Năm điểm cần chú ý trong chuyến Tông du của ĐTC Phanxicô tới Miến Điện và Bangladesh

Hôm thứ Hai 27/11, ĐTC Phanxicô đã hạ cánh xuống phi trường Yangon để thực hiện chuyến viếng thăm kéo dài sáu ngày có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị và tôn giáo đưa Ngài đến Miến Điện và Bangladesh khi hai nước này hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tị nạn đang leo thang.

Pope_Francis_arrives_at_the_Yangon_International_Airport_on_Nov_27_2017_Credit_LOsservatore_Romano_1_CNA

ĐTC Phanxicô sẽ có mặt tại Miến Điện và Bangladesh từ ngày 27/11 đến ngày 2/12 trong chuyến Tông du thứ ba của mình tại châu Á kể từ cuộc bầu cử năm 2013. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của ĐTC Phanxicô đến Miến Điện, Tòa Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với đất nước này hồi đầu năm nay.

Tuy nhiên, chuyến thăm của ĐTC Phanxicô tới Bangladesh là chuyến viếng thăm thứ hai của một vị Giáo Hoàng tới nước này, chuyến Tông du đầu tiên được thực hiện bởi Thánh Gioan Phaolô II vào năm 1986.  Chân Phước Phaolô VI đã dừng chân tại lãnh thổ nước này vào năm 1970, khi đó vẫn là Đông Pakistan.

Trong suốt chuyến viếng thăm sáu ngày của mình, ĐTC Phanxicô sẽ đưa ra tổng cộng 11 bài phát biểu: năm bài phát biểu tại Miến Điện, gồm ba bài phát biểu chính thức và hai bài giảng, và sáu bài diễn văn tại Bangladesh, trong đó có năm bài phát biểu chính thức và một bài giảng.

Trên chuyến bay, ĐTC Phanxicô đã phát biểu với các phóng viên rằng Ngài hy vọng đây sẽ là một chuyến viếng thăm đầy thành quả. Dưới đây là một số điểm quan trọng trong chuyến Tông du này.

Các cuộc gặp gỡ của ĐTC Phanxicô với các quan chức dân sự và quân đội Miến Điện

Chuyến đi này là một trong những chuyến viếng thăm quốc tế phức tạp nhất về mặt ngoại giao mà ĐTC Phanxicô đã thực hiện cho đến nay, đến mức mà người phát ngôn Vatican, ông Greg Burke đã mô tả chuyến đi này với các nhà báo là “đầy thú vị về mặt ngoại giao” trong cuộc họp báo tuần trước.

Ngoài số dân Công giáo khá khiêm tốn ở mỗi quốc gia, tình hình chính trị ở Miến Điện đã trở nên bấp bênh trong nhiều năm, vì họ đang ở giữa bối cảnh của sự chuyển đổi từ lãnh đạo quân sự sang ngoại giao.

Quốc gia này còn được gọi là Myanmar, và trong khi Vatican sử dụng tên này trong thư tín ngoại giao chính thức của mình, “Myanmar” được chính phủ Hoa Kỳ và nhiều nhà hoạt động dân chủ cho là đã bị áp đặt một cách bất hợp pháp vào nước này bởi chế độ độc tài quân sự của nó.

Miến Điện hoạt động như một nền độc tài quân sự trong hơn 50 năm, cho đến khi những cải cách dân chủ bắt đầu bắt đầu vào năm 2011. Vào tháng 11 năm 2015, bà Aung San Suu Kyi và đảng của bà, Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, đã giành chiến thắng với con số áp đảo, chấm dứt chế độ độc tài quân sự kéo dài 5 năm.

Bà Aung San Suu Kyi và đảng của bà cũng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 1990, nhưng kết quả đã không được chính phủ quân đội công nhận và bà đã bị quản thúc tại gia. Tuy nhiên, bất chấp thành công của bà vào năm 2015, bà vẫn không được chính thức trở thành Tổng thống, và giữ chức vụ “Cố vấn Nhà nước” và Bộ trưởng Ngoại giao, trong khi một trợ lý thân cận của bà đang giữ vai trò Tổng thống.

Mặc dù có những dấu hiệu nổi lên về cuộc cải cách dân chủ ở Miến Điện, nhưng quân đội vẫn nắm giữ quyền lực chính trị đáng kể, bao gồm việc bổ nhiệm các bộ trưởng và một phần tư cơ quan lập pháp của quốc gia.

Một phần quan trọng của chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô cần phải theo dõi sau đó là các cuộc gặp gỡ chính thức của Ngài với bà Aung San Suu Kyi vào ngày 28/11 và cuộc gặp gỡ với ông Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của nước này.

Cuộc gặp gỡ với ông Min Aung Hlaing ban đầu không nằm trong lịch trình của ĐTC Phanxicô; tuy nhiên, trong chuyến viếng thăm gần đây tới Rôma, Đức Hồng y Charles Maung Bo Địa phận Yangon đã đề nghị nên thêm một cuộc gặp với lãnh đạo quân đội.

ĐTC Phanxicô đã làm theo lời khuyên của ĐHY Bo và lên kế hoạch cho cuộc gặp gỡ này vào ngày 30/11 tại Tòa Tổng Giám mục Yangon, nơi mà Ngài sẽ lưu lại khi thực hiện chuyến viếng thăm tại Miến Điện. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ này đã diễn ra vào ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô, ngay sau khi chuyến bay hạ cánh.

Cuộc gặp gỡ kéo tổng cộng dài 15 phút, bao gồm cuộc trò chuyện qua thông dịch viên và trao đổi quà tặng, cuộc gặp gỡ riêng này chính là cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên của ĐTC Phanxicô trong chuyến thăm này. Một số đại biểu của ông Min Aung Hlaing cũng đã có mặt.

Theo ông Burke, cả hai nhà lãnh đạo đã nói về “trách nhiệm lớn lao của các nhà chức trách của đất nước trong thời điểm chuyển tiếp này”.

Ông Min Aung Hlaing chia sẻ trên Twitter rằng ông đã nói với ĐTC Phanxicô: “không hề có sự đối xử phân biệt đối với tôn giáo” ở nước này, và “có tự do tôn giáo”.

Việc ĐTC Phanxicô nhấn mạnh chuyến đi đối với ngày đầu tiên trong chuyến viếng thăm này, khi không có gì khác được lên kế hoạch, là đáng lưu ý và sẽ rất quan trọng cần ghi nhớ khi gặp gỡ bà Aung San Suu Kyi, Tổng thống, và các quan chức dân sự vào ngày 28/11. Những lời nói của ĐTC Phanxicô trong suốt cuộc gặp gỡ chắc chắn mang một ý nghĩa trọng yếu.

Thuật ngữ ‘Rohingya’

Với bối cảnh chính trị này, một vấn đề khác cần lưu ý là liệu ĐTC Phanxicô có sử dụng thuật ngữ Rohingya để mô tả nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo chủ yếu sống ở bang Rakhine của Miến Điện hay không.

Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô được đưa ra trong bối cảnh bạo lực chống lại người Rohingya, mà trong những tháng gần đây đã đạt đến mức đáng kinh ngạc, khiến cho Liên Hợp Quốc đã phải tuyên bố tình hình “một ví dụ điển hình về việc thanh trừng sắc tộc”.

Với sự gia tăng cuộc đàn áp ở quê hương của họ, nhiều người Rohingya đã chạy trốn sang Bangladesh, với hàng triệu người phải đóng trại dọc theo khu vực biên giới như những người tị nạn. Hơn 600,000 người Rohingya đã chạy trốn khỏi Miến Điện sang Bangladesh trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, bất chấp việc sử dụng rộng rãi thuật ngữ Rohingya trong cộng đồng quốc tế, thuật ngữ này đang gây tranh cãi ở Miến Điện.

Chính phủ Miến Điện từ chối sử dụng thuật ngữ này và coi họ là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh. Họ đã bị từ chối quốc tịch kể từ khi Miến Điện giành độc lập vào năm 1948.

Vì tính chất đòi hỏi cần phải giải quyết một cách hết sức thận trọng đối với thuật ngữ này, Đức Hồng Y Bo cũng đã đề nghị với ĐTC Phanxicô rằng Ngài không nên sử dụng thuật ngữ này, đồng thời lập luận rằng các phần tử cực đoan trong khu vực đang cố kích động dân chúng bằng cách sử dụng thuật ngữ này, khiến cho nguy cơ về một cuộc xung đột liên tôn mới xuất hiện ngày càng nhiều, với việc các Kitô hữu bị đặt vào một tình huống đầy khó xử.

Theo ĐHY Bo, thuật ngữ chính xác nên sử dụng đó là “Những người Hồi giáo của tiểu bang Rakhine”. ĐHY Bo cũng đã nhấn mạnh rằng các dân tộc thiểu số khác trong lãnh thổ Miến Điện hiện đang phải đối mặt với việc bị đàn áp và bị buộc phải di dời, bao gồm những người Kachin, Kahn và Shahn, nhưng hoàn cảnh của họ thường không được báo cáo.

Ông Burke cho biết tình hình nhân đạo hiện đang ngày càng trở nên tồi tệ gần đây tại Miến Điện sẽ là một yếu tố quan trọng trong chuyến thăm của ĐTC Phanxicô, và ĐTC Phanxicô đến “vào một thời điểm then chốt” theo ý nghĩa này.

Tuy nhiên, trong khi tình hình của những người Rohingya đã leo thang trong vài tháng qua, ông Burke cho biết rằng đó không phải là lý do chính cho chuyến thăm của ĐTC Phanxicô.

“Dù sao thì chuyến viếng thăm cũng sẽ xảy ra”, ông Burke nói. Những tiến triển gần đây đã “thu hút sự chú ý đối với chuyến viếng thăm, nhưng dù sao điều này cũng sẽ xảy ra”.

Chính ông Burke cũng đã sử dụng thuật ngữ “Rohingya” để miêu tả những người thiểu số Hồi giáo đang bị đàn áp, ông cho biết rằng “nó không phải là một thuật ngữ bị cấm” ở Vatican, và chính ĐTC Phanxicô cũng đã sử dụng thuật ngữ này trước đây.

Nhưng Đức Hồng Y Bo đã đưa ra một gợi ý mà ĐTC Phanxicô “đã tính đến”, ĐHY Bo nói, và đồng thời cho biết thêm rằng, “chúng ta hãy thử xem” liệu ĐTC Phanxicô có sử dụng thuật ngữ này trong chuyến thăm của mình hay không.

Các cuộc gặp gỡ liên tôn

Trong suốt chuyến thăm của mình, ĐTC Phanxicô sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ liên tôn, với sự tham gia của nhiều người Hồi giáo Rohingya. Kết hợp điều này với thực tế là Miến Điện là một quốc gia Phật giáo chiếm đa số và Bangladesh đa số là người Hồi giáo, và những cuộc gặp gỡ này sẽ được đặc biệt quan tâm.

Tầm quan trọng là một cuộc họp riêng của các nhà lãnh đạo liên tôn được dự định sẽ diễn ra vào ngày 28 tháng 11 tại Tòa Tổng Giám mục tại Yangon, vốn ban đầu không nằm trong dự kiến của ĐTC Phanxicô, nhưng cũng đã được thêm vào theo đề nghị của Đức hồng y Bo.

Mặc dù chưa có danh sách những người sẽ tham gia, ĐHY Bo cho biết khoảng 15 nhà lãnh đạo tôn giáo sẽ có mặt tại đây cùng với các Kitô hữu, các tín đồ Phật giáo, Ấn giáo và Hồi giáo, bao gồm sự hiện diện của một thành viên của cộng đồng Rohingya.

Cùng ngày, ĐTC Phanxicô cũng sẽ gặp gỡ các thành viên của “Tăng đoàn”, Hội đồng Tối cao của các giáo sĩ Phật giáo trong nước. Người Công giáo ở Miến Điện chỉ là một cộng đồng thiểu số nhỏ bé, chỉ chiếm 1,3% dân số gần 52 triệu người.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ gặp gỡ những người Hồi giáo Rohingya trong một cuộc gặp gỡ liên tôn tại Bangladesh vào ngày 1 tháng 12, nơi mà dự kiến sẽ có 5 nhân chứng đưa ra những lời khai của họ. Các tín hữu Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo và nhiều Kitô hữu cũng sẽ có mặt trong cuộc gặp gỡ này.

Tại Bangladesh, 86% dân số đều theo đạo Hồi. 375,000 người Công giáo đại diện cho ít hơn 0,2% tổng dân số.

Những phát biểu của ĐTC Phanxicô với cộng đồng Công giáo

Như đã được biết đến, ĐTC Phanxicô có một sự đồng cảm đặc biệt với những vùng ngoại vi. Cả Miến Điện và Bangladesh đều rơi vào loại này theo nghĩa Giáo hội, cũng như về mặt kinh tế. Bangladesh là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, với gần 30% dân số sống dưới mức nghèo.

ĐTC Phanxicô đã nâng vị thế của các quốc gia này bằng cách bổ nhiệm các vị Hồng y đầu tiên, trao nón đỏ cho Đức Hồng y Bo vào năm 2015 và cất nhắc Đức Hồng Y Patrick D’Rozario Địa phận Dhaka vào tháng 11 năm 2016.

Với việc các Kitô hữu chỉ là một cộng đồng thiểu số nhỏ bé ở cả Miến Điện và Bangladesh, các cuộc bổ nhiệm của ĐTC Phanxicô đều đã được coi như là một động lực cho các quần thể Công giáo nhỏ bé, và chuyến viếng thăm của Ngài được xem như là một dấu hiệu tiếp theo của sự gần gũi của Ngài đối với những đối tượng phải đối diện với việc bị phân biệt đối xử trong khu vực.

Các Kitô hữu ở Miến Điện cũng phải đối mặt với một cuộc đàn áp có thể nhận thấy rõ mà một số mối lo ngại có thể gia tăng nếu như ĐTC Phanxicô làm mích lòng chính phủ liên quan đến vấn đề Rohingya.

Năm ngoái, Ủy ban Tự do Tín ngưỡng Hoa Kỳ đã đưa ra hai báo cáo riêng về Miến Điện, một trong số đó tập trung vào hoàn cảnh của những người Rohingya, và báo cáo thứ hai có tựa đề “Những hoàn cảnh bị che giấu: Các dân tộc thiểu số Kitô giáo ở Miến Điện” nhấn mạnh sự phân biệt đối xử và bách hại mà các Kitô hữu phải đối mặt.

Những cuộc gặp gỡ với giới trẻ

Các chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Miến Điện và Bangladesh sẽ kết thúc bằng những cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ của hai nước.

Theo ông Burke, đây chính là một quyết định mà chính ĐTC Phanxicô đã đưa ra để chứng tỏ rằng họ chính là một thành phần thiết yếu của Giáo Hội, và ở mỗi quốc gia, đó là “một Giáo Hội trẻ trung với tràn trề niềm hy vọng”.

Trong các cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ, ĐTC Phanxicô thường bỏ qua những bài phát biểu đã được chuẩn bị sẵn của mình sau khi lắng nghe những lời chứng và chia sẻ một cách thoải mái và ngẫu nhiên với các bạn trẻ khi Ngài cố gắng bước vào một thực tế bất công mà người dân địa phương hiện đang phải đối mặt, trao cho họ một thông điệp về hy vọng và một số chỉ dẫn cho tương lai.

Trong những thông điệp gửi đến cả hai quốc gia trước chuyến viếng thăm của mình, ĐTC Phanxicô cho biết Ngài sẽ truyền bá Tin Mừng và mang lại một sứ điệp hòa bình, tha thứ và hòa giải.

Mặc dù ĐTC Phanxicô có thể sẽ cung cấp lời khuyên của một người cha cho các linh mục và tu sĩ, cuộc gặp gỡ với giới trẻ là nơi mà Ngài có thể vượt qua lĩnh vực chính trị để đưa ra một thông điệp về hy vọng, hòa bình và hòa giải cho các bạn trẻ để tiến tới tương lai.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube