Khiêm hạ đón nhận mạc khải của Thiên Chúa

Theo Lc, người môn đệ Đức Giêsu luôn khiêm hạ đón nhận mạc khải của Thiên Chúa

20170206 khiem haSự khôn ngoan mà các các môn đệ nhận được, trước hết chính là ân huệ của Thiên Chúa tỏ bày cho các ông. Đó là điều người môn đệ luôn phải ý thức. Sự khôn ngoan này chi phối mọi tâm tư, tình cảm, ước muốn và hoạt động của các ông. Sự khôn ngoan này là sự khôn ngoan được mạc khải cho những kẻ bé mọn, không phải cho những người thông thái theo kiểu thế gian (x. Lc 10,21). Những kẻ thông thái này chỉ ọHcậy dựa vào sức riêng, tài năng, để giải quyết mọi vấn đề, kể cả ơn cứu độ.

Trong khung cảnh Tin Mừng Luca, các môn đệ được chính Thiên Chúa tỏ bày cho biết những điều thuộc về sự khôn ngoan của Thiên Chúa: bản chất của Nước Thiên Chúa (x. Lc 6,20; 8,10; 9,27), sự hiệp nhất của các môn đệ với Đức Giêsu trong trong sứ mạng của Người (x. Lc 10,23-24) và mối tương quan của Đức Giêsu với Thiên Chúa (x. Lc 10,22). Sự khôn ngoan Đức Giêsu mạc khải cho các môn đệ được đặt trong khung cảnh Người lắng nghe 72 môn đệ tường thuật lại những “thành quả” các ông đạt được khi thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng (x. Lc 10,17-20).

Sự khôn ngoan còn chỉ về chính Thiên Chúa và ý định cứu độ của Ngài (x. Lc 7,35). Ơn cứu độ này vừa là một ân huệ, vừa là một thực tại, vừa là một dấu chứng và là một sức sống nội tại, làm biến đổi, hoán cải cuộc sống con người (x. Lc 10,17).

Đức Giêsu đến trong thế gian là làm theo ý muốn của Thiên Chúa (x. Lc 22,42). Được cứu độ chính là việc đón nhận thực tại Nước Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, được hiệp nhất và nên một với Người, như Người hằng ở trong Cha (x. Ga 17,21.23).

Trong Tin Mừng Luca, người môn đệ sống ơn được nhận biết sự khôn ngoan của Thiên Chúa, trong một thái độ khiêm nhường. Đó là một hành vi luân lý, nhưng hơn hẳn hành vi luân lý! Trong tận thâm sâu của ý thức, người môn đệ xác quyết một điều: mọi sự xảy ra trong cuộc đời mình, đều là hồng ân. Đó là cảm thức đức tin, cảm thức “thuộc về” Thiên Chúa. Sự khôn ngoan của người môn đệ là sự hoàn toàn “lệ thuộc” vào Thiên Chúa (x. Lc 1,48-50). Nhờ sự “khôn ngoan thuộc về” ấy, họ khám phá và hiểu Thiên Chúa trước hết là do bởi Người.

Các môn đệ sống sự khiêm nhường bé mọn, là dấu chứng tích cực cho thấy sự khôn ngoan của Thiên Chúa vẫn đang hiện diện, hoạt động bênh vực kẻ nghèo hèn, nâng cao người phận nhỏ, diệt trừ hạng kiêu căng (x. Lc 1,51-53).

Sống khiêm nhường là sống và tìm kiếm điều khẩn thiết mà Đức Giêsu đòi hỏi: tìm kiếm Nước Thiên Chúa (x. Lc 12,31) và đón nhận Nước ấy với một tâm hồn trẻ thơ (x. Lc 18,17), khiêm hạ trong cầu nguyện (x. Lc 18,13-14), trở nên người phục vụ (x. Lc 12,37b; 22,26-27) và “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).

Micaen Gia Lâm, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube