Tâm sự của một người Công giáo trong ngày 30/4

Người Công giáo nên làm gì cho nước Việt vào lúc kỷ niệm ngày ba mươi tháng tư 1975?

Sau 30/4/1975

Để trả lời câu này, thử tìm hiểu xem người Công giáo đã làm gì sau ngày 30 tháng tư 1975:

Về đức tin: Vì sợ mất đạo nên đã có lời cầu nguyện rất ngắn gọn được lan truyền trong giới Công giáo: ” Lạy Chúa, xin ban đức tin cho chúng con”.

Về giảng dạy đức tin sau 1975: Có những lớp, những nhóm được qui tụ cách khéo léo để tránh bị người Cộng sản bắt bớ. Người giảng dạy cũng phải hơi liều một chút. Người tổ chức cũng phải sáng tạo nhiều kiểu. Có kiểu đi ra bờ sông giả bộ câu cá hoặc tâm sự nhưng thật ra là để học hỏi Lời Chúa.

Về in ấn tài liệu tôn giáo: Không còn nhà in thì đánh máy rồi nhân bản ra. Giấu cho kín vào rồi đạp xe mang đến cho người đọc.

Khi nhà nước đụng chạm đến niềm tin thì làm sao đây? Kín đáo tìm đến các linh mục, tu sĩ để trao đổi rồi rỉ tai cho nhau những quan điểm của Hội thánh.

Khi có người Công giáo “về hùa” với quan điểm sai trái thì làm sao đây? Tẩy chay những người ấy bằng đủ mọi cách. Nhưng vẫn luôn cầu nguyện cho họ chứ không muốn “xử bắn” họ.

Không còn truyền hình Công giáo, không còn chương trình phát thanh Công giáo thì làm sao đây? Lén vặn ra-đi-ô trong buồng kín để nghe đài Va-ti-căng và đài Chân lý phát từ Phi-líp-pin. Vặn cho thật nhỏ đó nghen. Tai vách mạch rừng!

Không còn nhà thương Công giáo thì làm sao đây? Thì đi khám bệnh miền sâu miền xa để tạo ra những “nhà thương” một ngày. “Đến với quê hương tôi, dù gian nan còn đầy”.

Nói làm sao xuể những điều Chúa Thánh Thần thúc đẩy tâm hồn người Công giáo Việt Nam tính từ ngày 30 tháng tư 1975.

Và bây giờ…

Bây giờ Chúa Thánh Thần lại đang “đốt lửa kính mến” trong tâm hồn Việt Nam?

Người Công giáo Việt Nam nên dựa vào đâu?

Đương nhiên vào Chúa và Hội thánh, Kinh thánh và Giáo huấn, thông điệp Đức giáo hoàng và thư Hội đồng Giám mục Việt Nam. Gọi là các Kim Chỉ Nam.

Một số giáo dân bắt đầu đọc web, blog, facebook Công giáo.

Một số giáo dân đón đọc báo chí Công giáo do các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam biên soạn.

Nhiều giáo dân lên đường tìm về các “linh địa” như La- vang, Tà-pao, Trà-kiệu, Sở-kiện…

Khi Trung Cộng làm nhục làm khổ Việt Nam, giáo dân Việt Nam làm gì? Xin thưa: Giáo dân cũng “khóc cười theo vận nước nổi trôi” chứ. Hội thánh Việt Nam “đồng hành cùng dân tộc” mà. Ta tìm thấy người Công giáo trong các cuộc biểu tình. Máu người Công giáo cũng đã đổ ra. Có tù nhân lương tâm là người Công giáo. Có chữ ký của họ trong các kiến nghị liên quan đến vận mệnh dân tộc.

Vẫn buồn…

Một câu hỏi hơi hơi buồn cười: Bạn thấy đôi mắt người Công giáo Việt Nam thế nào?

Xin thưa đôi mắt hơi buồn buồn.

Sao mà người Công giáo buồn? Vì họ đòi chưa được quyền chủ động tham gia đời sống xã hội, dù là trong công tác giáo dục và y tế. Nhà nước đòi làm hết. Nhà nước chưa tôn trọng nguyên tắc bổ trợ, là một nguyên tắc quan trọng để xây dựng xã hội, để xây dựng một quốc gia dân chủ.

Thế mắt buồn rười rượi nhưng họ có rơi vào tuyệt vọng không? Thưa chẳng hề tuyệt vọng. Họ có ba nhân đức luôn được Hội thánh đề cao, nhắc nhở: Tin vào Chúa, Cậy vào Chúa và Mến Chúa yêu người.

Thế họ có giận người cộng sản không? Thưa “giận thì giận mà thương thì thương”. Họ cầu nguyện cho người cộng sản biết trở về đường ngay nẻo chính, biết thế nào là “Quyền Con Người”, biết thế nào là “Phẩm Giá”, từ bỏ đường lối độc tài. Người Công giáo tiếp tục yêu mến, xây dựng đất nước bằng con đường yêu thương, công lý và hòa bình nhưng sẽ tiếp tục tố cáo các cấu trúc tội lỗi.

Bốn mươi mốt năm trôi qua tính từ 1975, đa số người Công giáo Việt Nam vẫn chưa thấy vui trọn vẹn, vì các tin buồn cứ liên tiếp đổ ập trên quê hương. Họ tiếp tục cùng với các người Việt Nam khác tìm ra con đường mới để xây dựng đất nước và luôn cầu nguyện cho Việt Nam sớm được tự do dân chủ đích thực. Họ cũng cầu nguyện cho cả những người cộng sản làm khổ Việt Nam, làm nghèo Việt Nam, làm chết bao nhiêu người Việt Nam. Vì trong đức tin Công giáo, Thiên Chúa là Cha hết tất cả mọi người, vì thế Ngài cũng đang đau buồn vì những người con hoang tàn ấy.

Nguyễn Ân

Thế nào là nguyên tắc bổ trợ? Bổ trợ là gì?

Giáo huấn xã hội của giáo hội Công giáo nói rằng:

– Bổ trợ là sự giúp đỡ về kinh tế, cơ chế hay pháp lý từ các đơn vị xã hội lớn hơn cho các đơn vị xã hội nhỏ hơn. (Thí dụ Bộ Giáo dục là đơn vị xã hội lớn hơn Sở Giáo dục. Sở Giáo dục là đơn vị xã hội lớn hơn Trường học. Trường học là đơn vị xã hội lớn hơn lớp học .v.v).

– Nguyên tắc bổ trợ cấm Nhà Nước làm bất cứ điều gì hạn chế không gian sống của các đơn vị xã hội trong quốc gia đó. Vì bất cứ hoạt động xã hội nào tự bản chất cũng phải trợ giúp các thành viên trong xã hội, chứ không bao giờ phá huỷ và tiêu diệt họ.

Và quan trọng:

-Thật là sai lầm trầm trọng khi rút khỏi tay các cá nhân những gì họ có thể làm được dựa vào sáng kiến và sự chuyên cần của mình để trao cho cộng đồng; cũng vậy, thật là bất công và tai hại nghiêm trọng, làm trật tự đúng đắn bị xáo trộn, khi giao cho một tổ chức cao hơn và lớn hơn những gì mà các tổ chức nhỏ hơn và cấp dưới có thể làm được.

Xem “Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo”, số 186.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube