Không hiểu ý nghĩa của "Lao động" hay nói ngang "Lý cán cuốc"?

lao dong - pham gia

***

“Thất nghiệp không cao”, “thiệt hại vừa phải” là phát biểu gây sốc của bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục việc làm (Bộ LĐ-TB-XH ) tại hội nghị báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do “sự cố” môi trường và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản do Bộ NN-PTNT tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên-Huế sáng 27.8, để xây dựng đề án “Xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường”. Phát biểu của bà Vân lập tức bị dư luận “ném đá” dữ dội vì sự “vô cảm trước nỗi thống khổ và bần cùng của dân”, và “đẩy thêm bĩ cực vào dân bằng sự tô hồng lạc quan”… 

Sáng 1/9, khi trao đổi với phóng viên motthegioi.vn, bà Nguyễn Thị Hải Vân tái xác nhận, dù ngư dân mất biển, phải đi làm thợ nề, khuân vác với đồng lương kém cỏi, thì vẫn xem là họ “có việc làm” chứ không thể xem là “thất nghiệp” được. Vì theo bà Vân: ” Thất nghiệp là gì? Thất nghiệp phải là người không có việc làm. Trong Bộ luật Lao động, việc làm là gì, việc làm là tất cả những công việc mà pháp luật không ngăn cấm tạo ra thu nhập thì là có việc làm.”

Câu nói của bà Vân không sai, nhưng nó có cái gì đó bất ổn, phiến diện, hồ đồ, tạo sự ấm ức, không thoả mãn trong lòng người nghe. Sự bất ổn, hồ đồ ấy xuất phát từ đâu? 

Lao động có tính nhân văn

Lao động là một đặc trưng riêng có của con người, bởi chỉ có con người mới có khả năng sử dụng ý chí tự do trong lao động để diễn tả trí tuệ, sự sáng tạo, bản ngã cũng như tình yêu. Chỉ có con người mới có khả năng chế tạo dụng cụ lao động và sản xuất đồ tiêu dùng để giải quyết những nhu cầu của mình. Thông qua lao động, con người thu tích kinh nghiệm sống, được lớn lên, được phát triển và trưởng thành về nhân cách. Chính vì thế lao động đem lại phẩm giá cho con người. 

Lao động cũng là một quyền cơ bản của con người: quyền được có công ăn việc làm để mưu cầu hạnh phúc. Đó không phải là bất cứ công việc gì, nhưng là những công việc xứng hợp với phẩm giá, giúp người lao động sống thăng tiến toàn diện về cả nhu cầu thân xác cũng như tinh thần, tâm linh, cho chính bản thân mình và cho những người thân trong gia đình. Đó cũng là quyền cơ bản của người lao động. 

Người lao động phải được tạo cơ hội để làm việc xứng đáng và phải được quan tâm đến mọi khía cạnh đời sống, để họ được phát triển toàn diện như là một CON NGƯỜI, có những quyền cơ bản của con người mà Hiến chương Liên Hiệp Quốc đã xây dựng và Việt Nam đã đặt bút ký kết. 

Bà không biết, hay bà vờ vĩnh?

Cách lập luận của bà Cục trưởng Cục việc làm gây phẫn nộ, bởi lẽ dường như bà bỏ qua yếu tố nhìn những người dân Miền Trung như một CON NGƯỜI thật sự, một con người có phẩm giá cần được tôn trọng, có nhu cầu vật chất, tinh thần, có con cái cần được ăn học đầy đủ mà không phải tự tử vì không có bộ quần áo mới. Và dường như bà cũng chẳng biết gì – hoặc chí ít là chẳng nghe bà nói gì – đến tính nhân văn của Lao Động, dù bà là Cục Trưởng Cục Việc làm của một quốc gia! Bởi bà không hề phân biệt đâu là kiểu lao động làm thăng tiến phẩm giá con người, và đâu là thứ lao động làm bần cùng hoá con người. Và bà cũng chẳng hề quan tâm đến quyền được có cơ hội làm việc một cách xứng hợp của người dân, cũng như những quyền cơ bản của người lao động! Bà đánh đồng nền ngư nghiệp đem lại sự phồn thịnh cho địa phương và cho cả quốc gia bao đời nay, về cả kinh tế lẫn văn hoá, ngang bằng với những việc tạm bợ lê lết của ngư dân trong cơn khốn quẫn như khuân vác, thợ nề, bằng một từ ngữ chung chung là “có việc làm”, “không thất nghiệp”!

Bà không biết, hay bà biết tất cả nhưng vờ ngô nghê bài “lý cán cuốc” trước mặt nhân dân? Hay không phải là bà, mà là cả một “mạng chân rết” phía sau đang mưu đồ đen tối trong cái gọi là xây dựng đề án “Xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường”? Trước hết cần phải lưu ý: Chuyện xảy ra vừa qua là “thảm hoạ”, không chỉ là “sự cố”! Như bà muốn giảm đi mức độ thực sự trầm trọng của nó. Kế đến, người dân vẫn phải ăn gạo mốc sống qua ngày từ cái gọi là “hỗ trợ khắc phục hậu quả”, nhắm mắt nuốt cá nhiễm độc ngoài biển vì chẳng còn gì để ăn. Tiền bồi thường vẫn lượn vờn đâu đó, và Formosa vẫn ngang nhiên xả thải ra biển, xả độc lên trời! Các hội nghị, họp hành vẫn liên tục được tổ chức với những báo cáo rất lạc quan, hồ hởi: biển đã “tự làm sạch”, “đạt chuẩn an toàn”, “thất nghiệp không cao”, “thiệt hại vừa phải”…! 

Nhà chức trách đang quyết liệt bảo vệ ai? Người dân sẽ vẫn tin và bị lừa mị thêm nữa? Những cuộc đại biểu tình ngùn ngụt phẫn uất của dân chúng tại Miền Trung mấy ngày gần đây có làm những kẻ bán nước hại dân giật mình trong cơn say quyền – tiền? 

Tịnh Khê

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube