Kiếp nạn, nhân quả và nghiệp báo

Sự kiện Chùa Liên Trì bị san thành bình địa vừa gây kinh hoàng, vừa gây phẫn uất cho mọi người, nói riêng là các Phật tử.

Tất cả đồ thờ phượng, kinh kệ, mọi vật dụng trong chùa bị nhà cầm quyền cộng sản “cưỡng chế và áp giải” về Cát Lái, nơi chính quyền đã cho xây một dãy nhà ngang để “cưỡng bức” nhà Chùa nhận đền bù.

Phật cũng bị “cưỡng chế và áp giải” ra khỏi Chùa, hơn 500 bộ tro cốt của người thân mà các Phật tử gởi trước đó cũng cùng chung số phận.

Hoà Thượng trụ trì Thích Không Tánh và các sư thầy qua một đêm, bỗng trở thành những người phạm pháp, “vô sản”, phải lưu vong trên chính quê hương mình, “sống vô gia cư, chết vô địa táng”. 

Chùa Liên Trì đã có lịch sử trên 70 năm, nơi tịnh tâm cho bao người tìm về chánh pháp, theo giáo lý Đức Phật để vươn lên hành “sen” trong cõi ta bà, chứ Chùa đâu phải là nơi để “kinh doanh tâm linh”, Phật đâu phải là là thứ thần tài, lộc “rẻ tiền”, và tăng nhân đâu phải cứ cạo trọc đầu, miệng ê a kinh kệ mà lòng thì ứa tràn tham sân si, như cách mà nhà nước đang làm đối với Phật giáo là khuynh đảo và chi phối, thao túng và điều khiển Phật giáo, biến Phật giáo thành công cụ phục vụ đảng cầm quyền, phục vụ mưu đồ chính trị “giết Phật để thờ phật” để mê hoặc người dân theo chủ trương “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” và phương châm “Đạo pháp – Dân tộc –  Chủ nghĩa xã hội”. Phải chăng vì thế mà nhà cầm quyền cộng sản đã thực hiện đúng như những ẩn nghĩa trong kinh Niết bàn có chép về thời “mạt pháp” của Đạo Phật, khi trong các chùa chiền có cả “tà pháp và ngoại đạo”:

“Phật Pháp vị diệt, Tăng tự diệt.

Đạo đức ưng tu, nhân bất tu,

Lão thật chân thành chiêu vật cơ,

Hư ngụy giảo hoạt thọ bao ưu.

Cử thế ngũ trược thanh thậm tiễn.

Chúng sanh tam túy tỉnh vô thu,

Ân cần ký ngữ Tăng thanh bối,

Chấn hưng Phật Pháp tại Tỳ Kheo.”

Dịch nghĩa:

“Phật Pháp chưa diệt, Tăng tự diệt,

Đạo đức cần tu, chẳng ai tu,

Thành thật chân chánh, bị chế diễu,

Gian ngoa xảo trá, được tán dương.

Muốn đời Ngũ Trược nên tươi sáng,

Chúng sanh tỉnh hẳn ba lần mê,

Ân cần nhắn nhủ Tăng Ni trẻ:

Chấn Hưng Phật giáo cậy Tỳ Kheo”

Cũng không ít người đã tâm nguyện, dù khi sống có xa Phật, nhưng khi chết, xác thân phải nương nhờ Cửa Phật từ bi, và hồn được thoả khát khao tìm về Chân Thiện Mỹ, nay bỗng bị di dời vô căn cớ, bơ vơ vất vưởng, hơn thế, còn trở nên “vật” làm áp lực lên các Phật tử, ép buộc Nhà Chùa phải đổi chác, phải đồng ý di dời đến nơi ở khác, nghĩa là buộc phải đồng ý với hành vi vi phạm quyền con người, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tâm linh của nhà cầm quyền cộng sản.

Để nhận thức những hành vi thất đức, vô nhân đạo của nhà cầm quyền cộng sản đang gây ra cho Phật giáo, cho Chùa Liên Trì mới đây, cần biết về Kinh Phật nói về nghiệp báo:

“Muốn biết nhân quá khứ,
Hãy nhìn quả hiện tại.
Nhân gieo trong hiện tại,
Chính là quả tương lai.”

Phật còn nói: “Nhân quả như bóng theo hình, như vang theo tiếng, nếu gieo nhân lành sẽ gặt quả lành, còn gieo nhân ác sẽ lãnh quả ác”, như Đức Giêsu đã nói: “Xem quả thì biết cây. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Thế nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.” (Mt 7, 16-20)

Trong kinh nói: “Giả sử trong trăm ngàn kiếp việc đã làm không mất. Khi nhân duyên hội tụ quả báo phải tự mang”.

Báo là trả lại, là kết quả: trả ân, báo phục.

Nhân là hạt giống, phát triển thành cây, lại cưu mang hạt, theo cũ lập lại.

Quả là hậu quả từ ý nghĩ, đến lời nói, hành động.

Đức Phật nói: “Khởi nghĩ chính là nghiệp”, suy nghĩ tạo thành nghiệp của ý.  Nghiệp ví như cái nhân cái hột, qủa ví như mầm, cây, lá, hoa, trái. Tất cả những hành động từ thân, khẩu, ý đều tạo nghiệp; tuy nhiên, những hành động không thiện không ác không tạo nghiệp, và những hành động không tác ý, không có ý muốn cũng không tạo nghiệp.

Nghiệp báo nhân quả thuộc về tâm thức, tuy vô hình nhưng nó điều khiển cả vật chất lẫn tinh thần; nghiệp quả trong phạm vi vật chất như giàu nghèo, thọ yểu… và trong phạm vi tinh thần như vui sướng, buồn khổ…

Một nghiệp tốt hay xấu mang lại kết quả tốt hay xấu, có thể ở kiếp hiện tại hay ở kiếp tương lai. Muốn thoát khỏi luân hồi, phải thoát khỏi nghiệp báo nhân quả. Muốn thoát khỏi nghiệp quả, phải từ bỏ nghiệp xấu, muốn từ bỏ nghiệp xấu phải trừ hết ái dục, ái dục là vi tế ngủ ngầm của tham sân si, tức là sạch hết “vô minh”, sạch hết vô minh tức được giải thoát.

Theo quan điểm Phật giáo, người đời trước do si mê không biết rõ thế nào là thiện, ác, thế nào là tội, phước, thế nào là tà, chánh nên kiếp hiện tại phải đọa làm súc sinh. Sự chuyển hóa vào loài súc sinh do hai kiểu gồm do sự tiến hóa lần lần theo nấc thang của vạn vật và kiểu thứ hai là bị đày vì tội nghiệt, quả báo nặng để đền bù. Trong xã hội câu mắng “đồ súc sinh, bọn súc sinh” được xem là một câu nguyền rủa rất nặng, súc sinh là thứ tệ nhất trong muôn loài vật còn tệ hơn cả con vật.

Vậy phải nói gì với vụ cưỡng chế Chúa Liên Trì của nhà cầm quyền cộng sản?

Hãy cứ để cho mỗi người nhận thức và phê phán, đánh giá và lên án theo lương tri của mình. Việc san bằng Chúa Liên Trì, đến mức “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào” của nhà cầm quyền là kiếp nạn cho Phật giáo muốn độc lập trước những ham muốn thôn tính, điều khiển của các thể chế chính trị, là “cái tát” thức tỉnh cho những người còn mê ngủ hoặc đang bị, đang tự mê hoặc mình rằng, chuyện của anh không phải chuyện của tôi. Vì chuyện của Chùa Liên trì hôm nay sẽ là chuyện của những chùa chiền, thánh thất, nhà thờ khác ngày mai.

“Đoá sen Liên Trì” đã bị vùi dập, ngay cả chỗ xưa cũng không còn dấu tích, nhưng một “hạt nhân” đã gieo xuống, sẽ trở nên “quả” ngày mai, đem theo hoạ phước cho những kẻ “tạo nghiệp”, tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào việc xoá sạch mọi dấu vết của nó. Đó là sự công minh và công bằng, là nghiệp báo và nhân quả.

Sai lầm lớn nhất của nhà cầm quyền cộng sản là toan tính thay thế niềm tin tôn giáo của người dân vào niềm tin tuyệt đối vào lý thuyết cộng sản; thay thế những giá trị tinh thần bằng những giá trị vật chất, thay thế Chúa -Phật, những Đấng linh thiêng bằng những con người có sống, có chết mà thân xác còn nằm đó, giữa chúng ta.

Lợi dụng tôn giáo cho những mục đích chính trị, nói khác là chính trị hoá tôn giáo là việc muôn thuở của các thể chế trần gian; ham muốn thay thế tôn giáo với những giá trị tinh thần, bằng những cơ cấu vật chất luôn là ảo vọng và cũng thật hoang tưởng cho những kẻ thần thánh hoá chính mình.

Đúng hơn là cần tôn trọng tôn giáo và những giá trị tôn giáo đem lại cho con người, cho xã hội. Sự hợp tác với các tôn giáo như đã từng được minh định trong lịch sử trong việc tổ chức và điều hành xã hội, luôn đem lại những lợi ích cho các chính thể muốn phục vụ con người, thăng tiến con người, muốn tồn tại với con người.

Trong mỗi người đều có “tôn giáo tính”, đều gắn bó với một tôn giáo mà người ấy khâm sùng thành tín. Không thể “cào bằng” các tôn giáo hoặc tạo ra một tôn giáo “bao trùm” chung và thay thế cho mọi tôn giáo. Vì tôn giáo là chân lý, là sự thật, là lý tưởng chứ không phải phương tiện, được thử thách và được chứng nghiệm qua những thăng trầm của thời gian, của lịch sử. Không chấp nhận điều này hoặc có “mưu đồ thao túng” tôn giáo, thì chỉ tiêu diệt con người, như đang thấy những gì xảy ra cho các tôn giáo tại Việt Nam, cụ thể là với việc san bằng Chùa Liên Trì.

Huỷ diệt tôn giáo, muốn thay thế các tôn giáo bằng thứ tôn giáo mới,phải chứng tỏ “thứ tôn giáo” ấy thánh thiện hơn, tốt hơn, đúng hơn, cần thiết hơn cho đời sống tinh thần và vật chất của con người, chứ không thể dùng bạo lực “cưỡng chế, san phẳng”. Huỷ diệt các tôn giáo theo cách thức ấy chẳng khác gì tự đập vào xương sống mình và người khác những đòn chí tử, cũng như tự bêu nhuốc mình và thứ “tôn giáo” của mình chỉ là thứ “rác rưởi” cho con người, “kinh tởm” cho nhân loại.

Đức Dalai Lama, lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây tạng và cũng là nạn nhân của nhà cầm quyền cộng sản Trung quốc đã nói với tất cả kinh nghiệm xương máu của mình: “Cộng Sản sinh ra từ đói nghèo và ngu dốt, lớn lên bằng dối trá và bạo lực, chết đi trong sự khinh bỉ và nguyền rủa của toàn thể nhân loại”.

Phải chăng đó chính là “nhân quả và nghiệp báo” cho những hành vi bách hại tôn giáo, mà Chúa Liên Trì vừa trải qua “kiếp nạn”?

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube