"Làm từ thiện" và trách nhiệm liên đới xã hội

Cho dẫu bất cứ lý do gì, thì con người cũng phải được đặt lên hàng đầu, và phải là mối quan tâm ưu tiên trước khi suy tính thiệt hơn cho những yếu tố khác. Thiết nghĩ trách nhiệm ấy càng nặng nề hơn đối với những người có vai trò quan trọng và có tầm ảnh hưởng rộng trong xã hội – đặc biệt là những nhà lãnh đạo tinh thần, những chức sắc tôn giáo.

Những ngày vừa qua, dư luận xã hội dành rất nhiều sự lưu tâm đến việc “làm từ thiện” – mà xuất phát điểm là chương trình 60 phút mở của đài Truyền hình VN với chủ đề “Làm từ thiện để làm gì?”. Thiết nghĩ, sau tất cả những “bề nổi” của sự kiện này – những cố gắng đi tìm “động cơ”, mục đích, nguyên nhân… của việc làm từ thiện, những bức xúc, đau lòng, những trận “ném đá” chát chúa…- sau tất cả, điều đọng lại đáng làm chúng ta suy nghĩ có lẽ chính là việc nhìn lại những chiều kích của con người, nhìn lại trách nhiệm liên đới của mỗi người đối với xã hội.

Từ thiệnNgười quan sát có thể nhận thấy hai thái độ rất rõ: một đàng là thái độ đặt ánh nhìn “lượng giá” con người, cân đo những lợi – hại, được – mất của cái gọi là “làm từ thiện”, bằng những lý lẽ sắc bén dựa trên những luận điểm được cho là rất xác đáng về kinh tế, chính trị, văn hoá… Đàng khác, là thái độ cố gắng diễn đạt những giá trị nhân văn của hoạt động này – thể hiện qua những ánh mắt xúc động, những lời nói nghẹn ngào, những thôi thúc mạnh mẽ, những đòi buộc, ray rứt của lương tâm khi nói đến người nghèo, đến bất bình đẳng xã hội…

Phải chăng, sở dĩ có cuộc “chạm trán” nảy lửa này là do đã từ lâu rồi – từ giáo dục cho đến truyền thông, và cả trong văn hoá ứng xử trong xã hội – chúng ta đã quên đi, hoặc rất hiếm khi nhìn lại, nói đến những chiều kích nội tại của con người? Con người thường đánh giá nhau – mà thực chất là lượng giá nhau – qua bằng cấp, chức vụ, tài sản, “đẳng cấp” tiêu tiền…, còn những chiều kích siêu việt, thẳm sâu khác chỉ được cảm nhận một cách mơ hồ dưới sự thúc giục của lương tri, chỉ vì những khái niệm về những chiều kích ấy đã bị giấu diếm hay đánh tráo, đánh cắp.

Trước hết, con người thời nay có xu hướng bị giản lược chỉ còn chiều kích xác thịt, và được cổ suý hưởng thụ. Người ta quên rằng con người là một thể thống nhất của thể xác – linh hồn, lương tâm – tình cảm, và lí trí – ý chí. Tất cả những chiều ấy phải được nhìn nhận và phát triển toàn diện – nếu không, sẽ tạo nên một con người thui chột, phiến diện. Và cũng chính vì những cách nhìn phiến diện, đứng trên những quan điểm khác nhau về con người, mới dẫn đến những cuộc “choảng” nhau như thầy bói xem voi là vậy!

từ thiện 3Thứ hai, con người là một thụ tạo độc đáo của Tạo Hoá, chỉ duy nhất con người mới có khả năng mở ra với siêu nhiên và đặt niềm tin vào Đấng vô hình. Trong mạch suy tư ấy và trong sự thôi thúc của lương tri, con người nghĩ về sự thiện, sự ác, về luật nhân quả, về trách nhiệm luân lý trước một cuộc phán xét của ngày sau hết… Tự hỏi, phải chăng đây là lý do xác đáng ẩn đằng cách nói đơn sơ của những người thành tâm thiện chí vì người nghèo – bất luận sự khác biệt niềm tin tôn giáo – rằng, phải làm từ thiện, phải lo cho người nghèo “để không ray rứt lương tâm”, “để lương tâm được thanh thản”?! Và chính vì lẽ đó, khi không đặt ánh nhìn dưới góc độ này, người ta sẽ không thể nào hiểu được “lương tâm thanh thản để làm gì”!

Thứ ba, nếu như mỗi loài vật đều được quy định những bản năng rất đặc trưng trong phương thức kiếm mồi, cư trú, tìm bạn tình…, để sinh tồn và duy trì nòi giống, thì con người, lại được Tạo Hoá ban cho một nét độc đáo khác là có ý chí tự do để chọn lựa giữa hành động và không hành động, mà không bị ràng buộc bởi bản năng. Trong ý nghĩa ấy, cộng với lao động và sự hướng dẫn của các nguyên tắc luân lý, con người tự bản chất có khả năng chọn lựa cho mình cách sống, cách diễn đạt yêu thương cũng như biểu lộ phẩm giá để khẳng định mình.

Thứ tư, phẩm giá nơi mỗi con người là bất khả chuyển nhượng, bất khả tước đoạt và tự bản chất là bình đẳng như nhau, bất kể giống nòi, sắc tộc, giai cấp, vùng miền… Không thể xem người giàu có phẩm giá cao hơn người nghèo, hay người thành thị có phẩm giá cao hơn người nông thôn, miền núi. Mọi người phải được quan tâm như nhau, được trao cho những cơ hội như nhau để phát triển. Không thể nhân danh bất cứ điều gì, dù là văn hoá, chính trị, hay chủ trương, chính sách nào đó, mà tước đoạt hay hạn chế những quyền căn bản của con người – trong đó có quyền được sống, quyền được có nhà ở, được đi học, được mưu cầu hạnh phúc… Thế thì có bình đẳng không khi còn biết bao con người đang còn đói khổ, rách rưới, thất học.., trong khi bao nhiêu người khác có tài sản kết xù, thừa mứa, hoang phí? Trách nhiệm ấy thuộc về ai? Lương tâm một con người nếu không còn biết rung cảm, thao thức trước người nghèo, trước những bất công xã hội, e rằng lương tâm ấy đang bị lệch lạc và đang xa rời ý nghĩa cao đẹp của một con người!

từ thiện 4Cuối cùng, nội tại trong con người đã mang bản tính xã hội. Nghĩa là con người là một chủ thể sống có tương quan, có tự do và có trách nhiệm với người khác và với cộng đồng xã hội. Chỉ khi nào đặt trong những tương quan ấy, con người mới có thể phát triển trọn vẹn, và mới có thể khám phá ra được chính mình. Mỗi cá nhân đều bị chi phối, bị lệ thuộc xã hội và “mắc nợ” xã hội theo nhiều nghĩa. Đó là lý do ta sao mỗi người cần phải liên đới trách nhiệm với xã hội. Nếu ai đó cho rằng chuyện xã hội không liên quan gì đến tôi, thì thiết nghĩ đó là cách suy nghĩ nông nỗi và ấu trĩ.

Trong xã hội Việt Nam ngày nay, trách nhiệm liên đới trong xã hội thường được đan xen trong những hoạt động từ thiện. Hai chữ “từ thiện” tạo cho người ta cảm giác ban phát ân huệ cho người khác, xem đó như là việc làm từ tâm, tuỳ hảo, thế nên ý nghĩa về trách nhiệm xã hội bị mờ nhạt. Trong khi đó, như Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II nói, liên đới không phải là một “cảm giác thông cảm mơ hồ hay đau buồn hời hợt trước những bất hạnh của nhiều người, gần gũi cũng như xa lạ. Ngược lại liên đới là có một quyết tâm vừa chắc chắn, vừa kiên định muốn dấn thân cho công ích. Tức là lo cho mọi người và mỗi người, vì tất cả chúng ta thật sự đều phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi người.”từ thiện 2

Đất nước, dân tộc chúng ta đang bị tan rã, rời rạc như một bó đũa bung dây, mặc tình cho những thế lực “gian trong, giặc ngoài” cấu kết nhau chia chác, bẻ gãy từng chiếc một. Tại sao? Bởi chúng ta không có tinh thần liên đới – một sự liên đới thật sự trên bình diện đạo đức và trách nhiệm. Chúng ta đang cùng chung một vận mệnh dân tộc, một mối nguy tổ quốc. Cho đến giờ phút này, mỗi người dân VN đều cảm nhận được sự nguy khốn của đất nước, một sự ác đang bao vây tứ bề, từ môi trường, thực phẩm, đến lao động, kinh tế… Nó không còn là sự an nguy riêng lẻ của một ai nhưng là của cả giống nòi, dân tộc – bất kể giàu nghèo, thành thị, nông thôn. Thế nhưng chúng ta vẫn rời rạc, vẫn co rút trong nhiều nỗi SỢ! Không dám lên tiếng, không dám mở miệng, không dám đưa tay ra nâng đỡ nhau, thậm chí không dám cầu nguyện lớn tiếng!

Cho dẫu bất cứ lý do gì, thì con người cũng phải được đặt lên hàng đầu, và phải là mối quan tâm ưu tiên trước khi suy tính thiệt hơn cho những yếu tố khác. Thiết nghĩ trách nhiệm ấy càng nặng nề hơn đối với những người có vai trò quan trọng và có tầm ảnh hưởng rộng trong xã hội – đặc biệt là những nhà lãnh đạo tinh thần, những chức sắc tôn giáo.

Tịnh Khê

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube