Nhận biết và tin tưởng

(Lời Chúa thứ Năm sau Chúa Nhật V Mùa Chay: St 17,3-9; Tv 104; Ga 8,51-59)

Tin Mừng hôm nay (Ga 8,51-59) làm nổi bật sự thật hằng hữu bản tính Thiên Chúa nơi Đức Giêsu: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” (Ga 8,58). Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với những Dothái “đã tin” vào Người (Ga 8,31-47), và với những người Dothái nói chung (Ga 8,48-59) càng lúc càng gay gắt.

Những người Dothái “đã tin” vào Đức Giêsu (x. Ga 8,30.31) thật ra họ chưa thực sự tin vào Người và chưa nhận biết Người. Khi Đức Giêsu nói với họ: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,31-32), họ đã phản ứng ngay: “Chúng tôi là dòng dõi ông Abraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” (Ga 8.33). Tuy nhiên, Đức Giêsu cho họ biết sự thật là: chính khi con người chìm đắm trong tội tức là nô lệ vậy! (x. Ga 8,34). Người tự do đích thực phải là người biết thờ phượng một mình Thiên Chúa và thực hành những điều Đức Giêsu truyền dạy (x. Ga 8,35-37). Người tự do đích thực là người để cho Lời Đức Kitô “thấm vào” mình, chứ không phải cậy dựa vào cớ là “dòng dõi Abraham” (Ga 8,37.47).

Để cho Lời Đức Kitô “thấm vào” mình đồng nghĩa với việc lắng nghe và thi hành Lời Thiên Chúa như tổ phụ Abraham đã làm; và như thế “thì muôn đời sẽ không thấy cái chết” (Ga 8,51). Thế nhưng người Dothái “chính cống” (x. Ga 8,48-59) lại không chấp nhận như vậy. Họ tấn công Đức Giêsu: “Chúng tôi bảo ông là người Samaria và là người bị quỷ ám chẳng đúng sao?” “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Abraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: ‘Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết’” (Ga 8,48.52). Người Dothái không những không “tuân giữ” lời Đức Giêsu, mà họ còn coi Người như một người ngoại (Samari), bởi vì trong mắt người Dothái, dân Samari chẳng khác chi một “dân mọi” (x. Ga 4,9). Thật ra ngay từ đầu họ đã có ý định giết Đức Giêsu (x. Ga 5,18; 7,1.19.20). Họ không thể chấp nhận một Đấng Messiah như Đức Giêsu: một con người xem ra là tầm thường và điên rồ trong mắt họ. Họ khoác lác là họ biết Luật Môsê và là con cháu tổ phụ Abraham, nhưng họ lại không đủ nhậy bén để nhận biết ngày giờ Thiên Chúa viếng thăm (x. Lc 19,41).

Trong đời sống đức tin, việc nhận ra đâu là Chân Lý thật là vô cùng quan trọng. Thiên Chúa có dự định của Ngài cho nhân loại và dự định này đã được thực hiện một lần dứt khoát nơi Đức Giêsu Kitô (x. Ga 1,14; Hr 1,1-4). Người Kitô hữu làm sao phải giữ vững đức tin mình đã lãnh nhận từ Hội thánh. Đồng thời cũng phải thật tỉnh táo để nhận ra được “dấu chỉ” sự hiện diện của Thiên Chúa hoặc sự từ chối Người trong cuộc đời mình. Dấu chỉ ấy đôi khi rất nhỏ bé và tầm thường: nơi một anh thương binh khổ cực; nơi một chị nhà quê lên thành phố nhặt rác; nơi tiếng kêu đau đớn chưa thành lời của một thai nhi bị giết; nơi những tiếng than van của những người nông dân nghèo bị mất đất do nạn bất công xã hội; và thậm chí cả nơi những tiếng rít rú của một lớp trẻ trong những chốn trụy lạc vì một xã hội thiếu phương hướng đạo đức…  Lời Đức Giêsu nói với người Dothái, biết đâu lại chẳng nói với chúng ta hôm nay: “Các ông không biết Người!” (Ga 8,55a).

Vincent Maria Phạm Cao Quý, C.Ss.R.

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube