Thiên Chúa của ơn giải thoát

Đối với người Do Thái, cuộc “xuất Ai Cập” là một biến cố quan trọng trong lịch sử Cựu Ước. Cuộc xuất hành ấy không phải là một chuyện của quá khứ, nhưng là một biến cố vẫn đang được sống từng ngày trong niềm tin của họ vào một Thiên Chúa, Đấng Giải Thoát. Đó cũng chính là khởi điểm của lòng tin và cũng là niềm hy vọng của chính dân tộc họ.

20170203 thienchuagiaouocDân Israel đụng chạm một vị Thiên Chúa “rất người.”

Thiên Chúa, tuy là Thiên Chúa hằng sống, thánh thiện và siêu việt, nhưng không vì thế mà Người không nghe thấy những tiếng rên xiết, không biết đến những nỗi đau khổ và không ra tay giải thoát”. Đứng trước cảnh lầm than khổ cực của Dân đang phải sống cảnh nô lệ và tản mác trong khắp cõi Ai Cập, Người đã không đứng ngoài cuộc, không hiện diện như một Đấng ban phát “từ trên cao” để thi ân trên con người, nhưng đã đến trong tư cách của một người Cha nhân hậu: “Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập” (Xh 3, 7 – 8).

Để thực hiện cuộc giải thoát đó, Thiên Chúa đã mạc khải Danh của Người qua “bụi gai bốc cháy” cho Môsê và sai ông đi giải thoát dân khỏi sự áp bức của người Ai Cập như lời Người đã hứa và như là một minh chứng cho việc Thiên Chúa muốn giải thoát và làm mọi cách để có thể giải thoát con người (x. Xh 3, 13 – 15).

Như Đức Joseph Ratzinger đã nói, việc Thiên Chúa xưng Danh “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3, 14) là dấu cho thấy Người hiện diện không giống với bất thần thánh ngoại bang nào, vốn là những “thần cá nhân” với tên gọi xác định. Còn “Tên” hay “Danh” của Thiên Chúa ở đây là một huyền nhiệm bất khả đạt thấu mà chỉ có trong kinh nghiệm gặp gỡ thẳm sâu với Đấng Hiện Hữu mới có thể phần nào “biết” “Chúa của con,” “Thiên Chúa của con”. Vì thế, “việc Thiên Chúa xưng Danh không có nghĩa là Ngài tỏ lộ bản chất sâu xa của Ngài cho bằng là để con người có thể gọi Ngài, có thể kêu cầu Ngài. Và khi xưng danh như thế, Ngài trở nên Đấng sống với họ, hiện diện vì họ và họ có thể đến bên Ngài.”

Trong biến cố được Thiên Chúa giải thoát ra khỏi Ai cập (x. Xh 5 – 15), dân Israel kinh nghiệm một Thiên Chúa đầy quyền năng trên lịch sử; nhưng đồng thời, Người cũng là Thiên Chúa đầy yêu thương và nhân hậu, sẵn sàng đặt mình vào tư thế của một người Cha gần gũi và thân tình với con người, để họ có thể “réo gọi” và “kêu cầu,” cũng như để họ có thể kinh nghiệm về một vị Thiên Chúa luôn “ở bên” và “cư ngụ giữa” họ như là Đấng Giải Thoát và cũng là Đấng Cứu Độ (x. Xh 15, 2; Đnl 26, 6 – 8).

Chính trong mối tương quan tình yêu như thế, một dân tộc mới được tạo thành (x. Is 43, 15), một dân mà Thiên Chúa đã xem như “con đầu lòng” của Người được sinh ra (x. Xh 4, 22). Nói cách khác, một mặt, cuộc “xuất Ai Cập” đánh dấu việc Thiên Chúa dùng “bàn tay uy quyền” của Người để giải thoát dân (x. Xh 32, 11); mặc khác, biến cố này cũng cho thấy việc Thiên Chúa thừa nhận dân tộc này là con, đó là sự thừa nhận mang đặc tính đích thực của một sự khai sinh mới”, một cuộc sinh ra đích thật của Dân Thiên Chúa, sinh ra trong máu (Ez 16, 4 – 7).

Thế nhưng, dân Israel đã không trung tín với Thiên Chúa. Họ chạy theo các thần ngoại, họ trở thành một thứ nộ lệ mới cho các tôn giáo và những tập tục ngoại bang. Và dân đã phải lãnh lấy hậu quả do chính mình gây ra khi Giêrusalem bị phá huỷ thành đống tro tàn và họ phải chịu số phận lưu đày.

Một lần nữa, Thiên Chúa lại đoái thương đến dân khi ra tay giải thoát đưa họ trở về (x. Is 63, 16). Đây được xem như là một cuộc “xuất hành mới,” là sự tái diễn của cuộc xuất hành Ai Cập xưa nhưng đồng thời mở ra viễn cảnh của cuộc xuất hành thời Đấng Mêsiah, như được mô tả qua sách ngôn sứ Isaia: kẻ đau yếu hãy lấy lại sinh lực và chuẩn bị khởi hành (Is 35, 3 – 6; 40, 1tt; 41, 10; 42, 7 – 16); trong hoang địa, một con đường sẽ vạch ra (Is 35, 8tt; 40, 3; 43, 19; 49, 11; 11, 16), sẽ có nước phun như ở Mêriba (Is 35, 6tt; 41, 18; 43, 20; 44, 3; 48, 21), cây khô cằn sẽ biến thành cây ăn trái (Is 35, 7; 41, 19). Sông Euphrate sẽ rẽ làm đôi để dân đi qua (Is 11, 15tt; 43, 16tt; 51, 10), trên cánh tay của Thiên Chúa (Is 46, 3tt; 63, 9) và trong sự hướng dẫn của Người (Is 52, 12). Có thể nói, đây là cuộc giải thoát in đậm dấu ấn về lòng nhân từ và lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa, khi Người làm một hành động mà xem ra chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm là lấy tình yêu để đổi lại sự bất trung của con người.

Như thế, sự giải thoát luôn là dấu chỉ của Tình Yêu Thiên Chúa, một tình yêu nhưng không và bất chấp tất cả để con người có thể được sống và sống hạnh phúc. Đó cũng chính là dung mạo của một người Cha hằng quan tâm đến số phận của con người và không ngừng lắng nghe tiếng thở than của đoàn con mình đã chọn. Do đó, niềm mong đợi, sự hy vọng về ơn giải thoát vĩnh viễn mà con người hằng trông đợi luôn là một khao khát, một niềm tin vững vàng rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện; và sự thật là Người đã thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng “Emmanuel,” vị Thiên Chúa ở cùng loài người mà Tân Ước sẽ đề cập đến.

Giuse Đắc Thịnh, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube