thức quản lý mới không phải mang tính cá nhân mà là tập thể và có sự tham gia”, Cha Taricco nói.

Cha Taricco cho biết rằng một Giáo hội hiệp hành cần xem xét các thừa tác vụ mới, các hình thức phục vụ và thẩm quyền mới. “Điều này có nghĩa là nói về vị trí của phụ nữ, vai trò của cộng đồng LGBQT+ và cách chúng ta đón nhận những người khác, nới rộng lều cho những người đã rời bỏ Giáo hội”, Cha Taricco nói. “Đó là về lời hứa của Thiên Chúa”.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube