“Nhà nước kiến tạo phát triển”- Khả thi hay bất khả thi?

Nếu một tập thể gồm đa số là những người không tốt dành lấy hết quyền hành, thì những điều tốt như: sự minh bạch, sự rõ ràng nghiêm minh, sự coi trọng hiền tài, khả năng làm việc chuyên môn cao…làm sao có thể bắt đầu được hình thành?

Khoảng năm 2009, bắt đầu xuất hiện trên báo chí Việt Nam cụm từ “Nhà nước kiến tạo phát triển”. Từ năm 2011, cụm từ này bắt đầu được quan chức nhà nước Việt Nam sử dụng. Như trong bài diễn văn của ông Nguyễn Tấn Dũng xác định nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 – 2016 có câu: “Phải chuyển mạnh từ Nhà nước điều hành nền kinh tế sang Nhà nước kiến tạo phát triển”.

Cũng từ đó chúng ta hay nghe cụm từ “cải cách thể chế” từ các phát biểu của các quan chức. Cải cách thể chế hàm ý cải cách cách thức quản lý của nhà nước, trong lãnh vực kinh tế, hướng đến mô hình “nhà nước kiến tạo phát triển”.

“Nhà nước kiến tạo phát triển” là gì và có những đặc điểm nào?

Thật ra, đối với các học giả quốc tế chỉ có mô hình “nhà nước phát triển” hay “nhà nước cứng”, nhưng khi các nhà học thuật Việt Nam dùng thì biến đổi nó đi một chút bằng cách thêm chữ “kiến tạo”.

Theo wikipedia (tiếng Anh): Nhà nước phát triển, hay nhà nước cứng, là một thuật ngữ được các học giả kinh tế chính trị quốc tế sử dụng để chỉ về hiện tượng hoạch định nền kinh tế vĩ mô do nhà nước dẫn dắt ở Đông Nam Á vào cuối thế kỷ XX. Trong mô hình này của chủ nghĩa tư bản (đôi khi được gọi là chủ nghĩa tư bản phát triển nhà nước), nhà nước có quyền lực chính trị độc lập hơn, hoặc tự chủ, cũng như kiểm soát nhiều hơn đối với kinh tế. Một nhà nước phát triển có đặc điểm là có sự can thiệp mạnh của nhà nước, cũng như nặng về sử dụng pháp luật và hoạch định chính sách.

Việt Nam có thể cải cách để chuyển thành nhà nước kiến tạo phát triển không?

Để dễ dàng xem xét và so sánh, trong một bài viết năm 2009, TS Vũ Minh Khương có một bảng nêu lên một cách cụ thể hơn các đặc điểm của nhà nước kiến tạo phát triển:

201607 cX 1

Và một mô hình nhà nước TS Vũ Minh Khương gọi là nhà nước Cai trị và hủ bại:

201607 cX 2

Theo bảng đặc điểm trên, mô hình nhà nước Việt Nam hiện nay giống với nhà nước Cai trị – Hủ bại hơn là có bất cứ đặc điểm nào của nhà nước Kiến tạo phát triển.

Bởi vậy, từ lúc hô hào xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển đến nay, 5 năm trôi qua, kết quả thực tế môi trường kinh tế vẫn đầy những thứ không nghiêm minh, cần phải “chạy”, phải tốn “phí không chính thức”, phải gõ cửa từng phòng quan chức vì ý kiến của các quan chức khác nhau,v.v.

Như bản tin ngày 21/7/2016 của TTXVN, chỉ cách đây vài ngày: “Từ thực tiễn khảo sát môi trường kinh doanh ở nhiều địa phương, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thẳng thắn cho biết, muốn thủ tục hành chính chạy được suôn sẻ, chính doanh nghiệp và nhà đầu tư phải dành công sức và thời gian, kể cả chi phí chính thức và không chính thức để thúc đẩy.

Hay để hoàn thành một thủ tục đất đai cho hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có thể phải “chạy” mướt mồ hôi từ cấp tỉnh xuống tận cấp huyện, cấp thôn; chạy lòng vòng giữa các sở ngành.

Thậm chí trong mỗi sở, những phòng khác nhau có thể có ý kiến khác nhau, nên việc lần lượt gõ cửa từng phòng cũng không phải là chuyện hiếm”.

Nguyên nhân

Ngày 28/11/2013, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tức là đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục là tổ chức có quyền cao nhất trong mọi hoạt động của đất nước.

Nhưng thực tế bây giờ trong dân chúng, có một câu chúng ta có thể nghe thấy: “Ông ta/ Bà ta là đảng viên nhưng mà tốt”. Nghĩa là người tốt thường không phải là đảng viên! Như một đúc kết chắc chắn, đương nhiên trong cuộc sống.

Trong khi theo Hiến pháp, các đảng viên đảng Cộng sản nắm mọi vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước.

Nếu một tập thể gồm đa số là những người không tốt dành lấy hết quyền hành, thì những điều tốt như: sự minh bạch, sự rõ ràng nghiêm minh, sự coi trọng hiền tài, khả năng làm việc chuyên môn cao…làm sao có thể bắt đầu được hình thành?

Thuận Kiệt

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube