Bài giảng lễ Công lý và Hòa bình: "Những cái chết và sứ mạng của chúng ta"

Tối Chúa Nhật 26/6/2016, tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu giúp Thái Hà, Hà Nội, Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý – Hòa bình đã được cử hành trọng thể để cầu nguyện cho đất nước trong Thảm họa môi trường biển miền Trung. Thánh lễ cũng đồng thời cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm, đặc biệt là bà Cấn Thị Thêu, một nông dân bị cướp hết đất đai tại Dương Nội và kiên quyết đấu tranh đòi quyền lợi. Bà đã bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt bỏ tù một lần cả hai vợ chồng, vừa ra tù, bà lại tiếp tục bị bắt lần thứ 2.

Các linh mục Dòng Chúa Cứu thế Thái Hà đã dâng Thánh lễ Đồng tế và thắp nến cầu nguyện. Đông đảo bà con ngoài công giáo cũng đã đến tham dự Thánh lễ hôm nay.

Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong đã giảng lễ.

Nội dung bài giảng như sau:

Hôm nay là ngày thứ 83 diễn ra thảm họa môi trường biển Miền Trung. Chúng ta cùng hiện diện nơi đây để cầu cho công lý và hòa bình, cho đất nước quê hương được phồn thịnh, để cùng tìm câu trả lời cho câu hỏi mà Đức Giám mục giáo phận Vinh – Phaolô Nguyễn Thái Hợp, trong lá thư chung gửi đoàn con giáo phận Vinh đã từng thổn thức: “Vào thời điểm đất nước lâm nguy, Biển Đông bị ô nhiễm, ông, bà, cha, mẹ đã làm gì để cứu biển và cứu chúng con?”

Những cái chết hiển hiện

DCKietvaflopGHXH

Ngày 18 và 19/6/2016 vừa qua, cùng với 50 anh chị em giáo dân Ba Miền, chúng tôi về Châu Sơn thăm gặp Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt – người cha tinh thần của người Công giáo Việt Nam, để chúc mừng ngài nhân dịp ngân khánh linh mục của ngài và để cùng nhau tham dự khóa học Học thuyết Xã hội Công giáo do Câu lạc bộ Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tổ chức.

Trong cuộc nói chuyện với các học viên, Đức Tổng đã rớm nước mắt kể lại những cảm xúc của ngài sau chuyến viếng thăm và tặng quà cho các anh chị em ngư dân Vũng Áng ngày 16/6 vừa qua. Ngài cho biết, biển giờ đã chết. Nếu đi dọc bờ biển, sẽ không tìm thấy bất cứ sinh vật nào còn sống. Thuyền của ngư dân được bọc lại trắng toát như những tấm vải liệm để tang biển. Ngư dân thất nghiệp. Du lịch hết khách. Các chợ hải sản đóng cửa. Đây thực sự là thảm họa chứ không phải là một tai nạn như truyền thông nhà nước suốt thời gian qua cố tình lèo lái dư luận. Theo ngài, thảm họa môi trường Miền Trung thời gian qua, chỉ là phần ngọn của nhiều cái chết, trong đó, có bốn cái chết đã hiển hiện. Đó là: “cái chết của lương tâm, cái chết của luân lý, cái chết của lý trí và cái chết của chính trị.”

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân

Những cái chết này, đặc biệt “cái chết về chính trị”, là đầu mối mọi nguyên nhân gây nên những bất ổn xã hội Việt Nam hiện nay và tiếp tục đẩy đất nước tới nguy cơ diệt vong.

Trong thực tế, kể từ khi cướp chính quyền từ tay các đảng phái khác, chính quyền cộng sản với ý thức hệ vô thần, coi cá nhân chỉ đơn giản là một yếu tố, một phần tử trong cấu trúc xã hội, đến nỗi điều thiện hảo của mỗi người hoàn toàn tùy thuộc vào hoạt động của bộ máy kinh tế và xã hội. Con người chỉ còn là một tổng hợp những tương quan xã hội. Từ đó, “con người bị tước mất những gì có thể gọi là “của mình”, mất khả năng mưu sinh nhờ sáng kiến của mình, đi đến chỗ lệ thuộc vào bộ máy xã hội và vào những người kiểm soát bộ máy đó, điều này khiến cho con người gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận thức phẩm giá của mình và cản trở việc tiến tới sự thiết lập một cộng đồng nhân loại đích thực” (Giáo hoàng Gioan Phaolo II, Thông điệp Bách Chu Niên, ngày 1/5/1991, số 13).

Vì thế, nếu phải chỉ rõ nguyên nhân của những khủng hoảng rộng khắp các lãnh vực, từ đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, cho tới đời sống luân lý, đời sống tâm linh thời gian gần đây mà chuyện cá chết tại Miền Trung là ví dụ điển hình, thì phải nói rằng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do chính cái cơ chế chính trị hiện tại – một cơ chế mà Huấn quyền của Giáo hội, gọi tên là “cơ chế của tội ác”, một cơ chế không nhằm bảo đảm các quyền của con người, nhưng tước đoạt các quyền thiêng liêng của con người, chỉ coi con người là một “cái gì đó”, chứ không coi con người là “một ai đó”, độc đáo, duy nhất, thống nhất xác hồn; một cơ chế xây dựng xã hội dựa trên nguyên tắc “sức mạnh hơn lẽ phải và quyền lợi”, dùng sức mạnh của bạo lực để trấn áp các tiếng nói phản biện, dùng truyền thông để tuyên truyền những điều dối trá, dùng Nghị định, Nghị quyết để tước đoạt các quyền cơ bản của con người một cách vi hiến, biến người dân trở thành những cỗ máy làm phương tiện duy trì chế độ.

Điều bi đát là, người dân – trong đó có cả bà con dân oan Dương Nội và từng người chúng ta, đã còng lưng, chắt bóp đóng từng đồng tiền thuế nuôi chính cái cơ chế tội ác này – một cơ chế thay vì phục vụ công ích như đòi hỏi của lẽ công bằng và luật tự nhiên, lại chỉ phục vụ cho đảng phái, phe nhóm; thay vì phục vụ quyền lợi của người dân, lại đi đàn áp dân, đẩy người dân và xã hội tới tình trạng bất ổn kéo dài.

Chúng ta không thể nói hết được ở đây mọi hệ quả bi thương, tất yếu xảy ra từ một thể chế chính trị luôn khinh miệt nhân vị, coi con người là dụng cụ chứ không phải là hình ảnh của Chúa như thể chính trị tại Việt Nam hiện nay.

Ở đây, trong thời gian ngắn ngủi này, chúng tôi xin mượn lại những lời thơ của một giáo viên trẻ – cô giáo Trần Thị Lam, hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hà Tĩnh. Một bài thơ đã làm dậy sóng công luận một thời gian dài vì đã nói được nỗi lòng của hàng triệu người con đất Việt. Một bài thơ diễn tả cách sắc nét về những sự thật trần trụi trong đất nước. Một bài thơ ngằn ngặt nỗi buồn về tình cảnh của một đất nước không tiếng bom tiếng đạn, nhưng lại chẳng có những nụ cười vô tư, chẳng có phút giây yên ổn, chẳng biết đích đến, vì thiên đường Xã hội Chủ nghĩa “cả trăm năm không biết đã thấy chưa” – như ông tổng bí thư Phú Trọng đã từng nói. Một bài thơ như tiếng thở của cả một dân tộc cô đơn, không bạn bè, cứ tự mình huyễn hoặc để chuốc lấy bao nước mắt tủi hờn vì tụt hậu, vì phải cúi mình làm thân trâu ngựa cho Bắc triều…

Bài thơ ấy có tựa đề:

“ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH?”

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…

Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…

Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…

Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…

Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…

Đất nước sẽ về đâu?” Đó phải là câu hỏi chúng ta phải đặt ra hôm nay cho nhau, cho cả dân tộc này.

Đất nước sẽ về đâu?” Câu hỏi ấy không ai có thể trả lời thay cho chúng ta được. Nói cách khác, không ai có thể trả lời thay cho chúng ta “đất nước sẽ về đâu”. Tất cả chúng ta phải trả lời cho câu hỏi ấy, vì sự tồn vong của dân tộc là trách nhiệm của tất cả chúng ta. 

Sứ mạng của chúng ta?

Lời Chúa của Chúa nhật 13 Thường niên hôm nay cho chúng ta thấy, chúng ta không thể làm ngơ trước mọi thực tại, nhất là những thực tại đang gây nên sự chết chóc. Trái lại, là môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta phải can đảm “dứt khoát lên Giê-ru-sa-lem”, dù phải chấp nhận một cuộc sống “không có nơi tựa đầu”. Chúng ta phải chọn con đường Chúa đã đi – con đường của khổ đau để giải thoát, con đường được xây nên bởi các giá trị của Tin mừng: con đường của sự thật, của công lý, của tự do và của tình yêu.

Cũng vậy, qua cuộc đối thoại của Đức Giê-su với những người còn chần trừ trước quyết định đi theo Ngài, Chúa Giê-su cũng đòi các môn đệ, trong đó có mỗi người chúng ta,phải đặt nhiệm vụ loan báo Tin mừng – cũng là nhiệm vụ Tân Phúc âm hóa xã hội, như Hội đồng Giám mục Việt nam đã chọn làm mục tiêu mục vụ trong năm 2016 này, trên tất cả mọi thực tại khác, bằng cách cổ võ các giá trị của Tin mừng và đem các giá trị Tin mừng vào trong các thực tại của xã hội, nhằm canh tân xã hội – một xã hội đã bị các cơ cấu tội lỗi làm băng hoại.

Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, khi suy tư về ơn gọi của Hội thánh, về vai trò của Hội thánh trong thế giới hôm nay, đã khẳng định:

Đôi khi chúng ta bị cám dỗ trở thành kiểu Kitô hữu đứng xa để nhìn các vết thương của Chúa. Nhưng, Đức Giêsu muốn chúng ta chạm vào sự khốn cùng của con người, chạm vào da thịt đau khổ của người khác. Ngài hi vọng chúng ta ngưng tìm kiếm những tháp ngà của cá nhân hay cộng đồng để che chở chúng ta khỏi vòng xoáy những nỗi bất hạnh của con người; trái lại, Ngài muốn chúng ta đi vào thực tế đời sống của những người khác. Mỗi khi làm như thế, đời sống chúng ta sẽ trở nên hoà nhập một cách kỳ diệu và chúng ta cảm nghiệm sâu xa thế nào là một dân tộc, thế nào là thành phần của một dân tộc” (số 270) và “Sứ mệnh của tôi giữa lòng dân tộc không chỉ là một phần của đời tôi hay một cái phù hiệu mà tôi có thể gỡ bỏ; nó không phải một cái gì “phụ thêm” hay chỉ là một khoảnh khắc khác trong cuộc đời. Trái lại, nó là một cái gì tôi không thể dứt bỏ khỏi mình nếu không muốn tiêu diệt chính mình. Tôi là một sứ mệnhtrên trái đất này; đó là lý do tại sao tôi có mặt trên trái đất này. Chúng ta phải coi mình như được đóng ấn, thậm chí được in nhãn bởi sứ mệnh mang ánh sáng, phúc lành, tạo sức sống, nuôi dưỡng, chữa lành và giải thoát” (số 273).

Thay lời kết

Chúng ta đang ở vào một thời điểm cực kỳ khó khăn của đất nước, bên ngoài ngoại xâm lấn chiến biển đảo, bên trong nội xâm tước đoạt các quyền của con người. Sinh mạng người dân được chính quyền coi như “cái móng tay”. Hệ thống chính trị tê liệt trước ngoại bang và bất lực không tìm được phương cách giải quyết các nan để xã hội.

Chúng ta – những người tin vào Chúa, tin rằng đất nước này được Chúa trao vào tay mỗi người chúng ta và mỗi chúng ta đều có chung một sứ mạng – sứ mạng ấy chính là lý do mà chúng ta có mặt trên mảnh đất hình chữ S này. Chúng ta – nói như Đức Giáo hoàng Phanxicô, “phải coi mình như được đóng ấn, thậm trí được in nhãn bởi sứ mạng mang ánh sáng, phúc lành, tạo sức sống, nuôi dưỡng, chữa lành và giải thoát”; trước hết, giải thoát chính bản thân khỏi những cái chết do tội lỗi; sau nữa là giải thoát dân tộc khỏi những “cơ chế tội lỗi” đang hủy hoại giống nòi và sự tồn vong của dân tộc.

Chúng ta đã làm gì và sẽ làm gì để thực thi sứ mạng hết sức cao đẹp, nhưng cũng khẩn thiết ấy?

Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai hôm nay, trích thư gửi tín hữu Galat, đã nhắc nhở chúng ta, cách riêng những người đã và sẽ tham gia dấn thân xã hội: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa. Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều đừng lợi dụng tự do để sống theo xác thịt, nhưng hãy lấy tình yêu mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả lề luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Nhưng, nếu anh em cắn xé nhau thì hãy coi chừng: anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy” (Gl 5, 1.13-15).

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta.

26/6/2016

Lm. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.

Một số hình ảnh Thánh lễ cầu nguyện:

TlCnCLHB616 (1)

TlCnCLHB616 (2)

TlCnCLHB616 (3)

TlCnCLHB616 (4)

TlCnCLHB616 (5)

TlCnCLHB616 (6)

TlCnCLHB616 (7)

TlCnCLHB616 (8)

TlCnCLHB616 (9)

TlCnCLHB616 (10)

TlCnCLHB616 (11)

TlCnCLHB616 (12)

Ảnh: J.B Nguyễn Hữu Vinh

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube