Thất nghiệp và Hướng nghiệp

Những con số

1. Bản tin Thị trường lao động quý 2/2016 cho biết, cả nước có 1,088 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 164.000 người so với quý 1/2016. Trong số những người bị thất nghiệp, có 418.200 người (38,43%) có chuyên môn kỹ thuật; có 191.300 người (17,58%) có trình độ đại học trở lên. 

2. Theo thống kê của Bộ Giáo dục – Đào tạo thì số lượng học sinh lớp 12 đăng ký dự thi Trung học phổ thông quốc gia; số lượng học sinh đăng ký thi chỉ để xét Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2016 trong cả nước và ở một số thành phố, tỉnh như sau: 

 Bảng kết quả TNPTTH

Các tuyên bố 

Dựa vào những con số thống kê nói trên, các nhà Quản lý ngành Giáo dục – Đào tạo tuyên bố, 

– Công tác giáo dục hướng nghiệp trong các loại nhà trường, đặc biệt ở trường Trung học phổ thông có hiệu quả.

– Học sinh và phụ huynh đã có chuyển biến trong việc lựa chọn ngành học và cấp học phù hợp với khả năng bản thân, con em mình; phù hợp với nhu cầu lao động của xã hội. Không như những năm trước đây, học sinh học xong lớp 12 bằng mọi cách phải học lên đại học, khi học xong đại học, khó tìm được việc làm. 

Mạn đàm

1. Theo quy định, những học sinh lớp 12 dự thi Trung học phổ thông quốc gia (THPTQG) chỉ để xét tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ không đủ điều kiện xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học; các học sinh này chỉ có thể theo học các trường trung cấp nghề. Nếu so với các bạn cùng lớp, các em này không may mắn bằng.

Thực tế, những học sinh lớp 12 thi THPTQG chọn lựa thi chỉ để xét tốt nghiệp vì các em nhận ra khả năng của mình không thể theo học cao đẳng, đại học; và số học sinh loại này càng ngày càng gia tăng. Các nhà Quản lý ngành giáo dục, đào tạo thay vì nhìn theo mọi góc độ, trong đó có lý do chất lượng giáo dục, đào tạo của cả hệ thống mà mình quản lý, điều hành càng ngày càng yếu kém, lại cho ngay rằng đó là “kết quả của công tác hướng nghiệp trong các loại nhà trường, đặc biệt ở trường Trung học Phổ thông”.

Thì ra, công tác hướng nghiệp ở nước ta là quá trình “yếu kém hóa” học sinh? Và thật nhẫn tâm, vô trách nhiệm, không công bằng, .. khi họ lấy điều không may mắn được học cao đẳng, đại học của gần 300.000 học sinh trong năm học 2015-2016 làm thành tích của công tác hướng nghiệp, vốn không ra gì, của họ!

2. Số người có khả năng lao động nhưng không tìm được việc làm ở nước ta ngày càng tăng; theo những nhà tuyển dụng lao động thì những người có trình độ đại học trở lên khó có cơ hội tìm được việc làm vì thiếu kỹ năng làm việc.

Bất lực trong giải quyết vấn đề thất nghiệp, trong cải cách giáo dục đào tạo, các nhà quản lý xã hội, và ngành Giáo dục – Đào tạo lấy 191.300 người (có thông tin nói 225.000 người) thất nghiệp có trình độ đại học trở lên đang lao đao vì cuộc sống, đang chán chường, thất vọng “răn đe” học sinh lớp 12 không nên học cao đẳng, đại học mà nên học trung cấp nghề để công tác hướng nghiệp của họ “có hiệu quả”.

Sau 12 năm được giáo dục và đào tạo, 12 năm gởi con em cho các loại nhà trường giáo dục và đào tạo kết quả bản thân các em học sinh, con em của mình trở nên “không đủ khả năng để theo học cao đẳng, đại học” buộc phải học trung cấp nghề. Đó là sự lựa chọn không mong muốn vì không học sinh nào, không phụ huynh nào muốn mình, con em mình không được học lên. Điều này, các nhà Quản lý ngành giáo dục – đào tạo cho là do “chuyển biến trong việc lựa chọn ngành học và cấp học phù hợp với khả năng bản thân, con em mình; phù hợp với nhu cầu lao động của xã hội” thật quả vô trách nhiệm! 

3. Xin quí vị bình tâm, lắng nghe giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo qua Tuyên ngôn Gravissimum Educationis – “Giáo dục Kitô giáo” của Công đồng Vatiacanô II, cách đây 50 năm; Thông điệp Rerum Novarum – “Tân sự” của Đức Giáo hoàng Lêô XIII, cách đây 124 năm; Thông điệp Laborem Exercens – “Lao động của con người” của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cách đây 35 năm như những hướng dẫn giải quyết những vấn nạn nói trên. 

Về vấn đề giáo dục:

Mục tiêu của nền giáo dục chân chính là đào tạo con người như một nhân vị, hướng đến lý tưởng của bản thân cũng như lợi ích của các cộng đồng mà họ là thành viên và sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành.

– Tất cả mọi người đều có quyền lợi bất khả di nhượng là phải được hưởng một nền giáo dục có thể đáp ứng cho lý tưởng của mỗi cá nhân, thích hợp với khả năng, phái tính, một nền giáo dục vừa thích nghi với văn hoá và truyền thống dân tộc, vừa mở rộng cộng đồng huynh đệ với các dân tộc khác, để phát huy tiến trình hiệp nhất và hoà bình đích thực trên thế giới. 

Có như thế chương trình học mới tạo được một động cơ đủ mạnh để thanh thiếu niên nỗ lực.

Về vấn đề lao động:

– Lao động là một quyền căn bản và là một điều tốt cho loài người; một điều vừa hữu ích vừa xứng đáng với con người, vì đó là phương cách thích hợp cho con người bày tỏ và nâng cao phẩm giá của mình.

– Và  khi xem xét những hệ lụy luân lý của vấn đề thất nghiệp, Giáo Hội nêu rõ, thất nghiệp là một thảm họa thực sự của xã hội, nhất là đối với các thế hệ trẻ. Vì vậy, Chính phủ có trách nhiệm, bằng các chính sách, đường lối, quản lý nền kinh tế quốc gia, sao cho có đủ công ăn việc làm cho tất cả những ai có khả năng lao động.

Tạm kết

Bao lâu mục tiêu của giáo dục ở nước ta vẫn còn là nhằm đào tạo con người trung thành với ý thức hệ của xã hội, coi nó là nhiệm vụ hàng đầu (Điều 2 Luật Giáo dục Việt Nam), chứ không phải là lý tưởng bản thân và phục vụ cộng đồng quốc gia, nhân loại thì dẫu có bao lần cải cách, hệ quả: “sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm”, “hiệu quả công tác hướng nghiệp” trong nhà trường vẫn không thay đổi.   

An Phúc 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube