“Người dân phẫn nộ…” – Tuyên bố của các nhân sĩ, trí thức và các nhà hoạt động xã hội về vụ đầu độc biển miền Trung

“Người dân Việt Nam quyết không chọn con đường tăng trưởng kinh tế với cái giá hi sinh môi sinh của đất nước, hi sinh quyền lợi của dân nghèo, hi sinh chủ quyền quốc gia; Người dân Việt Nam quyết không chấp nhận những kẻ cầm quyền ngu dốt, tham lam, bán rẻ dân tộc vì lợi lộc, tham vọng cá nhân và phe đảng; Người dân Việt Nam quyết không chịu chết thảm như những con cá nhiễm độc ở Biển Đông!

Đó là lời tuyên bố chung rất mạnh mẽ của một số nhân sỹ, trí thức và các nhà hoạt động xã hội trong và ngoài nước, cùng ký tên trong bản “Tuyên bố về tội ác đầu độc biển miền Trung Việt Nam”, được phổ biến từ mấy ngày qua và đang tiếp tục được nhiều người khác tham gia ký tên.

Vụ nước biển miền Trung bị nhiễm độc nặng nề đang gây quan ngại lớn lao cho tất cả những ai có lương tri và có lòng yêu nước. Vụ việc này đặt ra hàng loạt những vấn đề nghiêm trọng.

Bản Tuyên bố bắt đầu bằng việc tóm tắt những hệ lụy to lớn và nặng nề của vụ nước biển miền Trung bị nhiễm độc. “Đại hoạ thảm khốc trên – Tuyên bố viết – không chỉ hủy hoại ngư trường của hàng vạn người dân ven biển miền Trung, hủy hoại môi sinh ven bờ, gây ra tình trạng lan tràn thực phẩm độc hại cho các vùng khác, mà còn gây hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với các ngành kinh tế khác của Việt Nam như dịch vụ nghề cá, sản xuất muối, nuôi trồng thủy hải sản ven sông biển, du lịch, các dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng ven biển…”

Thảm họa này chắc chắn có ảnh hưởng không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với một số nước trong khu vực – bản Tuyên bố nói rõ, và xác định hành động làm nhiễm độc nước biển này là một tội ác: “Đây là một tội ác hủy hoại môi trường sinh thái và diệt chủng tiềm tàng. Trước mắt là cá và các loài thủy hải sản chết hàng loạt, và đã có người chết; sau đó sẽ gây ra bệnh tật nguy hiểm cho con người và các vật nuôi như đã từng xảy ra ở một số nơi trên thế giới trước đây cùng nhiều hệ lụy chưa thể lường hết được.”

Nghi phạm số một của tội ác này được nêu đích danh: Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan đóng tại Vũng Áng Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh). Các tác giả bản Tuyên bố thẳng thắn: “Cho đến hôm nay, mặc dù được một số thế lực bao che và tìm cách hoãn binh để phi tang, nhiều bằng chứng đã chỉ ra nghi phạm số một của vụ đầu độc biển Vũng Áng: Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan đóng tại Vũng Áng Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) đã xả số lượng lớn chất cực độc ra biển trong quá trình súc rửa đường ống xả thải.”

Bản Tuyên bố cũng chẳng ngại nêu đích danh những kẻ đồng lõa với nghi phạm trong tội ác này, bằng việc bao che khi tội ác xảy ra, tạo điều kiện cho kẻ thủ ác phi tang và vô trách nhiệm trong việc xử lý. “Người dân càng phẫn nộ – Tuyên bố viết – trước phát ngôn hàm ý bao che cho nghi phạm, đánh lừa, xoa dịu dư luận của một số quan chức cấp bộ và tỉnh, trước hành vi hết sức khó hiểu của người đứng đầu Đảng Cộng sản – tổ chức tự cho mình độc quyền lãnh đạo toàn diện quốc gia – đã đến thăm nghi can số một, thay vì thăm hỏi người dân bị nạn, đúng vào thời điểm mọi mũi dùi công luận chĩa hết vào nghi can ấy”.

Trách nhiệm của nhà cầm quyền và các cơ quan chức năng không chỉ gói gọn trong thảm họa này, mà còn trước đó nữa. Các cơ quan chức năng đã ưu đãi Formosa Hà Tĩnh một cách bất thường. Hơn nữa, “Những người có quyền quản trị quốc gia đã cho phép Formosa Hà Tĩnh được hoạt động như một đặc khu, các cơ quan chức năng của Việt Nam không dễ gì được vào để kiểm tra kiểm soát về an toàn môi trường cũng như mọi hoạt động của nó, như thực tế đã cho thấy trong vụ cá chết vừa qua” – bản Tuyên bố viết.

Sau khi đã nói về những hệ lụy nghiêm trọng của thảm họa và về những chủ thể phải chịu trách nhiệm về thảm họa môi trường này, những người ký tên vào bản Tuyên bố nêu ra cho nhà cầm quyền 6 yêu cầu:

  1. “Thi hành mọi biện pháp hỗ trợ người dân ven biển miền Trung nạn nhân vụ biển bị nhiễm độc khôi phục sự sống cả trước mắt và lâu dài.Tạm đình chỉ ngay việc sử dụng đường ống xả thải này trước khi các cơ quan chức năng bảo đảm được công tác kiểm tra an toàn nước thải do nó xả ra biển.
  2. Sử dụng mọi quyền lực nhà nước và biện pháp cần thiết, huy động mọi lực lượng xã hội như giới khoa học kỹ thuật, luật gia, nhà báo độc lập, nếu cần thì mời cả chuyên gia quốc tế, để nhanh chóng đưa thủ phạm vụ đầu độc biển miền Trung ra trước pháp luật; trừng trị nghiêm khắc, đích đáng, bắt chúng bồi thường mọi thiệt hại về người và của cho người dân bị liên lụy, cho những tác hại môi sinh của nước nhà.
  3. Gấp rút điều tra để trả lời câu hỏi: Vì sao Formosa, một công ty sản xuất thép với công nghệ lạc hậu và những thành tích bất hảo phá hoại môi sinh ở nhiều nước, như gần đây đã bộc lộ, lại được hưởng những ưu đãi chưa từng có, vi phạm chủ quyền quốc gia như thế?
  4. Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, không để Formosa thi hành việc xả thải gây ô nhiễm từ từ thay vì gây độc cấp tính như vừa qua, làm công luận phẫn uất. Hậu quả của biện pháp đối phó này sẽ là cá, người và biển chết từ từ.
  5. Sẵn sàng xoá bỏ dự án Formosa, nếu những nguy hiểm tiềm tàng mà dự án gây ra không thể triệt tiêu được.
  6. Kỷ luật các quan chức trung ương và địa phương vô trách nhiệm và có thể có tham nhũng, tiêu cực trong việc xử lý vụ đầu độc biển miền Trung.”

Bản Tuyên bố là một trong những phản ứng rất đáng chú ý của công luận và nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước, trước thảm họa nước biển Miền Trung bị nhiễm độc nói riêng và việc các nhà cầm quyền đã chậm trễ, vô cảm, thiếu trách nhiệm và thiếu khả năng trong việc điều hành xã hội nói chung.

Thanh Tâm

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube