Suy vong toàn diện?

Một lý tưởng sống hời hợt, méo mó đang làm cho dân tộc Việt Nam suy vong tận gốc rễ. Hội Thánh Chúa đang ở đâu?

Một giấc ngủ dài trong thứ “văn hoá” dối trá, sáo rỗng và độc hại

Mấy mươi năm qua, dân tộc Việt Nam đã bị nhấn chìm trong một thứ “văn hoá” dối trá, sáo rỗng “có định hướng” và “theo nghị quyết”. Nó cứ ra rả bên tai, lúc làm việc, lúc học hành, khi nghỉ ngơi và cả khi ăn uống. Nó nhốt con người trong cái túi đen tối bịt bùng được trang trí cờ hoa lỗng lẫy, trong một thứ ánh sáng ma quái và gọi đó là “mặt trời chân lý”.

Thứ văn hoá không xứng nghĩa với hai chữ “văn hoá” ấy đã là một trong những nguyên nhân chính yếu tàn phá nhân cách và tâm hồn người Việt, biến dân tộc này trở thành một dân tộc thui chột, ngô nghê, đầy những nết xấu mà khi bước ra, đặt chân lên quốc gia nào, người ta cũng xa lánh, khinh bỉ vì hay ăn cắp, nói dối, ồn ào, thiếu lịch sự, hay chen lấn, trơ trẽn và không có lòng tự trọng. Tiếp viên hàng không chuyên đi buôn lậu. Con quan lớn, phát thanh viên đài truyền hình quốc gia ra nước ngoài bị điểm mặt vì ăn cắp, phải giả bệnh tâm thần để thoát thân. Hải quan tại các cảng hàng không trở thành chuyên viên rạch vali, móc túi xách. Nhục nhã hơn, khi tại các đểm du lịch nước ngoài, người ta ghi dòng chữ bằng tiếng Việt để nhắc nhở “xin lấy thức ăn vừa đủ”!

Thứ “văn hoá” ấy đã biến gia đình – cái nôi của yêu thương và sự sống – trở nên nguội lạnh, tan vỡ trong những cuộc ly dị chóng vánh, đơn giản như chán một món ăn. Người ta không còn biết và cũng không muốn biết ý nghĩa của hai tiếng yêu thương, trung tín, thuỷ chung hay hạnh phúc. Người ta cũng chẳng muốn hi sinh cho nhau và thấy không cần thiết phải chịu đựng lẫn nhau. Con người đang chạy theo một thứ hạnh phúc hời hợt của hưởng thụ, xác thịt, và một thứ tự do ích kỷ, quy ngã.

Thứ “văn hoá” ấy cũng làm cho xã hội ngập chìm trong bạo lực, hung hãn, vô cảm, đẩy con người theo đuổi những lý tưởng sống lệch lạc và không còn biết đâu là chân lý, đâu là những giá trị cao đẹp của Chân – Thiện – Mỹ. Cha mẹ thường dạy con cái cố gắng học để kiếm được nhiều tiền, chứ quên dạy con rằng phải học để làm người tử tế. Sự tử tế và lòng thương xót bị nhạo cười và cấm đoán “có chủ trương”. Lòng tốt bị nghi ngờ. Việc từ thiện bị coi là “ảnh hưởng xấu đến văn hoá”, là “âm ưu của thế lực phản động và thù địch”.

Dân tộc này phải chịu đựng những điều tồi tệ ấy là do một chế độ độc tài, một đường lối phản ngược với phẩm giá con người và sự phát triển của xã hội, một đội ngũ tham quan coi thường quốc gia dân tộc, bị lũng đoạn và khuynh loát bởi thế lực ngoại xâm Trung Quốc. Dân tộc Việt Nam đang đứng trên bờ vực của sự vong thân  – một sự vong thân từ nhân cách, lương tri đến thể chất, sức khoẻ, từ cá nhân, gia đình đến quốc gia, dân tộc.

Có còn niềm hy vọng?

Nhân loại đang sống trong một giai đoạn “đột biến” khôn lường – người ta khó có thể dự đoán lịch sử cũng như không thể lường được những biến cố của ngày mai. Một bài thơ cất lên cũng có thể làm xã hội dậy sóng.

Liệu những “cú hích” đau thương của kinh tế, chính trị, của biển chết, đất chết, có làm cho dân tộc này tỉnh cơn mê?

Thực ra, cho dù con người tưởng chừng đang thắng thế, nhưng chỉ có Đấng Tạo Hoá mới làm chủ lịch sử. Đó là niềm hy vọng. Nhưng hy vọng sẽ lụi tàn nếu con người không gượng đứng dậy và không hành động để cứu thân, cứu nước.

Hội Thánh Chúa đang ở đâu?

Hội Thánh có vô can trước sự bần cùng nhân cách của người dân Việt? Người Kitô hữu có là chứng nhân của sự thật, của tình yêu và lòng trung tín? Giáo hội đang tận tuỵ xây dựng, gìn giữ con người hay mải mê xây cất những thứ mau hư nát? Tâm tư, sức lực của các vị mục tử đang dồn đổ về đâu?

Chúng ta sẽ trả lời Chúa thế nào nếu chỉ lo xây dựng một Giáo hội phồn thịnh, đồ sộ về nhà cửa, hội đường giữa một xã hội đầy rẫy những con người “vất vưởng, lầm than không người chăn dắt”, đói khát sự thật, đói khát công lý?

Chúng ta sẽ trả lời Chúa thế nào nếu chỉ là một Giáo hội đang chôn cất kho tàng khôn ngoan của nước Trời trong sự chia rẽ, thiếu hiệp nhất, thiếu liên đới để bổ trợ sức mạnh cho nhau?

Khi sự đố kỵ, nghi nan, hiềm khích thống trị giữa các chi thể của Hội Thánh, thì sẽ không còn chỗ để Thần Khí hoạt động. Liệu niềm tin đơn sơ vào sự thiện, sự tín thác vào quyền năng của Chúa có còn chăng?

Hay niềm tin và sự tín thác ấy đang được đem ra cân nhắc, so đo với những lợi ích trần thế?

Có khi nào, chúng ta, những người làm nên Hội Thánh Chúa, cũng đang ngủ mê?

Tịnh Khê

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube