Người Sài Gòn nườm nượp câu cá cạnh biển cấm

  • Xã hội
  • Thứ Bảy, 16-04-2016 | 23:47:34

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là một tuyến kênh quan trọng của TP.HCM, chảy qua các quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp. Trước tình trạng ô nhiễm nặng nề, Ngân hàng Thế giới đã tài trợ hơn 300 triệu USD để hồi sinh dòng kênh này.

cauca-afamily1

Ảnh: Afamily

Trong khi các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm cố gắng thả cá xuống kênh với mong muốn bảo vệ cảnh quan xanh cho thành phố thì nhiều người dân vẫn bất chấp lệnh cấm, ngang nhiên câu cá hai bên bờ.

Cứ tầm 4 đến 5 giờ chiều trở đi, hàng trăm người dân lại đứng dọc hai bên bờ kênh (đường Trường Sa – Hoàng Sa) thả câu. Thậm chí, có người còn thản nhiên thả câu ngay bên cạnh biển cấm.

Có người coi câu cá như một thú vui, câu xong rồi lại thả xuống. Nhưng có không ít người câu cả chục con cá các loại (điêu hồng, rô phi, trê…) rồi tổ chức “tiệc nướng” ngay bên bờ kênh, nhậu nhẹt tưng bừng. Cũng có những người câu cá để bán và họ bất chấp tất cả để “kiếm cơm” theo cách phi pháp này.

Anh Trung, người dân sống bên bờ kè, cho biết: “Lúc nào cũng có người đến câu. Chiều mát mẻ thì nhiều hơn. Có lúc cũng thấy công an tịch thu cần câu. Nhiều khi các bà đi tập thể dục nhắc nhở, gọi điện báo chính quyền thì họ đi ngang đi dọc rồi lát cũng quay lại”.

Dù công an các phường cũng đã đi kiểm tra, thu hàng chục cần câu; buộc các cần thủ thả cá trở lại dòng kênh. Bên cạnh đó, các phường cũng đã ký kết liên tịch để đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị, trong đó tập trung ngăn chặn tình trạng câu cá trái phép nhưng dường như hiệu quả không là bao.

Nhiều đề xuất xử phạt cũng đã được đưa ra, nhưng đến nay vẫn chưa có một quy định chính thức nào về việc xử phạt hành vi câu cá trên các kênh rạch, ao, hồ trong khu vực đô thị. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho quá trình xử lý hành vi câu cá trái phép này.

caucaz

Ảnh: Zing

Một người dân sống gần cầu Thị Nghè (quận Bình Thạnh) bức xúc: “Nhiều người quá vô ý thức. Tận diệt cá như vậy vừa trái pháp luật, vừa gây hại cho hệ sinh thái dòng kênh. Cơ quan chức năng cần đưa ra chế tài cụ thể, rõ ràng để sớm chấm dứt tình trạng này, chứ không thể để hàng chục ngàn tỉ đồng cải tạo kênh trở nên phung phí như vậy”.

Chị Hoàng Mai sống ở Thủ Đức thỉnh thoảng đi ngang dòng kênh này và cảm thấy rất vui khi dòng kênh đen ngòm, hôi thối ngày nào đã trở nên sạch đẹp. Thế nhưng chị cũng khá lo lắng trước sự ngang nhiên coi thường pháp luật của một bộ phận người dân. Chị chia sẻ: “Tuyên truyền, vận động không đánh bắt cá thì nhiều, nhưng cần sự quyết liệt nhiều hơn nữa của công an các phường có dòng kênh đi qua. Phải xử phạt nặng một lần để người ta nhớ đời. Như vậy thì không ai dám ngang nhiên đến câu cá rồi nướng cá ngay tại chỗ như vậy nữa”.

Việc bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm của riêng ai, do vậy người dân cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền để có thể giữ gìn tài sản chung này. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phải điều chỉnh quy định, áp dụng thêm các biện pháp chế tài đặc thù đối với các hành vi câu cá trên các kênh, rạch ở trung tâm thành phố. Có như vậy, mới có thể nhanh chóng lấy lại vẻ xanh – sạch – đẹp cho kênh Nhiêu Lộc cũng như những bờ kênh khác.

Trung Kiên

Bầu cử Quốc hội: Vì sao ông Trần Đăng Tuấn bị loại?

Điểm tin: Dân giúp công an, công an đánh dân nhập viện và bổ nhiệm cú vét

Chuyện BUMACUS

Chúng ta có thể từ chối tham gia vào những điều dối trá

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube