Nguồn lực nào cho đất nước đi lên?

Tham nhũng của các ông là tham nhũng chính trị. Một dạng tham nhũng nghiêm trọng nhất, vì nó phản bội cùng một lúc các nguyên tắc luân lý lẫn các chuẩn mực công bằng xã hội.  Nó làm phương hại tới việc thực hiện chức năng đúng đắn của Nhà nước (Tóm lược HTXHCG số 411)

Hình: Internet

***

Lệnh điều tra

Theo Văn phòng Chính phủ, và Văn phòng Trung ương Đảng thì về phía Nhà nước, có đến 4 bộ là Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nội Vụ và một cơ quan ngang bộ là Thanh tra Chính phủ; về phía Đảng có Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo lệnh của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng điều tra:

  1. làm rõ việc thuyên chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Trịnh Xuân Thanh;
  2. các sai phạm dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013); việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam PVC (giai đoạn 2008 -2013), thời ông Thanh làm lãnh đạo đơn vị này.

Ông Trịnh Xuân Thanh là ai?

Ông Trịnh Xuân Thanh sinh năm 1966, tại huyện Đông Anh, Hà Nội, đến nay tròn 50 tuổi, là một trong những nhân vật được cho là thăng quan, tiến chức nhanh “đến chóng mặt” nhưng cũng “ồn ào” không kém.

Thật vậy, không kể 17 năm đầu từ ngày tốt nghiệp đại học Kiến trúc Hà Nội (năm 1990), trong khoảng 9 năm gần đây, theo tài liệu:

Tháng 10/2007 đang là Tổng Giám đốc công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng (thuộc bộ Xây dựng) ông Thanh trở thành Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, rồi sau đó là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Đánh giá công tác của ông Thanh ở cương vị nói trên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản nói ông Thanh và ban lãnh đạo PVC đã “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế”. Do khuyết điểm ở PVC, ông “không đủ điều kiện, tiêu chuẩn” để luân chuyển hay lên chức cao hơn.

Tuy vậy, tháng 9/2013, ông Thanh được Bộ Công Thương bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng Bộ, rồi Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ.

Tháng 5/2015, ông Thanh luân chuyển công tác và được bầu làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Tháng 5/2016, trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV (2016-2021).

Tháng 7/2016, do sai phạm “đi xe tư nhưng dùng biển số xanh” (biển kiểm soát dành cho xe công). Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định hủy tư cách đại biểu Quốc hội của ông.

Tiếp đến ông Thanh xin không tái cử Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Hiện nay, xin nghỉ phép để trị bệnh.

Phải chăng, ông Thanh được một ai đó, hay một “nhóm quyền lực”, “nhóm lợi ích” nào đó “đỡ lưng”?

Kết quả của công tác điều tra

Tại phiên họp báo của Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016, người phát ngôn của Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông báo với các cơ quan báo chí rằng, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra làm rõ những vấn đề liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh mà dư luận đang quan tâm.

Ông Dũng còn cho biết, “các cơ quan pháp luật đã vào cuộc hết sức đồng bộ”, “với quyết tâm chính trị cao nhất”, “kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, ngay cả vấn đề lợi ích nhóm trong vấn đề đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, hay lợi ích nhóm trong việc sử dụng tài sản, tiền của nhân dân”.   

Nhưng trong buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều ngày 31/8, ông Dũng thông báo công tác điều tra các vụ việc liên quan đến ông Thanh như vụ luân chuyển, bổ nhiệm, vụ điều tra PVC vẫn đang tiến hành và chưa có báo cáo chính thức. Mặc dầu Thủ tướng Phúc yêu cầu 30/8 là thời hạn chót phải báo kết quả cho ông.

Người dân bàn luận

Một công việc không quá khó khăn, được nhiều cơ quan cấp bộ phía Nhà nước, cấp Trung ương Đảng, theo lệnh của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, của Nhà nước thực thi, trong một thời gian khá dài, ít là 2 tháng, cho đến nay chưa có kết quả. Làm sao dư luận, những ngày này không khỏi bàn luận, rằng là:

  1. Năng lực công tác của các cơ quan Nhà nước, Đảng là không đáp ứng yêu cầu nếu không muốn nói là quá yếu kém hay là “trên nói dưới không nghe”.
  2. Nhà nước, Đảng không dám công khai, minh bạch những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh vì sai phạm của ông Thanh có nguyên nhân từ sự lãnh đạo, sự quản lý, điều hành yếu kém của Đảng và Nhà Nước. Công khai sẽ làm sút giảm niềm tin của dân nơi Đảng và Nhà nước.  
  3. Sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh chắc chắn liên quan đến nhiều cán bộ khác, nhiều ngành khác, thậm chí có những cán bộ ở cấp cao nên công khai, không lẽ “bỏ tù hết” thì “cán bộ đâu để làm việc”.
  4. Đảng, Nhà nước này lại thực hiện cái bài “để lâu, cứt trâu hóa bùn” như đã từng ở những vụ việc tham nhũng trước đây.
  5. Thế lực nào đó phía sau ông Trịnh Xuân Thanh quá mạnh đến nỗi ông Tổng Bí thư đảng, ông Thủ tướng không dám “đụng” đến, dẫu đã mạnh miệng tuyên bố “kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, …”

Tạm kết

Đồng ý với ông Tổng Bí thư, “đấu tranh chống tham nhũng rất phức tạp, khó khăn”, cắt bỏ cái ung nhọt ấy đau đớn cho Đảng lắm, nhưng khi đảng của ông không cắt nổi mà chỉ sưu cao, thuế nặng đổ lên đầu dân, để bù vào ngân sách thiếu hụt do tham nhũng, lương cán bộ công nhân viên không thể tăng vì ngân sách không đủ do tham nhũng vơ vét.

Đảng sắp đặt, cùng với nạn chạy chức chạy quyền làm ung nhọt tràn lan xã hội Việt Nam hiện nay.

Tham nhũng của các ông là tham nhũng chính trị. Một dạng tham nhũng nghiêm trọng nhất, vì nó phản bội cùng một lúc các nguyên tắc luân lý lẫn các chuẩn mực công bằng xã hội. Nó làm phương hại tới việc thực hiện chức năng đúng đắn của Nhà nước, gây ảnh hưởng tiêu cực trên mối quan hệ giữa những người làm việc công (ăn lương từ thuế dân đóng) và những người hưởng lợi ích công (tức người dân). Nó gây ra một sự bất tín nhiệm ngày càng tăng đối với các cơ quan công quyền, đem lại một sự ác cảm ngày càng sâu sắc nơi các công dân đối với chính trị và các người đại diện cho nền chính trị. (Tóm lược GHXHCG số 411)

Với một tâm trạng ác cảm nơi công dân đối với chính trị như thế thì nguồn lực nào cho đất nước đi lên?

An Phúc

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube