Sự tha thứ và lòng thương xót

Vào năm 1947, Corie ten Boom, một người Hà Lan sống sót trong trại tập trung Nazi của Đức quốc xã, đã có buổi nói chuyện tại một nhà thờ ở Munich về sự tha thứ và lòng thương xót.

Sau bài phát biểu của bà, một cựu cai ngục ở trại đã tiến đến chỗ bà, chìa tay ra và xin bà tha thứ cho ông. Ông không nhớ bà, nhưng bà thì nhớ ông rất rõ cũng như những điều tàn bạo ông đã làm đối với bà cũng như các bạn tù khác của bà.

“Có lẽ không đến vài giây khi ông đứng đó chìa tay ra.” ten Boom sau đó nhớ lại. “Nhưng đối với tôi, nó giống như nhiều giờ khi tôi phải vật lộn với điều khó khăn nhất tôi từng phải làm. Và một cách mộc mạc, máy móc, tôi đưa tay về phía bàn tay đang chìa về phía tôi. Và cứ như thế, một điều không tưởng đã xảy ra. Luồng điện chạy rần rần từ vai tôi, chạy xuống cánh tay và bật mạnh vào hai bàn tay nắm lấy nhau của chúng tôi.”

Bà tiếp tục: “Sau đó hơi ấm hàn gắn này dường như đã lan tỏa toàn bộ con người tôi, mắt tôi ngấn lệ. ‘Tôi tha thứ cho anh, người anh em! Với tất cả trái tim của tôi’ Tôi đã khóc. Chúng tôi nắm tay nhau một lúc lâu, người cựu cai ngục và cựu tù nhân. Tôi chưa bao giờ nhận ra tình yêu của Chúa mãnh liệt như lúc đó.

louis-hansel-7TIUb6CpG_w-unsplash

Chúng ta không được nghĩ xấu cho cậu ấy. Vào ngày 2 tháng 10 năm 2006, Charles Carl Roberts IV đã vào trường học Amish ở vùng nông thôn Pennsylvania và bắn 10 nữ học sinh nhỏ, giết chết 5 trong số họ.

Phát biểu trong cùng ngày xảy ra vụ nổ súng, ông của một trong các nữ sinh đã chết nói với người thân của mình, “chúng ta không được nghĩ xấu cho cậu ấy” Một thành viên khác trong cộng đồng đã đến thăm gia đình của người nổ súng trong ngày hôm đó để an ủi và nói lời tha thứ. Hàng chục người nữa đã tham dự đám tang của anh ấy và đề nghị hỗ trợ tài chánh cho người vợ góa của anh ta.

Sau đó, một người trong cộng đồng đã nói, “Tôi không nghĩ là có bất cứ ai ở đây muốn làm việc gì khác ngoài tha thứ, và không chỉ tiếp cận với những ai đang phải chịu đựng mất mát… nhưng là đến cả với gia đình của người đã thực hiện hành vi này.

Một người anh em mà tôi đã tha thứ. Vào ngày 13/5/1981, khi đang đứng trong chiếc xe mui trần di chuyển chầm chậm giữa đám đông vây quanh ở quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bị bắn 4 phát bởi Mehmet Ali Agca. Ngài bị 2 viên đạn xuyên qua và đã trải qua cuộc phẫu thuật 6 tiếng đồng hồ và truyền 6 đơn vị máu trước khi các bác sĩ có thể tự tin nói ngài sẽ bình phục.

Trong xe cứu thương trên đường đến bệnh viện, Đức Giáo Hoàng đã nói với các người hầu cận rằng ngài đã tha thứ cho kẻ ám sát ngài dù người đó là bất cứ ai. Bốn ngày sau, ngài đã công khai lời tha thứ thông qua một phát ngôn viên. Và 2 năm sau đó, ngài đã mạnh dạn đến gặp Agca ở trong tù.

“Tôi đã nói chuyện với một người anh em mà tôi đã tha thứ và là người hoàn toàn tin tưởng tôi,”, ngài đã nói với các phóng viên như thế sau 20 phút nói chuyện nhẹ nhàng với người đã ám sát ngài. Đức Thánh Cha cũng đã thuyết phục để chính phủ Ý tha thứ và để Agca trở về Thổ Nhĩ Kỳ vào Năm Thánh 2000.

Tôi có thể tha thứ không? Những câu chuyện riêng của chúng ta có thể không kịch tính như những câu chuyện trên, nhưng tất cả chúng ta đều đối diện với câu hỏi: “Tôi có sẵn sàng tha thứ cho người làm tổn thương tôi không?” Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi chúng ta có lòng khoan dung với nhưng ai đã làm tổn thương chúng ta. Vậy hãy nhìn lại các mối quan hệ của chúng ta. Hãy tận dụng ân huệ có sẵn cho chúng ta trong suốt mùa chay và cố gắng có lòng nhân từ như Cha chúng ta là Đấng nhân từ. (Luca 6:36).

Khi viết cho các tín hữu ở Êphêxô, Thánh Phaolô đã nói, “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô. Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt.” (Êphêxô 4:32-5:2)

Điều này nghe có vẻ chẳng khác gì những lời khích lệ, nhưng thực chất đoạn Kinh Thánh này lại chứa đựng rất nhiều chân lý đầy ân phúc có thể giúp chúng ta tha thứ nhiều hơn. Hãy cùng suy ngắm lại.

Đầu tiên: Thiên Chúa yêu chúng ta. “Hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta.” (Êphêxô 5:2). Chúng ta có thể thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta trong sự hùng vĩ và vẻ đẹp của thế giới được dựng nên. Việc Thiên Chúa đã đi vào từng chi tiết phức tạp khi thiết kế ngôi nhà chung của chúng ta cho thấy Ngài đã yêu thương chúng ta nhiều đến mức nào. Tương tự như cách thức cơ thể chúng ta được vận hành. Rất nhiều thứ xảy ra ở mức độ rất chi tiết, và tất cả mọi thứ đều xảy ra với sự thống nhất và chính xác – tất cả mọi thứ mà chúng ta không phải làm bất cứ điều gì cả.

Cũng đầy kinh ngạc như những dấu chỉ trên về tình yêu của Thiên Chúa, Thánh Phaolô còn nói về một tình yêu riêng tư thậm chí còn dịu dàng hơn. Thánh nhân nói về tình yêu thương của người Cha dành cho các con của mình, một tình yêu cứu chuộc và hòa giải.

Cha trên Trời yêu anh em rất nhiều. Thực vậy, Ngài yêu tất cả mọi người như nhau – kể cả những người làm tổn thương anh em. Chính vì thế thánh Phaolô mới kêu gọi chúng ta “sống trong tinh thần bác ái.” (Êphêxô 5:2). Đó chính là cách thức chúng ta tìm thấy sức mạnh để tha thứ và không bị ràng buộc bởi sự oán giận và không khoan nhượng.

Điều thứ 2: Chúa Giêsu chết vì chúng ta. Chúa Giêsu “đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dang lên Thiên Chúa.” (Êphêxô 5:2). Ở phần đầu bức thư, thánh Phaolô đã viết trước khi Chúa Giêsu đến, tất cả chúng ta đều “chết vì những sa ngã và tội lỗi” của chúng ta (Êphêxô 2:1). Tất cả chúng ta đều đang đối nghịch với Thiên Chúa và rất cần sự cứu rỗi.

Và sự cứu rỗi chính là điều Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Người đã sai con một của Người là Đức Kitô xuống thế chịu chết để chúng ta được sống. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã chết cho tội lỗi của chúng ta. “Con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô… để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa.” (Rôma 6:6). Điều có vẻ như khó hiểu, nhưng Thập giá Đức Kitô đã mở các cánh cửa của Thiên đàng và giúp chúng ta có thể nhận ra tình yêu của Thiên Chúa một cách đậm sâu. Chính sự hy sinh của Đức Kitô giúp chúng ta trở nên bác ái, nhân hậu và khoan dung hơn.

Bất cứ khi nào bạn đối diện với một tình huống khó khăn hoặc những bất công, hãy ngước nhìn lên Thánh giá. Nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng đã chịu bất công lớn lao hơn cả, Ngài đã nói “Lạy Cha, xin tha cho họ.” (Luca 23:34). Ngài cùng nói như thế cho bạn: “Lạy Cha, xin tha cho họ”. Luôn luôn dễ tha thứ hơn khi chúng ta biết rằng chúng ta cũng được tha thứ.

Điều thứ 3: Một “Hương thơm ngào ngạt”. Cái chết của Chúa Giêsu là một “hiến lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt.” (Êphêxô 5:2). Tất cả chúng ta đều biết cảm giác ngọt ngào thế nào khi ai đó vượt lên mọi thứ để đối xử tử tế và rộng lượng với chúng ta. Đó là cách Thiên Chúa xem hiến lễ Đức Kitô như “hương thơm ngào ngạt” mang lại cho Ngài niềm vui to lớn.

Theo thánh Phaolô, chúng ta cùng có thể làm “hương thơm của Đức Kitô” để dâng kính Thiên Chúa (2 Côrintô 2:15). Điều này xảy ra mỗi khi chúng vâng theo lệnh truyền của Người – đặc biệt khi chúng ta gạt đi những mong muốn, ước vọng của bản thân và hy sinh một điều gì đó khi làm như vậy. Không có hương thơm ngào ngạt nào làm hài lòng Thiên Chúa hơn cả bằng khi chúng ta quyết định tha thứ.

Vì vậy khi Thiên Chúa muốn bạn tha thứ cho ai đó, hãy để tình yêu Thiên Chúa và sự hy sinh của Đức Kitô làm lay động trái tim bạn và nói với bạn rằng trái tim thương xót của bạn chính là hương thơm ngào ngạt sưởi ấm trái tim của Thiên Chúa

Một tư duy mới. Hãy dành đôi chút để đọc lại dụ ngôn của Chúa Giêsu về người đầy tớ không biết xót thương (Matthêu 18:21-35). Hãy để thông điệp chìm sâu vào trái tim bạn. Người đầy tớ trong câu chuyện này đã không hiểu được chân lý thánh Phaolô đã giảng dạy cho các tín hữu Êphêxô. Chắc hẳn người đầy tớ đã rất vui mừng khi vua tha cho anh một món nợ lớn. Nhưng lòng quảng đại của vua đã không đủ sức ảnh hưởng đến anh ta để khiến anh ta cũng trở nên nhân hậu như vậy. Anh đã sống một tiêu chuẩn kép, không sẵn sàng đối xử với người khác như cách anh ta được đối xử.

Chúng ta cùng đối mặt với một thách đố như thế khi có ai đó làm tổn thương chúng ta – thách đố giống như của Coritie ten Boom, của cộng đồng Amish, của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đối mặt. Liệu ta sẽ đáp trả bằng long nhân từ, khoan dung và tha thứ? Liệu ta có để điều này trở nên cách sống cho mính? Đây chính là nhận thức mà thánh Phaolô muốn tín hữu Êphêxô hãy mang lấy, và đó cùng là điều Thiên Chúa muốn chúng ta có được.

Cầu nguyện cho bước đột phá. Mùa chay là khoảng thời gian chúng ta dừng lại, chậm đi một chút. Là thời gian chúng ta tìm kiếm lòng thương xót và tình yêu. Đó cũng là khoảng thời gian để chúng ta ngẫm lại cách thức chúng ta đang sống và thay đổi đi những gì chúng ta thấy cần thiết. Để giúp bạn, chúng tôi gợi ý cho bạn 3 câu hỏi sau để suy ngẫm.

  • Kể từ hôm nay, làm thế nào để tôi nhân hậu và xót thương hơn?
  • Có ai đó trong cuộc sống của tôi mà tôi cần phải tha thứ không?
  • Có ai đó trong cuộc sống của tôi mà tôi cần đến với họ và xin họ tha thứ cho mình không?

Hãy cùng cầu nguyện cho nhưng bước đột phá trong các mối quan hệ của chúng ta. Hãy xin Chúa Giêsu phá bỏ những rào cản sâu thẳm đang ngăn trở chúng ta để chúng ta có thể trở nên xót thương hơn, thậm chí giống như Ngài đã xót thương. Cầu chúc cho tất cả mối quan hệ của chúng ta – dù tốt, xấu hay đầy thử thách đều được lòng thương xót của Chúa chạm đến.

 

Chuyển ngữ: Nguyễn Tú Anh

Nguồn: Be Kind to One Another (Hãy tốt với nhau) – wau.org

* Tiêu đề bài này được dịch giả đặt lại cho phù hợp với bối cảnh chuẩn bị mừng lễ Lòng Chúa Thương Xót, Chúa nhật II Phục Sinh 24/04/2022.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube