‘Sách Giáo lý đại kết’ cho các trường công ở Thánh Địa là dấu chỉ của tinh thần hiệp nhất Kitô giáo

Cha Rafiq Khoury vào đầu Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo năm 2024 đã trình bày 3 tập đầu tiên của “Sách Giáo lý đại kết” đã được các trường công lập của Chính quyền Palestine áp dụng vào năm 2000 làm sách giáo khoa cho giáo dục Kitô giáo (Ảnh: Marinella Bandini)

Cha Rafiq Khoury vào đầu Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo năm 2024 đã trình bày 3 tập đầu tiên của “Sách Giáo lý đại kết” đã được các trường công lập của Chính quyền Palestine áp dụng vào năm 2000 làm sách giáo khoa cho giáo dục Kitô giáo (Ảnh: Marinella Bandini)

“Trở thành Kitô hữu ở Thánh địa có nghĩa là yêu mến Thiên Chúa, truyền thống của mình và tất cả các Giáo hội khác”, Cha Rafiq Khoury, 80 tuổi, phát biểu với CNA khi Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo bắt đầu tại Thánh địa vào ngày 18 tháng 1. “Chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu; đó là thách thức cho hàng nghìn năm tới”.

Mặc dù hiện đã nghỉ hưu nhưng Cha Khoury hiện vẫn có văn phòng tại Tòa Thượng Phụ nghi lễ Latinh ở Giêrusalem. Xuất thân từ Taybeh – thị trấn toàn tòng Kitô giáo duy nhất ở Palestine, ngày nay nổi tiếng với bia – ngài đã làm việc 35 năm trong lĩnh vực giảng dạy Giáo lý và giúp biên tập sách giáo khoa về giáo dục tôn giáo.

Cha Rafiq Khoury, Linh mục thuộc Tòa Thượng phụ nghi lễ Latinh tại Giêrusalem, năm nay 80 tuổi và đã làm việc 35 năm trong lĩnh vực dạy Giáo lý. Cha Khoury đóng một vai trò trong việc biên tập “Sách Giáo lý Đại kết”, được thông qua vào năm 2000 tại các trường công lập của Chính quyền Palestine như một cuốn sách giáo khoa cho giáo dục Kitô giáo. Ngài là đại diện của Giáo hội Công giáo trong ủy ban soạn thảo sách Giáo ý (Ảnh: Marinella Bandini)

Cha Rafiq Khoury, Linh mục thuộc Tòa Thượng phụ nghi lễ Latinh tại Giêrusalem, năm nay 80 tuổi và đã làm việc 35 năm trong lĩnh vực dạy Giáo lý. Cha Khoury đóng một vai trò trong việc biên tập “Sách Giáo lý Đại kết”, được thông qua vào năm 2000 tại các trường công lập của Chính quyền Palestine như một cuốn sách giáo khoa cho giáo dục Kitô giáo. Ngài là đại diện của Giáo hội Công giáo trong ủy ban soạn thảo sách Giáo ý (Ảnh: Marinella Bandini)

Trong sự nghiệp lâu dài của mình, Cha Khoury đã đóng một vai trò quan trọng trong việc biên tập “Sách Giáo lý đại kết”, được áp dụng từ năm 2000 tại các trường công lập của Chính quyền Palestine như một cuốn sách giáo khoa cho lĩnh vực giáo dục Kitô giáo. Nhiều trường học Kitô giáo cũng đã áp dụng cuốn sách này vì nó tính đến bối cảnh đại kết vốn có của Thánh địa.

“Tại Thánh Địa, việc giảng dạy Giáo lý đã được triển khai ngay từ đầu trong môi trường học đường thay vì trong Giáo xứ”, Cha Khoury giải thích. Trên thực tế, mỗi nhà thờ đều có trường học riêng. Khi Tòa Thượng phụ nghi lễ Latinh được tái lập vào năm 1847, nhà thờ được xây dựng để phục vụ đời sống phụng vụ và trường học cho việc giáo dục tôn giáo”. Trong bối cảnh này, việc biên tập một cuốn sách Giáo lý với sự tham gia của đại diện từ tất cả các Giáo hội Kitô giáo càng có ý nghĩa quan trọng hơn.

Trong 120 năm qua, hệ thống giáo dục đã trải qua nhiều thay đổi cùng với các sự kiện chính trị vào thời điểm đó – từ sự cai trị của Ottoman đến chế độ ủy trị của Anh, đến việc thành lập nhà nước Israel và sự phân chia lãnh thổ của người Palestine. Chỉ với sự thành lập của Chính quyền Palestine vào năm 1994, một chương trình giảng dạy cụ thể dành cho người Palestine mới được tạo ra, bao gồm cả hướng dẫn tôn giáo.

Cha Khoury, sinh năm 1943, đã trải qua nhiều thay đổi như vậy.

“Cuộc chiến 6 ngày là một cú sốc đối với các cộng đồng Kitô giáo Ả Rập trên khắp Trung Đông. Người Kitô hữu bắt đầu đặt câu hỏi: Chúng ta là ai? Chứng tá của chúng ta ở Thánh Địa là gì? Tại sao Thiên Chúa muốn chúng ta hiện diện ở đây? Tất cả những điều này đều có tác động đến việc dạy Giáo lý”, tức là “về cách trình bày sứ điệp Kitô giáo và sự liên quan của nó với những thách đố của hiện tại”, Cha Khoury nói.

Đây cũng là những năm Công đồng Vatican II đặt ra một trọng tâm mới về cách thức truyền đạt đức tin.

Trong bối cảnh này, sứ mệnh của Cha Khoury đã xuất hiện. Ngài được cử đi du học ở Rôma và sau khi trở về đã làm việc trong 10 năm biên tập sách Giáo lý Công giáo cho Tòa Thượng phụ nghi lễ Latinh. Sau đó, vào những năm 1990, ngài được yêu cầu biên soạn sách Giáo lý cho hệ thống trường học của người Palestine với sự đồng ý của các giáo phái Kitô giáo khác và hợp tác với Bộ Giáo dục và Giáo dục Đại học. Nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ này đã đặt Cha Khoury bên cạnh các đồng nghiệp từ các Giáo hội khác.

“Trước hết, chúng tôi suy nghĩ về cấu trúc chung và quyết định chia chủ đề thành ba chương chính: Giáo lý, phụng vụ và thực tiễn, liên quan đến lối sống”, Cha Khoury kể lại.

Bên trong một trong những cuốn sách "Giáo lý Đại kết" đã được áp dụng từ năm 2000 tại các trường công lập của Chính quyền Palestine làm sách giáo khoa cho giáo dục Kitô giáo. Phần này được dành để trình bày về hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria (Ảnh: Marinella Bandini)

Bên trong một trong những cuốn sách “Giáo lý Đại kết” đã được áp dụng từ năm 2000 tại các trường công lập của Chính quyền Palestine làm sách giáo khoa cho giáo dục Kitô giáo. Phần này được dành để trình bày về hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria (Ảnh: Marinella Bandini)

Chu trình gồm 3 chương này được lặp lại bốn lần trong suốt 12 năm học, ngày càng trở nên toàn diện theo lứa tuổi của học sinh. Các cuốn sách trình bày các chủ đề bằng cách đưa ra một đoạn Kinh Thánh hoặc Tin Mừng – theo bản dịch đại kết, cũng có sẵn bằng tiếng Ả Rập – và các tình huống và lời khuyên thực tế mà học sinh có thể kể lại kinh nghiệm của mình. Ngoài ra còn có một phần dành riêng cho các bài tập.

“Chúng tôi không gặp phải những khó khăn lớn vì cuối cùng, chúng tôi có một đức tin chung vào Chúa Giêsu Kitô mà chúng tôi tin, cử hành và sống”, Cha Khoury nói. “Những khó khăn chính liên quan đến quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng, điều mà các Giáo hội khác không chấp nhận, và về các Bí tích, vốn đặc biệt khác biệt trong thế giới Tin Lành, cả về số lượng lẫn ý nghĩa”. Giải pháp, Cha Khoury nói, đó là “giải thích, trong trường hợp đầu tiên, các hệ thống Giáo hội khác nhau, và trong trường hợp thứ hai, các Bí tích có ý nghĩa gì đối với các Giáo hội khác nhau”.

Điều tương tự cũng được áp dụng cho con người của Đức Trinh Nữ Maria.

“Chúng ta đang chứng kiến một sự tiến triển trong các giáo hội Tin lành. Ngày càng có nhiều người chấp nhận hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria, ngay cả khi chỉ là một nhân vật trong Kinh Thánh, chứ không theo thần học được trình bày trong Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống”, Cha Khoury giải thích. “Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn làm nổi bật hình ảnh Đức Maria trong Kinh Thánh.” Các điểm đối thoại và hòa giải khác bao gồm ảnh tượng, các vị Thánh và các tín điều.

Đối với Cha Khoury, cuốn sách là một công cụ mà trong tay người trẻ có thể thực sự giúp họ sống chiều kích Kitô giáo đích thực mà không đánh mất tính đặc thù và thuộc về cá nhân của họ. “Người ta không thể là một Kitô hữu ở Thánh Địa nếu không gắn kết với các Giáo hội khác. Điều quan trọng là phải neo chặt vào Giáo hội của mình đồng thời cởi mở với các Giáo hội khác, nhận thức được căn tính của mình nhưng cũng cởi mở với người khác. Những người khác tồn tại và họ cũng có một lịch sử lâu dài mà chúng ta phải học cách nhận biết, tôn trọng và yêu thương”, Cha Khoury nói.

Theo Cha Khoury, phong trào đại kết là một thách thức, không chỉ trong trường học mà còn trong đời sống Kitô giáo rộng lớn hơn. “Các cộng đồng vẫn khép kín và thường rất khó để xem xét sự hiện diện của những người khác”, Cha Khoury nói. Trong số các Giáo hội, “có nhiều mối quan hệ thân thiện hơn, nhưng chưa có tinh thần đại kết thực sự: Các vấn đề chưa thực sự được chia sẻ và cùng nhau thảo luận”.

Đồng thời, Cha Khoury nhấn mạnh, “chúng ta phải hiểu rằng cần có thời gian. Tại Thánh Địa, chúng ta đã phải đối mặt với nhiều trở ngại trong mối quan hệ giữa các Ggiáo hội và chúng ta mang vết thương này trong lòng. Chúng ta đã chiến đấu chống lại nhau, và bây giờ chúng ta phải yêu thương nhau. Phải mất thời gian để tầm nhìn này đi vào tâm hồn các Kitô hữu ở Thánh Địa, nhưng quá trình này đã bắt đầu.”

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube