Nỗi lo lốc xoáy bạo lực

Não trạng cai trị của các quan chức trong hệ thống cầm quyền

Nổi bật là sự thiếu hiểu biết và thái độ coi thường dân chúng. Sau khi nhậm chức Chủ tịch Quốc hội được 1 ngày, trong buổi gặp mặt báo chí ngày 23/7/2016, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả…”

Kế đến là tình trạng không minh bạch, không đáng tin từ các thông tin do nhà cầm quyền công bố. Thí dụ, sau khi thảm hoạ môi trường ở bốn tỉnh miền Trung xảy ra, nhiều chuyên gia môi trường trong cũng như ngoài nước đã nói phải 50 năm nữa biển mới có thể hồi phục. Nhưng chỉ sau 4 tháng kể từ khi xảy ra thảm hoạ, trong 4 tháng đó cũng không hề có bất kỳ động tác làm sạch biển nào, sáng 22/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị công bố kết quả, đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế là “môi trường nước tầng mặt, trầm tích tương đối an toàn” chỉ “một số khu vực đặc biệt cần theo dõi thêm”. Nhưng với người dân, những người trực tiếp sống trong vùng thảm hoạ, họ trả lời công bố của ông Bộ trưởng ngay rằng: Biển sạch hay bẩn họ không có khả năng kiểm chứng, nhưng đối với những người cha truyền con nối bao đời nay sống nghề biển như họ thì biển sạch là khi cá tôm trở lại, trong khi hiện nay cá tôm gần bờ hầu như không còn

Tóm lại, não trạng cai trị của các quan chức trong hệ thống công quyền hiện nay làm cho họ, khi thể hiện ra trước dân chúng, thường chỉ như thêm dầu vào lửa đối với đám đông dân chúng.

Quan chức cấp cao tranh giành quyền lực bắn giết nhau công khai

Hai năm trước, lý do và thời điểm xảy ra những cái chết của vài lãnh đạo cao cấp của nhà cầm quyền như ông Phạm Quý Ngọ (năm 2014), ông Nguyễn Bá Thanh (năm 2015) đầy bí ẩn và đồn đoán. Dân tình chỉ biết mù mờ lý do các vị ấy chết qua sự lan truyền trên các mạng xã hội, với rất nhiều đồn đoán, tin rò rỉ,v.v. Đến nay, thì có vẻ mâu thuẫn giữa các quan chức đã tăng đến mức không còn kềm chế được, không thể giả vờ rằng “tình trạng (vẫn) ổn định”, tình “đồng chí” vẫn keo sơn như năm trước nữa. Ba nhân mạng bị tước đi tại Yên Bái, bằng cách nhắm thẳng vào nhau mà bắn, giữa phòng họp cấp tỉnh, của các quan chức, người dân có cơ hội thấy rõ ràng, công khai sự bắn giết, triệt hạ nhau này.

Chết tại phòng họp

Hình: Internet

Những người thiện chí và những nỗi âu lo

Ngay khi tin tức 3 cán bộ tử vong xuất hiện trên báo chí, thì lập tức lan tràn trên mạng xã hội là những biểu hiện vui mừng của một số rất đông dân chúng. Điều đó khiến những người quan tâm đến xã hội, có tầm nhìn, đồng thời là những người có mối quan hệ rộng với các quan chức trong bộ máy cầm quyền, trước những gì họ chứng kiến, phải thể hiện những nỗi lo âu, đến mức phải lên tiếng cảnh báo nhà cầm quyền. Bằng chứng chúng ta đọc thấy từ những bài viết của họ ngay trong ngày 19/8, chỉ 01 ngày sau khi vụ nổ súng xảy ra.

Nhà báo Huy Đức viết trên facebook nhắc nhiều lần đến cụm từ “bạo lực” và tìm cách trấn an nỗi sợ của nhà cầm quyền: “Không phải cứ thêm súng ống là có thể giữ được tính mạng cho quý vị. Chỉ khi không còn chút hy vọng nào vào công lý người dân và các đồng chí của quý vị mới tìm đến bạo lực. Đừng sợ hãi bạo lực đến mức tăng cường bạo lực cho dù có nấp dưới mỹ từ kỷ cương. Đừng củng cố những thiết chế chỉ để bảo vệ chính quyền bởi cách làm đó cũng không khác chi tự cài bom dưới ghế”. 

Như Giáo sư Chu Hảo, trong bài viết đăng trên blog Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nói đến sự bạo loạn: “Tiếng súng ở Yên Bái không phải chỉ phơi bày tình trạng tha hóa tột độ trong nội bộ đảng cầm quyền, mà còn chứng tỏ mức độ bất ổn chính trị-xã hội ở nước ta đã đến hồi nguy hiểm. Nguy hiểm cho sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng và của chế độ thì đã đành, nhưng đó không phải là mối quan ngại của những người lâu nay công khai bầy tỏ ý kiến bất đồng đối với những đường lối, chủ trương, chính sách sai trái của đảng và nhà nước. Những người này, trong đó có chúng tôi, âu lo về sự an nguy của dân tộc khi xẩy sự bạo loạn ngoài tầm kiểm soát”. 

Kitô hữu ở vị trí nào và phải làm gì? 

Có lẽ để suy tư về câu hỏi trên, chúng ta lại phải nhắc nhau:

Câu mở đầu của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: “Vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của cộng đồng môn đệ Đức Kitô, là cộng đồng thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại ”. 

Và những tâm tư của Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: Tiếng chuông ngân trầm/ Việt Nam nguyện cầu/ Tiếng chuông não nùng/ Việt Nam buồn thảm/ Tiếng chuông vang lừng/ Việt Nam khởi hoàn/ Tiếng chuông thanh thoát/ Việt Nam hy vọng/ Con có một tổ quốc Việt Nam/ Quê hương yêu quí ngàn đời…

Thuận Kiệt

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube