KINH HÒA BÌNH – XIN LÀM KHÍ CỤ BÌNH AN

Kinh Hoa Binh

Kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô Assisi đã được nhạc sĩ Kim Long phổ nhạc. Lời kinh này, tôi nghĩ có lẽ ai trong chúng ta cũng đã thuộc nằm lòng. Mỗi lần nghe hay mỗi lần hát “Kinh Hòa Bình”, tôi lại như nhận ra một tầng ý nghĩa mới.

Mở đầu là những lời cầu xin tha thiết mong Thiên Chúa là Cha từ nhân cho được làm “khí cụ bình an” trong khi phụng sự Chúa và tha nhân.

 “Lạy Chúa từ nhân,

Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”

Khí cụ bình an

 Dân số thế giới tăng quá nhanh, thành ra con người ai cũng ráng tranh giành để có được một cuộc sống dễ thở hơn. Những điều ấy khiến con người ta dù thích hay không cũng có thể mang đến cho nhau tổn thương, đau khổ nhiều hơn là niềm vui, sự bình an. Do đó, cần phải có ơn Chúa để chúng ta dẹp bỏ đi những toan tính, ganh đua, để đem bình an đến cho mình và cho người khác.

 Để mang được sự bình an này đến trong cuộc sống, cuộc hành trình mà người yêu Chúa phải đi qua cũng rất dài và chông gai. Hành lý chẳng có gì ngoài “yêu thương”, “thứ tha”, “an hòa”, “chân lý”, “tin kính”, “trông cậy”, “ánh sáng” và “niềm vui”. Tám món hành trang nhỏ chẳng đủ chất một tay nải, mà những nơi cần đến thì đầy dẫy đạn bom.

 Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,

Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục

Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,

Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,

Ðể con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.

 Đó có thể là đạn bom hữu hình, nghĩa là vũ khí hóa học, sinh học, những loại vũ khí đạn dược tối tân mà những người cầm quyền vì giành chiến thắng mà có thể không thương tiếc hy sinh mạng sống của bao nhiêu người vô tội. Đó cũng có thể là đạn bom sinh ra từ những lời nói làm tổn thương nhau, những hành vi cố ý gây hại đến tha nhân. Người ta có câu “Lưỡi không xương đủ đường lắt léo”, và nhiều khi, vết thương do lời nói gây ra còn nghiêm trọng và khó lành hơn bất kỳ loại vũ khí nào.

 Đó còn có thể là đạn bom nảy sinh trong chính tâm hồn mình. Người tín hữu nhỏ bé dễ sa ngã ơi, bao nhiêu lần bạn đứng trước thử thách giữa Chúa và những cám dỗ dịu ngọt của cuộc đời? Những lúc ấy, ắt hẳn trái tim bạn, lý trí của bạn, niềm tin của bạn đã phải giằng co rất quyết liệt. Có khi nào bạn cũng lạc vào mê cung, nhìn hoài nhìn mãi không thấy lối ra? Vậy bạn ơi, hãy cầu xin Chúa, cầu cùng Chúa cho bạn sức mạnh để bạn trờ thành “khí cụ bình an”. Trước hết là “khí cụ bình an” cho chính mình, sau đó khi lòng đã an nhiên, niềm tin đã mạnh mẽ, hành trang đã đủ đầy, hãy lên đường “gieo niềm tin yêu” cho khắp mọi người.

 Một khi được thần khí Chúa hướng dẫn, người yêu Chúa sẽ nhận ra chân lý của cuộc sống này. Những điều này nghe ra thật lạ lùng, nào là hãy an ủi, hiểu biết, yêu mến người khác, hơn là đòi người khác an ủi, hiểu biết, yêu mến mình. Điều này đi ngược lại với sự ích kỷ của con người, và cũng thật khó quá. Mấy ai lại có thể ngừng nghĩ cho bản thân trước đâu?

Khí cụ thứ tha

 Không chỉ thế, lời kinh còn nói tới một chân lý khác, lạ lùng hơn và khó thực hiện hơn nữa: hãy hiến thân và hãy tha thứ. Hãy chết đi chính con người mình, cho Chúa và cho tha nhân:

 “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,

Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,

Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”

 Ở đời, ta thường nghe chuyện bố mẹ quên mình để lo cho con cái. Hay là anh chị em một nhà hy sinh cho sự sống, cho hạnh phúc của nhau. Những điều này dễ lý giải vì chúng là hành động được chi phối bởi tình thân. Còn nếu ai đó bảo chúng ta hy sinh bản thân cho một người không quen biết, có lẽ chúng ta ngay lập tức từ chối và sẽ không thể nào thực hiện được. Vâng, chúng ta sẽ không thể làm được nếu không có Thần Linh Chúa soi sáng:

 Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,

Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

 Thử tưởng tượng cả thế giới này đều sống theo thánh ý Chúa thì sẽ tạo nên một vòng tròn bình an rộng lớn. Người này yêu mến người nọ, người nọ lại thứ tha người kia, và người kia sẽ hiến thân vì những người nào đó khác. Những người nào đó khác lại mang niềm vui, sự bình an đến cho những người khác nữa. Sự ấm áp lan tỏa đó sẽ làm cho thế giới tốt đẹp lên biết mấy.

 Tuy nhiên, thế giới rộng lớn quá, khó thay đổi bởi sức của một người, mà cần sự hiệp nhất của rất nhiều người. Để đạt được sự hiệp nhất này, mỗi người lại cần là một “khí cụ bình an của Chúa”. Do đó, ngay hôm nay hãy thay đổi bản thân mình. Ít ra đó là thứ chúng ta có thể làm được cho hòa bình thế giới.

Sương Mai An

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube